Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận ( bài 2).

Theo tác giả cho biết, vào một buổi chiều thu 1939, khi còn là sinh viên trường Đại học Canh nông, Huy Cận đứng ở bờ nam bến Chèm, ngắm dòng sông Hồng mênh mông, lòng dào dạt xúc động mà viết bài thơ này. Đó là những cảm nhận về tràng giang và một nỗi buồn man mác dâng lên lúc hoàng hôn.


    Lời đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài", là cảm hứng chủ đạo của Huy Cận trong bài thơ "Tràng giang" đã khắc chạm vào thời gian và hồn người trong hơn nửa thế kỉ qua. "Tràng giang" là bài thơ tuyệt bút in trong tập "Lửa thiêng" xuất bản năm 1940. Theo tác giả cho biết, vào một buổi chiều thu 1939, khi còn là sinh viên trường Đại học Canh nông, Huy Cận đứng ở bờ nam bến Chèm, ngắm dòng sông Hồng mênh mông, lòng dào dạt xúc động mà viết bài thơ này. Đó là những cảm nhận về tràng giang và một nỗi buồn man mác dâng lên lúc hoàng hôn khi nhà thơ đứng trước cảnh "Sông dài, trời rộng, bến cô liêu".

   Khổ thơ đầu nói về "sóng gợn", con thuyền và cành củi khô trôi trên dòng sông:

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song".

   Tràng giang - sông dài và lớn, như Hoàng Hà, Trường Giang,... ở đây là sông Hồng Hà thân yêu, dòng sông "đỏ nặng phù sa". Sóng gợn lăn tăn, lớp lớp "buồn điệp điệp", như vỗ vào, thấm sâu vào lòng người bao ám ảnh. Con thuyền nhỏ bé, trôi xuôi dòng, buông mái chèo "nước song song". Cặp từ láy: "điệp điệp" và "song song" gợi tả một nỗi buồn thấm thía, xa vắng và mơ hồ. Hình ảnh cành củi khô vừa hiện thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng. "Củi một cành khô" nhỏ bé, tầm thường từ rừng xa trôi về đã được đem vào thơ, tạo nên "cái vị ý mới mẻ" của Thơ mới. Nó còn biểu tượng cho một kiếp người phù du, bé nhỏ trôi nổi trên dòng đời vô định. Buồn thương thế, biết đi đâu về đâu?

"Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng".

   Phép đối được sử dụng sáng tạo, chỉ đối ý, đối hình mà vần thơ vẫn cân xứng hài hòa. Con thuyền và cành củi khô đang cùng trôi nổi trên tràng giang. Huy Cận đã nói đến nhiều "vạn cổ sầu", "buồn thiên thu”, ở đây ông lại viết "sầu trăm ngả". Cả cõi dương và cõi âm? "Sầu trăm ngả" như tỏa rộng và phủ lên những kiếp người đau thương. Các số từ trong ba vần thơ "sầu trăm ngả", "củi một cành khô", "lạc mấy dòng" đã làm thấu rõ cái ám ảnh về kiếp người thì nhỏ bé, hữu hạn, sự đau khổ, sầu thương thì to lớn, vô hạn.

   Nỗi buồn vô hạn ấy lại được miêu tả qua một không gian bao la. Cái bé nhỏ tương phản với cái mênh mông, vô cùng, cồn thì nhỏ bé thưa thớt, buồn bã: "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu", vần lưng: "nhỏ - gió", kết hợp với láy âm: “lơ thơ" và "đìu hiu", âm hưởng câu thơ như trĩu lòng người về một nỗi buồn hiu hắt, cô quạnh. Nghệ thuật sử dụng từ láy tài ba, gợi lên màu sắc cổ kính, dẫn hồn người đọc trở về với cổ thi: "Non Kì quạnh quẽ trăng treo - Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò " (“Chinh phụ ngâm"), "Lơ thơ tơ liễu buông mành... ("Truyện Kiều").

   Chợ chiều vốn đã buồn xao xác, vãn chợ chiều thì cái buồn xao xác xa vắng lại nhiều lần nhân lên. Thế mà giờ đây cái âm thanh xao xác “vãn chợ chiều" từ một làng xa cũng không còn nữa. Từ "đâu" biểu lộ cái ngơ ngác của thi nhân với một nổi buồn cô quạnh chứa chất trong lòng:

"Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều".

   Bầu trời và lòng sông là không gian hai chiều. Trời cao thăm thẳm in xuống lòng sông. Người ta thường nói: "cao chót vót" và "sâu thăm thẳm", nhưng Huy Cận lại viết: "sâu chót vót” để làm nổi bật hai tiểu đối: "nắng xuống" và "trời lên" kia, cái bao la, mênh mông đều rợn ngợp của dòng sông, bầu trời và bến đò xa vắng:

"Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu".

   "Tràng giang” là thi phẩm đại diện sáng chói, lung linh nhất của “Lửa thiêng". Nói đến "tràng giang" là nói đến "Lửa thiêng". Nói đến "Lửa thiêng" là nói đến nỗi buồn mênh mang, bao trùm không gian và thời gian, “Mình như ngầm chất chứa ,cái lớp sầu dưới đáy hồn nhân thế!" (Xuân Diệu).

   Câu hát "bèo dạt mây trôi" trong dân ca Quan họ từng gợi lên trong hồn ta nhiều cảm xúc mơ hồ. Khổ thứ ba, Huy Cận lấy cánh bèo trôi dạt trên tràng giang làm biểu tượng cho sự hợp tan, chia ba trên dòng đời của những kiếp người truân chuyên lưu lạc:

"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng".

   Giữa cái bao la trời đất, sông nước hầu như không có bóng dáng con người. Câu thơ phủ định bằng điệp từ "không" liên tiếp: "không một chuyến đò ngang", "không cầu gợi chút niềm thân mật" và chỉ có một màu vàng của bãi tiếp nối với màu xanh của bờ vô tận. Cái buồn và cô đơn của một tâm trạng được diễn tả trong một không gian "mênh mông" và "lặng lẽ".

   Khổ thơ cuối nói về khoảnh khắc hoàng hôn. Hoàng hôn trong thơ cổ thường gắn liền với tình quê, cố hương:

    ... "Dừng chân đứng lại: trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta"

("Qua Đèo Ngang'')

   Thôi Hiệu, nhà thơ lỗi lạc đời Đường, đứng trên lầu Hoàng Hạc nhìn khói sóng phủ mờ trên sông buổi hoàng hôn mà lòng thổn thức:

"Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?"

(Tản Đà dịch)

   Huy Cận lựa chọn một số thi liệu đầy chất thơ để diễn tả một tình quê vơi đầy: Một cánh chim chiều, lớp lớp núi mây bạc. Không có khói sóng mà vẫn thương nhớ quê nhà da diết:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước.

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà".

   Câu thơ nên họa, đầy hình tượng và dạt dào cảm xúc. Hồn Đường như thấm vào câu chữ. Ai đã từng xa quê, trong khoảnh khắc hoàng hôn mới thấy hết cái hay (đẹp mà buồn) trong những bài thơ nói về tình quê, lòng quê. "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng" ("Truyện Kiều"),... "Kẻ chân Chương Đài, người lữ thứ - Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn" ("Chiều hôm nhớ nhà") - Từ cảm nhận ấy, ta như bâng khuâng nhập hồn mình vào "Tràng giang", lặng lẽ trầm ngâm nhìn theo "vời con nước" mà "nhớ nhà", nhớ quê hương. Huy Cận không cần có khói sương mà lòng quê vẫn "dờn dợn", vẫn "nhớ nhà". Rõ ràng tình quê trong Huy Cận cháy bỏng và da diết vô cùng. Nói rằng thơ đích thực nâng đỡ lòng người, khơi dậy những gì đẹp đẽ nhất tiềm ẩn nơi đáy sâu tâm hồn người để vươn tới cái cao cả. Đọc "Tràng giang” ta cầm nhận sâu thêm chân lí ấy.

   "Tràng giang" là một trong những bài thơ hay nhất của Huy Cận trong tập "Lửa thiêng", ngọn lửa vĩnh cửu tỏa sáng một hồn thơ đẹp. Thi sĩ đã chọn thể thơ thất ngôn với bốn khổ thơ, như một bức họa tứ bình tuyệt tác. Một nỗi buồn thâm thía được diễn tả lớp lớp tầng tầng qua những vần thơ mĩ lệ, hàm súc. "Tràng giang" là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng người mới có "Đất nở hoa" và những "Bài thơ cuộc đời” đằm thắm, nồng hậu... sau này. Đọc "Tràng giang", ta thêm yêu thêm nhớ đất trời sông núi quê hương.

 


Bài học bổ sung


Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến

phan tich 2 kho tho dau bai trang giang