Đọc hiểu Hạnh phúc của một tang gia

I - Gợi dẫn 1. Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) quê ở làng Hảo (Bần Yên Nhân), huyện Mĩ Hào, tỉnh Hư­ng Yên, nh­ưng sinh ra, lớn lên và mất ở Hà Nội. Mồ côi cha từ thuở ấu thơ, gia đình nghèo, Vũ Trọng Phụng đ­ược bà mẹ tần tảo nuôi cho ăn học. ông viết văn sớm, có truyện đăng báo từ năm 1930


I - Tìm hiểu chung

1. Tác giả

    Vũ Trọng Phụng viết nhiều thể loại như­ng nổi tiếng với hai thể tiểu thuyết và phóng sự. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng tập trung vạch trần những ung nhọt thối tha trong xã hội Việt Nam những năm ba m­ươi. Những lố lăng, kệch cỡm của lối sống Âu hoá nửa vời, những sản phẩm nhục nhã của văn hoá nô dịch đã đ­ược ghi nhận bằng một ngòi bút sắc sảo, cay nghiệt và đanh đá. Những phóng sự, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng thể hiện thái độ gay gắt của ông với xã hội đương thời. Vì lao động quá sức, nhà văn đã mắc bệnh lao và mất khi còn rất trẻ, lúc mới 27 tuổi.

2. Số đỏ là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm là một vở đại hài kịch nhiều màn phản ánh chi tiết một “tấn trò đời”. Mỗi ch­ương là một tiếng cư­ời sâu cay của tác giả ném vào mặt xã hội đ­ương thời. Bằng nghệ thuật trào phúng bậc thầy, nhà văn đã lên án gay gắt cái xã hội t­ư sản thành thị đang đua đòi lối sống văn minh rởm, hết sức lố lăng đồi bại đư­ơng thời. Những lối học đòi ngu si đã huỷ hoại những nét đẹp văn hoá truyền thống và cả xã hội như bọn hề tranh nhau nhảy múa.

3. Hạnh phúc của một tang gia thuộc ch­ương XV của tác phẩm. Qua miêu tả một đám tang, nhà văn đã vạch trần thói đạo đức giả của một đại gia đình bất hiếu, từ đó phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

4. Đọc chậm, nhấn giọng để tô đậm giá trị trào phúng.

II - Kiến thức cơ bản

    Hai m­ươi bảy tuổi đời, m­ười năm tuổi viết, Vũ Trọng Phụng đ­ược mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”. Ra đi quá sớm, khi tuổi đời và tuổi nghề đang ở vào lúc sung sức nhất, nhà văn đã kịp để lại cho nền văn học dân tộc những tác phẩm có giá trị hiện thực rất lớn. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là những bức tranh vô cùng sinh động tái hiện một cách chân thực và cô đọng bộ mặt thành thị Việt Nam những năm ba m­ươi. Chất liệu hiện thực đ­ược nhà văn khai thác ngay nơi hàng ngày ngồi viết. Thành công đặc biệt về phóng sự nh­ưng tác phẩm để lại dư­ âm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng lại thuộc thể loại tiểu thuyết và đó là Số đỏ, tác phẩm từng đ­ược đánh giá là tiểu thuyết trào phúng “vô tiền khoáng hậu” ở Việt Nam. Tác phẩm đã tái hiện một bức tranh hiện thực lớn thông qua gia đình cụ cố Hồng. Đỉnh cao của nghệ thuật trào phúng và cũng là biểu hiện căm giận lớn nhất của nhà văn đối với xã hội đạo đức giả đ­ược tập trung thể hiện ở đoạn miêu tả đám tang của gia đình cụ cố Hồng, đó là đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.

   Nguyên văn tên chương XV là Hạnh phúc của một tang gia – Văn Minh nữa cũng nói vào - Một đám ma gương mẫu. Ngay tên nhan đề đã thể hiện tính chất trào phúng. Tình huống để tạo nên tính trào phúng thường là những tình huống có mâu thuẫn và bất bình thường, càng bất thường thì càng trào phúng. Keo kiệt bất thường như Grăng-đê (ơ-giê-ni Grăng-đê, Ban-dắc), ích kỉ như Đờ-la-chu-sơ (Trường học làm vợ, Mô-li-e), bất hiếu như đứa con (Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Nguyễn Công Hoan)… là những mâu thuẫn tạo nên tính chất trào phúng. Cũng theo nguyên tắc tạo tình huống trào phúng ấy, nhưng cao tay hơn, Vũ Trọng Phụng tạo mâu thuẫn trào phúng có một không hai và thể hiện ngay ở tên gọi. Hạnh phúc của một tang gia là một mâu thuẫn rõ ràng và không cần giải thích tại sao. Hạnh phúc là khi người ta được thoả mãn nhu cầu nào đó, khi thực hiện được mong muốn của bản thân. Tang gia thì bao giờ cũng đau đớn. Một người thân mất đi là nỗi đau “sinh li tử biệt” của cả đại gia đình. Thế nhưng, thật ngược đời, cái chết của cụ cố tổ lại mang đến hạnh phúc cho cả một đại gia đình, mà lại là một gia đình danh giá, đại diện cho cả một nền văn minh. Kết hợp một trạng thái tâm lí với một hiện tượng hoàn toàn cách xa nhau, nhà văn đã tạo nên một tình huống gây cười độc đáo, gây cười mà chua xót, đắng cay.

   Cái chết của cụ cố tổ là tình huống đắc địa và cay nghiệt khi được dùng để thể hiện sự đại bất hiếu của đám con cháu. Giá chỉ một người hạnh phúc đã đành, ở đây lại cả một tang gia hạnh phúc. Cái chết này đã được đám con cháu mong đợi từ rất lâu vì rất nhiều lí do khác nhau. Sốt ruột, không thể chờ đợi lâu hơn, chúng đã thuê người can thiệp để cái chết đến nhanh hơn. Chúng thuê hai thầy lang băm có nhiều thành tích giết người nhất đến chữa bệnh và cả Xuân Tóc Đỏ đến giết chết cụ cố tổ bằng những lời tố cáo cháu gái cụ đã hư hỏng. Người cuối cùng trong gia đình còn biết xấu hổ khi danh dự gia đình bị hoen ố đã ra đi nhờ sự can thiệp nhiệt tình và hiệu quả của đám con cháu. Sự bất hiếu của hai cô con gái lão Gô-ri-ô đã không thể tha thứ nhưng sự bất hiếu của đám con cháu văn minh của cụ cố Hồng còn đáng sợ hơn. Cha chết, hai cô con gái không đến mà chỉ gửi đến hai chiếc xe có treo huy hiệu của nhà chồng. Còn đám con cháu kia thì rất tấp nập, nhộn nhịp, họ náo nức chuẩn bị. Trong đám tang chúng cũng than khóc, nhưng than khóc một cách giả dối. Sự giả dối ấy mới là điều đáng bàn và là điều mà nhà văn rất chú ý miêu tả.

   Nhà văn đã không bỏ phí một chi tiết nào. Liên tục và thường xuyên tạo tình huống gây cười và như vô tình làm lộ tẩy những điều xấu xa nhất của đám người vô đạo, học đòi văn minh rởm. Mỗi người một cách, nhà văn đã để cho họ thi nhau thực hiện mong ước của mình, thi nhau hưởng thụ niềm hạnh phúc mà họ mong đợi từ lâu.

   Niềm hạnh phúc lớn nhất, lâu bền nhất và chung nhất mà cái chết cụ cố tổ mang lại cho mọi thành viên trong gia đình là được thừa hưởng tài sản. Họ được chia tài sản và ai cũng được phần. Ngoài ra, mỗi người còn có một niềm hạnh phúc riêng, cả người trong gia đình và những người ngoài gia đình.

   Trong gia đình, lớn nhất là cụ cố Hồng, con trai của người chết. Bố chết, cụ hạnh phúc vì được mặc áo xô gai, chống gậy lụ khụ, để mọi người nhìn vào cụ mà trầm trồ. Đợi phát phục, cụ “nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai…”.

   Còn đám con cháu, chúng la ó vì chưa thấy phát phục, chưa được thể hiện tài hoặc được diện những bộ đồ tang thời trang nhất mà chúng vừa sáng tạo ra để khai hoá văn minh. Đứng đầu là Văn Minh, cháu đích tôn của người chết. Ông lo lắng vì không biết đối xử với Xuân như thế nào cho phải bởi “Xuân tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo cái tội trạng hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết. Hai cái tội nhỏ, một cái ơn to…”. Và nỗi lo trả ơn cho phải đạo với người đã giúp mình giết chết ông nội khiến Văn Minh có được bộ mặt rất hợp với gia đình “đương là tang gia bối rối”.

   Đám cháu gái, cháu dâu thì hạnh phúc vì được mặc những bộ đồ xô gai thời trang, được khoe mình còn “một nửa chữ trinh” với những người đến đưa tang. Cậu tú Tân, cháu nội người chết, thì sung sướng vì được trổ tài chụp ảnh. Quả thật nực cười và cay đắng vì những hạnh phúc của đám con cháu. Nhà văn đã không thể không nói thẳng ra điều đó : “… một bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ cố tổ”. Chúng đúng là “một bầy” thú chứ không phải con người. Chắc phải chứng kiến những điều ngang tai trái mắt lắm nhà văn mới có cái nhìn và thái độ cay nghiệt như vậy.

   Không chỉ bầy con cháu của gia đình vô đạo ấy được hưởng hạnh phúc mà những người xung quanh cũng có những niềm vui riêng. Trước hết là nhà chức trách – hai viên cảnh sát thuộc bộ thứ 18 là Min Đơ và Min Toa, “Giữa lúc không có ai đáng phạt mà phạt, đương buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ, mấy ông cảnh binh này được có đám thuê thì sung sướng cực điểm…”. Những ông bạn của cụ cố Hồng, ngực đầy huân chương đến dự đám tang thì “ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng” khi “trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết”. Bộ mặt của xã hội được đại diện bởi những gia đình như thế, những người cầm quyền như thế. Những kẻ đi đưa đám thì tranh thủ chim chuột nhau, bình phẩm nhau. Cả một đám ma to, danh giá, không có lấy một người đau đớn hay buồn bã khi nghĩ đến người chết.

   Và cao điểm nữa của tình huống trào phúng chính là chi tiết cuối cùng của đoạn trích. Đó là hành động trả ơn Xuân của ông Phán mọc sừng. Đoạn văn kết thúc cảnh đám tang là đoạn văn rất điển hình cho văn phong trào phúng của Vũ Trọng Phụng, “Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư… Nó nắm tay cho khỏi có người nom thấy, rồi đi tìm sư cụ Tăng Phú lạc trong đám ba trăm người đương buồn rầu và đau đớn về những điều sơ suất của khổ chủ”. Thản nhiên khi miêu tả đám tang, nhà văn đã ném vào cái “xã hội chó đểu” những lời chửi cay nghiệt nhất.

   Khi miêu tả cảnh đám tang nhà văn đã lặp lại điệp khúc “Đám cứ đi…”. Điệp khúc này có ý nghĩa châm biếm, hài hước. Một đám ma hỗn độn và hài hước, pha tạp đủ thứ, học đòi đủ kiểu để khoe khoang. Xe chở người chết cứ đi, người đưa cứ chim chuột nhau, con cháu cứ hưởng thụ niềm hạnh phúc sung sướng của mình. Mỗi người một tâm lí, một mục đích khác nhau, hội tụ lại để thực hiện “nghĩa tử là nghĩa tận” với người chết. Điểm nổi bật nhất và chung nhất của đám người này là sự giả dối, thói đạo đức giả.

   Người ta vẫn đánh giá là Vũ Trọng Phụng nhìn đời bằng con mắt rất cay nghiệt. Bởi ông ghê sợ cái xã hội mà ông đang sống. Là người có đạo đức, sống có tình có nghĩa, nhà văn ghê sợ thói đạo đức giả. Thế giới nhân vật của Số đỏ rất đông đúc và phức tạp, nhưng họ có chung một điểm là giả dối. Chúng là những điển hình của xã hội đương thời, mà Xuân Tóc Đỏ là điển hình xuất sắc nhất. Tuy không xuất hiện nhiều trong đoạn trích này nhưng sự có mặt của Xuân trong đám tang đã thể hiện được vai trò của nó. Nó xuất hiện đúng lúc và rất cao ngạo trên chiếc xe cùng đại diện báo Gõ mõ làm đám tang danh giá hẳn lên. Nó láu lỉnh nên biết cách thể hiện mình rất đúng lúc.

   Tự nhận mình là những ngư­ời văn minh tiến bộ nhưng lối sống và cách ứng xử của đám con cháu gia đình cụ cố Hồng đã thể hiện chúng là bọn người vô đạo và lố lăng. Đó là một gia đình không còn lấy một ng­ười tử tế, một gia đình thối nát.

   Qua lối sống của một gia đình tư sản, nhà văn đã khái quát bộ mặt của xã hội Việt Nam trong một giai đoạn vô cùng phức tạp, giai đoạn có sự chuyển đổi mạnh mẽ về nhiều mặt do có sự giao lưu với văn hoá phương Tây. Một số người thuộc tầng lớp tư sản học đòi theo phương Tây nhưng học đòi theo kiểu “trọc phú”, học những cái lố lăng, vô văn hoá và kệch cỡm. Những lối xưng hô “toa”, “moa”, “ba”, “me” học đòi của lũ con cháu cụ cố Hồng khá phổ biến những năm ba bốn mươi ở thành thị Việt Nam. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã ghi lại một cách chi tiết và chân thực hiện thực xã hội, qua đó thể hiện thái độ phản ứng gay gắt của nhà văn đối với những biểu hiện tiêu cực của xã hội đương thời.

   Là nhà văn rất thành công với thể loại phóng sự nên những sáng tác của Vũ Trọng Phụng luôn nóng hổi hơi thở thời đại. Đoạn trích cho thấy tài năng, bút pháp trào phúng độc đáo của Vũ Trọng Phụng. Nhà văn đã “lộn trái”, “bóc trần” lớp vỏ “văn minh”, làm lộ ra bản chất xấu xa cực độ của tầng lớp “thượng lưu” tư sản. Tiểu thuyết Số đỏ đã dựng lên một bức tranh quy mô, sinh động về xã hội thực dân tư sản với nhiều loại người, hạng người mà đặc điểm nổi bật là bịp bợm, dâm đãng, đua đòi một cách lố bịch. Tiểu thuyết Số đỏ xứng đáng là cuốn sách “làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Nguyễn Khải) ở giá trị phê phán hiện thực.

III - Liên hệ

1. Trong văn chương, tôi không bao giờ tin rằng có một cái tài nào đó chỉ nhờ biết đặt câu, dùng từ cho khéo, biết quan sát và mô tả sự vật cho tinh mà có thể tạo nên được những tác phẩm có giá trị thật sự. Văn học là tâm huyết, là thứ tư tưởng - nhiệt tình tự nó hiện hình thành những nhân vật đầy sức sống, tự nó đẻ ra những chữ có góc có cạnh, có hình có khối, có hơi thở phập phồng trên trang giấy.

   Ở Vũ Trọng Phụng, cái tư tưởng – nhiệt tình ấy là gì? Ấy là cái niềm căm thù mãnh liệt đối với xã hội độc ác, bất công, vô lí và “chó đểu” thời thuộc Pháp và khát vọng muốn đập phá tan tành nó đi để xây dựng một xã hội công bằng hơn, có nghĩa lí hơn.

   Muốn đánh giá được niềm căm thù này cần tìm hiểu tình hình tâm lí xã hội của tầng lớp thanh niên trí thức tiểu tư sản những năm 30 và số phận bế tắc đến bi thảm của Vũ Trọng Phụng, đồng thời đặt nhà văn vào cái môi trường sống cụ thể của ông, một trong những trung tâm buôn bán và ăn chơi trụy lạc của Hà Nội cũ (phố Hàng Bạc kề bên Sầm Công, Mã Mây, Hàng Buồm…). Người thanh niên ấy, đúng vào lúc ý thức được giá trị và vai trò của cá nhân mình trong cuộc đời nhờ ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, thì đồng thời cũng nhận ra rằng mọi ngả đường sự nghiệp, công danh đều bị chặn lại một cách tàn nhẫn. Sức mạnh thô bỉ của thằng thực dân và cũng đồng tiền làm chủ tất cả.

   Nếu không thể lao vào bão táp cách mạng thì mọi con đường của người thanh niên muốn tìm đến vinh quang bằng đạo đức, tài năng và lao động đều không được chấp nhận. Một xã hội như vậy đẻ ra vô vàn những kẻ thờ bạo lực và đồng tiền, chúng biến xã hội thành một thứ sân khấu đại hài kịch để đóng những vai thật là nhố nhăng, bỉ ổi mà Vũ Trọng Phụng gọi là “chó đểu”, hay “vô nghĩa lí”…

 … Vâng, có thể nói như thế: niềm căm thù mãnh liệt đối với xã hội thực dân, tư sản tàn ác, lố bịch, đểu giả, thối nát, đó là tất cả tài năng của Vũ Trọng Phụng.

2. Muốn đánh giá đúng một tác phẩm nghệ thuật, phải nắm được đặc điểm thể loại và khuynh hướng, cảm hứng của nó. Số đỏ là một cuốn tiểu thuyết trào phúng được viết theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Về mặt là một cuốn tiểu thuyết trào phúng, thành công của nó là đã gây được một tiếng cười, đúng hơn, một chuỗi cười ròn rã từ đầu đến cuối, thông qua một loạt tình tiết, tình huống hài hước và một loạt chân dung hí hoạ, biếm hoạ hết sức độc đáo và sinh động. Về mặt là một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, nó đã phát hiện được một cách chính xác và sâu sắc bản chất và quy luật khách quan của xã hội ở một phương diện quan trọng.

   Đặc điểm ấy của tác phẩm đặt ra một mâu thuẫn mà tác giả đã giải quyết được một cách đầy tài nghệ. Mâu thuẫn ấy là, một mặt phải dùng lối cường điệu, phóng đại một cách thoải mái – điều mà bút pháp trào phúng đòi hỏi – để tạo nên những tình huống oái oăm vô lí, những tính cách quái thai, kì quặc ; mặt khác lại không hề được nói oan nói ức cho bất kì cái gì, cho bất kì ai mà nó đề cập đến. Mâu thuẫn ấy giải quyết trong một truyện ngắn đã khó, trong một truyện dài càng khó hơn nhiều.

   Còn gì vô lí hơn một mụ mẹ Tây dâm ô đến như mụ phó Đoan mà lại được sắc ban “Tiết hạnh khả phong”, một thằng vô lại, vô học như Xuân Tóc Đỏ động mở mồm là “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”, “tình bỏ mẹ”… mà lại trở thành đốc tờ, triết gia, thi sĩ, nhà cải cách xã hội anh hùng cứu quốc, hội viên Hội khai trí tiến đức… Rồi ông Phán mọc sừng, Min đơ, Min toa, TYPN, cụ cố Hồng, Văn Minh vợ, Văn Minh chồng, cậu Phước, sư Tăng Phú, lang Tì, làng Phế, cả đến toàn quyền thống sứ, vua Nam, vua Xiêm v.v… toàn những nét vẽ nguệch ngoạc, tuỳ tiện, toàn những thằng hề, con rối chứ làm sao có được trong cuộc đời thực ! ấy thế mà sau một trận cười hả hê, khoái trá, ngẫm nghĩ lại, ta thấy đúng cả, nhà tiểu thuyết chẳng phải bịa chuyện nói chơi đâu. Thậm chí còn thấy những hình tượng kia đã rọi thêm ánh sáng cho ta thấy trong xã hội cũ, té ra đầy rẫy những Xuân Tóc Đỏ, những phó Đoan, những cố Hồng, những cậu Phước, những Văn Minh, những TYPN,…



Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến