Nhận xét về đặc điểm của cách miêu tả người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích

Từ Hải là nhân vật lí tưởng, Nguyễn Du đã dựng chân dung Từ Hải với cảm hứng ngợi ca bởi Từ chính là giấc mơ công lí của Nguyễn Du


Dàn ý

a.  Từ Hải là nhân vật lí tưởng, Nguyễn Du đã dựng chân dung Từ Hải với cảm hứng ngợi ca bởi Từ chính là giấc mơ công lí của Nguyễn Du. Vì vậy miêu tả theo bút pháp hiện thực sẽ không làm nổi bật được điều đó mà phải miêu tả theo bút pháp lí tưởng hóa.

- Nhà thơ đã khắc họa những hình ảnh phóng túng, oai hùng: con người "thanh gươm yên ngựa”, “tưởng như che cả trời đất” (Hoài Thanh). Đoạn thơ khép lại bằng cách mở ra hình ảnh chim bằng lướt gió tung mây (Gió mây bằng đã đếm kì dặm khơi).

- Nhà thơ sử dụng hệ thống từ ngữ chỉ bậc “trượng phu”: thoắt, quyết, dứt (áo), lòng bốn phương, thẳng rong, dậy đất, rợp đường, tinh binh, phi thường, bốn bể, dặm khơi...

- Ngôn ngữ đối thoại cùng với những biện pháp miêu tả có tính thậm xưng, ước lệ cũng góp phần làm cho khuynh hướng lí tưởng hóa trong ngòi bút Nguyễn Du thêm phần nổi bật. Hình ảnh Từ Hải được hiện lên với vẻ đẹp của sự phi thường.

b.  Anh hùng, tráng sĩ là mẫu nhân vật lí tưởng truyền thống của văn học trung đại. Các nhà văn, nhà thơ đã khái quát thành những khuôn mẫu miêu tả người anh hùng trên hai phương diện: ước lệ và cảm hứng vũ trụ. Hai phương diện này gắn bó chặt chẽ với nhau. Hình tượng Từ Hải của Nguyễn Du vừa nằm trong hệ thống thi pháp tả người anh hùng của văn học trung đại đồng thời có những nét riêng biệt, Từ Hải vào trong những phẩm chất rất người khiến cho nhân vật anh hùng nhưng không quá cách biệt với đời thường.

 


Bài mẫu

       Nhân vật Từ Hải trong tác phẩm Truyện Kiều được tác giả Nguyễn Du xây dựng mang hình tượng của một bậc anh hùng cái thế, hành xử trượng nghĩa, uy thế vang danh bốn phương, là một người có những hoài bão và khát vọng lập chí lớn.Đó cũng chính là mơ ước của Nguyễn Du về một người anh hùng cứu thế, có sắc vóc phi thường và sống có lí tưởng, có sự nghiệp, đại diện cho tự do và công lí. Qua đoạn trích "Chí khí anh hùng", Nguyễn Du đã xây dựng Từ Hải với cảm hứng ngợi ca theo bút pháp ước lệ, lí tưởng hoá.

       Nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh nhân vật mang dáng dấp của một "quốc sĩ" phóng túng, oai hùng, chỉ với "thanh gươm yên ngựa" sẽ tạo dựng được nghiệp lớn, ngày trở về "sẽ có mười vạn tinh binh". Điều đó cho thấy tư thế của người anh hùng sẵn sàng xông pha nơi chiến trường "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong". Hình ảnh cánh chim bằng lướt gió tung mây "Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi" ở phần kết của đoạn thơ đã mở ra hình ảnh người anh hùng mang một sắc vóc kì vĩ, lớn lao.

       Bên cạnh đó, nhà thơ còn hình ảnh hoá người quân tử bắt đầu con đường hành hiệp trượng nghĩa, gây dựng sự nghiệp lớn với khí chất cao ngút trời qua cách sử dụng các tính từ, động từ mạnh: "thoắt, dứt, thẳng rong, tinh binh, phi thường, dặm khơi, bốn bể,..." miêu tả sắc vóc, hoài bão, khát vọng của một bậc "trượng phu".

       Qua cách đối thoại với Thuý Kiều, tác giả cũng đặc tả với lẽ thường tình. Chàng coi Thuý Kiều là "tâm phúc tương tri", khuyên nàng hãy vượt qua những suy nghĩ của một "nữ nhi thường tình" để làm vợ của một người anh hùng. Từ Hải đã nâng vị thế của Thuý Kiều từ một kĩ nữ lầu xanh ngang tầm với một người anh hùng như mình, coi nàng là tri kỉ. Điều đó chứng tỏ, Từ Hải là người anh hùng mạnh mẽ, người chồng hết mực chân thành, yêu thương vợ. Chàng còn khắc ghi vào trong tâm trí Thuý Kiều, hãy tin vào ngày chàng khải hoàn trở về trong khúc tráng ca oai hùng, sẽ đón nàng về tư dinh với không khí trang trọng nhất. Thể hiện niềm tin sắt đá vào bản thân, sự nghiệp, sự coi trọng hết mực dành cho Kiều.

       Nguyễn Du đã rất thành công trong việc vận dụng linh hoạt từ ngữ, hình ảnh, để xây dựng nhân vật theo lối lí tưởng hoá. Bút pháp đó đã khắc hoạ hình ảnh người anh hùng Từ Hải, đầy bản lĩnh, tự tin quyết liệt vào tài năng của mình. Đó cũng chính là người anh hùng của chính nghĩa, lẽ công bằng, coi trọng phẩm giá và hết mực chung thuỷ. Một người anh hùng mẫu mực trong ước mơ không chỉ của riêng nhà thơ mà còn là của tất cả mọi người.

Nguồn: Sưu tầm

Bài giải tiếp theo
Cảm nhận về đoạn Chí khí anh hùng của Nguyễn Du
Đọc hiểu Chí khí anh hùng

Video liên quan



Bài học liên quan

Từ khóa