Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Trại Cau, Thái Nguyên năm học 2016 - 2017 có đáp án là tài liệu học tập hay dành cho các bạn học sinh lớp 12 tham khảo nhằm củng cố kiến thức, học tốt môn Văn 12, ôn thi học kì I hiệu quả.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2016 - 2017
Phân tích hình tượng con Sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân
SỞ GD & ĐT THÁI NGUYÊN TRƯỜNG THPT TRẠI CAU |
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2016 - 2017 Môn: NGỮ VĂN – 12 (Chương trình chuẩn) Thời gian làm bài: 90 phút Đề số 02 |
Phần I: Đọc – hiểu (3,0 điểm): Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
CHÂN QUÊ
Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng,
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Nguyễn Bính)
Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? (0,5 điểm)
Câu 2: Trong những câu thơ sau, tác giả sử dụng các biện pháp tu từ gì? Hiệu quả của các biện pháp tu từ đó? (1,0 điểm)
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Câu 3: Qua bài thơ, em hiểu thế nào về nghĩa của từ "chân quê"? (0,5 điểm)
Câu 4: Suy nghĩ của em về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1,0 điểm)
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ hung bạo, dữ dội của hình tượng sông Đà trong văn bản "Người lái đò sông Đà" (Nguyễn Tuân)?
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
Phần I: Đọc – hiểu (3 điểm)
1) Nhân vật trữ tình: chàng trai (xưng "tôi") (0,5 điểm)
2) Các biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ, lặp từ, lặp cấu trúc, liệt kê. (0,5 điểm)
Hiệu quả: Thể hiện tâm trạng tiếc nuối, xót xa trước sự thay đổi về trang phục, diện mạo của cô gái sau một hôm "đi tỉnh về". (0,5 điểm)
3) Nghĩa của từ "chân quê": HS có thể lựa chọn các từ ngữ sau để diễn đạt: chân chất, mộc mạc, giản dị, thuần hậu, chất phác. (0,5 điểm)
4) HS viết được đoạn văn: (1,0 điểm)
- Hình thức: ngắn gọn, đúng thể thức đoạn văn.
- Nội dung: tập trung vào chủ đề "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc"
Phần II: Làm văn (7 điểm)
a) Mở bài: (0,5 điểm)
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng sông Đà.
- Nêu cảm nhận chung về vẻ hung bạo, dữ dội của hình tượng sông Đà.
b) Thân bài:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm:
- Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân sau CMT8/45: ngòi bút tài hoa, phóng túng, uyên bác hướng về nhân dân lao động, về cuộc đời rộng lớn, ngợi ca cuộc sống mới, con người mới. (0,5 điểm)
- Hoàn cảnh sáng tác: 1960, chuyến đi thực tế tại Tây Bắc. (0,5 điểm)
- Phân tích vẻ hung bạo, dữ dội của hình tượng sông Đà thể hiện ở: (3,5 điểm)
- Cảnh đá bờ sông dựng vách thành
- Mặt ghềnh Hát Loóng
- Những hút nước, xoáy nước
- Những thác dữ trên sông Đà
- Thạch trận trên sông Đà
- Bình luận:
- Vẻ hung bạo, dữ dội làm nên vẻ đẹp riêng của sông Đà so với nhiều con sông khác. (0,5 điểm)
- Vẻ hung bạo, dữ dội chỉ là một phương diện, một nét tính cách của sông Đà, bởi bên cạnh nét tính cách hung bạo, dữ dội, sông Đà còn mang vẻ đẹp nên thơ, trữ tình. (0,5 điểm)
- Tài năng nghệ thuật của tác giả: nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng, vận dụng kiến thức nhiều lĩnh vực khác nhau... (0,5 điểm)
c) Kết bài: (0,5 điểm)
- Đánh giá chung về tác phẩm, tác giả, hình tượng sông Đà.
- Cảm xúc bản thân.