Đọc hiểu bài thơ Thuật hoài
Gợi dẫn 1. Tác giả Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) quê làng Phù ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi) tỉnh Hưng Yên. Ông là một người có tài, được Trần Hưng Đạo trọng dụng mời vào làm môn khách, sau thành con rể
I - Tìm hiểu chung
1. Tác giả
Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) quê làng Phù ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi) tỉnh Hưng Yên. Ông là một người có tài, được Trần Hưng Đạo trọng dụng mời vào làm môn khách, sau thành con rể
Ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên. Là người văn võ toàn tài nên ông được triều đình nhà Trần trọng dụng và biệt đãi. Tác phẩm của ông hiện còn hai bài là Thuật hoài và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương.
2. Tác phẩm
Hoà cùng không khí thơ ca hào sảng của thời Trần, bài thơ của Phạm Ngũ Lão thể hiện chí khí của người quân tử. Thuật hoài là khí phách của người quân tử theo lí tưởng của Nho gia đồng thời thể hiện một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của hào khí Đông A. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một con người nhập thế đầy trách nhiệm.
3. Cách đọc
Đây là bài thơ thể hiện cái chí, do vậy cần đọc chậm, dõng dạc, khẳng khái.
II - Kiến thức cơ bản
Thơ trung đại thiên về nói chí. Thuật hoài là một bài thơ như vậy. Âm hưởng sục sôi tinh thần quyết chiến, quyết thắng và khát vọng dựng xây đất nước làm nên vẻ đẹp của bài thơ. Thời đại anh hùng khiến mọi thứ đều trở nên kì vĩ, kể cả tầm vóc của con người:
Múa giáo non sông trải mấy thu
Câu thơ đẹp, đúc tác nên cái tư thế của kẻ anh hùng. Hai chữ “múa giáo” trong bản dịch chưa thể hiện được hết cái chiều kích của hai từ “hoành sóc” trong nguyên tác. “Hoành sóc” là cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ non sông. Nhà thơ đã chọn được cái phông nền thật hợp để tôn lên vẻ đẹp của con người. Con người kì vĩ, hành động lớn lao nên không gian cũng phải được mở rộng theo chiều sông núi, phải được đẩy lên cao thăm thẳm tới tận sao Ngưu. Thời gian cũng không thể kể ngày, kể tháng. Thời gian là phiếm chỉ “kháp kỉ thu” (trải mấy thu).
Con người đầy tráng khí nhưng không phải là đơn nhất. Đó chỉ là một trong muôn triệu anh hùng của một thời đại anh hùng:
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Hình ảnh “ba quân” vừa mang ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Nó là hình ảnh đội quân anh hùng nhà Trần nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho tinh thần dân tộc.
Câu thơ chữ Hán dẫn đến hai cách hiểu. “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu” có thể hiểu là “ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu” hoặc hiểu là “ba quân mạnh như hổ báo khí thế át cả sao Ngưu”. Chọn hình ảnh so sánh đầy táo bạo, câu thơ đã gợi ra được sức mạnh của đội quân mang cái hào khí của thời đại anh hùng.
Hai câu thơ sau chùng xuống, nhịp thơ chậm, lắng sâu, tập trung thể hiện cái chí của người quân tử:
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu
Công danh đối với kẻ nam nhi là cái nợ ở đời. Phải lập nên sự nghiệp lớn để lưu dấu công danh cho con cháu ngàn đời, đó là lí tưởng sống của người quân tử. Chưa trả được nợ công danh nghĩa là chưa hoàn thành nghĩa vụ với đời. Tư tưởng này chính là động lực mạnh mẽ cổ vũ thanh niên thời trung đại từ bỏ lối sống tầm thường, sẵn sàng xả thân vì những nhiệm vụ lớn lao của Tổ quốc. Trong hoàn cảnh lịch sử xã hội đời Trần, chí làm trai như thế là tư tưởng tích cực có ý nghĩa lớn lao.
Song với người anh hùng, bên cạnh cái chí còn phải rèn tâm. Cái tâm của Phạm Ngũ Lão thể hiện qua nỗi thẹn. Ông thẹn vì chưa có được trí tuệ uyên thâm và tài mưu lược như Gia Cát – Khổng Minh thời Tam quốc. Thẹn vì chưa đưa đất nước ra khỏi dầu sôi lửa bỏng, chưa đưa giang sơn đến bến bờ của sự thái bình – nỗi thẹn của người “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc).
Thuật hoài là bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn nhưng mang tầm vóc sử thi. Bài thơ vừa là nỗi lòng, là những cảm xúc riêng của Phạm Ngũ Lão vừa mang cái khí chung của hào khí Đông A.
III - Liên hệ
1. Bài thơ nêu cao lí tưởng trai thời loạn. Lí tưởng trai thời loạn là “cắp ngang ngọn giáo”, luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu dẹp giặc cứu nước. “Nợ công danh” lúc này là trách nhiệm của người thanh niên đối với đất nước khi có giặc ngoại xâm. Chủ nghĩa anh hùng nêu lên ở đây là chủ nghĩa anh hùng thời phong kiến, với những mặt hạn chế của nó, nhằm tự đề cao cá nhân, hoặc ban ơn cho quần chúng, v.v… Người thanh niên thời đại đã ý thức được trách nhiệm cao cả của mình đối với Tổ quốc. Từ bài thơ còn nổi lên hình ảnh đội quân cứu nước, ngùn ngụt khí thế của hổ báo nuốt trâu. Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão là bài thơ yêu nước hùng tráng, phản ánh khí thế vươn lên hào hùng của dân tộc, kế tục phong cách thơ hùng tráng của Nam quốc sơn hà… thời Lí.
(Nguyễn Sĩ Cẩn, Văn học Việt Nam thế kỉ X đến giữa thế kỉ XVII, NXB Giáo dục, 1989)
2. Cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ non sông. Ngọn giáo ấy phải đo bằng chiều ngang của non sông. Thế thì con người cầm ngang ngọn giáo bảo vệ Tổ quốc ấy tất phải được đo bằng kích thước của trời đất. Con người có tầm vóc vũ trụ như vậy đã đồng nhất với non sông. Tầm vóc hoành tráng, tư thế vững chắc ấy của dân tộc ta có cơ sở từ tinh thần làm chủ đất nước rất sâu sắc, từ ý chí bảo vệ đất nước rất kiên cường. Với tinh thần ấy, nhân dân ta đã làm nên những chiến công oanh liệt ở Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, v.v… và nhất là Bạch Đằng.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đọc hiểu bài thơ Thuật hoài timdapan.com"