Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 bao gồm các dạng bài tập trọng tâm môn Tiếng Việt 4 có kèm theo đáp án và một số bộ đề ôn tập giúp các em học sinh ôn luyện ôn thi chuẩn bị cho các bài thi cuối học kì 2 lớp 4. Đồng thời đây cũng là tài liệu cho các thầy cô khi hướng dẫn ôn tập môn Tiếng Việt cuối học kì 2 cho các em học sinh.

1. Nội dung ôn tập học kì 2 Tiếng việt lớp 4

1. Đọc: Các bài tập đọc từ tuần 21 đến tuần 34

2. Đọc hiểu: Đọc và tìm hiểu nội dung 1 văn bản mới.

3. Chính tả: Nghe đọc và viết một đoạn chính tả (khoảng 90 - 100 chữ)

4. Luyện từ và câu

* Ôn tập các từ :

  • Từ loại: Danh từ, động từ, tính từ .
  • Nghĩa của từ: Từ ghép, từ láy

* Ôn tập về câu:

  • Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu kể Ai-là gì; Ai – làm gì; Ai – thế nào?
  • Câu cảm
  • Câu khiến

* Mở rộng vốn từ: Du lịch -Thám hiểm; Dũng cảm; Sức khỏe; Tài năng; Cái đẹp

3. Tập làm văn

Ôn tập văn miêu tả: Tả con vật

2. Bài tập minh họa ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4

Bài 1: Chủ ngữ trong câu “Tôi hiểu bệnh của anh ấy rồi.” là:

A. Tôi

B. Anh ấy

C. Tôi hiểu

D. bệnh

Bài 2: Trong câu “Ngoài hành lang nhà ở của Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, người chỉ huy đội bảo vệ điện Krem-li đặt một trạm gác.” bộ phận nào là chủ ngữ ?

A. Vla-đi-mia I-lích Lê-nin

B. người chỉ huy đội bảo vệ

C. người chỉ huy đội bảo vệ điện Krem-li

D. Ngoài hành lang

Bài 3: Dòng nào dưới đây nêu đúng chủ ngữ của câu “Một nữ sinh đội cái mũ có cắm chiếc lông chim xanh lấy hai đồng xu trong túi ra và nói”?

A. Một nữ sinh

B. Một nữ sinh đội cái mũ

C. Một nữ sinh đội cái mũ có cắm chiếc lông chim xanh

D. Một nữ sinh đội

Bài 4: Bộ phận gạch chân trong câu: Vượt Đại Tây Dương, Ma-gen-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mĩ. có chức năng gì trong câu?

A. chủ ngữ

B. trạng ngữ

C. vị ngữ

D. trạng ngữ và chủ ngữ

Bài 5: Trạng ngữ của câu: “Hôm sau, bố đưa cho Nam một con diều.” là:

A. Hôm sau

B. Hôm sau, bố

C. đưa cho Nam một con diều

D. bố

3. Bài tập Tiếng Việt lớp 4 ôn tập học kì 2

Bài tập 1: (Đọc viết) viết đúng chữ x/s:

Sơ suất, xuất xứ, xót xa, sơ sài, xứ xở, xa xôi, xơ xác, xao xuyến, sục sôi, sơ sinh, sinh sôi, xinh xắn

Bài tập 2: Tìm 5 từ láy có phụ âm đầu s; 5 từ láy có phụ âm đầu x; 5 từ ghép có phụ âm đầu s đi với x.

Bài tập 3: Tìm 4-5 từ có tiếng: sa, xác, xao, xát, sắc, song, sổ, xốc, xông, sôi, sơ, xơ, xuất, suất, sử, xử.

Bài tập 4:

a) Điền chung / trung:

- Trận đấu ..... kết.

- Phá cỗ ..... Thu.

- Tình bạn thuỷ .....

- Cơ quan ..... ương.

b) Điền chuyền hay truyền:

- Vô tuyến .... hình.

- Văn học ... miệng.

- Chim bay .... cành.

- Bạn nữ chơi ...

Bài tập 5: Điền l / n:

...o ...ê,

...o ...ắng,

...ưu ...uyến,

...ô ...ức,

...ão ...ùng,

...óng ...ảy,

...ăn ...óc,

...ong ...anh,

...ành ...ặn,

...anh ...ợi,

...oè ...oẹt,

...ơm ...ớp.

Bài tập 6: Điền l / n:

Hoa thảo quả ...ảy dưới gốc cây kín đáo và ...ặng ...ẽ. Dưới tầng đáy rừng, những chùm thảo quả đỏ chon chót, bóng bẩy như chứa ...ửa, chứa ...ắng.

Bài tập 7: Điền l /n:

Tới đây tre ...ứa ...à nhà

Giò phong ...an ...ở nhánh hoa nhuỵ vàng

Trưa ...ằm đưa võng, thoảng sang

Một ...àn hương mỏng, mênh mang nghĩa tình....án đêm, ghé tạm trạm binh

Giường cây ...ót ...á cho mình đỡ đau...

(Tố Hữu)

Bài tập 8: Điền tiếng có chứa phụ âm đầu l /n:

a) ... trường Tam Đảo chạy quanh quanh

Dòng ... qua nhà lấp ... xanh

Bãi cỏ xa nhấp nhô sóng ...

Đàn cừu ... gặm cỏ yên ...

(Vĩnh Mai)

b) Trăng toả ... từng ánh vàng dìu dịu. Những cụm mây trắng lững ... trôi. Đầu phố, những cây dâu da đang thầm ... ban phát từng ... hương ngọt ngào vào đêm yên tĩnh. Càng về khuya, hoa càng nồng ..., ... nức.

(Đức Huy)

Bài tập 9: Tìm 4-5 từ có tiếng: la, lạc, lạm, nam, lam, lan, nan, nanh, lao, lát, lăm, lăng, năng, lập, neo, nép, linh, nòng, lóng, lỗi, lung, nương.

4. Đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 4 học kì 2

4.1. Đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 - Đề 1

1. Đọc to và rõ đoạn đoạn văn sau:

Bác Hồ thăm vườn hoa nghìn việc tốt

Sáng mồng một Tết Đinh Mùi (9-2-1967), Bác Hồ về Tam Sơn gặp mặt đại biểu các dân tộc tỉnh Hà Bắc họp ở chùa Cảm Ứng.
Xe Bác vừa tiến vào đến nơi, Nguyễn Thế Hải học sinh lớp một đang nô đùa cùng bạn, bỗng reo lên:

- Bác Hồ! Bác Hồ!

- Bác Hồ về thăm quê hương nghìn việc tốt.

Cả đám thiếu nhi dừng chơi, xúm lại quây quanh xe Bác.

Đồng chí cần vụ từ trong xe bước ra nhắc nhở các em rồi mở cửa, mời Bác xuống.

Bác tươi cười nhìn các em rồi hỏi:

- Các cháu đang chơi Tết?

- Thưa Bác, vâng ạ!

- Thưa Bác, năm mới, chúng cháu kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu!...

Các em đua nhau nói những điều từ lâu mong được thưa với Bác, nhưng hồi hộp quá, nói không được nhiều...

Bác Hồ rất vui. Nghe các em nói xong, Bác bảo:

- Các cháu làm nghìn việc tốt, có nhớ và làm theo những điều Bác dặn không?

- Thưa Bác có ạ! – Nguyễn Thế Hải đứng nghiêm đọc liên hồi 5 điều Bác Hồ dạy như đọc đồng thanh ở lớp.

Tất cả đều cười.Nhưng ai cũng vui vì Hải đã trả lời đúng.

Khi Bác cùng các đồng chí lãnh đạo bước lên chùa. Đội thiếu nhi danh dự đã dâng hoa tặng Bác, Bác nhận bó hoa từ tay Liên đội trưởng Nguyễn Toàn Thắng rồi trao cho đồng chí cần vụ.

Bác hỏi Thắng:

- Cháu học có giỏi không? Có được phần thưởng của Bác không?

- Thưa Bác có ạ. Cháu được nhận phần thưởng của Bác hai lần: Một lần một cuốn sổ một lần hai quả cam.

Cháu đã được phần thưởng của Bác, cháu phải giúp đỡ các bạn học thật giỏi, lao động thật giỏi... để nhiều người cùng được phần thưởng của Bác, thế mới tốt.

- Thưa Bác vâng ạ!

(Trích những chuyện Bác Hồ với thiếu nhi)

2. Chính tả (nghe – viết):

Dành cho các cháu

Trước khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ của Bác tại Phủ Chủ tịch (tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng vào việc, một phòng nghỉ.Còn tầng dưới là nơi Bác họp và tiếp khách). Bác có ý kiến:

- Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh.
Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó.Mỗi lần các cháu đến, các cháu đều quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo.

Một hôm Bác nói với đồng chí giúp việc:

- Chú xem, khách "tí hon" của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một chiếc bể về để nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu.

Vâng lời Bác, đồng chí giúp việc đi tìm mua một bể nuôi cá đặt tại hành lang của tầng dưới ngôi nhà sàn và thả ba con cá vàng rất đẹp.

Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Người để dành những mẩu bánh mì làm thức ăn cho cá. Được Bác chăm sóc, ba con cá vàng ngày một lớn và phát triển.

Mùa đông trời lạnh, Bác nói:

- Cá cũng như người, mùa đông phải giữ nhiệt độ đủ ấm. Chú nên làm một chiếc nắp đậy bể cá để bảo đảm độ ấm cho cá.
Khách đến thăm nhà Bác, nhất là "khách tí hon" rất thích thú đứng ngắm bể cá vàng. Những con cá màu sắc thật sặc sỡ, tung tăng, lấp lánh, bơi lặn trong bể nước.

(Trích những chuyện Bác Hồ với thiếu nhi)

3. Luyện từ và câu:

  • Đặt 5 câu có sử dụng cụm từ "trường em".
  • Đặt 3 câu sử dụng cụm từ "bố em" làm chủ ngữ.
  • Đặt 3 câu sử dụng cụm từ "đang thư giãn" làm vị ngữ.
  • Đặt 4 câu với bốn cụm từ sau "gia đình, bạn bè, thầy cô, mái trường".
  • Tìm từ đồng nghĩa với từ "dũng cảm".
  • Tìm từ trái nghĩa với từ "dũng cảm".

4. Đoán nghĩa câu sau đây:

Để nguyên – loại quả thơm ngon

Thêm hỏi – co lại chỉ còn bé thôi

Thêm nặng – mới thật lạ đời

Bỗng nhiên thành vết xoong nồi lấm lem

(là những chữ nào?)

5. Tập làm văn:

Viết một đoạn văn miêu tả con vật mà em yêu thích nhất. Trong đó có sử dụng một câu với cấu câu khiến, và một câu với cấu trúc câu cảm.

4.2. Đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 - Đề 2

1. Đọc to và rõ đoạn đoạn văn sau:

Để các cháu làm chủ

Cũng chính tại ngôi nhà của Bác ở Phủ Chủ tịch có một sự kiện đáng ghi nhớ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với thiếu nhi. Từ ngày 22/6 đến ngày 11/7/1961, Bác đã dành chỗ đó cho các cháu làm phòng triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy”. Trong 20 ngày, có gần 10 vạn thiếu nhi đến xem triển lãm và vui chơi trong dịp hè. Bác Hồ, Bác Tôn đã đến nói chuyện và dự liên hoan với 2.000 thiếu nhi trong buổi bế mạc ngày 11/7/1961.

Đồng chí phục vụ Bác cảm thấy như vẫn còn sôi động khi vào dịp hè năm 1961 các cháu thiếu nhi tổ chức triển lãm “Làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” trong nhà khách Phủ Chủ tịch.

Trung tâm triển lãm chính là phòng khách long trọng của ngôi nhà. Nhiều em lần đầu tiên được đến nơi này thích lắm, chỗ nào cũng sờ, sung sướng lăn cả ra nhà, ra bãi cỏ.

Những tiếng hát, tiếng cười nói vang vang, đúng là ngày hội. Có đồng chí sợ tiếng loa làm ảnh hưởng sang các cơ quan xung quanh nên xin Bác bỏ bớt loa đi, nhưng Bác bảo:

- Triển lãm của các cháu phải để loa mới vui.

Bác còn nhắc phải có nhiều kem, si-rô, nước và bánh kẹo để phục vụ các cháu.

Thỉnh thoảng những khi nghỉ, Bác cũng ra xem các cháu vui chơi.Có hôm Bác đi dạo ở phía dưới, thấy một phòng có kê các ghế băng.Bác hỏi các đồng chí ghế đó để làm gì. Đồng chí phục vụ thưa:

- Thưa Bác để dành cho các cháu bị mệt ạ.

Thấy vậy, Bác bảo:

- Sao dành cho các cháu mà lại không có giường?

Ngày hôm sau, các đồng chí phục vụ triển lãm đã liên hệ với Bộ Y tế, và các ghế băng được xếp lại nhường chỗ cho những chiếc giường xinh xắn.

Bác Hồ là như vậy. Khách của Bác, dù là những người nhỏ bé nhất cũng luôn được tôn trọng và quan tâm chu đáo.

(Trích những chuyện Bác Hồ với thiếu nhi)

2. Chính tả (nghe – viết):

Đối với các cháu bé

Nhớ lại hồi cách mạng mới thành công, Bác Hồ rất thích thú mỗi khi nghe tiếng trống ếch rộn ràng, nhìn những bước đi cố tỏ ra vẻ oai nghiêm, nhưng vẫn đầy nét trẻ thơ của các em.

Có những lúc từ buồng làm việc trên tầng cao ở Bắc Bộ phủ, Bác phải đứng nhìn qua vai người khác để các cháu không thấy Bác và Bác được tự do ngắm nhìn các cháu. Trong những ngày vui lúc đó, các em thường mặc đồng phục quần xanh, sơ mi trắng, đầu đội mũ calô.Bác đứng nhìn các cháu rất lâu, rất lâu.Người suy nghĩ điều gì?

Buổi tối, khi làm việc, có tiếng hát của cháu bé, Bác ra hiệu dừng lại cùng lắng nghe. Rồi Bác hỏi:

- Chú thử đoán xem, cháu bé này bao nhiêu tuổi?

- Thưa Bác, năm tuổi.

- Theo Bác thì ít hơn.

- Khi hỏi lại các đồng chí bên Đài phát thanh, tôi thấy Bác thường đoán đúng hơn. Có gì khó hiểu đâu, vì Bác đã nghe rất nhiều, nghe rất chăm chú. Và chắc là, vừa nghe Bác vừa tưởng tượng ra cô bé hoặc chú bé tí xíu đó!

Nhưng tôi vẫn chưa hiểu vì sao đang làm việc Bác vẫn để đài? Có lần tôi hỏi có nên tắt đài đi không, Bác nhìn tôi trầm ngâm nói:

- Cứ để đấy chú ạ. Để nghe cho có tiếng người. Chú ở nhà, dù con khóc hoặc vợ nói dỗi, có khi nặng lời, nhưng đều là tình cảm gia đình…

(Trích những chuyện Bác Hồ với thiếu nhi)

3. Luyện từ và câu:

  • Viết các từ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người.
  • Tìm các từ ngữ chỉ hành động có lợi cho sức khỏe.
  • Tìm các từ ngữ chỉ đặc điểm của cơ thể con người.
  • Tìm các từ ngữ thể hiện nét đẹp trong tâm hồn và tính cách của con người.
  • Tìm các từ ngữ chỉ thời tiết.
  • Tìm các từ ngữ chỉ tệ nạn xã hội.

4. Đoán nghĩa câu sau đây:

Bạn hãy tưởng tượng bạn đang đi trên 1 con thuyền trên 1 dòng sông có rất nhiều cá ăn thịt đến giữa dòng bỗng thuyền của bạn bị thủng 1 lỗ rất to, sau vài phút nữa thuyền sẽ chìm và chắc chắn bạn sẽ là bữa ăn những con cá này. Bạn làm cách nào đơn giản nhất để thoát ra khỏi cái hoàn cảnh chết tiệt này?

5. Tập làm văn:

Viết một đoạn văn miêu tả cây cối. Trong đó có sử dụng một câu với cấu câu khiến, và một câu với cấu trúc câu cảm.

5. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 4 môn khác

6. Đề thi học kì 2 lớp 4 Tải nhiều

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!