Phân tích bài ca dao sau: "Ước gì sông rộng một gang, Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi"

Bài ca là lời của cô gái, bày tỏ một ước mơ trong tình yêu đôi lứa. Chỉ có hai câu lục bát mà đủ diễn tả một tình yêu thiết tha, mãnh liệt


Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu bài ca dao

2. Thân bài

- Hình ảnh cây cầu là hình ảnh quen thuộc trong ca dao, gắn bó mật thiết với đời sống tình cảm phong phú, mãnh liệt nhưng cũng đầy duyên dáng, ý nhị của người dân Việt Nam.

Hai ta cách một con sông,

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

=> Cầu là phương tiện giao thông, cầu cũng là không gian trữ tình, là nơi gặp gỡ, hẹn hò của trai gái.

- Trong tình yêu, chiếc cầu là một chi tiết nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc, xuất hiện với tần số khá lớn, trở thành một biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, hò hẹn của những đôi lứa đang yêu, là phương tiện để họ có thể đến được với nhau. Ước muốn của cô gái, cũng là lời cô thầm nói với người yêu của mình: 

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.

 => Ý tưởng táo bạo với một hình ảnh độc đáo.

 - “Dải yếm đào” là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa.

 => Vậy mà cô gái muốn dùng thứ trang phục đẹp đẽ đó để dải lên chiếc cầu nhằm mời gọi chàng (tình yêu) đến với mình. Điều này thể hiện sự táo bạo, mãnh liệt, chủ động của người con gái trong tình yêu, vượt lên những rào cảm phong kiến.

 => Bài ca giãi bày ước mơ tha thiết và mãnh liệt của người con gái trong tình yêu, qua đó thể hiện vẻ đẹp tình yêu của người lao động: bình dị, mãnh liệt nhưng cũng hết sức tế nhị, duyên dáng.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề


Bài mẫu

    Bài ca là lời của cô gái, bày tỏ một ước mơ trong tình yêu đôi lứa. Chỉ có hai câu lục bát mà đủ diễn tả một tình yêu thiết tha, mãnh liệt.

    Bài ca mở đầu bằng hình ảnh con sông. Con sông cách trở lứa đôi nên em và chàng khó gặp gỡ. Nhưng có hề gì, “yêu nhau mấy núi sông cũng trèo”- Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua"! Tuy nhiên, “lội” cũng là một sự khó khăn rồi: Nếu “bắc cầu” thì lứa đôi gặp gỡ sẽ dễ dàng hơn. Cho nên cô gái “ước gì sông rộng một gang”. Sông mà rộng chỉ một gang, cách nói cường điệu tạo nên một sự vô lí thú vị. Vô lí cho nên mới phải “ước”. Sự vô lí trong điều mơ ước diễn tả điều có lí của tình yêu. Sông chỉ một gang thì cô gái mới có thể “bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”.

     Cây cẩu - dải yếm là một hình tượng đặc sắc của bài ca. Cây cầu là một trong những mô-típ nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc của ca dao, gắn chặt với đời sống tình cảm phong phú, mãnh liệt nhưng cũng hết sức tế nhị, duyên dáng của người bình dân Việt Nam. Mô-típ này xuất phát từ cuộc sống dân dã của người bình dân. Làng quê Việt Nam nơi nào mà chẳng có sông rạch, chẳng có một chiếc cầu. Cầu là phương tiện giao thông, cầu cũng là không gian trữ tình, là nơi gặp gỡ, hò hẹn của trai gái. Cầu đi vào ca dao, trở thành biểu tượng của tình yêu, ước mơ của tình yêu. Người bình dân thổ lộ tình yêu của mình trong hình ảnh những chiếc cầu bắc qua sông. Không phải là cầu tre, cầu gỗ, những chiếc cầu này độc đáo hơn nhiều. Khi thì là cành hồng.

Hai ta cách một con sông,

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

      Khi thì là cành trầm:

Cách nhau có một con đầm,

Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.

Cành trầm lá dọc lá ngang,

Đố người bên ấy bước sang cành trầm.

      Lạ hơn nữa là cái cầu - mồng tơi:

Gần đây mà chẳng sang chơi,

Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.

Sợ rằng chàng chả đi cầu,

Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em.

     Đến bài ca này, cái cầu - dải yếm lại càng lạ hơn nữa. Đây mới đúng là cái cầu của người con gái chủ động bắc cho người mình yêu, nó vượt qua mọi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến ngày xưa. Nó táo bạo, mãnh liệt, và cũng thật trữ tình, ý nhị, bởi nó là cái dải yếm, cái vật mềm mại luôn quấn quýt bên thân hình người con gái, trở thành biểu tượng riêng của người con gái. Người con gái muốn dùng cái vật thân thiết, gần gũi nhất của mình để bắc cầu mời mọc người mình yêu. Cành hồng, cành trầm, ngọn mồng tơi còn là những cái bên ngoài, còn dải yếm là cái bên trong. Cho nên cái cầu - dải yểm mới thật chân tình, táo bạo, và trở thành cái cầu tình yêu đẹp nhất trong ca dao. Cái dải yếm bình thường đi vào bài ca bỗng trở thành đầy chất thơ của tình yêu.

      Bài ca giãi bày ước mơ tha thiết và mãnh liệt của người con gái trong tình yêu, qua đó thể hiện vẻ đẹp tình yêu của người lao động: bình dị, mãnh liệt nhưng cũng hết sức tế nhị, duyên dáng.

 

 

Bài giải tiếp theo
Phân tích bài ca dao sau: "Muối ba năm muối đang còn mặn...Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa"
Những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của ca dao
Giới thiệu chùm ca dao than thân
Cảm nghĩ của anh chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân trách phận.
Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Video liên quan



Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa