Đề kiểm tra học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 1)
Đề thi cuối học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 1) được Tìm Đáp Án tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi để có thêm tài liệu ôn thi cuối học kì 2 sắp tới nhé.
1. Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Văn
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Giả sử nếu một ngày đẹp trời nào đó, tinh thần trách nhiệm của loài người bị mất đi, hãy hình dung một viễn cảnh của xã hội: con người không biết mình sống để làm gì. Sống lang thang, bơ vơ, vô định. Tất nhiên lúc đó không còn là sống mà chỉ là tồn tại. Con người sẽ vui chơi ăn uống vô độ, hủy hoại sức khỏe bản thân. Con người sẽ chây lười, chẳng làm gì để giữ gìn bản thân. Thiết tính trách nhiệm, con người đánh mất chính mình.
[…]
Vì sao ta thiếu trách nhiệm?
Trách nhiệm đồng nghĩa với nguy cơ mình bị tổn thất một điều gì đó. Nếu nói dối, làm sai, gây hại…thì khi nhận trách nhiệm về mình, bạn sẽ bị tổn thất danh dự, tổn thất thời gian khắc phục, tổn thất niềm tin, mất chức, phải bồi thường hoặc chịu một hình phạt nào đó.
Không ai muốn mình phải tổn thất, vì thế nhu cầu an toàn trong mỗi con người khiến họ tìm cách chốn tránh trách nhiệm cá nhân và đùn đẩy nó cho người khác mà tốt nhất là cho tập thể. Vì tập thể sai thì có nghĩa là không ai sai cả, hoặc cái sai đó sẽ được chan đều và tất nhiên trách nhiệm của mình sẽ nhẹ đi đáng kể.
Tôi phạm luật vì ai cũng làm như thế cả, tôi không làm thì sẽ bị thua thiệt. Tôi không có mục đích sống vì chẳng ai cho tôi mục đích. Tôi bị cám dỗ vì xã hội có quá nhiều thứ xấu xa. Tôi học tệ vì thầy cô, vì tôi không đủ điều kiện. Tôi vượt đèn đỏ vì hoàn cảnh bắt buộc. Tôi xấu xa thế này là bởi gia đình…
Hãy đánh thức trách nhiệm với bản thân mình – với gia đình – với xã hội bắt đầu bằng cảm xúc xấu hổ và hành động tự nhận lỗi về mình trước khi đùn đẩy. Hiện tại, điều gì đang khiến chúng ta xấu hổ với chính mình? Điều gì khiến chúng ta hổ thẹn với gia đình và xã hội?
(Trích Sống trách nhiệm – Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, những nguyên nhân nào khiến con người hay thiếu trách nhiệm?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “Thiếu tính trách nhiệm, con người sẽ đánh mất chính mình”?
Câu 4. Lời khuyên “Hãy đánh thức trách nhiệm với bản thân mình – với gia đình – với xã hội bắt đầu bằng cảm xúc xấu hổ và hành động tự nhận lỗi về mình trước khi đùn đẩy” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị? (Viết 01 đoạn văn khoảng 5-6 dòng)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Anh/chị hãy phân tích nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
2. Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
I. Đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2.
- Những nguyên nhân khiến con người sống thiếu trách nhiệm:
+ Trách nhiệm đồng nghĩa với nguy cơ mình bị tổn thất một điều gì đó.
+ Nếu nói dối, làm sai, gây hại…thì khi nhận trách nhiệm về mình, bạn sẽ bị tổn thất danh dự, tổn thất thời gian khắc phục, tổn thất niềm tin, mất chức, phải bồi thường hoặc chịu một hình phạt nào đó.
+ Nêu đúng 2 ý: 0,75 điểm
+ Nêu đúng 1 ý: 0,5 điểm
Câu 3: Khi thiếu trách nhiệm, con người sẽ không biết mình sống để làm gì, thiếu mục địch sống, con người sống buông thả, không giữa gìn bản thân. Chính vì vậy mà tác giả cho rằng Thiếu tính trách nhiệm, con người sẽ đánh mất chính mình.
Câu 4: Dám nhận trách nhiệm về mình, dám nhận sai và sửa sai. Trong cuộc sống, hãy là một người có trách nhiệm với bản thân, hãy nhận lỗi và sửa lỗi. Vì hành vi này của bạn sẽ giúp chính bạn trở lên đúng đắn, cao thượng, có tín ngưỡng chân chính và có một cuộc sống tốt đẹp. Chúng ta, xin đừng trốn tránh lỗi lầm của bản thân mà trở nên lầm lỡ, từ bỏ cuộc sống tốt đẹp. Hãy chân thành, trách nhiệm trong mọi hành động của bạn. Bởi vì có như vậy, bạn mới có một phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
II. Làm văn
I. Mở bài
Giới thiệu tác giả Kim Lân: là cây bút chuyên viết Truyện ngắn, ông am hiểu sâu sắc đời sống của người nông dân và thường tập trung viết về họ.
Vợ nhặt là một trong số những truyện ngắn đặc sắc viết về người nông dân của ông. Nhân vật đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm này chính là người vợ nhặt.
II. Thân bài
1. Lai lịch
Không có quê hương gia đình: có thể thấy nạn đói năm 1945 đã khiến biết bao con người bị dứt khỏi quê hương, gia đình.
Tên tuổi cũng không có và qua tên gọi “vợ nhặt”: thấy được sự rẻ rúng của con người trong cảnh đói.
2. Chân dung
- Ngoại hình: quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt.
- Lần thứ nhất: khi nghe câu hò vui của Tràng, Thị đã vui vẻ giúp đỡ, đây chính là sự hồn nhiên vô tư của người lao động nghèo.
- Lần thứ hai:
Thị sưng sỉa mắng Tràng, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ có giá trị hơn, khi được mời ăn tức thì ngồi sà xuống, mắt sáng lên, “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”.
Khi nghe tràng nói đùa “đằng ấy có về với tớ cùng về”, Thị đã theo về thật bởi trong cái đói khổ, đó là cơ hội để Thị bấu víu lấy sự sống.
- Nhận xét: cái đói khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà cả nhân cách con người. Người đọc vẫn cảm thông sâu sắc với Thị vì đó không phải là bản chất mà do cái đói xô đẩy.
3. Phẩm chất
- Có khát vọng sống mãnh liệt:
Quyết định theo Tràng về làm vợ dù không biết về Tràng, chấp nhận theo không về không cần sính lễ vì Thị sẽ không phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ.
Khi đến nhà thấy hoàn cảnh nghèo khổ, trái ngược lời tuyên bố “rích bố cu”, Thị “nén một tiếng thở dài”, dù ngao ngán nhưng vẫn chịu đựng để có cơ hội sống.
- Thị là người ý tứ và nết na:
Trên đường về, Thị cũng rón rén e thẹn đi sau Tràng, đầu hơi cúi xuống, Thị ngại ngùng cho thân phận vợ nhặt của mình.
Khi vừa về đến nhà, Tràng đon đả mời ngồi, chị ta cũng chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, thể hiện sự ý tứ khi chưa xác lập được vị trí trong gia đình.
Khi gặp mẹ chồng, ngoài câu chào Thị chỉ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thể hiện sự lúng túng ngượng nghịu.
Sáng hôm sau, Thị dậy sớm quét tước nhà cửa, không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” mà hiền hậu, đúng mực.
Lúc ăn cháo cám, mới nhìn “mắt Thị tối lại”, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng thể hiện sự nể nang, ý tứ trước người mẹ chồng, không buồn làm bà buồn.
- Nhận xét: cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.
- Thị còn là người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên hy vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.
- Nêu cảm nhận chung về hình tượng người vợ nhặt sau khi phân tích.
III. Kết bài
Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện độc đáo, xây dựng hình tượng nhân vật thành công, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, ...
Tác phẩm chứa đựng giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc: người đọc hiểu và cảm thông với cảnh ngộ thương tâm, rẻ rúng của người lao động trong nạn đói, tố cáo thực dân, phát xít, ngợi ca khát vọng sống trong cảnh cơ cực.
----------------------------------------------
Tìm Đáp Án vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 1). Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Đề thi học kì 2 lớp 12.
- Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 2)