Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Nguyễn Du, TP Hồ Chí Minh năm học 2016 - 2017 có đáp án đi kèm, giúp các bạn nắm vững thêm kiến thức đã được học, trau dồi kĩ năng làm bài và biết cách sắp xếp thời gian hiệu quả trong quá trình thi. Chúc các bạn đạt kết quả cao trong kì thi học kì!
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Yên Dũng số 3, Bắc Giang năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2016 - 2017
SỞ GD-ĐT TP. HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU |
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II – NH: 2016 – 2017 Môn: NGỮ VĂN – Khối: 12 Thời gian: 120 phút (Không tính thời gian phát đề) |
ĐỀ 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
"Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay"
(Trích Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
1. Xác định và nêu tác dụng của thể thơ. (0,5đ)
2. Chỉ ra những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ, nêu giá trị nghệ thuật của những từ láy đó. (0,5đ)
3. Nêu ngắn gọn nội dung đoạn thơ. (1,0đ)
4. Hai dòng thơ:
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Anh/chị hãy chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó? (1,0đ)
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm):
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ đoạn thơ trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) về chủ đề:
Quê hương trong trái tim tôi.
Câu 2: (5.0 điểm)
Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân đạo của Nguyễn Minh Châu. Anh/chị hãy phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ điều ấy.
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
ĐÁP ÁN ĐỀ 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):
1. Thể thơ tự do, chuyển tải cảm xúc phong phú làm nổi bật tâm trạng nhân vật trữ tình, tăng tính nhịp điệu cho đoạn thơ.
2. Lấp lánh, nghiêng nghiêng, xanh xanh, biêng biếc.
Vùng quê trù phú, hiền hòa, thơ mộng. Sông Đuống đẹp, có dáng vẻ đặc biệt "nghiêng nghiêng".
3. Hồi tưởng về quá khứ bình yên, tươi đẹp của quê hương Kinh Bắc (dòng sông đẹp, đất đai màu mỡ, làng quê hiền hòa). Xót xa, đau đớn vì quê hương bị giặc xâm chiếm.
4. Phép điệp (sao nhớ tiếc, sao xót xa) so sánh (như rụng bàn tay) diễn tả cụ thể, chân thực nỗi đau khi nghe tin quê hương bị giặc xâm chiếm (như mất một phần thân thể).
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm):
Câu 1: (2.0 điểm) Quê hương trong trái tim ta
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận (0.25)
Có đầy đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0.25)
Quê hương có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tâm hồn, tình cảm của mỗi người
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. (1.0)
Gợi ý:
- Quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn, là máu thịt, là gia đình, cuộc sống...
- Yêu gia đình, quê hương là tình cảm tự nhiên của con người. Nó thể hiện ở sự gắn bó, trách nhiệm cá nhân, ở ý thức bảo vệ và giữ gìn bản sắc quê hương.
- Yêu quê hương, bảo vệ và tự hào về cảnh sắc quê hương ...
d. Sáng tạo (0,25)
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện ý nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2: (5.0 điểm) Giá trị nhân đạo của chiếc thuyền ngoài xa, phân tích tác phẩm.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. (0,5)
Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0.5)
Giá trị nhân đạo của tác phẩm.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, giá trị nhân đạo của Chiếc thuyền ngoài xa.
- Hoàn cảnh sáng tác, chủ đề tác phẩm.
Nội dung:
- Nguyễn Minh Châu là nhà văn luôn "trăn trở, tìm tòi đổi mới tư duy nghệ thuật và tiếng nói nghệ thuật", ông cũng là cây bút luôn đau đớn, khắc khoải về thân phận, cuộc sống, hạnh phúc của con người.
- Cảm hứng nhân đạo trong tác phẩm được thể hiện rõ ở:
- Lên án thói vũ phu, báo động tình trạng bạo lực gia đình, lo âu về bi kịch gia đình, về sự nghèo đói, lạc hậu, về tương lai của lớp trẻ.
- Trĩu nặng tình thương, sự đau xót, day dứt với cuộc sống mưu sinh cơ cực, nhọc nhằn.
- Trân trọng niềm vui, khát vọng hạnh phúc đời thường. Ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. Phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài.
- Tin tưởng người dân lao động, đặt biệt là những người phụ nữ có số phận bất hạnh sẽ không còn cô đơn, sẽ hòa nhập được với cuộc sống đi lên của đất nước.
Nghệ thuật
- Giọng văn giàu chất triết lý, trĩu nặng ân tình.
- Ngôn ngữ đối thoại, dẫn truyện: cô đọng, hàm súc.
d. Sáng tạo (0,5)
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện ý nghĩa sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,5)
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.