Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

Bóng tối đêm dày nô lệ như bị xua tan, người chiến sĩ cách mạng cảm thấy cuộc đời mình, con đường mình hướng tới “bừng nắng hạ". Đây là hai câu thơ đẹp nhất của Tố Hữu viết về lí tưởng cách mạng.


Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

* Hai câu thơ đầu: Viết theo lối tự sự, đơn giản như kể lại một kỉ niệm khó quên và sâu sắc nhất trong cuộc đời của tác giả.

- Mốc thời gian “từ ấy”: Là mốc son đầu tiên và chói lọi mở ra một bước ngoặt huy hoàng trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nhà thơ Tố Hữu.

- Hình ảnh “bừng nắng hạ” mang đến cảm giác tràn trề sinh lực, mãnh liệt điều ấy có thể đem so với cảm giác hạnh phúc mãnh liệt, niềm sung sướng và say mê đến tột cùng đang trào dâng trong trái tim máu nóng, tuôn trào trong huyết quản của người thanh niên trẻ tuổi trước sự kiện được kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi tròn.

- “Mặt trời chân lý” là một hình ảnh mới lạ thể hiện sự sáng tạo của hồn thơ Tố Hữu, nó tỏa ra những ánh sáng rỡ chói lọi của Đảng, của cách mạng, của chủ nghĩa Mác Lê-Nin và thứ ánh sáng ấy vĩnh viễn là chân lý đúng đắn, sánh ngang cùng với mặt trời, là thứ ánh sáng đẹp đẽ đang chan chứa, xuyên thấu tận trong tâm hồn của nhà thơ.

=> Động từ mạnh như “bừng” thể hiện nguồn sáng mạnh và đột ngột, “chói” thể hiện sức lan tỏa xuyên thấu mãnh liệt không chỉ tác động đến thị giác mà còn tác động đến cả trái tim, xua tan đi màn sương mờ mịt của ý thức hệ tiểu tư sản mang đến một tư tưởng mới, một nhận thức mới về con đường giải phóng dân tộc.

* Hai câu thơ sau: Chuyển sang bút pháp trữ tình diễn tả cụ thể, trực tiếp niềm hạnh phúc vô bờ đang chan chứa trong tâm hồn của mình.

- Tâm hồn của tác giả khi bắt gặp ánh sáng cách mạng, lý tưởng Đảng cũng trở nên bừng sáng, tươi vui và tràn ngập sức sống, tựa như vườn hoa được tiếp thêm sinh lực, trở nên có ý nghĩa và tươi đẹp hơn gấp bội lần.

- Lối thơ vắt dòng bắt nguồn từ thơ ca Pháp, thể hiện cảm xúc tràn trề chan chứa, dường như không thể gói gọn trong một câu thơ riêng lẻ mà buộc phải truyền tải sang câu thơ tiếp.

3. Kết bài

Tổng kết nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Từ ấy.


Bài mẫu

Bài tham khảo số 1

   Viết về lí tưởng cách mạng, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã trở thành câu ca, tiếng hát của hàng triệu con người hơn nửa thế kỉ nay. Giọng thơ sôi nổi, say mê, trẻ trung và yêu đời tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. “Từ ấy" là tiếng hát của người thanh niên cộng sản thể hiện một tình yêu lớn: yêu lí tưởng cách mạng và yêu giai cấp cần lao.

   Bài thơ được viết theo thể thất ngôn, gồm có 3 khổ thơ mỗi khổ 4 câu. Đây là khổ đầu ca ngợi lí tưởng và nói lên tình yêu lí tưởng cách mạng:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

   Nhà thơ là đứa con của "Huế đẹp và thơ". Ông sinh ra và lớn lên trong đêm trường nô lệ "Nước mất nhà tan, đời khổ thế!". Trưởng thành trong phong trào yêu nước của thanh niên học sinh, nhà thơ nhiệt thành đi tìm đường cứu nước: "Con lớn lên con tìm Cách mạng". Và trong đêm dày nô lệ, nhà thơ cảm thấy tâm hồn "bừng nắng hạ" kể từ ấy:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim".

   "Từ ấy" là thời điểm (1938) nhà thơ được giác ngộ cách mạng, bắt gặp lí tưởng cộng sản chủ nghĩa. "Mặt trời chân lí" là hình ảnh ẩn dụ về lí tưởng cách mạng, về chủ nghĩa Mác - Lênin. Chữ "chói" (chói qua tim) nghĩa là chói lọi, soi vào, chiếu vào. Ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin vô cùng chói lọi đã chiếu vào, soi vào trái tim - tâm hồn yêu nước của nhà thơ trẻ.

  Bóng tối đêm dày nô lệ như bị xua tan, người chiến sĩ cách mạng cảm thấy cuộc đời mình, con đường mình hướng tới “bừng nắng hạ". Đây là hai câu thơ đẹp nhất của Tố Hữu viết về lí tưởng cách mạng. Ngôn từ (bừng, chói), hình ảnh (mặt trời chân lí) rất hay, rất sáng tạo. Lúc nào đọc, ta vẫn cảm thấy mới mẻ, vần thơ tràn ngập ánh sáng và niềm tin.

   Hai câu thờ 3, 4 tiếp theo nói về "hồn tôi" từ thuở ấy, từ khi "bừng nắng hạ":

"Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim".

   Nhà thơ sử dụng một so sánh đặc biệt: "Hồn tôi là một vườn hoa lá"... Ngôi vườn ấy xanh màu xanh của lá, rực rỡ của sắc hoa, "rất đậm hương" ngào ngạt. Ngôi vườn đẹp tươi ấy "rộn tiếng chim" hót nghe rất vui. Các từ gợi tả: "đậm", "rộn" thể hiện sức sống và vẻ đẹp của vườn hoa lá, của "hồn tôi" từ khi có chủ nghĩa Mác - Lênin, có "Mặt trời chân lí chói qua tim". Hai câu thơ nói lên tác dụng kì diệu của lí tưởng cách mạng qua một không gian nghệ thuật kì diệu nên thơ.

   Tố Hữu yêu nước, yêu chủ nghĩa Mác - Lênin mới có cách nói hay, rất hình tượng về lí tưởng cách mạng. "Mặt trời chân lí" và "vườn hoa lá..." là hai hình tượng rất đẹp, rất thơ. Các từ ngữ: "từ ấy", "bừng". "chói", "đậm", "rộn" - được chọn lọc tinh tế làm cho vần thơ cất cánh trong tâm hồn chúng ta.

Xem các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

 



Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến