Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017 được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải gồm 2 đề thi chẵn và lẻ có đáp án đi kèm, 2 đề thi sẽ có khác biệt đôi chút để các bạn học sinh làm bài và luyện tập chuẩn bị cho kì thi HK1 được tốt nhất. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Trại Cau, Thái Nguyên năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2016 - 2017

Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG
TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG

ĐỀ CHẴN

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I
NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 12
Thời gian làm bài 90 phút

I. Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì.(...)

Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa.(...)

Vậy học trò ngày nay phải biết xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,... ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi....

(Trích Mạo hiểm - Nguyễn Bá Học, Quốc văn trích diễm, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2005)

Câu 1. Chỉ rõ phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng để viết đoạn văn bản trên? (0.5 đ)

Câu 2. Đoạn văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0.5 đ)

Câu 3. Theo tác giả, người học trò ngày hôm nay phải như thế nào? (1.0đ)

Câu 4. Hãy viết một đoạn văn khoảng 10 dòng để trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu văn: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông? (1.0 đ)

II. Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Cảm nhận sâu sắc của anh/chị về đoạn thơ sau trong phần trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 119-120)

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12

ĐÁP ÁN ĐỀ CHẴN

I. Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

  1. Phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn: phương thức nghị luận (0.5)
  2. Đoạn văn sử dụng phong cách ngôn ngữ chính luận (0.5)
  3. Theo tác giả: học trò ngày nay phải biết xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,... ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi.... (1.0)
  4. HS phải viết một đoạn văn hoàn chỉnh, khoảng 10 dòng, có nội dung nói về nghị lực vượt khó khăn, thử thách trong học tập, rèn luyện để thành công. (1.0)

II. Phần II. Làm văn (7,0 điểm) Cảm nhận sâu sắc về đoạn thơ trong trích đoạn Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề. (0,5)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự hiện hữu của Đất Nước trong mỗi con người và trách nhiệm của mỗi người với Đất Nước. (0,5)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

  • Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm, trường ca Mặt đường khát vọng, chương V Đất Nước và cảm hứng trữ tình bao trùm đoạn thơ. (0,5)
  • Cảm nhận về nội dung đoạn thơ: (2,5)
    • Đất Nước không còn là khái niệm xa lạ, trừu tượng mà là máu thịt đối với mỗi con người. Đất Nước có ngay trong chính bản thân mỗi con người, là một phần tâm hồn của mỗi người: Trong anh và em hôm nay/Đều có một phần Đất Nước. Đất Nước là máu xương của mình...
    • Trách nhiệm của cá nhân với Đất Nước: mỗi người phải biết gắn bó, san sẻ và hoá thân cho Đất Nước. Gắn bó là biết yêu đất nước bằng tâm hồn và suy nghĩ; san sẻ là gánh vác một phần trách nhiệm bằng hành động cụ thể; và hoá thân là mức độ cao nhất, nếu cần phải biết hi sinh cả tính mạng của mình.
    • Viễn cảnh của Đất Nước thật đẹp đẽ: Mai này con ta lớn lên/Con sẽ mang Đất nước đi xa.../Làm nên Đất Nước muôn đời.
  • Cảm nhận về nghệ thuật đoạn thơ: (1,5)
    • Hình thức đối thoại kết hợp với độc thoại, vừa nói với mọi người, vừa nói với chính mình
    • Đoạn thơ vừa đậm chất triết lí, chất trí tuệ lại giàu chất trữ tình, chan chứa tình cảm, cảm xúc.
    • Giọng điệu đoạn thơ vừa tha thiết, sâu lắng, vừa trang nghiêm. Nhờ đó mà ý thơ dễ đi vào cảm xúc và suy nghĩ của người đọc.
  • Đánh giá chung:
    • Qua đoạn thơ, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một quan niệm đúng đắn về đất nước và ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình và thế hệ mình trước vận mệnh của dân tộc. Tư tưởng ấy phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. (0,5)

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận (0,5)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,5)

Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!