Đề thi Tiếng Việt giữa kì 1 lớp 4
Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2022 - 2023 có đáp án và biểu điểm chi tiết kèm theo là tài liệu tham khảo cho các thầy cô cùng các bậc phụ huynh cho các em học sinh ôn tập và ra đề thi giữa học kì 1 lớp 4 hiệu quả.
Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 1
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng
Học sinh đọc một đoạn văn thuộc một trong các bài sau và trả lời 1 hoặc 2 câu hỏi về nội dung bài đọc do giáo viên nêu.
1. Dế Mèn bênh vực kẻ yếu
(Đoạn từ “Tôi cất tiếng … giã gạo.”, sách TV4, tập 1 - trang 15)
2. Nỗi dằn vặt của An- đrây- ca
(Đoạn từ “An-đrây-ca lên chín …mang về nhà .”, sách TV4, tập 1 - trang 55)
3. Trung thu độc lập
(Đêm nay, … tới ngày mai.”, sách TV4, tập 1 - trang 66)
4. Nếu chúng mình có phép lạ
(4 khổ thơ đầu, sách TV4, tập 1 - trang 76)
II . Đọc hiểu: (7 điểm).
Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:
LỜI CẢM ƠN
Thằng bé mồ côi cha mẹ có đôi mắt màu nhạt, hai gò má nhem nhuốc và mái tóc đen rối bù nhìn tôi.
- Ông ơi, cháu đói quá!
Tôi dẫn nó vào một tiệm giải khát.
- Cháu hãy chọn một món gì đó để ăn đi. - Tôi nói .
Thằng bé chạy đến quầy hàng và chọn một cái bánh mì. Thường ngày bọn trẻ đường phố xin được khách hàng mua cho cái bánh rồi sẽ bỏ đi ngay, mà người ta cũng không muốn cho chúng ở lại vì trông chúng rách rưới và bẩn thỉu. Nhưng thằng bé này lại làm tôi ngạc nhiên.
Tôi bắt đầu uống cà phê của mình và khi tôi uống xong, trả tiền, tôi nhìn ra cửa mới phát hiện ra nó đứng ở ngoài cửa, tay cầm bánh mì, mắt dí vào cửa kính, quan sát.
"Nó làm cái quái gì thế?!" - Tôi nghĩ.
Tôi đi ra, nó nhìn thấy tôi và chạy đến. Nó ngước nhìn tôi, mỉm cười và nói: "Cảm ơn ông! " Rồi, như sợ tôi nghe không rõ, nó nói to hơn: "Cảm ơn ông nhiều lắm ạ! " Trước khi tôi nói được câu gì, nó đã quay người bỏ chạy đi mất.
Tôi xúc động và nhớ hoài lời cảm ơn của một cậu bé đường phố vì một mẩu bánh mì.
(Sưu tầm)
Câu 1. Cậu bé trong bài là:
A. trẻ em khuyết tật.
B. khách du lịch.
C. trẻ em Tiểu học .
D. trẻ em đường phố.
Câu 2. Ghi lại câu văn tả ngoại hình cậu bé.
……………………………………………………………………………………
Câu 3. Sau khi nhận được bánh mì, cậu bé đã:
A. bỏ đi luôn, không nói gì như những đứa trẻ đường phố khác.
B. đứng ngoài cửa hàng chờ gặp khách để nói lời cảm ơn.
Câu 4. Nhận xét về nhân vật “Người ông” trong bài:
A. Người ông trong bài cho em bé thức ăn khi em đói.
B. Người ông không muốn cậu bé đến gần mình vì cậu bẩn thỉu.
C. Người ông ngạc nhiên và xúc động vì cậu bé biết nói lời cảm ơn.
D. Người ông trong bài không quan tâm đến trẻ em đường phố.
Câu 5. Em rút ra được bài học gì qua câu chuyện này.
Câu 6. Tìm và ghi lại 2 từ láy có trong bài đọc thầm.
Câu 7. Trong câu: Nó ngước nhìn tôi, mỉm cười và nói: "Cảm ơn ông!" có:
A. 1 từ phức , đó là........................................................................
B. 2 từ phức, đó là.........................................................................
C. 3 từ phức, đó là.........................................................................
D. 4 từ phức, đó là.........................................................................
Câu 8. Từ cùng nghĩa với từ trung thực là từ……………………………..
Đặt câu với từ tìm được:
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (Nghe đọc) Thời gian: 15 phút
Bài “Đôi giày ba ta màu xanh” (Sách Tiếng Việt 4, tập 1, trang 81)
Viết đầu bài và đoạn “Sau này làm công tác … buổi đầu cậu đến lớp.”
II. Tập làm văn: Thời gian: 40 phút
Đề bài: Chọn 1 trong các đề sau:
a. Em hãy viết thư cho người thân hoặc bạn của em đang ở xa để thăm hỏi và kể về ước mơ của em cho người thân biết.
b. Em hãy viết thư cho người thân hoặc bạn của em đang ở xa để thăm hỏi và kể một việc tốt mà em đã làm.
Đáp án
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng: (3 điểm)
II. Đọc thầm và làm bài tập (7 điểm)
Mỗi câu đúng được: 0,5 điểm
Câu 1. D
Câu 2. Thằng bé mồ côi cha mẹ có đôi mắt màu nhạt, hai gò má nhem nhuốc và mái tóc đen rối bù nhìn tôi.
Câu 3. B. đứng ngoài cửa hàng chờ gặp khách để nói lời cảm ơn.
Câu 4. A,C
Câu 5. Học sinh diễn đạt theo sự hiểu của mình, chấp nhận ý đúng của trẻ.
Tham khảo: - Chúng ta cần yêu thương, giúp đỡ trẻ em đường phố thực phẩm khi trẻ em đói.
Hoặc: - Tất cả mọi người dù lớn hay nhỏ cũng cần biết nói lời cảm ơn khi được người khác giúp đỡ.
Hoặc: - Lời nói cảm ơn chân thành luôn làm người khác xúc động. Đó là nếp sống văn Minh.
Câu 6. Các từ láy là: nhem nhuốc, rách rưới
Câu 7. 2 từ phức, đó là: cảm ơn, mỉm cười.
Câu 8. Từ cùng nghĩa với từ trung thực là từ thật thà, ngay thẳng, chân thật, chính trực….
Tham khảo: Bạn Lan là học sinh thật thà.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (Nghe đọc) Thời gian: 15 phút
Bài “Đôi giày ba ta màu xanh” (Sách Tiếng Việt 4, tập 1, trang 81)
Viết đầu bài và đoạn “Sau này làm công tác … buổi đầu cậu đến lớp.”
Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch đẹp: 5 điểm.
Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai - lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng qui định) bị trừ 0,5 điểm.
II. Tập làm văn: Thời gian: 40 phút
a.
Hà Nội, ngày … tháng … năm …
Quỳnh Anh thân mến!
Dạo này trời đã bắt đầu vào đông rồi. Chỗ nhà cậu chắc cũng rét rồi nhỉ? Cậu và gia đình vẫn khỏe mạnh chứ? Có điều gì đặc biệt mà cậu muốn kể cho tớ nghe không? Nếu có thì hãy chia sẻ với tớ trong thư tới nhé.
Dạo này, Hà Nội bị “ốm”, ngoài đường lúc nào cũng có thể nhìn thấy các y bác sĩ tất bật khám, chữa, chăm sóc người bệnh cả. Nhìn những hình ảnh các y bác sĩ kiệt sức, nằm ngủ trên ghế tớ thương lắm. Nhưng đồng thời, tớ cũng rất cảm phục họ. Vậy nên, tớ đã xây cho mình ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai. Để làm được điều đó, trước hết, tớ phải học tập thật tốt đã.
Còn ước mơ của cậu bây giờ là gì thế? Hãy nói cho tớ biết với nhé!
Bạn của Quỳnh Anh
Bích
Phùng Thị Bích
b.
Thành phố Hồ Chí Minh, ......
Hạnh thân thương!
Mình đã nhận được thư Hạnh gửi về. Biết Hạnh và gia đình Hạnh đều mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn, mình mừng lắm. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, các trường cũng đều phát động phong trào thi đua dạy tốt và học tốt đấy. Trong thành tích chung của lớp, mình cũng đã làm được một việc tốt. Mình kế cho Hạnh nghe nhé.
Hôm ấy, trên đường đi học về, mình thấy một con bê đang ăn những búp lá non của một cây xanh bên đường. Mình biết đó là hàng cây được thanh niên trong khu phố trồng kĩ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19 - 5. Mình vội vàng chạy lại, cầm dây thừng kéo bê ra, không cho bê ăn búp cây nữa. Mình vừa dắt bê vừa tìm người chăn bê nhưng không thấy ai cả. Nhìn ra xa một chút mình thấy một bạn nhỏ hơn mình một chút đang mải đuổi theo một chú bướm khá to, màu sắc sặc sỡ. Đoán đó là người đi chăn bê, mình dắt bê lại gần và hỏi cậu ta xem có phải bê của cậu ấy không. Đúng như mình đoán. Cậu ấy chính là người đi chăn bê. Nghe mình nói, bê ăn lá cây ớ hàng cây mới trồng, cậu ấy xanh cả mặt. Cậu ấy cảm ơn mình. Mình nhẹ nhàng dặn cậu ấy, từ sau, khi đi chăn bê, phải nhớ cẩn thận kẻo bê phá hoại cây xanh. Không biết ai nói mà cô giáo biết mình đã làm được việc tốt góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, vào sáng thứ hai, khi toàn trường chào cờ, mình được cô giáo tuyên dương trước các bạn học sinh đây. Mình cảm động lắm.
Hạnh ơi! Thư cũng dài rồi. Mình dừng bút nhé. Hẹn thi đua với bạn, chúng mình cùng học tốt và làm được nhiều việc tốt nhé.
Bạn thân
Hương
Nguyền Thị Thu Hương.
Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 2
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng (3 điểm).
- GV kiểm tra đọc các bài tập đọc đã học trong chương trình ( từ tuần 1 đến tuần 9).
II . Đọc hiểu: (7 điểm).
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
TÊN BẠN KHẮC BẰNG VÀNG
An-ne và chị Ma-ri ngồi ăn bánh trên bàn. Chị Ma-ri đọc dòng chữ ghi trên chiếc hộp đựng: “Bánh có thưởng khuyến mại – Hãy xem chi tiết mặt sau hộp”.
Ma-ri hào hứng:
- Phần thưởng đã lắm nhé, “Tên bạn khắc bằng vàng”, nghe này, “Chỉ việc gửi một đô-la với phiếu để trong hộp có điền tên và địa chỉ. Chúng tôi sẽ gửi một chiếc cặp tóc đặc biệt có khắc tên bạn bằng vàng (mỗi gia đình chỉ một người thôi)”.
An-ne đặc biệt thích thú, chộp lấy chiếc hộp, xoay lại, mắt sáng rỡ háo hức :
- Tuyệt quá! Một chiếc cặp tóc với tên em khắc bằng vàng. Em phải gửi phiếu đi mới được.
Nhưng chị Ma-ri đã ngăn lại:
- Xin lỗi em! Chị mới là người đầu tiên đọc. Vả lại, chị mới có tiền nên chính chị sẽ gửi.
An-ne vùng vằng, rơm rớm nước mắt, nói:
- Nhưng em rất thích cặp tóc. Chị luôn cậy thế là chị nên toàn làm theo ý mình thôi! Chị cứ việc gửi đi! Em cũng chẳng cần.
Nhiều ngày trôi qua. Rồi một gói bưu phẩm để tên Ma-ri được gửi tới. An-ne rất thích xem cái cặp tóc nhưng không muốn để chị biết. Ma-ri mang gói bưu phẩm vào phòng mình. An-ne ra vẻ hững hờ đi theo, ngồi lên giường chị, chờ đợi. Em giận dỗi giễu cợt:
- Chắc họ gửi cho chị chiếc cặp tóc bằng vàng đấy! Hi vọng nó sẽ làm chị thích!
Ma-ri chậm rãi mở món quà rồi kêu lên:
- Ồ, đẹp tuyệt! Y như quảng cáo.
- Tên bạn khắc bằng vàng. Bốn chữ thật đep. Em có muốn xem không, An-ne?
- Không thèm! Em không cần chiếc cặp quê mùa của chị đâu!
Ma-ri để cái hộp trắng xuống bàn trang điểm và đi xuống nhà. Còn lại một mình An-ne trong phòng. Cô bé không kìm lòng được nên đi đến bên bàn, nhìn vào trong hộp và há hốc miệng ngạc nhiên. Lòng em tràn ngập cảm xúc: vừa thương yêu chị, vừa xấu hổ. Rồi nước mắt làm nhòa những dòng chữ khắc lóng lánh.
Trên chiếc kẹp quả là có bốn chữ, nhưng là bốn chữ: AN-NE.
(Theo A.F.Bau-man – Hà Châu dịch)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1. Phần thưởng khuyến mãi ghi trên chiếc hộp đựng bánh của Ma-ri và An-ne là gì?
A. Một hộp bánh có khắc tên người mua trên mặt hộp
B. Một chiếc cặp tóc có khắc tên người mua bằng vàng
C. Một chiếc cặp tóc màu vàng có giá trị bằng một đô-la
Câu 2. Chi tiết nào cho thấy An-ne rất giận khi chị gái nói sẽ giành quyền gửi phiếu khuyến mãi?
A. Vùng vằng nói dỗi với chị rằng không cần chiếc cặp
B. Ra vẻ hờ hững, không thèm để ý đến gói bưu phẩm
C. Giận dỗi, diễu cợt chị, chê chiếc cặp tóc quê mùa.
Câu 3. Chi tiết nào dưới đây cho thấy cảm xúc của An-ne khi nhìn thấy chiếc cặp?
A. Không kìm lòng được nên đã đến bên bàn xem chiếc cặp
B. Chộp lấy hộp, xoay lại, mắt sáng rỡ vì rất thích thú
C. Nước mắt làm nhòa những dòng chữ khắc lóng lánh
Câu 4. Vì sao An-ne cảm thấy vừa thương yêu chị vừa xấu hổ khi nhìn chiếc cặp có tên mình?
A. Vì đã hiểu nhầm tình thương thầm kín của chị dành cho mình
B. Vì thấy chị rất vui vẻ mời mình xem chiếc cặp tóc đẹp tuyệt
C. Vì đã vờ tỏ ra hờ hững nhưng lại lén xem chiếc cặp tóc đẹp
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả:
Điền vào chỗ trống:
a) Tiếng bắt đầu bằng s hoặc x
Mùa …. Đã đến. Từng đàn chim én từ dãy núi biếc đằng ….bay tới, đuổi nhau chung quanh những mái nhà. Mùa…..đã đến hẳn rồi, đất trời lại một lần nữa đổi mới, tất cả những gì….trên trái đất lại vươn lên ánh…. mà sinh….. nảy nở với một …..mạnh không cùng.
(Theo Nguyễn Đình Thi)
b) Tiếng chứa vần ât hoặc âc
Sau một ngày múc nước giếng, hai xô nước ngồi nghỉ ngơi. Một cái xô luôn càu nhàu, không lúc nào vui vẻ. Nó nói với cái xô kia:
- Cuộc sống của chúng ta chán…… đấy. Chúng ta chỉ đầy khi được…..lên khỏi giếng, nhưng khi bị hạ xuống giếng thì chúng ta lại trống rỗng.
Chiếc kia không bao giờ càu nhàu, lúc nào cũng vui vẻ. Nó nói:
- Đúng vậy. Nhưng tớ lại không nghĩ như cậu. Chúng ta chỉ trống rỗng khi bị hạ xuống giếng thôi, còn khi được…………lên khỏi giếng thì chúng ta luôn luôn đầy ắp.
(Theo La Phông-ten)
II. Tập làm văn
Viết đoạn văn (2- 3 câu) miêu tả một sự vật được nói đến ở một khổ thơ trong bài sau:
Xuân đến
Đỏ như ngọn lửa
Lá bàng nhẹ rơi
Bỗng choàng tỉnh giấc
Cành cây nhú chồi.
Dải lụa hồng phơi
Phù sa trên bãi
Cơn gió mê mải
Đưa hương đi chơi.
Thăm thẳm bầu trời
Bồng bềnh mây trắng
Cánh chim chở nắng
Bay vào mùa xuân.
(Nguyễn Trọng Hoàn)
Đáp án
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng: (3 điểm)
II. Đọc thầm và làm bài tập (7 điểm)
Câu 1. B
Câu 2. A
Câu 3. C
Câu 4. A
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả:
a) xuân, xa, xuân, sống, sáng, sôi, sức
b) thật, nhấc, nhấc
II. Tập làm văn
Gợi ý: Chọn một trong các sự vật sau để tả bằng 2- 3 câu:
- Chiếc lá bàng đỏ như ngọn lửa đang rơi.
- Cành cây chợt tỉnh giấc nhú chồi.
- Phù sa như một dải lụa đang phơi trên bãi.
- Cơn gió mê mải thổi đem theo mùi hương.
- Bầu trời xanh thăm thẳm với những đám mây trắng bồng bềnh.
- Những cánh chim chở nắng bay giữa ngày xưa.
Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 3
A. Đọc thầm bài sau:
TÌNH BẠN
Thỏ và Sóc rủ nhau vào rừng hái quả. Mùa thu, khu rừng thơm phức hương quả chín. Ở trên một cây cao chót vót, Thỏ reo lên sung sướng:
- Ồ chùm quả vàng mọng kia, ngon quá!
Thấy chùm quả vắt vẻo cao tít, Sóc vội vàng ngăn bạn:
- Cậu đừng lấy, nguy hiểm lắm.
Nhưng Thỏ đã men ra. Nó cố với. Trượt chân, Thỏ ngã nhào. Sóc nhanh nhẹn túm được áo Thỏ còn tay kia kịp với được vào một cành cây nhỏ nên cả hai chỉ bị treo lơ lửng trên không chứ không bị rơi xuống khe núi đầy đá nhọn. Cái cành cây cong gập hẳn lại.
Sóc vẫn cố sức giữ chặt áo Thỏ. Tiếng răng rắc trên cành cây kêu to hơn.
- Cậu bỏ tớ ra đi kẻo cậu cũng bị rơi theo đấy.
Thỏ nói với Sóc rồi khóc òa.
- Tớ không bỏ cậu đâu.
Sóc cương quyết.
Bác Voi cao lớn đang làm việc gần đấy nghe tiếng kêu cứu chạy tới. Bác rướn mình đưa chiếc vòi dài đỡ được cả hai xuống an toàn. Bác âu yếm khen:
- Các cháu có một tình bạn thật đẹp.
Theo Hà Mạnh Hùng
Dựa vào nội dung bài đọc trên khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi dưới đây.
Câu 1: Vào thời gian nào Thỏ và Sóc rủ nhau vào rừng hái quả? (0,5 điểm)
A. Vào mùa thu
B. Vào mùa xuân
C. Vào mùa đông
D. Vào mùa hạ
Câu 2: Khi Thỏ bị trượt chân ngã, Sóc đã làm gì? (0,5 điểm)
A. Vội vàng ngăn Thỏ.
B. Túm lấy áo Thỏ và cương quyết không bỏ rơi bạn
C. Cùng với Thỏ túm lấy cành cây nhỏ.
D. Sóc tự lo bản thân mình để mặc kệ Thỏ.
Câu 3: Thỏ đã nói với Sóc như thế nào khi mình gặp nạn? (0,5 điểm)
A. Sóc ơi, tớ sợ lắm cậu đừng bỏ tớ.
B. Tớ không bỏ cậu đâu.
C. Cậu bỏ tớ ra đi kẻo cậu cũng bị rơi theo đấy.
D. Nhờ bác Voi cao lớn đang làm việc gần đấy chạy tới cứu giúp.
Câu 4: Việc làm nói trên của Sóc thể hiện Sóc là người như thế nào?
Viết câu trả lời của em: (1 điểm)
Câu 5: Dựa vào bài đọc, xác định các điều nêu dưới đây đúng hay sai. (0,5 điểm)
Thông tin |
Trả lời |
||
a) Mùa thu, khu rừng thơm phức hương của các loài hoa. |
Đúng /Sai |
||
b) Thỏ muốn hái chùm quả vàng mọng nhưng Sóc ngăn bạn lại vì nguy hiểm. |
Đúng /Sai |
||
c) Thỏ và Sóc cùng bị ngã xuống khe núi đầy đá nhọn |
Đúng /Sai |
||
d) Bác Voi đã cứu giúp và khen Thỏ và Sóc có một tình bạn đẹp. |
Đúng /Sai |
Câu 6: Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên? (1 điểm)
Câu 7: Tiếng nào sau đây không có đủ cả ba bộ phận? (0,5 điểm)
A. ra.
B. an
C. lơ
D. quyết.
Câu 8: Dấu hai chấm trong câu sau có tác dụng gì?
Thấy chùm quả vắt vẻo cao tít, Sóc vội vàng ngăn bạn:
- Cậu đừng lấy, nguy hiểm lắm. (0,5 điểm)
A. Báo hiệu bộ phận sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.
B. Báo hiệu bộ phận sau nó là suy nghĩ của nhân vật.
C. Báo hiệu bộ phận sau nó là lời nói trực tiếp của nhân vật.
D. Báo hiệu bộ phận sau nó là lời nói trực tiếp của nhân vật và lời giải thích.
Câu 9: Gạch chân dưới các danh từ trong câu văn sau:
Thỏ và sóc rủ nhau vào rừng hái quả. (1 điểm)
Câu 10. Em hãy tìm một từ láy có trong câu chuyện trên? Hãy đặt câu với từ láy vừa tìm được?
(1 điểm)
- Một từ láy trong bài là: ……………………………………………………………………………….
- Đặt câu: ………………………………………………………………………………………………………..
B. Phần Viết
I – Chính tả: (2 điểm) 15 phút
Trăng trên biển
Biển về đêm đẹp quá! Bầu trời cao vời vợi, xanh biếc, một màu trong suốt. Những ngôi sao vốn đã lóng lánh, nhìn trên biển lại càng lóng lánh. Bỗng một vầng sáng màu lòng đỏ trứng gà to như chiếc nong đang nhô lên ở phía chân trời.
Trăng trên sông, trên đồng, trên làng quê, tôi đã thấy nhiều. Duy trăng trên biển lúc mới mọc thì đây là lần đầu tiên tôi được thấy. Càng lên cao trăng càng trong và nhẹ bỗng.
V. Huy Gô
II - Tập làm văn: (8 điểm) 35 phút
ĐỀ BÀI: Trung thu vừa qua Trường và lớp em tổ chức nhiều hoat động rất vui. Em hãy viết một lá thư cho một người bạn cũ của em để hỏi thăm và kể cho bạn nghe về ngày Tết trung thu ở trường và lớp em.
Đáp án đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt
Phần A: Bài kiểm tra đọc (10 điểm)
1/ Đọc tiếng: 3 điểm
– Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm
– Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm
– Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm
2/ Đọc hiểu: 7 điểm
Câu 1: A (0,5 điểm)
Câu 2: B (0,5 điểm)
Câu 3: C (0,5 điểm)
Câu 4: * HS viết câu trả lời đúng, đủ ý, trình bày đúng hình thức câu được 1 điểm
Việc làm nói trên của Sóc thể hiện Sóc là người bạn tốt/ Sóc là người sẵn sàng quên bản thân mình để cứu bạn.
Câu 5. Dựa vào bài đọc, xác định các điều nêu dưới đây đúng hay sai. (0,5 điểm)
Thông tin |
Trả lời |
||
a) Mùa thu, khu rừng thơm phức hương của các loài hoa. |
Sai |
||
b) Thỏ muốn hái chùm quả vàng mọng nhưng Sóc ngăn bạn lại vì nguy hiểm. |
Đúng |
||
c) Thỏ và Sóc cùng bị ngã xuống khe núi đầy đá nhọn |
Sai |
||
d) Bác Voi đã cứu giúp và khen Thỏ và Sóc có một tình bạn đẹp. |
Đúng |
Câu 6: (1 điểm)
* HS viết câu trả lời đúng, đủ ý, trình bày đúng hình thức câu được 1 điểm
Ví dụ: - Bạn bè cần biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Có như vậy tình bạn mới lâu bền .
Hoặc: Bạn bè cần biết quan tâm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Có như vậy tình bạn mới bền chặt.
HS viết đúng nhưng không viết hoa chữ cái đầu câu, không có dấu cuối câu được 0,5 điểm.
Câu 7: B (0,5 điểm)
Câu 8: C (0,5 điểm)
Câu 9: (1 điểm) các danh từ đó là: Thỏ và sóc rủ nhau vào rừng hái quả.
Câu 10. (1 điểm) HS viết đúng 1 từ láy (0,25 điểm), trình bày đúng hình thức câu được 0,75 điểm
Các từ láy có thể tìm: chót vót; sung sướng; vắt vẻo; nhanh nhẹn; lơ lửng
Phần B: Bài kiểm tra viết (10 điểm)
1. Kiểm tra viết chính tả: 2 điểm
- Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểm chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định,viết sạch, đẹp: 1 điểm.
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm.
- Mắc 6-10 lỗi: 0,5 điểm - Mắc quá 10 lỗi : 0 điểm
2. Kiểm tra viết (8 điểm)
* Đảm bảo đủ các yêu cầu sau
- Viết được bức thư đủ 3 phần (phần đầu, phần chính và phần cuối thư) và đúng thể thức của một bài văn viết thư. độ dài bài viết từ 12 – 15 câu.
* Hướng dẫn chấm điểm chi tiết (xác định các mức độ cần đạt theo từng mức điểm tùy theo đề bài cụ thể):
TT |
Điểm thành phần |
Mức điểm |
||||
1,5 |
1 |
0,5 |
0 |
|||
1 |
Phần đầu thư (1 điểm) |
Nêu được: - Địa điểm và thời gian viết thư - Lời thư gửi |
Thiếu 1 trong 2 nôi dung: thời gian và địa điểm Hoặc lời thưa gửi. |
- Không có phần đầu thư |
||
2a |
Phần chính (4 điểm) |
Nội dung (1,5 điểm) |
- Nêu được mục đích, lí do viết thư cho cô - Hỏi thăm tình hình người bạn - Kể về ngày tết trung thu vừa qua của em. |
- Thiếu một trong 3 nội dung chính của bức thư |
- Thiếu 2 trong 3 nội dung chính của bức thư |
- Viết không đúng nội dung |
2b |
Kĩ năng (1,5 điểm) |
- Diễn đạt mạch lạc, rõ ý.. |
- Diễn đạt mạch lạc - Có 1,2 câu văn viết chưa rõ ý hoặc lủng củng |
- Có 3 câu văn trở lên diễn đạt còn lủng củng, chưa rõ ý.. |
- Diễn đạt quá lủng củng, không rõ ý… |
|
2c |
Hình ảnh , cảm xúc (1 điểm) |
- Bức thư có cảm xúc - Lời lẽ chân thành |
- Thư viết chưa thật có cảm xúc hoặc chưa thật chân thành... |
- Thư viết không có cảm xúc, không thể hiện được sự quan tâm.. |
||
3 |
Phần cuối thư (1 điểm) |
- Viết được lời hứa hẹn của mình với người thân - Viết đủ chữ kí và tên hoặc họ tên người viết thư |
- Viết thiếu một trong các phần cuối của thư |
- Không có phần cuối thư |
||
4 |
Chữ viết, chính tả (0,5 điểm) |
- Chữ viết sạch sẽ, rõ ràng, không sai quá 5 lỗi |
- Chữ xấu, bẩn, sai trên 5 lỗi |
|||
5 |
Dùng từ, đặt câu (0,5 điểm) |
-Biết dùng từ hợp lí, viết câu đúng ngữ pháp. (Không sai quá 5 lỗi) |
- Dùng từ không phù hợp, viết câu chưa đúng ngữ pháp,.. .( sai quá 5 lỗi) |
|||
6 |
Sáng tạo (1 điểm) |
- Bức thư có nét riêng biệt, lời lẽ tự nhiên, không khuôn mẫu. - Cách trình bày bức thư mạch lạc, có sự liên kết chặt chẽ giữa các phần - ......... |
- Lời thư khá tự nhiên. |
- Chỉ viết chung chung… |
Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 4
A. KIỂM TRA ĐỌC
I. Đọc thành tiếng (5 điểm): GV kiểm tra đọc từng em.
II. Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm): Thời gian: 30 phút
ĐIỀU MONG ƯỚC KÌ DIỆU
Đêm hè nóng nực, hai chị em ngồi hóng mát, giữa màn đêm lúc ấy bỗng có một ngôi sao vụt sáng, rạch qua bầu trời như một nhát kiếm chói lòa. Cậu em giật áo chị và nói:
- Chị ơi, em nghe người ta nói khi thấy sao đổi ngôi, mình mong ước điều gì thì hãy nói lên điều ước ấy. Thế nào cũng linh nghiệm!
Cô bé quay lại dịu dàng hỏi:
- Thế em muốn ước gì?
Nhớ đến bố con ông lão diễn trò ủ rũ bên đường hồi chiều, cậu em thủ thỉ:
- Ước gì… giấy trong thùng của ông lão biến thành tiền thật. Cô chị bèn cầm lấy tay em và nói với giọng đầy cảm động:
- À, chị bảo điều này …
- Gì ạ?
- À … à … không có gì. Chị chỉ nghĩ … ông cụ chắc cần tiền lắm!
Trong trí óc non nớt của cô bé bỗng hiện lên hình ảnh con lợn đất đựng tiền tiết kiệm cô để dành từ một năm nay trong góc tủ. Cô bé muốn dành cho bố con ông lão và cả em mình một niềm vui bất ngờ.
Theo Hồ Phước Quả
Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu bài.
Câu 1: Khi thấy sao đổi ngôi, cậu em đã làm gì?
A. Ngồi hóng mát và giật mình sợ hãi
B. Ngồi hóng mát và thích thú reo lên
C. Giật áo chị, nói với chị điều mình được nghe người ta nói
Câu 2: Cậu bé ước điều gì? Tại sao?
A. Được đi diễn trò vì cậu muốn có tiền giúp đỡ bố con ông lão bớt nghèo khổ
B. Giấy trong thùng của ông lão biến thành tiền thật, vì thương bố con ông
C. Ước bố con ông lão giàu có, vì cậu muốn mọi người đều giàu có
Câu 3: Cô chị đã nghĩ gì trước ước muốn của cậu em trai?
A. Dùng món tiền tiết kiệm của cô để giúp ông lão
B. Tìm cách giúp em trai mình đạt được ước muốn
C. Cảm động trước ước muốn giấy biến thành tiền thật
Câu 4: Theo em, hai chị em trong câu chuyện có phẩm chất gì đáng quý?
A. Thích xem sao đổi ngôi, tin vào những điều kì diệu
B. Thương người, biết mang lại niềm vui cho người khác
C. Tiết kiệm, biết dành dụm để có một khoản tiền
Câu 5: Thành ngữ,, tục ngữ nào dưới đây nêu đúng tình cảm và suy nghĩ của hai chị em trong câu chuyện?
A. Thương người như thể thương thân
B. Bán anh em xa, mua láng giềng gần
C. Một giọt máu đào hơn ao nước lã
Câu 6: Các dấu hai chấm được dùng trong câu chuyện có tác dụng gì?
A. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là lời giải thích cho bộ phận đứng trước
B. Có tác dụng liệt kê các sự vật có trong câu
C. Báo hiệu câu đứng sau là lời nói của một nhân vật
Câu 7: Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ láy?
A. Dịu dàng, chói lòa, ủ rũ, nóng nực, lúng túng, non nớt
B. Ủ rũ, năm nay, thủ thỉ, lúng túng, đổi ngôi
C. Dịu dàng, ủ rũ, thủ thỉ, lúng túng, non nớt
Câu 8: Trong câu: “Ước gì… giấy trong thùng của ông lão biến thành tiền thật.” có mấy danh từ là:
A. Hai danh từ. Đó là:…………………………………………………………………..
B. Ba danh từ. Đó là:…………………………………………………………………..
C. Bốn danh từ. Đó là:…………………………………………………………………..
Câu 9: Câu : “Cô bé muốn dành cho bố con ông lão và cả em mình một niềm vui bất ngờ.” thuộc mẫu câu?
A. Ai – làm gì?
B. Ai – thế nào?
C. Ai – là gì?
Câu 10: Dựa vào nội dung bài đọc, hãy viết một câu theo mẫu Ai – là gì? nói về cậu bé hoặc cô chị trong câu chuyện?
B. KIỂM TRA VIẾT
I. Chính tả (5 điểm – 15 phút)
GV đọc cho HS viết bài
Trung thu độc lập
Đêm nay, anh đứng gác ở trại. Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới trung thu và nghĩ tới các em. Trăng đêm nay soi sáng xuống nước Việt Nam độc lập yêu quý của các em. Trăng sáng mùa thu vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng, nơi quê hương thân thiết của các em…
Anh nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai…..
II. Tập làm văn (5 điểm - 35 phút)
Em hãy viết một bức thư gửi thầy cô giáo cũ của em để chúc mừng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 và kể cho thầy cô nghe về tình hình trường lớp của em.
Đáp án và hướng dẫn chấm đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4
A. PHẦN ĐỌC
I. Đọc thành tiếng (5 điểm)
- GV kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng HS.
- Nội dung kiểm tra: HS đọc đoạn văn trong các bài tập đọc đã học ở lớp 4 từ tuần1 đến tuần 9 khoảng 90 tiếng/ phút; sau đó trả lời 1 câu hỏi về nội dung bài đọc do GV nêu.
- GV đánh giá cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:
+ Đọc đúng tiếng, đúng từ (1 điểm).
. Đọc sai 2- 4 tiếng (0,5 điểm).
. Đọc sai 5 tiếng trở nên (0 điểm).
+ Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa (1 điểm).
. Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 - 3 chỗ cho (0,5 điểm).
. Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên cho (0 điểm).
+ Giọng đọc có biểu cảm cho (1 điểm).
. Giọng đọc chưa thể hiện rõ tính biểu cảm cho (0,5 điểm).
. Giọng đọc không thể hiện tính biểu cảm cho (0 điểm).
+ Tốc độ đạt yêu cầu (không quá 1 phút) (1 điểm).
. Đọc quá 1- 2 phút cho (0,5 điểm).
. Đọc trên 2 phút cho (0 điểm).
+ Trả lời đúng ý câu hỏi do GV nêu ra (1 điểm).
. Trả lời chưa đủ ý hoặc diễn đạt chưa rõ ràng (0,5 điểm).
. Trả lời sai hoặc không trả lời được (0 điểm).
II. Đọc hiểu (5 điểm): Gợi ý đánh giá, cho điểm
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đáp án | C | B | A | B | A | C | C | C | A | |
Điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm | 0,5 điểm |
- Riêng câu 10: HS đặt câu đúng với nội dung yêu cầu: 0,25 đ
Trình bày câu đúng (đầu câu viết hoa, có dấu chấm cuối câu): 0,25 đ
B. PHẦN VIẾT
I. Chính tả (5 điểm):
- Viết đúng cỡ chữ, đều nét, rõ ràng không sai lỗi chính tả, trình bày đúng đoạn văn: 5 điểm
- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh không viết hoa đúng qui định...) trừ 0,5 điểm. Lỗi sai giống nhau chỉ trừ 1 lần điểm.
- Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao - khoảng cách - kiểu chữ hoặc trình bày bài bẩn ..... trừ 1 điểm toàn bài chính tả (Toàn bài trừ không quá 3 điểm)
II. Tập làm văn (5 điểm):
Đảm bảo các yêu cầu sau được 5 điểm:
- Viết được một bức thư có đủ 3 phần: đầu thư, phần chính, phần cuối thư đúng với nội dung yêu cầu của đề bài (2 điểm)
- Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả (1đ).
- Thể hiện được tình cảm, lời chúc mừng thầy cô: 0,5đ
- Kể được ước mơ trong sáng (1 đ).
- Chữ viết rõ ràng, trình bày bài sạch sẽ (0,5đ) (Chỉ cho điểm với bài HS hoàn thành)
- Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, có thể cho các mức điểm từ 4,5 ; 4 ; 3,5 ; 3; 2,5; 2; 1,5; 1.
(Nếu bài văn viết mắc từ 4 lỗi chính tả trở lên – không ghi điểm giỏi)
Đề thi giữa học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 bao gồm 2 phần Phần đọc và phần viết có bảng ma trận câu hỏi và đáp án và hướng dẫn giải chi tiết cho từng phần, giúp các em học sinh củng cố kiến thức môn Tiếng việt 4 chuẩn bị cho bài thi giữa học kì 1 lớp 4.
Ngoài ra các bạn có thể theo dõi chi tiết đề thi các môn học kì 1 lớp 4 luyện tập các dạng bài tập SGK Toán 4 và SGK Tiếng Việt 4 chuẩn bị cho bài thi cuối học kì 1 đạt kết quả cao. Mời các em cùng các thầy cô tham khảo, cập nhật đề thi, bài tập mới nhất trên Tìm Đáp Án.
Đề thi giữa kì 1 lớp 4 Môn khác
- Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2022 Tải nhiều
- Bộ 12 đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn tiếng Anh năm 2022
- 72 Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Toán năm 2022 - 2023 Tải nhiều
- Bộ đề thi giữa học kì 1 lớp 4 năm 2022 - 2023 Tải nhiều
- Bộ đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Toán năm 2022 - 2023
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 4, TimDapAnmời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 4 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 4. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.