Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 2 Hay chọn lọc bao gồm các đề ôn tập giúp các em học sinh học tốt Tiếng Việt lớp 2, rèn luyện kỹ năng giải bài tập, chuẩn bị cho các bài thi, bài kiểm tra giữa học kì 2 lớp 2 đạt kết quả cao.

I. Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt (Sách mới)

1. Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt sách Kết nối

A. Đọc – hiểu

HẠT THÓC

Tôi chỉ là hạt thóc
Sinh ra trên cánh đồng
Giấu trong mình câu chuyện
Một cuộc đời bão dông.

Tôi ngậm ánh nắng sớm
Tôi uống giọt sương mai
Tôi sống qua bão lũ
Tôi chịu nhiều thiên tai.

Dẫu hình hài bé nhỏ
Tôi trải cả bốn mùa
Dẫu bây giờ bình dị
Tôi có từ ngàn xưa.

Tôi chỉ là hạt thóc
Không biết hát biết cười
Nhưng tôi luôn có ích
Vì nuôi sống con người.

(Ngô Hoài Chung)

Từ ngữ

Thiên tai: những hiện tượng thiên nhiên gây tác động xấu như bão, lũ lụt, hạn hán, động đất.

Câu 1: Hạt thóc được sinh ra ở đâu?

Câu 2: Những câu thơ nào cho thấy hạt thóc trải qua nhiều khó khăn?

Câu 3: Hạt thóc quý giá như thế nào với con người?

B. Viết

1. Chính tả: Nghe –viết

Giọt nước và biển lớn

Ti ta tí tác
Từng giọt
Từng giọt
Mưa rơi
Rơi rơi.
Góp lại bao ngày
Thành dòng suối nhỏ
Lượn trên bãi cỏ
Chảy xuống chân đồi.

Suối gặp bạn rồi
Góp thành sông lớn
Sông đi ra biển
Biển thành mênh mông.
Biển ơi, có biết
Biển lớn vô cùng
Từng giọt nước trong
Làm nên biển đấy!

(Nguyễn Bao)

2. Hãy viết tấm thiệp chúc Tết.

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt

1. Đọc hiểu

Câu 1: Hạt thóc được sinh ra trên cánh đồng.

Câu 2: Những câu thơ cho thấy hạt thóc trải qua nhiều khó khăn là:

“Tôi sống qua bão lũ

Tôi chịu nhiều thiên tai.”

Câu 3: Hạt thóc quý giá với con người ở chỗ nó nuôi sống con người.

B. Viết

1. Chính tả: Giọt nước

2.

Minh Hà thân mến,

Nhân dịp năm mới, tớ chúc cậu có thật nhiều sức khỏe, học tập thật tốt và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Bạn của cậu

Hà Anh

2. Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt sách Cánh Diều

A.Đọc thầm và làm bài tập

Lũy tre

Mỗi sớm mai thức dậy,

Luỹ tre xanh rì rào,

Ngọn tre cong gọng vó

Kéo mặt trời lên cao.

 

Những trưa đồng đầy nắng,

Trâu nằm nhai bóng râm,

Tre bần thần nhớ gió,

Chợt về đầy tiếng chim.

 

Mặt trời xuống núi ngủ,

Tre nâng vầng trăng lên.

Sao, sao treo đầy cành,

Suốt đêm dài thắp sáng.

 

Bỗng gà lên tiếng gáy

Xôn xao ngoài luỹ tre.

Đêm chuyển dần về sáng,

Mầm măng đợi nắng về.

Nguyễn Công Dương

Câu 1: Mỗi khổ thơ tả lũy tre vào buổi nào trong ngày? Nối đúng:

a. Khổ thơ 1

 

1. Tả lũy tre vào buổi trưa

b. Khổ thơ 2

 

2. Tả lũy tre vào buổi sáng

c. Khổ thơ 3

 

3. Tả lũy tre vào rạng sáng

d. Khổ thơ 4

 

4. Tả lũy tre vào buổi tối

Câu 2: Đánh dấu tích vào ô trống trước câu trả lời đúng:

a. Dòng thơ nào gợi tả một buổi sáng trời có gió?

□ Mỗi sớm mai thức dậy

□ Lũy tre xanh rì rào

□ Ngọn tre cong gọng vó

□ Kéo Mặt Trời lên cao

b. Dòng thơ nào gợi tả một buổi trưa trời lặng gió?

□ Những trưa đồng đầy nắng

□ Trâu nằm nhai bóng râm

□ Tre bần thần nhớ gió

□ Chợt về đầy tiếng chim

c. Em hiểu nội dung bài thơ thế nào?

□ Bài thơ chỉ tả lũy tre

□ Bài thơ chỉ tả cảnh vật ở nông thôn

□ Bài thơ nói lên tình yêu với lũy tre, với quê hương

Đánh dấu x vào ô trống trước câu trả lời đúng:

a. Dòng thơ nào gợi tả một buổi sáng trời có gió?

□ Mỗi sớm mai thức dậy

□ Lũy tre xanh rì rào

□ Ngọn tre cong gọng vó

□ Kéo Mặt Trời lên cao

b. Dòng thơ nào gợi tả một buổi trưa trời lặng gió?

□ Những trưa đồng đầy nắng

□ Trâu nằm nhai bóng râm

□ Tre bần thần nhớ gió

□ Chợt về đầy tiếng chim

c. Em hiểu nội dung bài thơ thế nào?

□ Bài thơ chỉ tả lũy tre

□ Bài thơ chỉ tả cảnh vật ở nông thôn

□ Bài thơ nói lên tình yêu với lũy tre, với quê hương

Câu 3: Đặt câu hỏi cho bộ phận câu in đậm:

a. Lũy tre xanh rì rào trước gió.

b. Trâu nằm nghỉ dưới bóng tre.

c. Sao đêm như những ngọn đèn thắp sáng trên cành tre.

Câu 4: Đặt 2 câu tả lũy tre:

a. Một câu có bộ phận trả lời cho câu hỏi Khi nào?

b. Một câu có bộ phận trả lời cho câu hỏi Ở đâu?

B. Viết

Nghe - viết:

Hoa đào, hoa mai

Hoa đào ưa rét

Lấm tấm mưa bay

Hoa mai chỉ say

Nắng pha chút gió.

Hoa đào thắm đỏ

Hoa mai dát vàng

Thoắt mùa xuân sang

Thi nhau rộ nở…

Mùa xuân hội tụ

Niềm vui nụ, chồi

Đào, mai nở rộ

Đẹp hai phương trời.

LÊ BÌNH

Câu 2: Hãy viết 4 – 5 câu về một đồ vật, đồ chơi em yêu thích.

Gợi ý:

- Đó là đồ vật, đồ chơi gì (cặp sách, bàn học, gối bông hình con vật; đồ chơi hình con vật bằng bông hoặc bằng nhựa, lá, gỗ…)?

- Đặc điểm (hoặc tác dụng) của đồ vật, đồ chơi đó.

- Tình cảm của em đối với đồ vật, đồ chơi đó.

ĐÁP ÁN

A. Đọc thầm và làm bài tập

1.

a- 2: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi sáng

b- 1: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi trưa

c- 4: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi tối

d- 3: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi rạng sáng.

2.

a) Lũy tre xanh rì rào

b) Tre bần thần nhớ gió

c) Bài thơ nói lên tình yêu với lũy tre, với quê hương.

3. Đặt câu hỏi:

a) Lũy tre xanh như thế nào?

b) Trâu làm gì?

c) Ai như những ngọn đèn thắp sáng trên cành tre?

4. Đặt câu tả:

a) Mỗi buổi sớm mai, lũy tre xanh lại rì rào nói chuyện.

b) Chú trâu nằm dưới lũy tre xanh mát mỗi trưa hè oi ả.

B. Viết

1. Nghe - viết.

2.

2.1. Em được mẹ tặng một con búp bê vào dịp sinh nhật. Nó có mái tóc xoăn màu vàng óng ả, cái môi thì đỏ chon chót chúm chím cười. Nước da của cô búp bê này trắng hồng và được làm bằng nhựa cứng. Khuôn mặt tròn bầu bĩnh. Cái má phinh phính, lúc nào cũng ửng hồng, ánh lên một màu trái đào mới nở. Đôi mắt to tròn, xanh biếc, với hàng lông mi cong vút, và chiếc mũi nhỏ xinh, trông thật là ngộ nghĩnh và dễ thương. Em rất yêu thich con búp bê này.

2.2. Mỗi lần về quê, em lại được ông làm cho một chú trâu lá đa. Chú được làm từ một chiếc lá đa to và đã già. Ông chỉ cần ngắt một vài đoạn, rồi xoay xoay là tạo ra chú trâu lá đa giống lắm. Khi ông rung rung cái cuống, chú trâu lá cũng rung rung theo như đang gật gù. Món đồ chơi này tuy giản dị nhưng lại trân quý vô cùng vì nó được làm từ tình yêu của ông em.

3. Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt sách Chân trời

A. Đọc

I. Đọc – hiểu

TRÍCH ĐOẠN CHUYỆN BỐN MÙA

Vào một ngày đầu năm, bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông gặp nhau ở vườn đào. Các chị em ai cũng phấn khởi vì được gặp lại nhau, họ nói cười vô cùng vui vẻ

Nàng Đông cầm tay nàng Xuân và nói rằng:

– Xuân là người sung sướng nhất ở đây. Vì mùa Xuân đến cây cối xanh tốt mơn mởn, ai cũng yêu quý Xuân cả.

Thế rồi nàng Xuân khe khẽ nói với nàng Hạ rằng:

– Nếu không có những tia nắng ấm áp của nàng Hạ thì cây trong vườn không có nhiều hoa thơm cây trái trĩu nặng…

Bốn nàng tiên mải chuyện trò, không biết bà chúa Đất đã đến bên cạnh từ lúc nào. Bàc vui vẻ nói chuyện:

– Các cháu mỗi người một vẻ. Xuân làm cho cây lá tươi tốt. Hạ cho trái ngọt, hoa thơm. Thu làm cho trời xanh cao, học sinh nhớ ngày tựu trường. Còn cháu Đông, ai mà ghét cháu được. Cháu có công ấp ủ mầm sống để Xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. Các cháu ai cũng đều có ích, ai cũng đều đáng yêu…

Theo Truyện cổ tích Việt Nam

1. Vì sao Đông cho rằng Xuân là người sung sướng nhất?

A. Vì Xuân xinh đẹp

B. Vì Xuân có nhiều tiền bạc.

C.Vì Xuân có nhiều người yêu mến.

2. Xuân đã khen Hạ điều gì?

A. Nóng bức

B. Nhờ Hạ mà cây trái trĩu quả

C. Học sinh được nghỉ hè

3. Bà chúa Đất đã nói ai là gười có nhiều lợi ích nhất?

A. Xuân

B. Xuân và Hạ

C. Cả 4 mùa đều có lợi ích tốt đẹp.

4. Em thích mùa nào nhất trong năm? vì sao?

II. Tiếng việt

Bài 1. Chọn tiếng trong ngoặc đơn và điền vào chỗ trống để tạo từ:

(lạ/nạ) kì …….., mặt ……..., người ……..., ……… ùng

Bài 2.

a) ch hay tr: đôi ….ân, màu ….ắng

b) ong hay ông: cá b… .., quả b… …

B. Viết

1: Nghe – viết : Lượm (hai khổ thơ đầu)

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

 

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…

2. Kể về người thân trong gia đình em

ĐÁP ÁN

A. Đọc hiểu

1. Đọc – hiểu

Dựa vào bài đọc, khoanh vào đáp án đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

1. C

2. B

3. C

4. Em thích nhất mùa Hạ, vì mùa hạ là mùa chúng em được nghỉ hè sau một năm học tập vất vả.

2. Tiếng việt

Bài 1. Chọn tiếng trong ngoặc đơn và điền vào chỗ trống để tạo từ:

(lạ/nạ):lạ, mặt nạ, người lạ, lạ lùng

Bài 2.

a) ch hay tr: đôi chân, màu trắng

b) ong hay ông: cá bống, quả bòng

B. Viết

1: Nghe – viết : Lượm (hai khổ thơ đầu)

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

 

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…

2. Kể về người thân trong gia đình em

Bài làm tham khảo 1:

Trong gia đình mình, người em gắn bó nhất chính là ông nội. Ông nội của em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng vẫn còn khỏe lắm. Ông có dáng người cao. Đôi bàn tay đầy những nếp nhăn đã suốt đời làm lụng vất vả để nuôi con cháu. Khuôn mặt phúc hậu, anh mắt hiền từ lúc nào cũng nhìn chúng tôi rất trìu mến. Mỗi khi về quê thăm ông, em lại ngồi nghe ông kể những câu chuyện ngày xưa. Em yêu ông nội của mình nhiều lắm.

Bài làm tham khảo 2:

Bà nội của em năm nay đã năm mươi tuổi. Bà là người kinh doanh. Bà yêu quý em, chăm sóc em rất chu đáo. Mỗi khi em đi học về, bà đều nấu những món ăn ngon cho em. Mỗi buổi tối, khi em lạnh, bà đều đắp chăn cho em. Tình thương của bà dành cho em rất bao la, không gì có thể so sánh được.

II. Bộ đề ôn thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt

1. Đề ôn thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 2 - Đề 1

I/- Kiểm tra kỹ năng đọc thành tiếng: (10 điểm)

1. Đọc thành tiếng (5 điểm)

Cho học sinh chọn và đọc 1 đoạn (đọc 2 phút) của các bài tập đọc sau:

Sông Hương.

Sông Hương là một bức tranh phong cảnh gồm nhiều đoạn mà mỗi đoạn đều có vẻ đẹp riêng của nó. Bao trùm lên cả bức tranh là một màu xanh có nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau: màu xanh thẳm của da trời, màu xanh biếc của cây lá.

Quả tim khỉ.

Một hôm, Cá Sấu mời Khỉ đến chơi nhà. Khỉ nhận lời, ngồi lên lưng Cá Sấu. Bơi đã xa bờ, Cá Sấu mới bảo:

- Vua của chúng tôi ốm nặng, phải ăn một quả tim Khỉ mới khỏi. Tôi cần quả tim của bạn.

Khỉ nghe vậy hết sức hoảng sợ.

2. Trả lời câu hỏi (5 điểm)

Đọc thầm bài Sông Hương trang 72 SGK Tiếng Việt 2 tập 2

Câu 1

Tìm những từ chỉ các màu xanh khác nhau của sông Hương.

A. màu hồng, màu vàng, màu xanh

B. Màu tím, màu xanh da trời, màu xanh biếc

C. Xanh thẳm, xanh biếc, xanh non.

Câu 2

Vào mùa hè và vào những đêm trăng, sông Hương đổi màu như thế nào?

A. Vào mùa hè, hoa phượng vĩ nở đỏ rực hai bên bờ. Hương Giang thay chiếc áo xanh hằng ngày thành dải lụa đào ửng hồng cả phố phường.

B. Vào mùa hè, sông Hương chuyển màu rực rỡ hơn

C. Vào mùa hè, sông Hương đẹp hơn.

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I- Chính tả (5 điểm)

1- Bài viết (4 điểm): GV đọc cho HS nghe, viết bài “Xuân về .

Xuân về

Thế là mùa xuân mong ước đã đến! Đầu tiên, từ trong vườn, mùi hoa hồng, hoa huệ thơm nức. Trong không khí không còn ngửi thấy hơi nước lạnh lẽo mà đầy hương thơm và ánh sáng mặt trời. Cây hồng bì đã cởi bỏ hết những cái áo lá già đen thủi. Các cành cây đều lấm tấm mầm xanh.

2- Bài tập (1 điểm): Điền vào chỗ trống: ch hay tr?

đánh....ống , .....ống gậy, .....èo bẻo, leo .....èo

II. Tập làm văn (5 điểm):

Đề bài: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) kể về một con vật mà em yêu thích.

Bài mẫu 1:

Nhà em có nuôi một chú mèo. Tên chú là Miu. Chú có thân mình gầy guộc vì lười ăn. Dáng chú thấp. Lông chú màu nâu. Đầu chú tròn như quả bóng nhỏ. Tai chú nhỏ như chiếc lá non. Mỗi khi đi học về, chú thường đến gần em. Em yêu chú lắm!

2. Đề ôn thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 2 - Đề 2

I. KIỂM TRA ĐỌC (10 điểm)

1. Đọc thành tiếng: (6 điểm)

2. Đọc thầm bài “Cò và Cuốc” (TV 2 tập II- Trang 37) và làm bài tập (4 điểm)

Dựa vào bài tập đọc, hãy chọn câu trả lời đúng:

1. Thấy cò lội ruộng Cuốc hỏi thế nào?

a, Chị bắt tép vất vả thế, chẳng sợ bùn bắn bẩn hết áo trắng sao?

b, Chị bắt tép để ăn à?

c, Chị bắt tép có vất vả lắm không?

2. Vì sao Cuốc lại hỏi như vậy?

a, Vì Cuốc nghĩ: Cò phải lội ruộng để kiếm ăn.

b, Vì Cuốc nghĩ rằng: áo Cò trắng phau, cò thường bay dập dờn như múa trên trời xanh, không nghĩ cũng có lúc chị phải khó nhọc thế này.

c, Vì Cuốc nghĩ: Cò lội ruộng để dạo chơi.

3. Câu chuyện muốn khuyên ta điều gì?

a, Không cần lao động vì sợ bẩn.

b, Phải lao động vất vả mới có lúc thảnh thơi, sung sướng.

c, Không cần lao động vì lao động vất vả, khó khăn.

4. Từ nào trái nghĩa với từ lười biếng?

a, Lười nhác

b, Nhanh nhẹn

c, Chăm chỉ

B. Kiểm tra viết (10 điểm)

1. Chính tả (5 điểm)

Chọn tiếng trong ngoặc đơn điền vào từng chỗ trống để tạo từ:

a) … số, cửa …., … giun, … lồng. (sổ, xố)

b) sản …., …. cơm, năng…, ….kho. (suất, xuất)

c,… vào,… thịt, đi…, … sư, tham…, … bò. (da, gia, ra)

d) … thư,… cá, con …, … thịt, … mắt, … điệp. (dán, gián, rán)

e) … thấp, núi …, quả …, hươu … cổ. (cao, cau).

2. Tập làm văn (5 điểm)

Hãy viết 4 đến 5 câu kể về mẹ của em theo các câu hỏi gợi ý sau.

1. Mẹ em làm nghề gì?

2. Hàng ngày mẹ em thường làm những việc gì?

3. Những việc đó có ích lợi như thế nào?

Bài mẫu 1:

Có rất nhiều người thân mà em yêu quý, nhưng người em yêu quý nhất là mẹ. Mẹ em có một khuôn mặt rất xinh đẹp. Mẹ là kế toán trưởng của một công ty may. Hàng ngày mẹ thường mặc những bộ quần áo kín đáo và lịch sự để đi làm. Buổi sáng mẹ thường dậy sớm để nấu những bữa ăn ngon miệng cho em và bố. Sau một ngày làm việc bận rộn, buổi tối mẹ vẫn dành thời gian quan tâm đến em. Mẹ thường hỏi han tình hình học tập của em và an ủi em mỗi khi em gặp khó khăn. Nhờ có mẹ mà em học tốt hơn. Em rất kính trọng và biết ơn mẹ.

3. Đề ôn thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 2 - Đề 3

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Chuyện bốn mùa (Trang 4 – TV3/T2)

2. Ông Mạnh thắng Thần Gió (Trang 13 – TV3/T2)

3. Vè chim (Trang 28 – TV3/T2)

4. Cò và Cuốc (Trang 37 – TV3/T2)

5. Sư Tử xuất quân (Trang 46 – TV3/T2)

6. Quả tim khỉ (Trang 50 – TV3/T2)

7. Bé nhìn biển (Trang 65 – TV3/T2)

8. Cá sấu sợ cá mập (Trang 74 – TV3/T2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

CÂY TRONG VƯỜN

Khu vườn nhà Loan không rộng lắm. Nó chỉ bằng một cái sân nhỏ nhưng có bao nhiêu là cây. Mỗi cây có một đời sống riêng, một tiếng nói riêng. Cây lan, cây huệ, cây hồng nói chuyện bằng hương, bằng hoa. Cây mơ, cây cải nói chuyện bằng lá. Cây bầu, cây bí nói chuyện bằng quả. Cây khoai, cây dong nói chuyện bằng củ, bằng rễ... Phải yêu vườn như Loan mới hiểu được tiếng của các loài cây.

Cũng trên một mảnh vườn, sao lời cây ớt cay, lời cây sung chát, lời cam ngọt, lời cây móng rồng thơm như một chín, lời cây chanh chua... Trăm cây trong vườn đều sinh ra từ đất. Đất nuôi dưỡng cây từ sữa của mình. Đất truyền cho cây sắc đẹp, mùa màng. Chính đất là mẹ của các loài cây.

1. Vườn nhà Loan có những cây gì? (0,5 điểm)

A. Cây lan, cây huệ, cây hồng, cây mơ, cây cải

B. Cây bầu, cây bí, cây khoai, cây dong

C. Tất cả các loại cây ở trên

2. Cây bầu, cây bí nói chuyện bằng gì? (0.5 điểm)

A. Bằng hương, bằng hoa

B. Bằng quả

C. Bằng củ, bằng rễ

3. Nhờ đâu Loạn hiểu được lời nói của các loài cây? (0,5 điểm)

A. Vì Loan rất yêu vườn cây

B. Vì Loan nghe được cây nói chuyện

C. Vì Bà nói cho Loan nghe

4. Cây cam có lời nói như thế nào? (0,5 điểm)

A. Lời cây cam chát

B. Lời cây cam chua

C. Lời cây cam ngọt

5. Mẹ của các loài cây là: (0,5 điểm)

A. Đất

B. Mặt trăng

C. Mặt trời

6. Bộ phận in đậm trong câu “Khu vườn nhà Loan không rộng lắm.” Trả lời cho câu hỏi nào? (0,5 điểm)

A. Là gì?

B. Như thế nào?

C. Làm gì?

7. Tìm từ chỉ tính chất trong câu: “Lời cây móng rồng thơm như mít chín.” (0,5 điểm)

A. móng rồng.

B. mít.

C. thơm

8. Gạch chân bộ phận trả lời cho câu hỏi “Ở đâu?” Trong câu sau: (0,5điểm)

“Trong vườn có rất nhiều loài cây”

9. Điền tên loài vật thích hợp vào chỗ trống (1 điểm)

- Dữ như…..

Khỏe như….

10. Viết vào chỗ trống câu trả lời cho mỗi câu hỏi sau: (1 điểm)

a) Khi nào học sinh kết thúc năm học và được nghỉ hè.

b) Học sinh bắt đầu năm học mới khi mùa nào tới.

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Sân chim

Chim nhiều không tả xiết. Chúng đậu và làm tổ thấp lắm, đứng dưới gốc cây có thể thò tay lên tổ nhặt trứng một cách dễ dàng. Tiếng chim kêu vang động bên tai, nói chuyện không nghe được nữa. Thuyền đã đi xa mà vẫn thấy chim đậu trắng xóa trên những cành cây sát sông.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Một người bạn mới chuyển đến lớp của em. Em hãy viết lời giới thiệu về mình để làm quen với bạn đó.

Đáp án Đề thi giữa kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) C. Tất cả các loại cây ở trên

2. (0.5 điểm) B. Bằng quả

3. (0.5 điểm) A. Vì Loan rất yêu vườn cây

4. (0.5 điểm) C. Lời cây cam ngọt

5. (0.5 điểm) A. Đất

6. (0.5 điểm) A. Đất

7. (0.5 điểm) C. thơm

8. (0.5 điểm)

“Trong vườn có rất nhiều loài cây”

9. (1 điểm)

- Dữ như cọp

- Khỏe như trâu

10. (1 điểm)

a) Học sinh kết thúc năm học và được nghỉ hè vào khoảng cuối tháng 5 khi mùa hè tới.

b) Học sinh bắt đầu năm học mới khi mùa thu tới.

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung:

Bài giới thiệu bao gồm các ý sau (mỗi ý 1 điểm)

- Tên, tuổi, lớp

- Sở thích cá nhân

- Giới thiệu về lớp

- Mong muốn điều gì ở người bạn mới

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Xin chào Hùng Anh! Mình tên là Nguyễn Huy Nam, cùng là thành viên tổ 4 với cậu. Mình rất vui mừng khi lớp 2B được đón chào bạn mới. Mình rất thích môn Toán và Tiếng Việt, còn Hùng Anh thì sao? À, các bạn nam của lớp mình cũng chơi bóng đá rất cừ đấy, giờ thể dục chúng mình cùng chơi với nhau bạn nhé! Mình hy vọng chúng mình sẽ trở thành bạn tốt và giúp đỡ nhau trong học tập.

III. Đề thi giữa kì 2 lớp 2 năm 2022 - 2023 môn khác




Xem thêm