Bài 50: Ôn tập trang 100
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Tia số
Trên tia số
- Số 0 ở vạch đầu tiên, là số bé nhất
- Mỗi số lớn hơn số bên trái nó và bé hơn số bên phải nó.
1.2. Phép cộng, phép trừ trong phạm vi 100
a) Đặt tính rồi tính
- Đặt tính thẳng hàng.
- Thực hiện phép cộng: lần lượt lấy hàng đơn vị cộng hàng đơn vị, hàng chục cộng hàng chục.
- Với phép cộng có nhớ thì em cộng thêm 1 vào hàng chục.
- Thực hiện phép trừ lần lượt từ phải sang trái, khi hàng đơn vị của số bị trừ không đủ để trừ thì em cần thực hiện phép trừ có nhớ.
- Từ số ban đầu, lần lượt thực hiện các phép toán và điền kết quả vào ô trống.
b) Bài toán
- Đọc và phân tích đề
- Tìm cách giải: Khi bài toán yêu cầu tìm giá trị “cả hai” hoặc “tất cả” thì em thường dùng phép toán cộng.
Tìm cách giải của bài toán: Chú ý bài toán có các từ khóa “giảm đi“; “kém“... thì thường sử dụng phép tính trừ để tìm lời giải.
- Trình bày lời giải: Viết lời giải, phép tính và đáp số cho bài toán.
- Kiểm tra lời giải của bài toán và kết quả vừa tìm được.
1.3. Hình phẳng
- Điểm thường được kí hiệu bằng dấu chấm và tên điểm được viết bằng chữ in hoa.
- Đoạn thẳng là đoạn nối hai điểm lại với nhau. Tên đoạn thẳng được viết bằng chữ in hoa.
- Ba điểm cùng nằm trên một đường thẳng thì được gọi là ba điểm thẳng hàng.
- Nối các điểm không thẳng hàng bằng các đoạn thẳng theo thứ tự thích hợp để tạo được đường gấp khúc.
- Độ dài đường gấp khúc được tính bằng tổng độ dài các đoạn thẳng của đường gấp khúc đó.
1.4. Khối lượng, lít
a) Đơn vị “kg” đọc là “Ki – lô – gam”
- Cách đọc: Đọc số rồi ghép với cách đọc của tên đơn vị là “ki-lô-gam”
- Cách viết: Viết số và ghép với kí hiệu của đơn vị là “kg”
b) Lít
- Lít là đơn vị đo dung tích
- Lít viết tắt là l
- Thực hiện phép tính với các số
- Viết đơn vị lít vào kết quả.
(Cộng, trừ các số khi cùng đơn vị đo là lít)
- Muốn tính số lít còn lại sau khi đã bớt đi em cần lấy số lít ban đầu trừ đi số lít đã rót ra.
Bài tập minh họa
Câu 1: Mỗi chữ cái ở vạch chỉ số nào trên tia số dưới đây?
Hướng dẫn giải
Quan sát tia số, em thấy mỗi vạch nhỏ trên tia số ứng với 1 số và mỗi khoảng cách nhỏ ứng với 1 đơn vị.
+ Chữ cái A ở vạch chỉ số trước vạch chỉ số 20 một khoảng là 1 đơn vị nên chữ cái A ở vạch chỉ số 19.
+ Chữ cái B ở vạch chỉ số sau vạch chỉ số 30 một khoảng là 1 đơn vị nên chữ cái B ở vạch chỉ số 31.
+ Chữ cái C ở vạch chỉ số trước vạch chỉ số 50 một khoảng là 3 đơn vị nên chữ cái C ở vạch chỉ số 47.
+ Chữ cái D ở vạch chỉ số sau vạch chỉ số 60 một khoảng là 2 đơn vị nên chữ cái D ở vạch chỉ số 62.
+ Chữ cái E ở vạch chỉ số trước vạch chỉ số 90 một khoảng là 2 đơn vị nên chữ cái E ở vạch chỉ số 88.
Câu 2: Khi tham gia ngày hội "Bảo vệ môi trường từ các sản phẩm tái chế", khối lớp Hai làm được 24 sản phẩm, khối lớp Ba làm được nhiều hơn khối lớp Hai 16 sản phẩm. Hỏi khối lớp Ba làm được bao nhiêu sản phẩm?
Hướng dẫn giải
Khối lớp Hai làm được: 24 sản phẩm
Khối lớp Ba làm được nhiều hơn khối lớp Hai: 16 sản phẩm
Vậy em thấy đây là bài toán về nhiều hơn, nên muốn tìm số sản phẩm của khối lớp Ba, em lấy số sản phẩm của khối lớp Hai làm được cộng với 16.
Bài giải:
Khối lớp Ba làm được số sản phẩm là:
24 + 16 = 40 (sản phẩm)
Đáp số: 40 sản phẩm.
Luyện tập
Qua nội dung bài học trên, giúp các em học sinh:
- Hệ thống lại kiến thức đã học một cách dễ dàng hơn.
- Nhận biết và vận dụng vào làm bài tập.
- Có thể tự đọc các kiến thức và tự làm các ví dụ minh họa để nâng cao các kỹ năng giải Toán lớp 2 của mình thêm hiệu quả.