Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 có đáp án năm 2024 được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải, giúp quý thầy cô đánh giá chất lượng học tập cuối kì 2 lớp 3, các em học sinh luyện tập kỹ năng đọc, viết, ôn tập chuẩn bị cho kì thi học kì 2 lớp 3 đạt kết quả cao. Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo.
- Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt Cánh Diều
- Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt Kết nối
- Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt Chân trời
Top 03 đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 năm 2024
1. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Cánh Diều
A. Kiểm tra đọc (10 điểm)
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (4 điểm):
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu: (6 điểm) (35 phút)
1. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:
Ong Thợ
Trời hé sáng, tổ ong mật nằm trong gốc cây bỗng hóa rộn rịp. Ong thường thức dậy sớm, suốt ngày làm việc không chút nghỉ ngơi. Ong Thợ vừa thức giấc đã vội vàng bước ra khỏi tổ, cất cánh tung bay. Ở các vườn chung quanh, hoa đã biến thành quả. Ong Thợ phải bay xa tìm những bông hoa vừa nở. Con đường trước mắt Ong Thợ mở rộng thênh thang. Ông mặt trời nhô lên cười. Hôm nào Ong Thợ cũng thấy ông mặt trời cười. Cái cười của ông hôm nay càng rạng rỡ. Ong Thợ càng lao thẳng về phía trước.
Chợt từ xa, một bóng đen xuất hiện. Đó là thằng Quạ Đen. Nó lướt về phía Ong Thợ, xoẹt sát bên Ong Thợ toan đớp nuốt. Nhưng Ong Thợ đã kịp lách mình. Thằng Quạ Đen đuổi theo nhưng không tài nào đuổi kịp. Đường bay của Ong Thợ trở lại thênh thang.
Theo Võ Quảng.
2. Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:
Câu 1: Tổ ong mật nằm ở đâu?
A. Trên ngọn cây.
B. Trên vòm lá.
C. Trong gốc cây.
D. Trên cành cây.
Câu 2: Tại sao Ong Thợ không tìm mật ở những khu vườn chung quanh?
A. Vì ở các vườn chung quanh hoa đã biến thành quả.
B. Vì ở các vườn chung quanh có Quạ Đen.
C. Vì ở các vườn chung quanh hoa không có mật.
D. Vì Ong Thợ không thích kiếm mật ở vườn xung quanh.
Câu 3: Quạ Đen đuổi theo Ong Thợ để làm gì?
A. Để đi chơi cùng Ong Thợ.
B. Để đi lấy mật cùng Ong Thợ.
C. Để toan đớp nuốt Ong Thợ.
D. Để kết bạn với Ong Thợ.
Câu 4: Trong đoạn văn trên có những nhân vật nào?
A. Ong Thợ.
B. Quạ Đen, Ông mặt trời
C. Ong Thợ, Quạ Đen
D. Ong Thợ, Quạ Đen, Ông mặt trời
Câu 5: Ong Thợ đã làm gì để Quạ Đen không đuổi kịp?
A. Ong Thợ quay lại định đớp nuốt Quạ Đen.
B. Ong Thợ nhanh nhẹn lách mình tránh Quạ Đen.
C. Ong Thợ bay trên đường bay rộng thênh thang.
D. Ong Thợ bay về tổ.
Câu 6: Em có suy nghĩ gì về hành động, việc làm của Ong Thợ khi gặp Quạ Đen? Viết từ 1 câu nêu suy nghĩ của em:
….…………………………………………………………………………………………..
Câu 7: Câu nào dưới đây có hình ảnh nhân hóa?
A. Ông mặt trời nhô lên cười.
B. Con đường trước mắt Ong Thợ mở rộng thênh thang.
C. Chợt từ xa, một bóng đen xuất hiện.
D. Nó lướt về phía Ong Thợ, xoẹt sát bên Ong Thợ toan đớp nuốt.
Câu 8: Trong câu “Ong Thợ phải bay xa tìm những bông hoa vừa nở.” Các từ chỉ sự vật trong câu trên là:
….…………………………………………………………………………………………..
Câu 9: Đặt một câu theo mẫu câu: Ai làm gì?
….…………………………………………………………………………………………..
….…………………………………………………………………………………………..
B. Kiểm tra viết (10 điểm)
I. Chính tả - Nghe – viết (4 điểm) (15 phút)
Mùa thu trong trẻo
Trong hồ rộng, sen đang lụi tàn. Những chiếc lá to như cái sàng màu xanh sẫm đã quăn mép, khô dần. Họa hoằn mới còn vài lá non xanh, nho nhỏ mọc xòe trên mặt nước. Gương sen to bằng miệng bát con, nghiêng như muốn soi chân trời. Tiếng cuốc kêu thưa thớt trong các lùm cây lau sậy ven hồ…
Nguyễn Văn Chương
….…………………………………………………………………………………………..
….…………………………………………………………………………………………..
….…………………………………………………………………………………………..
II . Tập làm văn (25 phút) (6 điểm)
Đề bài: Viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) kể lại một việc em đã làm để góp phần bảo vệ môi trường.
Gợi ý:
- Việc tốt em đã làm để bảo vệ môi trường là việc tốt gì?
- Em đã làm việc tốt đó như thế nào?
- Kết quả của công việc đó ra sao?
- Cảm nghĩ của em sau khi làm việc tốt đó?
….…………………………………………………………………………………………..
….…………………………………………………………………………………………..
….…………………………………………………………………………………………..
….…………………………………………………………………………………………..
….…………………………………………………………………………………………..
Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3
I. Kiểm tra đọc ( 10 điểm)
1. Đọc tiếng (4 điểm):
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc theo yêu cầu: 1 điểm
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm
2. Đọc hiểu (6 điểm):
Câu 1: C: (0,5 điểm)
Câu 2: A: (0,5 điểm)
Câu 3: C: (0,5 điểm)
Câu 4: D: (0,5 điểm)
Câu 5: B: (1,0 điểm)
Câu 6: HS viết được 1 câu chính xác: 1,0 điểm
(Nếu viết có ý đúng: 0,5 điểm)
Ví dụ:
Ong Thợ rất dũng cảm và thông minh. / Ong Thợ rất nhanh trí và can đảm./...
Câu 7: A: (0,5 điểm)
Câu 8: Ong Thợ, bông hoa: 0,5 điểm; ( tìm đúng 1 từ: 0.25 điểm)
Câu 9. (1,0 điểm)
- HS đặt được câu theo đúng mẫu câu, đúng thể thức trình bày câu, (cuối câu có đặt dấu chấm); câu văn hay 1.0 điểm
II. Kiểm tra viết (10 điểm):
1. Chính tả: Nghe - viết (4 điểm)
+ Viết đủ bài: 1 điểm
+ Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
+ Viết đúng chính tả ( không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
+ Trình bày đúng quy đinh, viết sạch, đẹp: 1 điểm
2. Tập làm văn (6 điểm)
+ Nội dung (ý): 3 điểm
HS viết được đoạn văn gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài.
+ Kĩ năng: 3 điểm
Điểm tối đa cho kĩ năng viết chữ, viết đúng chính tả: 1 điểm
Điểm tối đa cho kĩ năng dùng từ, đặt câu: 1 điểm
Điểm tối đa cho phần sáng tạo: 1 điểm
- Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt, chữ viết có thể trừ điểm phù hợp.
2. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. ĐỌC HIỂU
Đọc thầm bài văn sau:
Bản Xô-nát ánh trăng
Vào một đêm trăng đẹp, có một người đàn ông đang dạo bước trên hè phố. Ông bỗng nghe thấy tiếng đàn dương cầm ấm áp vọng ra từ căn nhà nhỏ cuối ngõ. Ngạc nhiên, ông đi đến bên cửa sổ và lắng nghe. Chợt tiếng đàn ngừng bặt và giọng một cô gái cất lên:
- Con đánh hỏng rồi. Ước gì con được một lần nghe Bét-tô-ven đàn.
- Ôi, giá mà cha có đủ tiền để mua vé cho con.
Nghe thấy thế, người đàn ông gõ cửa vào nhà và xin phép được chơi đàn. Cô gái đứng dậy nhường đàn. Lúc này người khách mới nhận ra cô bị mù. Niềm xúc động trào lên trong lòng, từ tay ông, những nốt nhạc kì diệu, lấp lánh vang lên.
Hai cha con lặng đi rồi như bừng tỉnh, cùng thốt lên:
- Trời ơi, có phải ngài chính là Bét-tô-ven?
Phải, người khách chính là Bét-tô-ven - nhà soạn nhạc vĩ đại. Ông đã từng biểu diễn khắp châu Âu nhưng chưa bao giờ chơi đàn với một cảm xúc mãnh liệt, thanh cao như lúc này.
Rồi dưới ánh trăng huyền ảo, tràn ngập, trước sự ngạc nhiên, xúc động của cô gái mù, Bét-tô-ven đã đánh một bản đàn tuỳ hứng. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất.
Ngay đêm đó, bản nhạc tuyệt tác đã được ghi lại. Đó chính là bản xô-nát Ánh trăng.
(Theo Tạp chí âm nhạc, Hoàng Lân sưu tầm)
Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng:
Câu 1: Đang đi dạo dưới ánh trăng, Bét-tô-ven nghe thấy gì?
a. Tiếng đàn dương cầm vọng ra từ căn nhà cuối phố.
b. Tiếng hát vang lên từ căn nhà cuối phố.
c. Tiếng ai chơi đàn dương cầm bản xô-nát Ánh trăng từ căn nhà cuối phố.
Câu 2: Đứng bên cửa sổ lắng nghe tiếng đàn, Bét-tô-ven tình cờ biết được điều gì?
a. Cô gái đánh đàn ước được đi du lịch nhưng không có tiền.
b. Cô gái đánh đàn ước được một lần nghe Bét-tô-ven chơi đàn nhưng không đủ tiền mua vé.
c. Cô gái đánh đàn ước sẽ chơi đàn giỏi như Bét-tô-ven.
Câu 3: Những từ ngữ nào được dùng để tả cảm xúc và tiếng đàn của Bét-tô-ven?
a. Niềm xúc động trào lên trong lòng, cảm xúc mãnh liệt, thanh cao.
b. Những nốt nhạc kì diệu, lấp lánh.
c. Tiếng đàn réo rắt, du dương.
d. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất.
Câu 4: Nhờ đâu Bét-tô-ven có được cảm hứng đế sáng tác bản xô-nát Ánh trăng (xuất phát từ đâu)?
a. Sự yêu thích của ông trước cảnh đẹp đêm trăng.
b. Sự mong muốn được nổi tiếng hơn nữa của ông.
c. Sự xúc động và niềm thông cảm sâu sắc của ông trước tình yêu âm nhạc của cô gái mù nghèo khổ mà ông đã bất ngờ gặp trong một đêm trăng huyền ảo.
Câu 5: Qua câu chuyện "Bản xô-nát Ánh trăng", em hiểu Bét-tô-ven là một nhạc sĩ như thế nào?
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Câu 1: Nhạc sĩ là người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn âm nhạc. Hãy tìm những từ có tiếng "sĩ" để chỉ người sáng tác hay biểu diễn như vậy điền vào chỗ trống cho thích hợp.
a) Những người chuyên sáng tác thơ ca gọi là:...
b) Những người chuyên vẽ tranh nghệ thuật gọi là
c) Những người chuyên biểu diễn các bài hát gọi là ....
d) Những người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn nghệ thuật gọi là:...
Câu 2: Âm nhạc là tên một ngành nghệ thuật. Trong dãy từ sau, những từ nào chỉ tên các ngành nghệ thuật?
kịch nói, ảo thuật, xiếc, tuồng, nhiếp ảnh, dệt vải, điêu khắc, hội hoạ.
Câu 3: Đánh đàn là một hoạt động nghệ thuật. Trong dãy từ sau, những từ nào chỉ hoạt động nghệ thuật?
đóng phim, múa, tạc tượng, ngậm thơ, may máy, biểu diễn, sáng tác.
Câu 4: Điền dấu phẩy vào những chỗ thích hợp trong đoạn văn sau:
"Bản xô-nát Ánh trăng" là một câu chuyện xúc động nói về nhạc sĩ thiên tài Bét-tô-ven. Trong một đêm trăng huyền ảo ông đã bất ngờ gặp một cô gái mù nghèo khổ nhưng lại say mê âm nhạc. Số phận bất hạnh và tình yêu âm nhạc của cô gái đã khiến ông vô cùng xúc động thương cảm và day dứt. Ngay trong đêm ấy nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành bản nhạc tuyệt vời: bản xô-nát Ánh trăng.
B. Kiểm tra Viết
Trước tình yêu âm nhạc của cô gái mù, Bét-tô-ven đã tấu lên một bản nhạc tuyệt diệu. Đặt mình vào vai Bét-tô-ven, em hãy viêt một đoạn văn nói lên cảm xúc của mình lúc ngẫu hứng sáng tác bản xô-nát Ánh trăng.
Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 2
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. ĐỌC HIỂU
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 |
---|---|---|---|---|
Đáp án | a | b | a,b,d | c |
Câu 5:
Bài tham khảo số 1:
Bét-tô-ven là một nhạc sĩ thiên tài. Cảm hứng để ông sáng tác ra những bản nhạc hay xuất phát từ sự rung động chân thành và niềm cảm thông sâu sắc của ông trước vẻ đẹp của tâm hồn con người và cuộc sống xung quanh. Những bản nhạc kì diệu của ông đã làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn và xoa dịu tâm hồn những con người bất hạnh. Ông không chỉ là một nhạc sĩ thiên tài mà còn là một con người giàu lòng nhân ái.
Bài tham khảo số 2:
"Rồi dưới ánh trăng huyền ảo, tràn ngập, trước sự ngạc nhiên, xúc động của cô gái mù, Bét-tô-ven đã đánh một bản đàn tuỳ hứng. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất". Bản nhạc chan chứa tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc với cô gái mù say mê âm nhạc. Vì nỗi lòng khát khao được nghe đàn của cô - một cô gái nghèo khó, có số phận bất hạnh - mà những nốt nhạc của Bét-tô-ven được cất lên. Nó lấp lánh, kì diệu đầy tình yêu thương. Âm thanh dạt dào xoa dịu tâm hồn bất hạnh và làm cuộc sống tươi đẹp hơn. Bét-tô-ven quả là một nghệ sĩ tài hoa và giàu lòng nhân ái.
(Theo Trần Thị Trường)
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Câu 1:
a) thi sĩ ;
b) hoạ sĩ ;
c) ca sĩ ;
d) nghệ sĩ.
Câu 2:
Những từ gọi tên các ngành nghệ thuật: kịch nói, ảo thuật, xiếc, tuồng, nhiếp ảnh, điêu khắc, hội hoạ.
Câu 3:
Những từ chỉ hoạt động nghệ thuật: đóng phim, múa, tạc tượng, ngâm thơ, biểu diễn, sáng tác.
Câu 4:
- Đoạn văn được điền dấu phẩy như sau:
"Bản xô-nát Ánh trăng" là một câu chuyện xúc động nói về nhạc sĩ thiên tài Bét-tô-ven. Trong một đêm trăng huyền ảo, ông đã bất ngờ gặp một cô gái mù nghèo khổ nhưng lại say mê âm nhạc. Số phận bất hạnh và tình yêu âm nhạc của cô gái đã khiến ông vô cùng xúc động, thương cảm và day dứt. Ngay trong đêm ấy, nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành tác phẩm tuyệt vời: bản xô-nát Ánh trăng.
B. Kiểm tra Viết
Tôi chưa bao giờ chơi đàn với một cảm xúc mãnh liệt, thanh cao như lúc này, trong căn nhà nhỏ của một xóm lao động nghèo. Nơi đây, có một cô gái mù khao khát được nghe tiếng đàn của tôi. Tình yêu âm nhạc và sự bất hạnh của cô khiến tôi rất xúc động. Lướt nhẹ hai tay trên phím đàn, một giai điệu mới vang lên trong đầu tôi. Những âm thanh tuôn chảy bởi cảm xúc dạt dào chợt đến trong không gian huyền ảo tràn ngập ánh trăng. Tiếng đàn ngợi ca những con người thánh thiện như cô gái mù. Tiếng đàn ngợi ca tất cả những gì đẹp đẽ nhất trên đời. Tôi đã thấy nét rạng ngời trên khuôn mặt cô gái. Lòng tôi cũng ngập tràn hạnh phúc. Bản nhạc ngẫu hứng đó về sau được tôi đặt tên là bản xô-nát Ánh trăng.
3. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Chân trời sáng tạo
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng (4 điểm)
- Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng học sinh qua các bài tập đọc trong học kì hai và trả lời câu hỏi nội dung bài.
Tình bạn
Tối hôm ấy, mẹ đi vắng, dặn Cún trông nhà, không được đi đâu. Chợt Cún nghe có tiếng kêu ngoài sân:
- Cứu tôi với!
Thì ra Cáo già đã tóm được Gà con tội nghiệp.
Cún con sợ Cáo nhưng lại rất thương Gà con. Cún nảy ra một kế. Cậu đội mũ sư tử lên đầu rồi hùng dũng tiến ra sân. Cáo già trông thấy hoảng quá, buông ngay Gà con để chạy thoát thân. Móng vuốt của Cáo cào làm Gà con bị thương. Cún liền ôm Gà con, vượt đường xa, vượt đêm tối, chạy một mạch đến nhà bác sĩ Dê núi. Bác sĩ nhanh chóng băng bó vết thương cho Gà con. Gà con run rẩy vì lạnh và đau, Cún liền cởi áo của mình ra đắp cho bạn. Thế là Gà con được cứu sống. Về nhà, Cún kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ liền xoa đầu Cún, khen:
- Con đúng là Cún con dũng cảm! Mẹ rất tự hào về con!
Theo Mẹ kể con nghe
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)
Dựa vào nội dung bài đọc trên, khoanh tròn vào các chữ cái trước ý trả lời đúng hoặc làm theo yêu cầu của mỗi câu hỏi.
Câu 1: Thấy Gà con bị Cáo già bắt, Cún con đã làm gì? (0,5đ)
A. Cún con đứng nép vào cánh cửa quan sát.
B. Cún con không biết làm cách nào vì Cún rất sợ Cáo.
C. Cún nảy ra một kế là đội mũ sư tử lên đầu rồi hùng dũng tiến ra sân.
Câu 2: Vì sao Cáo già lại bỏ Gà con lại và chạy thoát chân? (0,5đ)
A. Vì Cáo nhìn thấy Cún con.
B. Vì Cáo già rất sợ sư tử.
C. Vì Cáo già rất sợ Cún con.
Câu 3: Thấy Gà con đã bị thương, Cún con đã làm những gì để cứu bạn? (0,5đ)
A. Cún ôm gà con, vượt đường xa, đêm tối để tìm bác sĩ Dê núi.
B. Cún cởi áo của mình ra đắp cho bạn.
C. Cún con sợ Cáo và không làm gì để cứu bạn.
Câu 4: Câu: “Cún liền cởi áo của mình ra đắp cho bạn.” Thuộc kiểu câu gì? (0,5đ)
A. Ai - làm gì?
B. Ai - thế nào?
C. Ai - là gì?
Câu 5: Trong câu: “Cún liền ôm Gà con, vượt đường xa, vượt đêm tối, chạy một mạch đến nhà bác sĩ Dê núi”. Tác giả sử dụng cách nhân hóa nào? (0,5đ)
A. Dùng từ chỉ người cho vật.
B. Dùng từ hành động của người cho vật .
C. Dùng từ chỉ người và hành động cho vật.
Câu 6: Vì sao Cún cứu Gà con (0,5đ)
A. Cún ghét Cáo
B. Cún thương Gà con
C . Cún thích đội mũ sư tử
Câu 7: Viết một câu có sử dụng biện pháp nhân hóa để nói về Cún con trong bài. (1đ)
Câu 8: Câu chuyện trên muốn khuyên chúng ta điều gì? (1đ)
Câu 9: Đặt dấu hai chấm, dấu phẩy, dấu chấm vào chỗ thích hợp trong câu dưới đây: ( 1đ)
Vịt con đáp
Cậu đừng nói thế chúng mình là bạn mà
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)
- Giáo viên đọc cho học sinh viết bài: Dòng suối thức (TV 3 tập 2/trang 137)
II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)
Đề bài: Em hãy kể về một ngày hội mà em đã từng được tham gia hay em biết.
Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng (4 điểm)
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
---|---|---|---|---|---|---|
Đáp án | C | B | A | A | C | B |
Câu 7:
VD: Chú Cún con rất thông minh. ( 1đ)
Câu 8:
Phải biết thương yêu, giúp đỡ bạn bè........................... ( 1đ)
Câu 9:
Đặt dấu phẩy, dấu chấm vào chỗ thích hợp trong câu dưới đây: (1đ)
Vịt con đáp:
- Cậu đừng nói thế, chúng mình là bạn mà.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)
Nghe – viết bài: Mặt trời xanh của tôi
- Viết đúng chính tả, trình bày đúng, sạch sẽ, chữ viết rõ ràng . (4 điểm)
- Viết sai chính tả mỗi lỗi trừ 0,5 điểm.
- Trình bày bài bẩn trừ 0,5 điểm.
II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)
Hội Trung thu rước đèn họp bạn hồi năm ngoái thật là vui. Mẹ mua cho em một chiếc đèn lồng hình con bướm. Tối hôm rằm tháng Tám, khi nghe thấy trống ếch dồn dập ngoài ngõ, em vội xách đèn lồng ra nhập vào đoàn quân tí hon tiến về bãi cỏ rộng đầu xóm rồi quây thành vòng tròn quanh bãi. Sau lời tuyên bố của chị phụ trách, chúng em xếp thành hàng dài đi vòng quanh xóm, đi đầu là hai con rồng. Đèn rước đèn đèn đi đến đâu, tiếng trống vang lên đến đó, làm cả xóm náo nhiệt lên như ngày hội lớn. Rước đèn được một vòng, chúng em quay lại bãi cỏ để chuẩn bị phá cỗ. Tiết mục phá cỗ cũng không kém phần vui vẻ như khi rước đèn. Chúng em vừa ăn bánh kẹo, hoa quả, vừa tiến hành văn nghệ. Khi ông trăng đã lên cao, chúng em mới ra về. Ngày hội đó đã để lại cho em nhiều kỉ niệm khó quên.
Top 03 đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 hay nhất, chọn lọc, có đáp án được TimDapAnđăng tải giúp thầy cô đánh giá được chất lượng học sinh trong học kì 2. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi Tiếng Việt lớp 3 chất lượng hơn. Ngoài 03 đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 trên. Các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi hay khác như Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Toán; Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Anh mà Tìm Đáp Án đã đăng tải. Chúc các em học tốt!
4. Đề thi học kì 2 lớp 3 Tải nhiều năm 2022 - 2023
- 31 Đề thi Tiếng Việt lớp 3 học kì 2 năm 2022 - 2023
- 18 Đề thi Toán lớp 3 học kì 2 năm 2022 - 2023
- Bộ đề thi tiếng Anh lớp 3 học kì 2 năm 2023
- Bộ 10 đề thi Tin học lớp 3 học kì 2 năm học 2022 - 2023
- 12 đề thi học kì 2 lớp 3 năm 2022 - 2023 theo Thông tư 27