04 đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023
- Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 1
- Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 2
- Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 3
- Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 4
- Đề thi giữa học kì 2 lớp 4 năm 2022 - 2023 môn khác
Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm học 2022 - 2023 có đáp án chi tiết cho từng phần kèm theo giúp các em học sinh ôn tập, hệ thống, củng cố kiến thức chuẩn bị tốt cho các bài thi giữa học kì 2. Đồng thời đây là tài liệu cho các thầy cô tham khảo ra đề cho các em học sinh. Sau đây mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo và tải về trọn bộ đề thi, đáp án.
Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 1
TRƯỜNG :………………………………. |
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II |
A. Kiểm tra đọc (10 điểm)
1. Kiểm tra đọc thành tiếng (3 điểm)
2. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
Đề bài: Đọc bài văn sau:
Dù sao trái đất vẫn quay!
Xưa kia, người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh cái tâm này. Người đầu tiên bác bỏ ý kiến sai lầm đó là nhà thiên văn học Ba Lan Cô-péc-ních. Năm 1543, Cô-péc-ních cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng chính trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện của nhà thiên văn học làm mọi người sửng sốt, thậm chí nó còn bị coi là tà thuyết vì nó ngược với những lời phán bảo của Chúa trời.
Chưa đầy một thế kỉ sau, năm 1632 nhà thiên văn học Ga-li-lê lại cho ra đời một cuốn sách mới cổ vũ cho ý kiến của Cô-péc-ních. Lập tức, tòa án quyết định cấm cuốn sách ấy và mang Ga-li-lê ra xét xử. Khi đó, nhà bác học đã gần bảy chục tuổi
Bị coi là tội phạm, nhà bác học già buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa tòa án, ông đã bực tức nói to:
- Dù sao trái đất vẫn quay!
Ga-li-lê phải trải qua những năm tháng cuối đời trong cảnh tù đày. Nhưng cuối cùng, lẽ phải đã thắng. Tư tưởng của hai nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lí giản dị trong đời sống ngày nay.
Theo Lê Nguyên Long, Phạm Ngọc Toàn
Dựa vào nội dung bài đọc, hãy khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng nhất cho từng câu hỏi dưới đây:
Câu 1. Cô-péc-ních là nhà thiên văn học của nước nào ? M1
A. Ba Lan
B. Anh
C. Đức
D. Nga
Câu 2. Cô-péc-ních viết sách chứng minh điều gì ? M1
A. Mặt trời là một hành tinh quay xung quanh trái đất.
B. Trái đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời.
C. Mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao quay xung quanh trái đất.
Câu 3. Em học tập được đức tính gì của hai nhà bác học qua bài văn trên ?M1
A. Lòng nhân hậu, sự chính trực, lòng dũng cảm.
B. Tính kiên trì, lòng nhân hậu và sự chính trực.
C. Sự chính trực, lòng dũng cảm và tính kiên trì.
Câu 4. Nội dung của bài văn trên là gì? M2
……………………………………………………………………………………
Câu 5. Trong hai câu tục ngữ sau, câu tục ngữ nào có nghĩa là: Phẩm chất quý hơn vẻ đẹp bên ngoài? M2
A. Cái nết đánh chết cái đẹp.
B. Trông mặt mà bắt hình dong
D. Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Câu 6. Trong các câu sau, câu nào là câu kể “Ai là gì?”. Gạch một gạch dưới chủ ngữ, hai gạch dưới vị ngữ của câu đó? M3
A. Năm 1543, Cô-péc-ních cho xuất bản một cuốn sách
B. Trái đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời.
C. Tư tưởng của hai nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lí giản dị trong đời sống ngày nay.
Câu 7. Từ cùng nghĩa với từ “Dũng cảm” là từ nào? M1
A. Can đảm
B. Thân thiết
C. Thông minh
Câu 8. Hãy viết hai câu tục ngữ nói về tài trí của con người mà em đã được học? M3
…………………………………………………………………………………………
Câu 9. “Gan dạ” có nghĩa là gì ? M2
A. Gan đến mức trơ ra, không còn biết sợ là gì.
B. Không sợ nguy hiểm.
C. Kiên cường không lùi bước.
Câu10. Chuyển các câu kể sau thành câu khiến? M4
Các bạn tổ Một trực nhật lớp.
…………………………………………………………………………….………
Chiều thứ ba, các bạn đi học Anh văn và Thể dục.
…………………………………………………………………………..……..….
II. BÀI KIỂM TRA VIẾT. (10 điểm)
1. Chính tả: (Nghe - viết) (2đ)
Bài viết:
Hoa mai vàng
Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Những nụ mai không phô hồng mà ngời xanh màu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh hoa mai xòe ra mịn màng như lụa. Những chùm hoa rực rỡ sắc vàng, mượt mà khoe sắc trong những ngày đầu xuân. Đến gần những bông hoa mai vàng rực rỡ ấy, một mùi hương thơm lựng như nếp hương phảng phất bay ra.
Mùa xuân và Phong tục Việt Nam
2. Tập làm văn: (8đ)
Đề bài: Em hãy tả một loài cây mà em yêu thích.
Đáp án:
I .BÀI KIỂM TRA ĐỌC
1. Đọc thành tiếng (3 điểm)
GV kiểm tra đọc thành tiếng qua các tiết ôn tập ở tuần 28. HS bốc thăm 1 trong các bài TĐ-HTL đã học từ tuần 19 đến tuần 27 sau đó đọc và trả lời câu hỏi của bài đọc.
GV đánh giá điểm dựa vào những yêu cầu sau:
- Đọc đúng tiếng, đúng từ, nghỉ hơi đúng dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa (1đ)
- Giọng đọc diễn cảm, tốc độ đạt yêu cầu (1đ)
- Trả lời đúng câu hỏi của GV đưa ra (1đ)
2. Đọc thầm (7 điểm)
Câu 1: A. Ba Lan (0,5 điểm)
Câu 2: B. Trái đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. (0,5 điểm)
Câu 3: C. Sự chính trực, lòng dũng cảm và tính kiên trì. (0,5 điểm)
Câu 4: Nội dung: Ca ngợi những nhà khoa học chân chính đã dũng cảm, kiên trì, bảo vệ chân lí khoa học. (1 điểm)
Câu 5: A. Cái nết đánh chết cái đẹp. (0,5 điểm )
Câu 6: B. Trái đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. (1 điểm)
CN VN
Câu 7: A. Can đảm (0,5 điểm)
Câu 8: (1 điểm)
Người ta là hoa đất.
Nước lã mà vã nên hồ
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.
Câu 9: B. Không sợ nguy hiểm (0,5 điểm )
Câu 10. (1 điểm)
Ví dụ:
Các bạn tổ Một đi trực nhật lớp đi!
Chiều thứ ba, các bạn đi học Anh văn và Thể dục nhé!
II. BÀI KIỂM TRA VIẾT.
1. Chính tả: (Nghe - viết)
GV đọc cho học sinh viết đoạn văn của Bài viết: Hoa mai vàng
* Đánh giá cho điểm:
- Bài viết rõ ràng, không lỗi, trình bày đúng đẹp. (2đ)
- Mỗi lỗi chính tả trong bài (sai /lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định): trừ 0,025 điểm
- Chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn,… trừ 0,5 điểm toàn bài
2. Tập làm văn: (8đ)
Đề bài: Em hãy tả một cây có bóng mát mà em yêu thích.
* Đánh giá cho điểm:
- Mở bài: Tả hoặc giới thiệu bao quát về cây. (1,5đ
- Thân bài: Tả từng bộ phận của cây hoặc tả từng thời kì phát triển của cây. (4đ)
- Kết bài: Có thể nêu lợi ích của cây, ấn tượng đặc biệt hoặc tình cảm của người tả với cây. (1,5đ)
* Bài văn viết có sự sáng tạo (1đ)
Ma trận đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4
Lớp |
Chủ đề |
Mức 1 |
Mức 2 |
Mức 3 |
Mức 4 |
Tổng |
|||||
TN |
TL |
TN |
TL |
TN |
TL |
TN |
TL |
||||
4 |
Đọc hiểu văn bản |
Số câu |
3 |
|
|
1 |
1 |
|
|
|
5 |
Câu số |
1,2,3 |
|
|
4 |
6 |
|
|
|
|
||
Số điểm |
1,5 |
|
|
1,0 |
1,0 |
|
|
|
3,5 |
||
Kiến thức TV |
Số câu |
1 |
|
2 |
|
|
1 |
|
1 |
5 |
|
Câu số |
7 |
|
5,9 |
|
|
8 |
|
10 |
|
||
Số điểm |
0,5 |
|
1 |
|
|
1,0 |
|
1,0 |
3,5 |
||
Tổng số câu |
4 |
|
2 |
1 |
1 |
1 |
|
1 |
10 |
||
Tổng số điểm |
2,0 |
|
1,0 |
1,0 |
1.0 |
1.0 |
|
1,0 |
7 |
Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 2
A. Bài kiểm tra Đọc, Nghe và Nói – Kiến thức tiếng Việt (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
- Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.
- Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Cuộc nói chuyện của các đồ dùng học tập
Tôi vốn là đứa con gái chẳng gọn gàng gì. Tự tôi thấy thế vì mỗi lần học xong là bàn học của tôi chẳng khác gì một bãi chiến trường. Nhất là thời tiết lạnh giá này tôi không tài nào chăm chỉ được.
Tối nay vừa chui vào chiếc chăn ấm áp, tôi chợt nghe thấy lời than thở của chị bút mực: “Tôi chẳng biết anh thước, bác tẩy, chị bút chì có thấy khổ không chứ tôi thì bị hành hạ ghê quá. Sinh ra tôi là một cây bút đẹp đẽ, mới mẻ, bọc cẩn thận trong hộp nhựa, mà giờ mặt mũi tôi lúc nào cũng nhem nhuốc, bẩn thỉu. Những mảng da của tôi loang lổ, bong tróc dần. Thỉnh thoảng tôi lại bị ngã xuống nền nhà đau điếng”.
Anh thước kẻ nghe vậy cũng cảm thông:
- Tôi cũng nào có sung sướng hơn chị. Chị nhìn những vạch số của tôi còn thấy rõ nữa không? Cô chủ còn lấy dao vạch vạch những hình quái dị vào người tôi. Tôi còn thường xuyên bị đem ra làm vũ khí để chiến đấu nên người tôi sứt mẻ cả rồi.
Mấy cô cậu sách giáo khoa cũng chen vào: “Phải đấy! Phải đấy! Cô chủ thật là vô tâm, chẳng biết thương chúng ta chút nào. Chúng tôi giúp cô chủ học bài mà còn bị cô chủ vẽ bậy, dập ghim vào đầy người. Đau lắm!”
Những tiếng than vãn, tiếng thút thít, sụt sùi vang lên. Ôi! Các bạn đồ dùng học tập yêu quý của tôi. Tôi đã làm xấu, làm hỏng các bạn nhiều quá!
(Học sinh Hà An)
Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:
- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời em chọn.
- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.
Câu 1. Chị bút mực than vãn về điều gì? (M1-0,5 điểm)
A. Về việc chị bị cô chủ hành hạ.
B. Về việc chị bị những đồ dùng khác bắt nạt.
C. Về việc chị bị cô chủ bỏ đi.
D. Về việc chị bị cô chủ bỏ quên.
Câu 2. Có những ai chung cảnh ngộ với chị bút mực? (M1-0,5 điểm)
A. Anh cục tẩy, chị bút chì.
B. Anh hộp bút, mấy cô cậu vở ô li.
C. Anh bút chì, anh thước kẻ.
D. Anh thước kẻ, mấy cô cậu sách giáo khoa.
Câu 3. Vì sao chúng lại than vãn, thút thít, sụt sùi? (M2-0,5 điểm)
A. Vì chúng phải làm việc cật lực, không có thời gian nghỉ ngơi.
B. Vì chúng giúp cô chủ học bài mà không được cô chủ yêu thương.
C. Vì chúng giúp cô chủ học bài mà cô chủ mãi không tiến bộ.
D. Vì chúng sắp bị cô chủ thay thế bằng những đồ dùng mới.
Câu 4. Cô chủ đã nhận ra điều gì qua cuộc nói chuyện của các đồ dùng học tập? (M2-0,5 điểm)
A. Cô đã làm mất nhiều đồ dùng học tập yêu quý.
B. Cô đã không dành thời gian tâm sự với các đồ dùng để hiểu hơn.
C. Cô đã làm xấu, làm hỏng các bạn đồ dùng học tập yêu quý.
D. Cô đã không để chúng gọn gàng, ngăn nắp mỗi khi học bài xong.
Câu 5. Em thấy mình có những hành động “vô tâm” với đồ dùng học tập như cô chủ trên không? (M4-1,0 điểm)
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………..
Câu 6. Qua câu chuyện, em rút ra bài học gì cho bản thân? (M3-1,0 điểm)
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………..
Câu 7. Dấu gạch ngang trong trường hợp nào dưới đây dùng để đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại? (M1-0,5 điểm)
A. Các đồ dùng học tập - bút, thước, sách vở là người bạn thân thiết của chúng ta.
B. Chúng ta phải yêu quý đồ dùng học tập bằng những hành động cụ thể:
- Sử dụng cẩn thận, giữ gìn sạch sẽ.
- Sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
C. Anh thước kẻ nghe vậy cũng cảm thông:
- Tôi cũng nào có sung sướng hơn chị.
Câu 8. Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống: (M3-1,0 điểm)
a) Chúng ta cần sớm phát hiện và bồi dưỡng những … (tài năng, tài hoa) cho đất nước.
b) Người nghệ sĩ ấy đang dùng bàn tay …. (tài hoa, tài trí) của mình để tạo hình cho tác phẩm.
Câu 9. Dùng dấu // tách bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu kể dưới đây: (M2-0,5 điểm)
Mỗi dịp đầu năm học mới, mẹ mua cho em nhiều sách vở và đồ dùng học tập.
Câu 10. Em hãy đặt câu khiến cho các tình huống sau: (M3-1,0 điểm)
a) Em nhờ bạn lấy hộ quyển sách.
b) Em muốn mẹ mua cho một chiếc cặp sách mới.
B. Bài kiểm tra viết (10 điểm)
I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)
Chàng Rô-bin-sơn
Rô-bin-sơn Cru-sô là một chàng trai người Anh rất ham mê đi biển. Trong một chuyến đi, tàu của anh gặp một cơn bão khủng khiếp, chỉ mình anh may mắn sống sót. Một mình trơ trọi trên đảo hoang giữa biển khơi, không thức ăn, không vũ khí phòng thân, có thể bị thú dữ ăn thịt vào bất cứ lúc nào. Ban đầu Rô-bin-sơn hoảng sợ. Sau anh trấn tĩnh, chiến thắng nỗi tuyệt vọng, vượt qua hoàn cảnh để sống và trở về.
(Theo TRUYỆN ĐỌC LỚP 4)
II. Tập làm văn (8 điểm)
Hãy tả một đồ vật gắn bó với em.
Đáp án:
A. Kiểm tra đọc (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
1. Chọn câu trả lời A: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác A: 0 điểm
2. Chọn câu trả lời D: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác D: 0 điểm
3. Chọn câu trả lời B: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác B: 0 điểm
4. Chọn câu trả lời C: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác C: 0 điểm
5. Gợi ý:
Em đã từng có những hành động như cô chủ trên, cũng dùng thước kẻ đánh nhau, cũng khắc, dán, vẽ bậy linh tinh lên đồ dùng,…
6. Gợi ý:
Đồ dùng học tập là những người bạn trợ giúp đắc lực cho việc học của em.
Em cần giữ gìn chúng cẩn thận, sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng hơn.
7. Chọn câu trả lời C: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác C: 0 điểm
8. Trả lời đúng: 1,0 điểm (mỗi ý 0,5 điểm); trả lời khác: 0 điểm Gợi ý:
a) Chọn “tài năng” b) Chọn “tài hoa”
9.
- Xác định đúng bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu: 0,5 điểm
- Không xác định đúng: 0 điểm.
Gợi ý: Mỗi dịp đầu năm học mới, mẹ // mua cho em nhiều sách vở và đồ dùng học tập.
10.
- Chuyển được 2 câu kể thành 2 câu khiến: 1,0 điểm
- Chuyển được 1 câu kể thành 1 câu khiến: 0,5 điểm
- Không viết được câu khiến: 0 điểm
Gợi ý:
a) Bạn lấy hộ mình quyển sách với!
b) Mẹ mua cho con chiếc cặp mới nhé!
B. Kiểm tra viết
I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)
II. Tập làm văn (8 điểm)
Tham khảo:
Bước vào năm học mới, mẹ mua cho em một cây bút chì, trông nó thật xinh xắn dễ thương. Cây bút chì còn thơm mùi gỗ và nước sơn. Nó dài hơn một gang tay, thân bút tròn và to hơn chiếc đũa. Bút chì được sơn màu vàng óng, trên đó nổi bật hàng chữ màu đen: Bút chì Hồng Hà. Đầu bút có cái đai mạ kền sáng bóng bọc lấy một miếng tẩy nhỏ màu xanh nõn chuối. Em quay đầu bên kia lên xem ruột chì thì thấy nó nhỏ, đen, tròn nằm chính giữa bút chì và chạy dọc theo chiều gỗ. Em lấy cái gọt bút chì gọt nhẹ và xoay tròn cây bút, lưỡi dao sắc, những mảnh gỗ mỏng, nhỏ, dài chạy ra để lộ ruột chì đen
nhánh. Em cầm bút vẽ thử chú chuột Mickey trên trang giấy trắng. Nét bút đen, đậm nhạt theo nét vẽ hiện dần trông thật đẹp mắt. Không biết từ lúc nào, chiếc bút chì đã trở thành người bạn thân thiết của em, dùng để chữa bài hoặc vẽ. Mỗi khi làm xong, em đều cẩn thận cho bút vào hộp để khỏi bị gãy.
Nguyễn Lan Phương
Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 3
I. Đọc thầm bài văn sau và trả lời câu hỏi :
Chiều ngoại ô
Chiều hè ở ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh. Khi những tia nắng cuối cùng nhạt dần cũng là khi gió bắt đầu lộng lên. Không khí dịu lại rất nhanh và chỉ một lát, ngoại ô đã chìm vào nắng chiều.
Những buổi chiều hè êm dịu, tôi thường cùng lũ bạn đi dạo dọc con kênh nước trong vắt. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh. Rồi những rặng tre xanh đang thì thầm trong gió. Đằng sau lưng là phố xá, trước mặt là đồng lúa chín mênh mông và cả một khoảng trời bao la, những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao. Con chim sơn ca cất tiếng hót tự do, thiết tha đến nỗi khiến người ta phải ao ước giá mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là ráng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa chín và hương sen. Vẻ đẹp bình dị của buổi chiều hè vùng ngoại ô thật đáng yêu.
Nhưng có lẽ thú vị nhất trong chiều hè ngoại ô là được thả diều cùng lũ bạn. Khoảng không gian vắng lặng nơi bãi cỏ gần nhà tự nhiên chen chúc những cánh diều. Diều cốc, diều tu, diều sáo đua nhau bay lên cao. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm. Những cánh diều như những mảnh hồn ấu thơ bay lên với biết bao khát vọng. Ngồi bên nơi cắm diều, lòng tôi lâng lâng, tôi muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh.
Theo NGUYỄN THỤY KHA
Em hãy khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng và làm các bài tập dưới đây:
Câu 1: Cảnh buổi chiều hè ở ngoại ô như thế nào? (M1-0,5đ)
A. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất đẹp, hấp dẫn.
B. Cảnh buổi chiều hè ở vùng ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật yên tĩnh.
C. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất ồn ào, náo nhiệt.
D. Cảnh buổi chiếu ở ngoại ô thật buồn tẻ.
Câu 2: Câu văn nào trong bài tả vẻ đẹp của ruộng rau muống? (M1-0,5đ)
A. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người.
B. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống.
C. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh.
D. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn.
Câu 3: Vào những buổi chiều hè, tác giả thường cùng bạn bè của mình làm gì? (M2-0,5đ)
A. đọc sách.
B. đi dạo.
C. gặt lúa.
D. Hái rau muống
Câu 4. Điều gì làm tác giả cảm thấy thú vị nhất trong những buổi chiều hè ở vùng ngoại ô? (M2-0,5đ)
A. Ngắm cảnh đồng quê thanh bình.
B. Ngắm cảnh đồng quê và thả diều cùng lũ bạn.
C. Được hít thở bầu không khí trong lành.
D. Được chơi những trò chơi yêu thích.
Câu 5. Tác giả muốn gửi gắm điều gì vào những cánh diều? (M3-1,0đ)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
Câu 6. Nếu là nhân vật tôi trong câu chuyện trên thì em thích nhất điều gì của buổi chiều ngoại ô? Vì sao? (M4-1đ)
……………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………
Câu 7. Từ cùng nghĩa với từ “bao la” là: (M1-1,0đ)
A. Bát ngát
B. Cao vút
C. Thăm thẳm
D. Mát mẻ
Câu 8. Câu "Những cánh diều như những mảnh hồn ấu thơ bay lên với biết bao khát vọng." thuộc kiểu câu nào?: (M2-0,5đ)
A. Câu cầu khiến
B. Câu kể Ai làm gì?
C. Câu kể Ai là gì?
D. Câu kể Ai thế nào?
Câu 9. Đặt một câu theo kiểu Ai là gì? để giới thiệu về một bạn trong lớp em: (M3-1,0đ)
.............................................................................................................................................
Câu 10: Nêu tác dụng của dấu gạch ngang trong các câu sau: (M2-0,5đ)
Thấy tôi sán đến gần, ông hỏi tôi :
- Cháu con ai?
- Thưa ông, cháu là con ông Thư.
A. Dùng để đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật.
B. Dùng để đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê .
C. Dùng để đánh dấu phần chú thích trong câu .
D. Cả ba ý trên đều đúng.
II. Phần viết :
1. Chính tả: (Nghe – viết) bài Kim tự tháp Ai Cập (SGK Tiếng Việt 4/....)
2. Tập làm văn: Hãy tả một cây ăn quả mà em yêu thích.
Đáp án:
I. BÀI KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
1. Kiểm tra đọc thành tiếng kết hợp kiểm tra nghe, nói (KT từng cá nhân): (3 điểm)
1.1* Nội dung kiểm tra: Gồm 18 bài đã học từ tuần 19 đến tuần 27, giáo viên ghi tên bài , số trang vào phiếu, gọi học sinh lên bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, thơ khoảng 105 tiếng / phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên nêu.
2/. Đánh giá, cho điểm. Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:
2.1. Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu ( không quá 1 phút): 0,5 điểm
(Đọc từ trên 1 phút – 2 phút: 0,25 điểm; đọc quá 2 phút: 0 điểm)
2.2. Đọc đúng tiếng, đúng từ, trôi chảy, lưu loát: 1 điểm
(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai 5 tiếng trở lên: 0 điểm )
2. 3. Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 0,5 điểm
(Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 – 3 chỗ: 0,25 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)
2. 4. Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc : 1điểm
(Trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm ; trả lời sai hoặc không trả lời được : 0 điểm )
* Lưu ý : Đối với những bài tập đọc thuộc thể thơ có yêu cầu học thuộc lòng, giáo viên cho học sinh đọc thuộc lòng theo yêu cầu.
2. Kiểm tra đọc hiểu, kết hợp kiểm tra từ và câu: (7 điểm)
Câu 1: B (M1-1,0 điểm)
Câu 2: C (M1-0,5 điểm)
Câu 3: B (M2-0,5 điểm)
Câu 4: B (M2-0,5 điểm)
Câu 5: (M3-1,0 điểm) Tác giả muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh.
Câu 6: (M4-0,5 điểm) Em sẽ thích cùng lũ bạn đi dạo dọc con kênh nước trong vắt...
Câu 7: A (M1-1,0 điểm)
Câu 8: D (M2-0,5 điểm)
Câu 9: (M2-1,0 điểm) HS đặt câu theo kiểu câu Ai là gì?
Câu 10: A (M3-0,5 điểm)
II. BÀI KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Kiểm tra viết chính tả: (2 điểm)
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: (2 điểm).
- Mắc từ 03 lỗi trở lên (âm đầu, vần, tiếng, không viết hoa đúng quy định, thiếu hoặc thừa chữ…) trừ 0,5 điểm, mắc từ 6 lỗi trở lên trừ 01 điểm.
- Viết chữ không rõ ràng, không đảm bảo độ cao, khoảng cách, đặt dấu thanh không đúng vị trí, trình bày bẩn…trừ 1 điểm toàn bài.
2. Tập làm văn: (8 điểm)
- Đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Viết được bài văn tả cây cối đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài đúng các yêu cầu của đề bài độ dài bài viết khoảng 12 câu trở lên.
+ Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng thể loại văn miêu tả.
+ Chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả. Trình bày bài viết sạch sẽ. Không liệt kê như văn kể chuyện.
- Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về cách diễn đạt, chữ viết có thể cho các mức điểm: 8,0; 7,5; 6,0; 5,5; 5,0; 4,5; 4,0; 3,5; 3,0; 2,5; 2,0; 1,5; 0,5
Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023 - Đề 4
Tải về
Đề thi giữa học kì 2 lớp 4 năm 2022 - 2023 môn khác
- Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Toán lớp 4 năm 2022 - 2023
- 5 Đề kiểm tra tiếng Anh lớp 4 giữa kì 2 năm 2022 - 2023
Ngoài ra các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi giữa học kì 2 lớp 4 hay đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo chuẩn thông tư 22.