Cảm nhận Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.

Bài thơ bộc lộ quan niệm sống của Nguyễn Công Trứ, ta thấy được tài năng cá nhân và bản lĩnh cá nhân ông trong cuộc sống đầy biến động của thời đại ông.


Dàn ý

1. Cảm hứng chủ đạo

   Biểu hiện tập trung qua từ “ngất ngưởng” và từ này xuất hiện 4 lần cùng với tựa đề, Nguyễn Công Trứ thể hiện về mình trong tư thế, thái độ sống và tinh thần của một người vươn lên trên thế tục, sống khác đời, sống giữa mọi người mà dường như không nhìn thấy ai, đi giữa cuộc đời mà dường như chỉ thấy có mình. Tuy nhiên, đây không phải là mặc cảm cô đơn kiểu Khuất Nguyên mà là một thách thức, đối lập.

   Điều đó thể hiện sự khác đời của Nguyễn Công Trứ, đồng thời cũng tự khẳng định tài năng, ý thức về phẩm chất và biểu hiện về cái “Tôi” của mình.

2. Những lời tự thuật

a. Tài năng, danh vị

- Câu thơ đầu bằng chữ Hán có nội dung thể hiện quan niệm sống quan trọng của kẻ sĩ khoa bảng. Đó là quan niệm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đó cũng chính là khẳng định bản lĩnh và tài năng của Nguyễn Công Trứ.

- Câu 2 đến câu 6, Nguyễn Công Trứ đã liệt kê những danh vị “Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông”; nêu những quá trình phục vụ triều đình “Lúc bình Tây” khi “Phủ doãn Thừa Thiên" và đặc biệt là năng lực của một người có tài năng “thao lược". Tất cả điều ấy đã làm nên một Nguyễn Công Trứ “ngất ngưởng’’ khi đang tại vị. Có điều, là một tài năng xuất chúng, danh cao tót vời nhưng danh đối với ông chỉ là cái “lồng”, nó giam hãm con người mà thôi.

   Điều đó thể hiện một Nguyễn Công Trứ thật sự không ham hư danh mà ngược lại, ông đã biểu hiện là một con người sống có trách nhiệm với quốc gia.

   Bằng nghệ thuật liệt kê, sử dụng điệp từ kết hợp âm điệu nhịp nhàng đã thể hiện một phong thái “ngất ngưởng’' rất riêng của Nguyễn Công Trứ.

b. Khi về hưu

- Hình ảnh nhà thơ xuất hiện qua những chi tiết “Đạc ngựa, bò vàng..”; “tay kiếm cung”, “dạng từ bi”, “đủng đỉnh một đôi dì’’ cho đến “khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng” và đặc biệt là thái độ trước sự khen chê, được mất. Nhà thơ dám sống như vậy bởi ông đã được giải thoát khỏi những ràng buộc thông thường, những thế lực tinh thần vẫn ngự trị xưa nay: sự được mất trong cuộc sống và sự đánh giá của công luận.

- Cái hư tâm của Phật, cái vô vị của Lão Trang đã được nhà thơ cụ thể hóa bằng những hiện thực, những tồn tại cụ thể... đã cho ta thấy, một bản lĩnh cứng cỏi, một cách sống không màng đến thế sự. Tuy vậy, Nguyễn Công Trứ vẫn là một con người thủy chung như một trong đạo lý "vua - tôi”, trong sứ mạng của một con người dùng tài năng bản lĩnh của mình để phục vụ quốc gia.

   Tóm lại, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng biểu hiện đầy đủ phẩm chất một con người của xã hội. Cho nên có thể nói rằng cái điều khác người của Nguyễn Công Trứ xem ra lại là rất người.

c. Câu kết

- Nhà thơ đúc kết bài thơ bằng sự khẳng định trong tư thế hiên ngang, trong phong cách khác đời, hoàn toàn đối lập.

3. Nghệ thuật

+ Hình tượng nghệ thuật biểu hiện khuynh hướng khát vọng tự do: thái độ khinh thế ngạo vật bộc lộ công khai.

+ Đặc điểm phong cách ngôn ngữ đời sống hằng ngày.

+ Hình tượng có ý vị trào phúng nhưng đằng sau nụ cười kia hàm chứa một quan niệm nhân sinh mang màu sắc hiện đại, bởi vì nó khẳng định một cá tính không theo con đường sáo mòn...

+ Bài thơ tự thuật đã nâng lên tầm triết lý sống.

4. Kết luận

   Bài thơ bộc lộ quan niệm sống của Nguyễn Công Trứ, qua đó ta thấy được tài năng cá nhân và bản lĩnh cá nhân ông trong cuộc sống đầy biến động của thời đại ông. Nhà thơ cũng nhấn mạnh bản lĩnh và giá trị nhân phẩm của các kẻ sĩ tài hoa, luôn ý thức được mình.

   Có thể nói qua bài thơ này, nhà thơ đã khái quát về một thân thế trải qua những vinh quang lớn nhất và những quãng đời bình dị thông thường nhất, đã khẳng định những nét bản chất nhất trong tính cách của một danh sĩ nửa đầu thế kỉ XIX. 


Bài mẫu

       Nguyễn Công Trứ - một danh nhân văn hoá văn võ toàn tài, là nhà thơ lỗi lạc của nước ta trong thế kỉ XIX. Ông còn để lại trên 60 bài hát nói, khoảng 50 bài thơ Nôm. Bài “Hàn nho phong vị phú bài thơ “Đi thi tự vịnh”, bài hát nói “Bài ca ngất ngưởng”… là những áng văn thơ tuyệt bút của ông để lại cho đời.

       “Bài ca ngất ngưởng” được Nguyễn Công Trứ viết trong thời gian 10 năm cuối đời (1848 – 1859) khi ông về trí sĩ ở cố hương. Bài thơ thể hiện một phong cách sống đẹp của ông thi nhân tài tử.

       "Ngất ngưởng": Không vững ở chỗ cheo leo dễ đổ, dễ rơi (Từ điển tiếng Việt). Ở bài thơ này, nên hiểu là một con người khác đời, một cách sống khác đời và bất chấp mọi người.

       Khổ đầu, câu 1, 2 đối lập giữa phận sự mang tầm vóc vũ trụ lớn lao với cảnh ngộ đã vào lồng rất chật hẹp tù túng. Thế mà ông Hi Văn đây – tự xưng rất đỗi kiêu hãnh tự hào – vẫn thi thố được tài năng, học giỏi, thi Hương đỗ giải nguyên (thủ khoa) làm quan võ là Tham tán, làm quan văn là Tổng đốc Đông. Là một con người có tài thao lược nên ta (ông Hi Văn) đã nên tay ngất ngưởng, một con người khác đời, khác thiên hạ, và bất chấp mọi người. Câu 3, 4 với cách ngắt nhịp (3-3-4-3-3-2) đã tạo nên một giọng điệu hào hùng:

                                   “Khi Thủ khoa! khi Tham tán khi Tổng đốc Đông,

                                   Gồm thao lược! đã nên tay! ngất ngưởng”.

       Khổ giữa: Tác giả khẳng định mình là một con người có tài kinh bang tế thế, lúc loạn thì giúp nước “bình Tây cờ đại tướng”, lúc bình thì giúp vua làm “Phủ doãn Thừa Thiên”. Đó là việc đã qua, còn nay đã về trí sĩ, nên ta sống ngất ngưởng bất chấp mọi người:

                                   “Đô môn giải tổ chi niên,

                                   Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”.

Nay đã trả áo mũ cho triều đình, ta về quê không cưỡi ngựa mà là cưỡi bò vàng; con bò vàng của ta cũng đeo đạc ngựa, đó là một sự ngất ngưởng, rất khác người!

       Khổ đôi (hai khổ 3, 4) nói lên một cách sống ngất ngưởng. Xưa là một danh tướng (tay kiếm cung) thế mà nay rất từ bi hiền lành, bình dị. Đi vãn cảnh chùa chiền, đi thăm cảnh đẹp (Rú Nài): “Kìa núi nọ phau phau mây trắng”, ông đã mang theo “một đôi dì” (một hai nàng hầu). Và do đó “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Bụt cười hay thiên hạ cười, hay ông Hi Văn tự cười mình? Chuyện “được, mất” là lẽ đời như tích “thất mã tái ông” mà thôi, chẳng bận tâm làm gì! Chuyện “khen, chê” của thiên hạ, xin bỏ ngoài tai như ngọn gió đông (xuân) thổi phơi phới qua: “khen chê phơi phới ngọn đông phong”.

       Không quan tâm đến chuyện được mất, bỏ ngoài tai mọi lời khen, chê thị phi, ông đã sống những tháng ngày thảnh thơi, vui thú. Tuy ngất ngưởng mà vẫn trong sạch, thanh cao. Cách ngắt nhịp 2/2, nghệ thuật hoà thanh (bằng trắc) lối nhấn, lỗi diễn tả trùng điệp đã tạo nên câu thơ giàu tính nhạc, biểu lộ một phong thái ung dung, yêu đời, ham sống, chẳng vướng chút bụi trần:

                                   “Khi ca ! khi tửu ! khi cấc ! khi tùng,

                                   Không Phật ! không Tiên !không vướng tục”

       Khổ xếp, Nguyên Công Trứ tự hào khẳng định mình là một danh thẩn thuỷ chung trong đạo “vua tôi” chẳng kém gì những Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kỳ, Phú Bật – những anh tài đời Hán, đời Tống bên Trung Quốc. Rồi ông đĩnh đạc tự xếp vị thế của mình trong lịch sử:

                                   “Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phườtig Hàn, Phủ,

                                   Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.

                                   Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”.

Hai so sánh xa gần, ngoại, nội (Bắc sử và trong triều Nguyễn), tác giả đã kết thúc bài hát nói bằng một tiếng “ông” vang lên đĩnh đạc hào hùng.

       Tóm lại, với Nguyễn Công Trứ, phải có thực tài, phải có thực danh, phải “vẹn đạo vua tôi” thì mới trở thành “tay ngất ngưởng”, “ông ngất ngưởng” được. Và cách sống ngất ngưởng của ông thể hiện chất tài hoa, tài tử, không ô trọc, “không vướng tục” cũng không thoát li.

Nguồn: Sưu tầm



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến