Đọc hiểu Bài ca ngất ngưởng

I - Gợi dẫn 1. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình nền nếp gia phong. Mặc dù có tài nhưng Nguyễn Công Trứ theo đuổi nghiệp khoa cử đến năm 42 tuổi mới đỗ đạt.


I - Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Nguyễn Công Trứ làm quan cho nhà Nguyễn, nhưng tính tình phóng khoáng, thích tự do nên cuộc đời quan trường khá lận đận. Nguyễn Công Trứ là nhà nho yêu nước thương dân. Ông để lại khoảng 50 bài thơ, hơn 60 bài ca trù và một bài phú nổi tiếng Hàn nho phong vị phú. Các sáng tác của ông chủ yếu viết bằng chữ Nôm.

2. Bài ca ngất ngưởng thuộc thể hát nói, được sáng tác sau 1848, khi ông đã cáo quan về hưu và sống cuộc đời tự do nhàn tản. Bài thơ thể hiện rất rõ thái độ sống của Nguyễn Công Trứ giai đoạn cuối đời, sau những trải nghiệm đắng cay của cuộc sống quan trường. Bài thơ là sự ý thức rất rõ tài năng và nhân cách sống của một nhà nho có tài, có nhân cách.

3. Khi đọc chú ý nhấn giọng từ ngất ngưởng ở những vị trí khác nhau, chú ý cách ngắt nhịp, âm điệu các câu thơ, xen kẽ giữa nhịp dồn với câu dài : 3/3/4 (câu 3), 3/3 (câu 5)…, 5 câu thơ cuối (2/2/2, 2/2/3…).

II - Kiến thức cơ bản

1. Bài ca ngất ngưởng được làm theo thể hát nói – một thể thơ bác học phát triển mạnh đầu thế kỉ XIX do các tác gia người Việt sáng tạo trong môi trường văn hoá song ngữ Hán Nôm thời trung đại, đó là thể thơ “nửa hát, nửa nói, có tính chất kể chuyện”. Nhiều nhà nho, nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng lúc đó, dường như đều gửi gắm tâm sự của mình trong hát nói. Nhờ đó thể loại này nhanh chóng chiếm được vị trí độc tôn và trở thành một khuynh hướng văn học của thời đại.

   Có thể nói, so với các bài thơ Đường luật gò bó, hát nói phóng khoáng hơn nhiều. Hát nói có quy định về số câu, về cách chia khổ nhưng nhìn chung người viết hoàn toàn có thể phá cách toàn bộ điều này để tạo nên một tác phẩm tự do về số câu, số chữ, về cách gieo vần, nhịp điệu,… Sự phóng khoáng của thể thơ đặc biệt thích hợp với việc chuyển tải những quan niệm nhân sinh mới mẻ của tầng lớp nhà nho tài tử khao khát khẳng định mình, sống theo mình, coi thường những ràng buộc chật chội của lễ nghi, của cuộc đời trần thế mà Nguyễn Công Trứ là một đại biểu ưu tú nhất.

   Bài thơ thuộc loại hát nói dôi khổ gồm 19 câu, gieo vần theo một bài hát nói điển hình. Câu đầu tiên gieo vần chân, thanh trắc, câu 2, 3 gieo vần lưng, thanh bằng, các cặp câu cứ như thế luân phiên đến hết bài. Trong bài có xen kẽ những câu thơ chữ Hán và số lượng từ trong các câu không cố định. Điều đó làm nên giọng điệu đặc trưng của bài hát nói, thể hiện được tâm trạng và tình cảm của nhân vật trữ tình.

2. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng các từ, cụm từ mang tính chất tự xưng, đó là : Ông Hi Văn, tay ngất ngưởng, ông ngất ngưởng, phường Hàn, Phú. Những cách tự xưng này đã góp phần thể hiện cái ngất ngưởng, thái độ tự tôn, sự ngông ngạo của Nguyễn Công Trứ, làm nổi bật hình ảnh cái tôi cá nhân cao ngạo của tác giả.

3. Ngất ngưởng là một từ láy tượng hình vốn được dùng chỉ sự vật ở độ cao chênh vênh, bất ổn định. ở bài thơ này, từ ngất ngưởng được dùng với nghĩa chỉ sự khác thường, vượt lên thói thường, coi thường dư luận. Ngoài nhan đề, từ ngất ngưởng được nhắc đi nhắc lại 4 lần ở cuối các khổ thơ trở thành một biểu tượng cho một phong cách sống, thái độ sống vượt thế tục, một lối chơi ngông thách thức xung quanh trên cơ sở nhận thức rõ tài năng và nhân cách cá nhân.

4. Sau khi cởi mũ, cáo quan ra khỏi cuộc sống bó buộc chốn quan trường bon chen, Nguyễn Công Trứ có những hành vi kì quặc, lập dị đến ngất ngưởng. Người ta cưỡi ngựa đi giao du thiên hạ thì ông cưỡi bò, lại còn đeo cho một cái đạc ngựa khiến cả chủ lẫn tớ đều ngất ngưởng. Đi thăm thú cảnh chùa mà vẫn đeo kiếm cung bên người và mang theo “một đôi dì”. Rõ ràng trong bộ dạng từ bi, Nguyễn Công Trứ vẫn vương đầy nợ trần, vẫn đèo bòng đằng sau mấy bóng giai nhân. Cốt cách của một khách tài tử, văn nhân chính là ở đó… Đó là lối sống phá cách của một con người thích làm những chuyện trái khoáy ngược đời để ngạo đời, thể hiện thái độ và khát vọng  sống tự do tự tại. Không bận tâm đến những lời khen chê, những chuyện được mất. Đó là một quan niệm sống, triết lí sống phóng khoáng tự do, thoát khỏi vòng danh lợi tầm thường. Coi sự được mất là lẽ thường tình, ông đã ra khỏi vòng danh lợi để sống thảnh thơi, tự do, tự tại để hưởng mọi lạc thú, cầm, kì, thi, tửu, giai nhân giữa cuộc đời trần thế một cách thoả thích.

   Nhà thơ đã vận dụng nghệ thuật tương phản, đặt những cái đối lập nhau để thể hiện thái độ ngất ngưởng của mình.

5. Nhân vật trữ tình xuất hiện trong tác phẩm là một con người có cá tính ngông, một con người đầy tự tin, yêu thích cuộc sống tự do tự tại, coi thường danh lợi. Con người ấy tự tin vào tài năng và tin tưởng vào quan điểm sống của mình nên đã rất bản lĩnh vượt lên trên thói thường cuộc đời để sống và làm điều mình thích. Nhưng dù ngất ngưởng, ngông ngạo đến đâu, ông vẫn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với cuộc đời. Vì thế, sau những phút giây cao hứng, thả mình phóng túng cùng trời đất tự do, ông vẫn không quên tự nhắc : “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”. Tư tưởng ấy không hề mâu thuẫn với cái ngông ngạo, ngất ngưởng của ông. Trên thực tế, Nguyễn Công Trứ là một nhà nho có trách nhiệm với đất nước. Tuy cuộc sống quan trường gặp nhiều lận đận nhưng ông vẫn luôn một lòng trung thành với triều đình. Dù ham cuộc sống tự do phóng túng nhưng ông vẫn nhiệt tình thực hiện trách nhiệm quân thần.

6. Cá tính sáng tạo của Nguyễn Công Trứ được thể hiện ở chỗ nhà thơ sử dụng khá nhiều khẩu ngữ trong bài thơ. Điều này tạo nên tính chất sống động, gần gũi, hóm hỉnh cho thể hát nói. Các từ ngữ mang tính chất khẩu ngữ: ông, tay, vào lồng, một đôi dì, nực cười, phường, kìa núi nọ phau phau mây trắng, nên dạng, chẳng… cũng… cũng góp phần khắc hoạ rõ nét tâm hòn tự do, khoáng đạt và thái độ tự tin của tác giả.

III - Liên hệ

1. Trong một bài thơ khác, Nguyễn Công Trứ viết về “Chí nam nhi”:

   Thông minh nhất nam tử.

   Yếu vi thiên hạ kì.

   Trót sinh ra thời phải có chi chi,

   Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.

   Đố k sá chi con tạo,

   Nợ tang bồng quyết trả cho xong.

   Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung,

   Làm cho rõ tu mi nam tử.

   Trong vũ trụ đã đành phận sự,

   Phải có danh gì với núi sông.

   Đi không chẳng lẽ về không !

2. Khi “Thăm nhà thờ Nguyễn Công Trứ”, nhà thơ Hồng Nhu tâm sự :

   Giật mình gặp một ánh nhìn,

   Trẻ xanh như lá nổi chìm như mây.

    Nguyễn công ôi Nguyễn công đây,

    Mắt cười cợt ngắm tháng ngày đi qua.

    Gió mưa một cõi giang hà,

    Lên voi xuống chó vào ra sự đời.

    Tướng thì tướng thật cũng oai,

    Lính thì lính cũng là nòi trời ơi.

    Khi vui thì chạy làm người,

    Khi buồn thì đứng giữa trời làm thông !…

    Một vùng Uy Viễn Tướng công,

    Bàn thờ nghi ngút bóng bồng khói hương.

   Thuỳ dương dừng lại bên đường,

   Sững sờ hạ cháy đỏ tường vông vang.

    Nhấp nhô điệu ví gái làng,

   Ngực như nón úp hai hàng đò đưa.

   Ước gì trở lại ngày xưa,

   Nguyễn công rũ áo thơ vừa vút lên.

   Tôi nay xin được theo liền,

   Hát rằng “tứ thập niên tiền…” mà chơi…



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến