Đọc hiểu Phú sông Bạch Đằng
- Gợi dẫn. 1. Thể loại. Phú là một thể văn có xuất xứ từ Trung Quốc, thịnh hành vào thời Hán. Phú dùng lối văn có nhịp điệu nhằm miêu tả, trình bày sự vật để biểu hiện tư tưởng tình cảm của tác giả. Phú có bốn loại chính: Cổ phú, Bài phú, Luật phú và Văn phú.
I - Gợi dẫn.
1. Thể loại. Phú là một thể văn có xuất xứ từ Trung Quốc, thịnh hành vào thời Hán. Phú dùng lối văn có nhịp điệu nhằm miêu tả, trình bày sự vật để biểu hiện tư tưởng tình cảm của tác giả. Phú có bốn loại chính: Cổ phú, Bài phú, Luật phú và Văn phú.
2. Tác giả
Trương Hán Siêu (? – 1354), tự là Thăng Phủ, người xã Phúc Thành, huyện Yên Ninh, nay là thị xã Ninh Bình, từng làm môn khách trong nhà Trần Hưng Đạo. Làm quan từ triều Trần Anh Tông đến triều Trần Dụ Tông. Trương Hán Siêu tính tình cương trực, học vấn uyên thâm, sinh thời được các vua Trần tin cậy, nhân dân kính trọng. Ông sống vào thời kì nhà Trần đã suy yếu, mải mê với chiến thắng của cha ông, các vua Trần đã quên trách nhiệm và mải ăn chơi hưởng thụ, quên việc chấn hưng đất nước. Đây là một trong những nguyên nhân xã hội dẫn đến tâm trạng nuối tiếc quá khứ trong thơ Trương Hán Siêu.
3. Tác phẩm
Bài Phú sông Bạch Đằng chưa rõ được viết năm nào, có thể vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông Nguyên thắng lợi. Bài phú viết về sông Bạch Đằng, một con sông ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, từ thời Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán đến nhà Trần chiến thắng Mông – Nguyên, đều là những đạo quân xâm lược hùng mạnh của phương Bắc.
Bài phú được viết theo lối phú cổ thể, có vần nhưng câu văn tương đối tự do, không bị gò bó vào niêm luật. Bài phú là cảm xúc hoài niệm của tác giả về những chiến thắng lẫy lừng của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng vào thời điểm nhà Trần đang suy thoái. Tác phẩm vừa chứa chan niềm tự hào, vừa đọng nỗi đau, vừa thể hiện triết lí về sự đổi thay, biến thiên và xoay vần của tạo hoá.
4. Cách đọc
- Đọc theo đặc trưng thể loại. Chú ý các chữ “chừ” là tiếng đệm dùng để ngắt nhịp, tách ý.
- Các câu ngắn cần đọc chậm. Đoạn thơ lục bát cuối bài đọc giọng ngâm nga.
II - Kiến thức cơ bản
Bạch Đằng, dòng sông ghi dấu bao chiến công hiển hách của dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Đó là nơi hội tụ sức mạnh, chiến công và niềm tự hào dân tộc. Bạch Đằng giang còn là nơi hội tụ những chiến tích thơ ca. Có thể nhắc đến Trần Minh Tông với Bạch Đằng giang, Nguyễn Trãi với Bạch Đằng hải khẩu… và Trương Hán Siêu với tác phẩm nổi tiếng Phú sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang phú).
Bài phú của Trương Hán Siêu làm theo lối phú cổ thể có vần không có đối, âm luật khá tự do, linh hoạt. Cả bài là một thiên đoản trường ca vừa tự hào, nhớ tiếc, vừa suy nghĩ trầm lắng, sâu xa.
Bài phú có hai phần : phần độc thoại với khách và phần đối thoại giữa khách với các bô lão bên sông. Kết cấu bài phú hình thành hai tuyến nhân vật. Nhân vật khách, cũng là sự phân thân của tác giả và nhân vật tập thể : các bô lão địa phương. Xuất hiện với tư cách là đối tượng tâm tình, nhân vật các bô lão có thể là thực – đó là những người tác giả gặp trên đường thoả chí tiêu dao, thậm chí, họ có thể là những người trước đây đã làm nên chiến công trên dòng sông lịch sử ấy, song cũng có thể họ chỉ là những nhân vật hư cấu. Hư cấu nhân vật, hư cấu ra cuộc đối thoại là cách để tác giả gián tiếp bày tỏ những suy ngẫm của mình về đất nước, về nhân dân, về dòng sông lịch sử.
Mở đầu bài phú là lời giới thiệu nhân vật khách – con người ung dung, tự tại, đam mê say đắm cảnh sắc thiên nhiên :
Khách có kẻ :
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Không chỉ dạo chơi để thưởng ngoạn vẻ đẹp của non sông đất nước, khách còn là người mà “tráng chí bốn phương” lúc nào cũng “vẫn còn tha thiết”. Con người của những hoài bão lớn :
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Đoạn đầu này sử dụng triệt để thủ pháp tượng trưng. Cái “tráng chí bốn phương” của khách được dựng nên bằng những địa danh. Có loại địa danh gợi ra thời gian quá khứ xa xăm :
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Những địa danh này đều là những điển cố được khách thăm thú chủ yếu qua sách vở Trung Hoa. Nhưng cũng có những địa danh hiện hữu gần gũi mà tác giả đã trực tiếp đặt chân : cửa Đại Than, bến Đông Triều. Thời gian đằng đẵng, xa xăm; không gian rộng lớn, kì vĩ đủ nói lên cái chí khí lớn lao, khoáng đạt và sự thảnh thơi của nhân vật trữ tình.
Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều, thuyền của khách đến cửa Bạch Đằng. Cảnh thiên nhiên trước mắt hiện ra thật hùng vĩ :
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Song thời gian gợi buồn (ba thu : tháng cuối mùa thu) nên cảnh có nét ảm đạm, buồn hiu hắt :
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.
Trở lại chiến trường xưa, nơi ghi dấu bao chiến công hiển hách, cảnh dù vẫn hùng vĩ và khoáng đạt nhưng cũng có những nét lạnh lẽo, hoang vu. Khách động lòng hoài cổ :
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.
….
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu !
Thời gian vô tình và nghiệt ngã đang làm mờ đi những dấu son lịch sử. Cảnh tĩnh lặng, lòng người ngưng đọng, trầm lắng, suy tư. Đang buồn đau, nhớ tiếc, sự xuất hiện của các bô lão làm khách tan biến những băn khoăn. Khách trở về cùng thực tại. Thế là trận thuỷ chiến năm xưa được các bô lão kể lại cho khách nghe một cách hào hứng.
Sau lời kể ngắn gọn về trận “Ngô chúa phá Hoằng Thao”, các bô lão kể ngay đến chiến công : buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã. Dù đã qua 50 năm nhưng trận chiến dường như vẫn còn nóng hổi. Dù được kể lại nhưng trận chiến vẫn bừng bừng âm hưởng quyết liệt, gay go. Từ lúc xuất quân đầy khí thế :
Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.
cũng là lúc giặc :
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi !
đến lúc :
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ bắc nam chống đối.
Lời văn đột nhiên thay đổi, câu ngắn, nhịp nhanh, hình tượng kì vĩ, ý đối nhau rất chỉnh gợi tưởng tượng trận chiến ác liệt giữa chính nghĩa với gian tà như đang diễn ra ngay trước mắt. Thế nhưng :
Trời cũng chiều người,
Hung đồ hết lối !
Quân giặc đại bại tử vong. Chiến thắng thuộc về chính nghĩa. Nỗi nhục của giặc trở thành vết nhơ đến mãi muôn đời :
Đến nay nước sông tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi !
Giọng điệu tiếp theo lại chậm, đều, ý trầm lắng, suy tư. Bao nhiêu năm sau chiến thắng, các bô lão tự cắt nghĩa nguyên nhân thắng lợi của dân tộc mình. Ta thắng bởi ta có lịch sử lâu đời, trời đất lại cho nơi hiểm trở. Nhưng còn một điều quan trọng : không đời nào dân tộc ta lại thiếu những anh tài :
Quả là : Trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ : Nhân tài giữ cuộc điện an.
Bởi vậy mà :
Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.
Tác giả gợi hình ảnh oai hùng của tướng quân Trần Hưng Đạo với câu nói nổi tiếng còn lưu sử sách : “Năm nay, thế giặc nhàn”. Câu nói thể hiện khí phách và bản lĩnh của vị tướng mà trong tay nắm chắc sự linh diệu của nghệ thuật cầm quân.
Vậy là, theo quan niệm của người xưa, chúng ta đã hội đủ ba nhân tố để mà chiến thắng : thiên thời (trời cũng chiều người), địa lợi (nơi hiểm trở), nhân hoà (nhân tài giữ cuộc điện an). Mảnh đất có đủ địa linh, nhân kiệt thì kẻ thù xâm lược phải chuốc lấy bại vong cũng là tất yếu.
Cuối bài phú là hai lời ca. Lời ca của các bô lão vừa là lời tổng kết, vừa đúc kết chân lí vĩnh cửu ngàn đời : chính nghĩa luôn luôn thắng gian tà. Những kẻ bất nghĩa sẽ bị tiêu vong, chỉ có anh hùng, ngàn thu vẫn lưu danh thiên cổ :
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.
Tiếp nối là lời ca của khách, ngợi ca sự anh minh của hai vị thánh quân, đồng thời một lần nữa khẳng định vai trò của nhân tố con người :
Giặc tan muôn thuở thăng bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.
Bài phú kết thúc trong niềm tự hào dân tộc, kết thúc bằng lời ngợi ca lí tưởng nhân nghĩa và tư tưởng nhân văn, những truyền thống đạo lí cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thơ ca trung đại xuyên suốt hai dòng cảm hứng : yêu nước và nhân đạo. Bạch Đằng giang phú là tác phẩm tiêu biểu cho cảm hứng yêu nước của văn học giai đoạn Lí – Trần. Bài phú giản dị mà cuốn hút, sinh động. Tác giả đã kết hợp hài hoà nhiều giọng điệu : khi sảng khoái hào hùng, khi trầm lắng, suy tư hay khi tha thiết tự hào. Bạch Đằng giang phú thực sự xứng đáng là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong lịch sử văn học Việt Nam.
III - Liên hệ
1. Xưa kia, các nhân sĩ ta có làm thơ phú để tả cảnh, cũng chính là để ngụ ý, ngụ tình. Quan niệm “thi dĩ ngôn chí” (thơ để nói cái chí của mình) là như vậy. Trương Hán Siêu viết bài phú này để tả cảnh sông Bạch Đằng với tất cả vẻ hùng tráng của nó, chính là khắc hoạ tinh thần ngoan cường, bất khuất của dân tộc ta đối với việc bảo vệ nền độc lập tự do của mình. ý nghĩa toát lên từ bài phú là ý nghĩa về bài học truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta về việc bảo vệ Tổ quốc từ đời này sang đời khác…
Kết cấu một bài phú cũng chặt chẽ như kết cấu một bài thơ, vì phú cũng là một thể văn vần, bắt nguồn từ thơ cổ([1]). Hình thức phú xuất hiện khá sớm từ thời Chiến quốc (ở Trung Hoa), mà các tác giả nổi tiếng bấy giờ như Tuân Khanh, Tống Ngọc. Đây là một thể văn xuôi, thường có vần có điệu, mà âm luật chưa chặt chẽ như ở phú đời Đường về sau([2]). Thể phú đó gọi là phú Tống Ngọc chịu ảnh hưởng Sở từ nhiều, thường dùng từ “hề” làm từ đệm trong câu, mà ta dịch là “chừ”. Bài phú của Trương Hán Siêu này theo thể phú có pha Sở từ này, tức phú cổ thời Tống Ngọc, cũng gọi là phú lưu thuỷ. Tuân Khanh và Tống Ngọc có thể là những nhân sĩ đầu tiên sử dụng hình thức phú dưới dạng đối thoại giữa hai, hoặc ba nhân vật. Thí dụ nhân vật A đi chơi gặp nhân vật B, hai bên đối thoại, rồi đi đến nhận định có yếu tố hợp đề, dù có khi khác nhau về khía cạnh, hoặc nhân vật A và nhân vật B đang đối thoại với nhau, nhân vật C xuất hiện bác ý kiến của A và B, để rồi cuối cùng đưa ra một nhận định hợp đề về đạo lí ở đời. Bài Bạch Đằng giang phú này theo hình thức đầu, tức hình thức A và B đối thoại, rồi nhất trí bổ sung ý kiến cho nhau bằng mấy lời ca kết thúc : nhân vật trong bài phú chỉ là nhân vật trữ tình, có tính chất hư cấu mà thôi, thật ra đó là “phản thân” của chính tác giả, là hình bóng của tác giả, thí dụ nhân vật Đăng Đồ tử trong bài Phú Đăng Đồ tử hiếu sắc của Tống Ngọc, chính là mặt trái của Tống Ngọc về tính hiếu sắc. Bài phú kể lại việc Đăng Đồ tử phê bình Tống Ngọc hiếu sắc trước mặt Sở vương, thế là Tống Ngọc hùng biện vừa bảo vệ cho mình, vừa phê phán chính Đăng Đồ tử mới là người hiếu sắc, hai người đang đối thoại, thì người thứ ba là một đại phu nước Tần xuất hiện cùng tranh luận, rồi hoà giải bằng cách cho rằng yêu đương mà đúng lễ nghĩa thì cũng chấp nhận được.
Trong bài phú của Trương Hán Siêu nói đây, các bô lão là nhân vật thứ hai dưới dạng tập thể, có ý nghĩa dân gian, và cũng có thể có thật, trong chừng mực tác giả gặp gỡ người địa phương ven sông Bạch Đằng trên đường vãn cảnh. Tuy nhiên, đứng về mặt triển khai chủ đề và kết cấu của bài phú, thì tâm tư của các nhân vật bô lão chính là tâm tư của tác giả, và nhân vật đó là nhân vật trữ tình của bài phú. Kết cấu bài phú này khá chặt chẽ, theo đúng quy trình một bài phú mẫu mực với các đoạn mạch của nó như : đề, thực, luận, kết, và có thể chia làm sáu phần tương ứng với công thức của phú như sau :
(1) Lung, tức phần phá đề (Khách có kẻ… Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết) : Thú tham quan phong cảnh đất nước với ý nghĩa tìm hiểu di tích lịch sử như kiểu Tư Mã Thiên đời Hán.
(2) Biện nguyên, tức phần thừa đề (Bèn giữa dòng… Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều) : Cuộc ngoạn cảnh trên sông Bạch Đằng.
(3) Thích thực, tức tả rõ cảnh đi chơi : Cảnh khúc sông Bạch Đằng mà xưa kia đã xảy ra những trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch, và ta thắng lợi huy hoàng, thì khi tác giả bơi thuyền đến, chỉ có trời nước mênh mông, ngàn lau san sát.
(4) Phu diễn, nghĩa là minh hoạ thêm phần trên, phu nghĩa là trình bày (Bên sông các bô lão… Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi) : Cuộc đối thoại giữa tác giả và các bô lão ven sông về cuộc thuỷ chiến thời Trần.
(5) Nghị luận, tức ý nghĩ của tác giả (Tuy nhiên : Từ có vũ trụ… Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn) : Nguyên nhân thắng lợi : so sánh địa thế với con người, thì con người là quyết định. ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh vai trò của Trần Hưng Đạo.
(6) Kết (Đến bên sông chừ hổ mặt… Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao) : ý của phần kết nối tiếp ý phần nghị luận ở trên: đạo đức của người nắm nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia là quan trọng : tác giả nhằm ca ngợi Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông, hai vị thánh quân, và thông qua việc này, ý muốn nói : bài học về đoàn kết toàn dân để bảo vệ Tổ quốc là một bài học quý báu, vì muốn đoàn kết được toàn dân, thì người ở cương vị lãnh đạo quốc gia phải có đạo đức cao cả.
Kết cấu một bài phú phải chặt chẽ. Có những nhóm từ, liên từ hoặc trạng từ đặt đầu câu, hoặc đầu đoạn mạch có tính chất nhấn mạnh một ý, hoặc báo hiệu chuyển sang một ý khác, làm cho câu văn thêm đậm đà, ý nhị với tất cả đặc trưng tu từ của nó, thí dụ : mở đầu có những từ : Khách có kẻ (nguyên văn :Khách hữu), hay đoạn bô lão bắt đầu kể lại trận đánh, thì mở đầu bằng mấy từ : Đương khi ấy (nguyên văn : Đương kỳ), hoặc như đoạn tác giả nói về nguyên nhân thắng lợi của ta, với mấy từ mở đầu : Tuy nhiên (nguyên văn : Tuy nhiên) để so sánh “đất hiểm” với “nhân tài”.
Nếu chúng ta so sánh lôgíc kết cấu một bài phú cổ như bài Bạch Đằng giang phú nói trên, với lôgíc bố cục thông thường một bài tả cảnh hiện nay với đề tài tương tự, thì hai phần lung và biện nguyên tương ứng với phần mở đầu, ba phần tiếp: thích thực, phu diễn, nghị luận tương ứng với phần chính của bài, và phần kết tương ứng với phần tổng luận của bài.
… Từ trận thắng đầu tiên nổi tiếng của Ngô Quyền năm 938 đến nay, dòng sông Bạch Đằng tuy đã đổi thay nhiều chỗ, nhưng hình ảnh những trận thuỷ chiến oanh liệt trên sông Bạch Đằng vẫn in sâu trong tâm trí của nhân dân ta từ đời này qua đời khác. Và nhớ đến sông Bạch Đằng là nhớ đến thơ văn ca ngợi sông Bạch Đằng, ca ngợi những trận thuỷ chiến, nhất là trận thuỷ chiến đời Trần.
Trong số thơ văn đó, bài phú của Trương Hán Siêu, bài phú thứ nhất về sông Bạch Đằng, nổi lên như một áng văn hay “không tiền khoáng hậu” ? Đây là một bài phú cổ thể, có pha đối thoại và liên ngâm, nên rất sinh động. Tất nhiên, với những hạn chế của nhân sinh quan cũ thời bấy giờ, Trương Hán Siêu mới giới thiệu sơ qua lời nói của các bô lão ven sông, và hình ảnh bô lão cũng còn mờ nhạt ; Trương Hán Siêu chưa thể có điều kiện để thấy hết vai trò quan trọng của quần chúng, cho nên khi nói đến nhân tố con người, tác giả chỉ nhấn mạnh các bậc anh hùng hào kiệt, mà chưa nhấn mạnh đến lực lượng quần chúng, hoặc mới chỉ nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của vua mà chưa nhấn mạnh sức hậu thuẫn vĩ đại của quần chúng. Tuy nhiên, mặt hạn chế tất yếu đó của lịch sử vẫn không làm giảm giá trị to lớn của bài phú mẫu mực này, một bài phú đậm đà tính chất trữ tình, mà lại pha màu sắc anh hùng ca ; nó đã khắc hoạ một cảnh trí mỹ lệ của Tổ quốc với tất cả hình bóng chiến công oanh liệt của quân dân ta thời trước, đồng thời gợi lên cho chúng ta, những con em đất Việt ngày nay, trong thế hệ Hồ Chí Minh, một bài học sâu sắc về sự quyết tâm bảo vệ bằng bất cứ giá nào cho trọn vẹn “non sông gấm vóc” mà tổ tiên đã để lại cho mình.
(Bùi Văn Nguyên, Giảng văn, tập 1, Sđd)
2. Đọc thêm bài phú của Nguyễn Mộng Tuân
Hậu Bạch Đằng giang phú
1. Muôn trùng nắng vàng chói lọi ; bốn phương cát bụi sạch không ;
Ngắm sông Đằng bát ngát ; nhớ Hưng Đạo oai phong ;
Miền Hải Đông vang lừng nhờ có sông Đằng oanh liệt ;
Dòng họ Trần bất diệt nhờ có chiến công Bạch Đằng bất hủ vậy !
2. Mông Kha đã bỏ đời ; Bế Thiền toan nối giống ;
Nhắm Loan, Hoàn định đất đóng đô ; chiếm Giang, Hoài làm đà đánh Tống.
Hung hăng dùng thế chẻ tre, tấp tểnh lệnh quân truyền rộng.
Toa Đô tiến ra bể, Hoan, ái xôn xao ; Ô Mã vượt biên thuỳ, Lạng Sơn náo động.
Hai vua Trần bí mật ra khơi, vào phía trong, động cao lánh bóng.
Thế nước : tựa băng rữa tàn xuân ; lòng người : vẫn thành đồng vững đóng.
Quanh hoàng tộc : bao bậc anh tài, cạnh thánh triều : bao người trung dũng !
Dân chúng đều hăng : hiền tài được trọng.
Hiến, Nghiễn, Khánh Dư gắng chí vuốt nanh ;
Thượng tướng, Quốc công dốc lòng lương đống.
3. Lại thêm :
Đất trời dữ dội ; mưa lụt mênh mang.
Bệnh dịch lan tràn binh trại ; rận rệp chui rúc quân trang.
Mũ sắt giáp công, thanh danh rền vang sấm động ;
Cung giương diệt thù, nghĩa khí tuôn dậy gió tràn.
Nghe hơi quân ta mà Thoát Hoan bỏ chạy ; mũi tên chẳng mất mà Lệ Cơ đầu hàng !
Chúng rút lui theo gió nam bức bối ; chúng lẻn về giữa sóng biển mênh mang.
Mưu sĩ ta lớp lớp ; giáp binh ta hàng hàng.
Sóng cuộn một mầu vốn nông sâu khó nhận ;
Thuyền bè muôn đội vốn hư thực khôn lường.
Thế bắt giặc trong tầm mắt, thế thắng giặc chỉ tầy gang.
Bước thành công nên thận trọng ; lệnh chỉ huy phải nghiêm trang.
Vậy nên :
Bọn Ô Mã cùng đường tận số ; lũ kình nghê vướng lưới tiêu tan !
Tiếng thét vang trời, núi non tưởng chừng sạt đỉnh ; thây trôi đầy biển, tôm cá được dịp đầy nang !
Thế ta bừng bừng, trận Xích Bích nào sánh kịp ; cảnh giặc hoảng loạn, gió Hoài, Phì nọ truyền sang !
Chinh chiến cùng đường, giặc đành lụn bại !
Trùng Hưng dựng nghiệp, ta lại huy hoàng !
4. Ta thường :
Bơi thuyền trăng sáng ; ngắm cảnh tần ngần.
Vạn Kiếp khí thiêng ? Rượu dâng chuốc chén Lô Giang chúc tụng ; giọng cất vang ngân.
Ráng đỏ treo mây tưởng chừng máu tanh nhuộm thắm ; đầu lâu gào gió, nghe như ốc thảm thu quân !
Buồn nỗi cát vùi giáo gẫy ; bêu đời tiếng xấu quân Nguyên !
Rì rào sóng gợn ; ấm ức oán hờn !
Vết tích xưa : tuy mờ nhạt, non sông cũ : vẫn không sờn.
Tội Lưu Nghiễm xưa kia chưa rửa sạch ; giận thay !
Cọc sông Đằng lại một phen khiến giặc phải bạt vía kinh hồn vậy !
5. Thế mới biết :
Nước có đất hiểm ; trời sinh hiền tài.
Sáng soi nhật nguyệt, quét sạch hoạ tai !
Vốn nghĩ rằng :
Sông Đằng cuồn cuộn chảy ra bể khơi ;
Nước sông Ngân rửa giáp khiến kình ngạc im hơi !
Hay gì cảnh máu đổ xương rơi ?
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đọc hiểu Phú sông Bạch Đằng timdapan.com"