Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh năm học 2015 - 2016 được Tìm Đáp Án đăng tải nhằm giúp các bạn tự ôn tập kiến thức môn Văn hiệu quả. Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Văn này bao gồm đề thi và đáp án kèm theo, hi vọng giúp các bạn chuẩn bị tốt cho các bài thi, bài kiểm tra sắp tới.

SỞ GD & ĐT TP. HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO

ĐỀ THI HỌC KỲ II

MÔN NGỮ VĂN - KHỐI 12

Ngày thi: 19/04/2016

Thời gian làm bài: 120 phút

PHẦN I: Đọc hiểu (3 điểm)

Câu 1: Đọc kỹ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Ai kia ở chốn phồn hoa đô thị ồn ào, bụi bặm mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, đắm mình vào dòng sông quê hương "soi tóc những hàng tre", thì thật sự bị thất vọng. Sự "trong lành" ấy đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ mạnh ai nấy được trong nuôi trồng thủy sản. Sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180000 tấn phân hóa học, 1500 tấn thuốc trừ sâu! Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm, nước sông đang bốc mùi! Sông Thị Vải trong lưu vực sông Đồng Nai đã có đoạn bị chết kéo dài sau khu vực hợp lưu suối Cả - Đồng Nai đến khu công nghiệp Mĩ Xuân,... Rồi câu chuyện về "làng ung thư", thảm họa đau thương ngày càng tăng của một cộng đồng do tác động trực tiếp của chất thải công nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận thật rõ ràng: ai là thủ phạm của những cái chết đau thương, đó là một ví dụ quá đau xót. Phải xem đây là nỗi đau không chỉ của một làng, một địa phương, mà là nỗi đau chung của những ai có lương tri với đạo đức dân tộc "máu chảy ruột mềm, thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Làm sao có thể dửng dưng, vô cảm khi trên màn hình, những cư dân ở cái "làng ung thư kia" hiện bị căn bệnh quái ác tấn công đang hiền lành và bất lực kêu cứu?

("Tương lai - Môi trường và phát triển", www.nguoidaibieu.com.vn)

  1. Xác định nội dung chính của đoạn văn.
  2. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn bản.
  3. Đoạn văn bản trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Tiếng chim vách núi nhỏ dần
Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa
Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

(Đêm Côn Sơn – Trần Đăng Khoa)

  1. Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.
  2. Cảnh đêm Côn Sơn được tác giả miêu tả qua những chi tiết nào? Những chi tiết đó đem đến cho anh/chị cảm nhận gì về đêm Côn Sơn.
  3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ qua hai câu thơ

Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

PHẦN II: Làm văn (7 điểm)

Câu 3: Với những thành tựu vượt bậc mà nhân loại đã đạt được, có thể dễ dàng nhận định rằng con người là "tinh hoa của vũ trụ, động vật cao cấp nhất". Nhưng nếu nhìn vào cái cách mà con người ứng xử với tự nhiên chúng ta không khỏi giật mình tự hỏi, liệu con người có thông minh thực sự?

Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày quan điểm của mình về vấn đề trên.

Câu 4: Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân.

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12

PHẦN I: Đọc hiểu (3 điểm)

Yêu cầu chung

  • Phần này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một câu, một đoạn, một văn bản văn học thuộc nhiều thể loại để làm bài.
  • Mỗi câu chỉ hỏi một khía cạnh, thí sinh cần xác định đúng yêu cầu để trả lời chính xác.

Câu 1.

1. Nội dung (0,5)

  • Thực trạng ô nhiễm môi trường và tác hại khủng khiếp của nó đến đời sống con người
  • Phải chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người

2. Các phương thức biểu đạt: Nghị luận, thuyết minh, biểu cảm... (0,5)

3. Phong cách ngôn ngữ báo chí (0,5)

Câu 2.

1. Thể thơ lục bát (0,5)

2. Chi tiết: Tiếng chim nhỏ dần; rì rầm tiếng suối; ngoài thềm rơi cái lá đa; tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng...

=> Không gian bao la, tĩnh lặng trong sự huyền ảo, huyền bí của đêm Côn Sơn

=> Sự cảm nhận tinh tế (qua nhiều giác quan) của tác giả trước cảnh thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ. (0,5)

3. Ẩn dụ (chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác): Nghe tiếng lá đa rơi mà như nhìn thấy hình chiếc lá (rất mỏng)

- So sánh: Tiếng rơi "rất mỏng" với "rơi nghiêng"

Tác dụng:

  • Sử dụng ngôn từ mới mẻ vừa giàu tính tạo hình vừa giàu giá trị biểu cảm.
  • Không gian tĩnh lặng tôn nghiêm được cảm nhận qua tâm hồn tinh tế sâu lắng của nhà thơ. (0,5)

PHẦN II: Làm văn (7 điểm)

Câu 3: Nghị luận xã hội

Yêu cầu chung

  • Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài.
  • Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp.

Yêu cầu cụ thể

  • Đảm bảo kết cấu: (0,5)
  • Xác định được vấn đề: Con người xứng đáng là tinh hoa của vũ trụ với những thành tựu đã đạt được nhưng liệu có thông minh thực sự khi nhìn vào cái cách mà con người ứng xử với tự nhiên? (0,5)
  • Chứng minh con người là tinh hoa của vũ trụ bằng những thành tựu về khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội...(0,5)
  • Chứng minh thái độ ứng xử với tự nhiên của con người đã hủy hoại thiên nhiên, nhất là trong thế kỷ XX... (0,5)
  • Xác định nhiệm vụ bảo vệ tự nhiên của con người trong thế kỷ này...(1,0)

Câu 4: Nghị luận văn học

Yêu cầu chung

  • Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
  • Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

Yêu cầu cụ thể

1. Đảm bảo kết cấu (0,5)

2. Giới thiệu. (0,5)

  • Tác giả Kim Lân.
  • Truyện ngắn "Vợ nhặt".
  • Nhân bà cụ Tứ và diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật.

3. Phân tích. (2,0)

  • Hoàn cảnh nhân vật (0,5)
  • Diễn biến tâm lí (1,5)
    • Buổi chiều tối hôm trước: Ngạc nhiên -> Những cảm xúc phức tạp: lo, thương, buồn tủi, mừng, hi vọng
    • Buổi sáng hôm sau: Lo buồn qua đi còn lại là niềm vui, hi vọng
    • Cơ sở của sự thay đổi: Tình yêu con, tinh thần lạc quan

4. Đánh giá về ý nghĩa của nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, cái tài, cái tâm của tác giả. (1,0)

Lưu ý chung

  1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
  5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!