Cái nhìn của tác giả Nguyễn Ái Quốc đối với các dân tộc bị áp bức được thể hiện qua Bản án chế độ thực dân Pháp

Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong đã phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, dành trọn cuộc đời mình cho công cuộc cách mạng vĩ đại ấy.


Dàn ý

1. Mở bài: 

- “Thuế máu” là văn bản nghị luận sắc bén, nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc với nghệ thuật trào phúng sắc sảo, vạch trần sự ác độc, thủ đoạn tàn bạo của thực dân Pháp với người dân thuộc địa trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 1.

2. Thân bài:

a. Chiến tranh và người bản xứ

* Giọng điệu của bọn thực dân

+ Trước chiến tranh thế giới lần 1, chúng cay nghiệt, khinh thường người dân thuộc địa bằng những cái tên “bọn da đen bẩn thỉu”, hay bọn “An-nam-mít”, bọn chỉ biết “kéo xe tay và ăn đòn”.

+ Sau khi chiến tranh xảy ra, bọn thực dân bất ngờ thay đổi chóng mặt, chúng gọi người dân thuộc địa là “con yêu”, là “bạn hiền”, ngợi ca và phong cho họ là những “chiến sĩ tự do bảo vệ công lí”.

+ Tại sao có sự thay đổi như vậy? Vì sau khi chiến tranh xảy ra, bọn thực dân muốn dùng dân thuộc địa để giúp chúng bành trướng và chết thay cho chúng

* Số phận của người dân thuộc địa

- Trên chiến trường tàn khốc: họ buộc phải xa gia đình, xa quê hương, người phơi thây ngoài chiến trường, kẻ chết khi vượt biển, bỏ xác tại nơi hoang vu, bị tàn sát không thương tiếc…

- Ở hậu phương, họ bị bọn thực dân bóc lột, vắt kiệt sức trong các xưởng thuốc súng, bị nhiễm khí độc đến nỗi “khạc ra từng miếng phổi”.

⇒ Số phận thảm thương, bế tắc của những người dân thuộc địa.

b. Chế độ lính tình nguyện

* Các thủ đoạn, mánh khóe của bọn thực dân

- Các thủ đoạn vũ lực, mánh khóe vô lí để bắt ép người dân Đông Dương đi lính và vơ vét của cải của họ:

+ Chúng mở cuộc lùng ráp, vây bắt và cưỡng chế bằng vũ lực để ép người dân đi lính

+ Chúng dùng mánh khóe trấn lột của cải của người dân bằng luận điệu: muốn không đi lính thì xì tiền ra.

+ Khi bị bắt, chúng trói, xích, đánh đập như súc vật, sẵn sàng đàn áp dã man nếu họ chống đối.

⇒ Vô nhân đạo, không từ một thủ đoạn tàn ác, coi mạng người như cỏ rác.

- Giọng điệu xảo trá, đáng khinh khi chúng nói “các bạn đã tấp nập đầu quân…; không ngần ngại rời bỏ quê hương…”.

* Phản ứng của người dân

- Tìm mọi cách để trốn thoát khỏi vòng vây của bọn thực dân

- Sẵn sàng làm cho mình nhiễm những căn bệnh nặng nhất để không phải đi nhưng cuối cùng vẫn bị chúng bóc lột, vơ vét không từ thủ đoạn.

⇒ Họ không hề tình nguyện như lời phủ toàn quyền Đông Dương đã công bố trước toàn thế giới.

c. Kết quả của sự hi sinh

- Một loạt các câu nghi vấn nhưng không hề có mục đích hỏi mà tác giả đang muốn khẳng định, vạch trần bộ mặt tráo trở, tàn nhẫn, xảo trá, vô nhân đạo, bỉ ổi của bọn thực dân Pháp đối với những người dân Việt Nam

+ Chúng thẳng thường tuyên bố: “Các anh đã bảo về Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ chúng tôi không cần các anh nữa, cút đi.”

+ Chúng thậm chí còn ra sức vơ vét , gieo rắc vào đất nước ta những tệ nạn chết người.

⇒ Lời tố cáo thẳng thắn, quyết liệt của tác giả trước những tội ác của bọn thực dân, thái độ mỉa mai, châm biếm đến cực độ trước sựu gian xảo, bỉ ổi của chúng.

d. Nghệ thuật

- Văn bản nghị luận với những luận điểm, luận cứ sắc sảo, chân thực, logic

- Sử dụng những hình ảnh giàu giá trị biểu cảm

- Giọng điệu khi mỉa mai châm biếm, khi chua xót uất hận.

3. Kết bài:

- Văn bản “Thuế máu” nói riêng và “Bản án chế độ thực dân Pháp” nói chung chính là nhát dao sắc bén của Nguyễn Ái Quốc, đâm thẳng vào “tim đen” của bọn thực dân và sự đau khổ của người dân các nước thuộc địa.


Bài mẫu

       Phong trào giải phóng dân tộc "đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới vào đầu thế kỉ 20". Đặc biệt, chiến tranh đế quốc 1914 - 1918 và hòa ước Vécxây đáng sỉ nhục làm cho các dân tộc và các giai cấp bị áp bức trên toàn thế giới nhận định được rõ, thêm bản chất của chủ nghĩa tư bản. Các nước đồng mình "chiến thắng", một mặt tăng cường bóc lột giai cấp công nhân Châu Âu, Châu Mĩ, một mặt ra sức khai thác tàn nhẫn thuộc địa. Cách mạng Tháng Mười chỉ ra con đường đấu tranh của nhân loại cần lao. "Phương Đông thức tỉnh" sẽ góp phần quan trọng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc. Nhân dân các nước bị nô dịch nổi dậy giành độc lập, tự do, có nghĩa là từng bộ phận của chủ nghĩa đế quốc sẽ sụp đổ, bão táp cách mạng sẽ nổi lên ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mĩ latinh. Người anh hùng mới của thế kỉ 20 ra đời với một trách nhiệm lớn lao. Điều đó không thể vắng mặt trong văn học thế giới.

       Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong đã phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, dành trọn cuộc đời mình cho công cuộc cách mạng vĩ đại ấy. Ở đâu, bất cứ lúc nào, Bác cũng hướng tình cảm, ý chí, hoạt động vào đó. Bác "tin theo Lênin", tán thành Đệ tam Quốc tế, học tập, nghiên cứu, vào sinh ra tử cũng vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức. Những phút xúc động nhất trong đời Bác, khi ở nước ngoài, thời trẻ, là những phút Bác nghĩ đến những dân tộc còn sống trong vòng nô lệ: khi Bác được tin ông Cúc (Cook) tuyệt thực và chết vì vấn đề độc lập của dân tộc mình, khi Bác thấy những người công nhân da đen bị nước biển cuốn đi. Những lần ấy, Bác đã khóc. Tâm hồn nghệ sĩ của Bác dễ rung cảm trước những cảnh hùng vĩ. Trần Dân Tiên kể rằng: trên tàu biển, anh Ba thích xem cảnh mặt trời mọc; những đêm trăng, anh đi đi lại lại trên tàu, "hầu như không ngủ", và anh Ba "ngây người nhìn một hòn đảo ở Tênêríppho, miệng nhắc đi nhắc lại:

- “Bốn! Anh nhìn kia! Đẹp quá, hùng vĩ quá!".

       Trái tim ấy hiểu thấu và thương cảm sâu xa hàng trăm triệu người sống cuộc đời lầm than, khổ nhục. Trái tim ấy càng thấy rõ cái "hùng vĩ" của những người nô lệ, những người có tâm hồn trong sáng, thủy chung, kiên cường - những người có đầy đủ chí khí để làm cách mạng. "Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình".

       Hiểu rõ giai cấp công nhân, Bác Hồ biết tất cả nỗi khổ cực và sức mạnh của họ, những người duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Xuất thân từ một gia đình yêu nước, Bác thông cảm sâu sắc với nông dân. Hình ảnh người nông dân thuộc địa chiếm vai trò lớn trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" (...) Đề bạt người nông dân như một người bạn chiến đấu dũng cảm của giai cấp công nhân, đó là một sáng tạo trong văn học lúc bấy giờ. Qua hình tượng người nông dân trong tác phẩm, Hồ Chủ tịch chỉ rõ rằng vấn đề thuộc địa thực chất là vấn đề nông dân.

       Nói đến họ, lời văn "Bản án chế độ thực dân Pháp" bao giờ cũng đầm ấm, thiết tha, bác hiểu tấm lòng thương yêu quê hương đất nước của họ. Đàn cừu, mảnh vườn đối với họ là những gì thân thiết nhất: "Họ phải đột ngột lìa vợ, lìa con, bỏ đàn cừu, bỏ mảnh ruộng để vượt đại dương, đem xương phơi trên các bãi chiến trường Châu Âu". Dù có sống sót, họ cũng chỉ lê "tấm thân tàn ma dại" trở về sống kiếp trâu ngựa dưới cái chế độ "không hề biết gì đến công lí và chính nghĩa”. Bọn thực dân kết án tử hình những người vô tội. Tiếng oán hờn thống thiết như thúc giục mọi người hãy thấm máu trên người, đứng dậy làm cách mạng, đánh đuổi bọn thực dân: "Máu của những người Việt Nam ấy nhuộm đỏ cánh đồng Mỹ - ngụy, dù có phai với thời gian, nhưng vết thương lòng của những bà mẹ già, những em bé mồ côi, thì không bao giờ hàn gắn được". Chương Những nỗi khổ nhục của người đàn bà bản xứ chứa chan tình thương cảm xót xa của Bác.

       Không phải Bác chỉ thấy ở nhân dân lao động thuộc địa cuộc đời đầy oan khốc, Bác còn thấy họ là những người khẳng khái, thương nước yêu nhà, và dũng cảm phản kháng cái chế độ thuộc địa bất lương ấy. Những người phụ nữ có chồng con, cha anh bị giam cầm, đã vượt mọi gian nguy đến thăm họ: "Tất cả cái đám người đã kiệt sức ấy mang theo đủ mọi thứ, nào nón, nào quần áo rách, cơm nắm... để lên đưa cho người bị can, là cha, là chồng". Đó là những người nông dân "nổi lên chống tạp dịch", là những người Lào bỏ nhà bỏ cửa trốn đi, không chịu đi phu cho giặc, là "những vụ biến động lừng danh năm 1908 và năm 1916" ở Việt Nam. Đặc biệt, trong chương XII, Nô lệ thức tỉnh, tác giả đã kết thúc tác phẩm bằng hình ảnh đầy hứa hẹn của Trường Đại học Phương Đông, trên đất nước Liên Xô, một "dấu hiệu của kỉ nguyên mới" của các dân tộc bị áp bức.

       Tóm lại, với Bản án chế độ thực dân Pháp của Hồ Chủ tịch, một nhân vật tích cực đã ra đời trong văn học hiện đại: nhân vật đại diện cho các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa vùng dậy làm cách mạng, đại diện cho một lực lượng cách mạng hiện nay đang làm cho chủ nghĩa đế quốc suy yếu và tan vỡ, và thúc đẩy quá trình diệt vong của nó; một nhân vật anh hùng mà giản dị, gian khổ mà trong sáng, kiên cường, bất khuất, một lòng thủy chung với cách mạng.



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến