Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Lê Hồng Phong, Đăk Lăk năm học 2015 - 2016. Ở phần đọc hiểu đề thi đã đề cập đến tình yêu quê hương đất nước của những người lính biển Việt Nam qua bài thơ Tiếng Biển. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường Đông Du, TP.HCM năm học 2015 - 2016
SỞ GD&ĐT ĐĂK LĂK TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG Tổ ngữ văn |
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 12 BAN CƠ BẢN Thời gian làm bài: 90 phút |
I. Phần đọc – hiểu: (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 3:
"Em có nghe tiếng biển trong lòng người
Tiếng của hòa bình, tiếng hạnh phúc vui tươi
Nhưng tàu giặc mà tấn công bờ cõi
Tiếng biển hiền hòa sẽ hóa tiếng ngư lôi.
Biển xanh yên lành đâu muốn máu đỏ rơi
Đảo nhỏ yêu thương chỉ mong tiếng biển cười
Đón bình minh mỗi ban mai ngày mới
Tiếng biển đêm về như tiếng mẹ à ơi...
Anh biết đất liền đang lo lắng khôn nguôi
Đâu riêng vợ yêu mà hàng triệu triệu người
Hướng về biển Đông lắng nghe tiếng biển
Mong bình yên cho tàu cá ra khơi...
Vợ yêu ơi... anh phải đi trực rồi
Phút chào nhau tiếng biển bỗng mặn môi
Chiều nay nhé hết ca anh lại hẹn
Gọi để vợ nghe tiếng biển... tiếng yêu đời..."
- 8-5-2014 -
(Trích từ bài thơ Tiếng Biển - nguồn Facebook, lính biển Việt Nam)
1. Hãy cho biết đoạn thơ trên được viết theo thể thơ gì?
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của hai phép tu từ được sử dụng ở đoạn thơ trên?
3. Qua đoạn thơ trên, người lính biển Việt Nam muốn nhắn gửi đến chúng ta thông điệp gì? Từ đó, anh (chị) cảm nhận được những nét đẹp phẩm chất nào của người lính biển Việt Nam ở đoạn thơ trên?
II. Phần làm văn: (8,0 điểm)
Câu 1 - Nghị luận xã hội: (3,0 điểm)
Viết một bài văn ngắn (khoảng 200 từ), trình bày suy nghĩ của anh (chị) về mục đích học tập do UNESSCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".
Câu 2 - Nghị luận văn học: (5,0 điểm)
Anh (chị) hãy phân tích đoạn thơ sau:
"...Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung ...".
(Trích: Việt Bắc của Tố Hữu)
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
SỞ GD&ĐT ĐĂK LĂK TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG Tổ ngữ văn |
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 12 BAN CƠ BẢN |
I. Đọc - hiểu: (2,0 điểm)
1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do. (0,5 điểm)
2. Phép nhân hóa (tiếng biển cười), tác dụng: Giúp người đọc cảm nhận được sự vui tươi, yên bình của biển khơi, của lòng người (0,25 điểm).
Phép so sánh (tiếng biển đêm về như tiếng mẹ à ơi), tác dụng: Giúp người đọc hình dung biển như một người mẹ hiền, dịu ngọt, đằm thắm, luôn chở che cho con người Việt Nam. (0,25 điểm).
3. Thông điệp
a). Thông điệp mà người lính biển Việt Nam muốn gửi đến chúng ta là thông điệp về hòa bình. Những người lính biển Việt Nam luôn mong muốn duy trì sự hòa bình, ổn định trên biển Đông, không có sự tranh chấp, đổ máu. Nhưng nếu có sự xâm lấn biển Đông trái phép thì những người lính biển quyết đấu tranh đến cùng bằng mọi biện pháp vừa khôn khéo vừa cương quyết để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo. (0,5 điểm)
b). Những nét đẹp phẩm chất của lính biển Việt Nam là: Tình yêu đất nước, yêu gia đình tha thiết, mãnh liệt. Niềm tin son sắt vào hậu phương (gia đình, Đảng, chính phủ); Tinh thần dũng cảm, cương quyết, khôn khéo để canh gác biển khơi và đấu tranh với kẻ thù xâm hại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. (0,5 điểm)
II. Làm văn: (8,0 điểm)
Câu 1: (3,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội. Biết vận dụng các thao tác lập luận như giải thích phân tích, chứng minh bình luận...vào bài viết. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả...
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo được các yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Mở bài: (0,5 điểm)
Dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề cần nghị luận: Đó là đề xuất của UNESSCO về mục đích học: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình"
2. Thân bài: (2,0 điểm)
a. Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESSCO về mục đích học tập. (1,0 điểm)
- Học để biết: Đây là mục đích đầu tiên của việc học, học là tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, đời sống thực tế để có được những kiến thức về tự nhiên, xã hội và con người, qua đó bản thân người học tự nhận thức, đánh giá được bản thân. (Lấy ví dụ cụ thể) (0,25 điểm)
- Học để làm: Đây là mục đích tiếp theo của việc học. Làm là vận dụng kiến thức đã được học vào công việc cụ thể, thực tế của cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học. Thông qua công việc, chúng ta tạo ra những giá trị của cải vật chất, tinh thần phục vụ cho nhu cầu bản thân, gia đình, thúc đẩy phát triển xã hội. (Lấy ví dụ cụ thể) (0,25 điểm)
- Học để chung sống: Học để có khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử để thích nghi với môi trường sống, các quan hệ phức tạp của xã hội hiện đại. (0,25 điểm)
- Học để tự khẳng định mình: Học để tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân trong cuộc đời. (0,25 điểm)
b. Bàn bạc, mở rộng vấn đề. (0,5 điểm)
- Nội dung đề xướng của UNESSCO về mục đích học tập thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện, đáp ứng được yêu cầu về giáo dục, đào tạo con người của thời đại mới. (0,25 điểm)
- Đồng thời, với mục đích học tập này mỗi học sinh học xác định đúng về nhận thức, hành động học tập cụ thể, thiết thực, tránh được những nhận thức sai lầm về học tập. (0,25 điểm)
c. Bài học liên hệ đến nhận thức và hành động của bản thân người học. (0,5 điểm)
- Xác định rõ mục đích, động cơ, thái độ học tập. (0,25 điểm)
- Luôn chăm chỉ, nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức để có kiến thức chuyên môn vững đáp ứng nhu cầu tuyển dụng việc làm của xã hội hiện đại. (0,25 điểm)
3. Kết bài: (0,5 điểm)
- Khẳng định vai trò, tính đúng đắn của vấn đề.
- Liên hệ bản thân: Từ mục đích học tập do UNESSCO đề xướng, bản thân người học đã xác định được mục đích học tập như thế nào và cần phải làm gì để đạt được mục đích ấy. (Giám khảo căn cứ vào bài làm cụ thể và đáp án để cho điểm phù hợp)
Câu 2: (5,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học.
- Kết cấu rõ ràng, chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn nhiều cảm xúc, gợi hình. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Mở bài: 0,5 điểm
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, cảm hứng chủ đạo của Tố Hữu khi viết bài thơ "Việt Bắc"
- Nêu được những nét chính nội dung đoạn thơ: Hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc hiện về trong nỗi nhớ của người ra đi.
2. Thân bài: 4,0 điểm
a. Hai câu thơ đầu: Là lời khẳng định về nỗi nhớ thương da diết và tình cảm thủy chung của người ra đi...(0,5 điểm)
b. Nỗi nhớ thiên nhiên: (1,5 điểm)
- Bức tranh núi rừng Việt Bắc hiện về trong nỗi nhớ với vẻ đẹp sinh động, đổi thay theo bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông.
- Thiên nhiên hiện về trong nỗi nhớ mà đường nét, màu sắc tươi sáng, ấm áp như ở ngay trước mắt.
c. Nỗi nhớ con người: (1,5 điểm)
- Những con người Việt Bắc hiện về trong nỗi nhớ thật thân quen, bình dị, thầm lặng trong những công việc của đời thường và ẩn chứa bao vẻ đẹp: Cần cù, chịu thương chịu khó, tài hoa, khéo léo trong lao động.
- Nhà thơ gọi họ bằng những từ ngữ phiếm chỉ: Người đan nón, cô em gái, ai, khiến ta có cảm giác đó chỉ là những hình ảnh thoáng qua, tình cờ gặp gỡ nhưng vẫn gần gũi, yêu thương như đã quen thân.
d. Về nghệ thuật: (0,5 điểm)
- Hình ảnh đối xứng, đan cài, hòa hợp.
- Giọng điệu ngọt ngào, sâu lắng, thiết tha.
3. Kết luận: (0,5 điểm)
- Đoạn thơ thể hiện được tình cảm gắn bó sâu nặng của những người kháng chiến với quê hương Việt Bắc.
- Liên hệ bản thân.
Lưu ý:
- Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được yêu cầu về kỹ năng và kiến thức
- Giáo viên mạnh dạn cho điểm tối đa đối với các bài viết sáng tạo, chú ý đến diễn đạt, hành văn, trau chuốt trong dùng từ, đặt câu, trình bày đẹp, khoa học.