Đề kiểm tra 1 tiết học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
Việc ôn tập và chuẩn bị kiến thức cũng như kỹ năng cho bài kiểm tra 1 tiết trong học kì 1 này sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi bạn sở hữu tài liệu: Đề kiểm tra 1 tiết học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Nguyễn Du, Đăk Nông năm học 2016 - 2017. Mời các bạn tham khảo.
Đề kiểm tra 1 tiết học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đăk Song, Đăk Nông năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội năm học 2015 - 2016
SỞ GD&ĐT ĐĂK NÔNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU | ĐỀ KIỂM TRA 1 TIẾT HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2016 - 2017 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 12 Thời gian làm bài: 90 phút |
I. Phần đọc – hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3
Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này.
Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn càng thấy sáng. Văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Văn Tiên, và hiểu Lục Văn Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây nay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta.
Nguyễn Đình Chiểu vốn là một nhà nho, nhưng sinh trưởng ở đất Đồng Nai hào phóng, lại sống giữa lúc nước nhà lâm nguy, vua nhà Nguyễn can tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý ở chỗ nó soi sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại!
(Trích "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sang trong văn nghệ của dân tộc" - Phạm Văn Đồng; Ngữ văn 12, tập một, NXBGD, trang 48)
Câu 1. Nêu những ý chính của văn bản?
Câu 2. Xác định các phương thức biểu đạt của văn bản?
Câu 3. Ông Phạm Văn Đồng viết: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây nay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta. Nhận xét này khiến ta nhớ tới tác phẩm nào đã được học của Nguyễn Đình Chiểu ở chương trình Ngữ văn 11? Nêu ngắn gọn ý nghĩa tác phẩm đó?
II. Làm văn (7,0 điểm)
Hiện nay, nhiều bạn trẻ quên nói lời xin lỗi khi mắc lỗi, quên nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ. Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về hiện tượng trên.
ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA 1 TIẾT HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 12
I. Phần đọc – hiểu (3,0 điểm)
Câu 1: Những ý chính của của văn bản: (1,0 điểm)
- Ca ngợi văn chương Đồ Chiểu có ánh sáng khác thường.
- Ca ngợi văn chương Đồ Chiểu là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây.
- Ngoài những giá trị văn nghệ, những sáng tác của Đồ Chiểu còn qúy giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả và ghi lại lịch sử của một thời đại khổ nhục nhưng vĩ đại!
Câu 2: Các phương thức biểu đạt của văn bản là biểu cảm và thuyết minh (0,5 điểm)
Câu 3: Ông Phạm Văn Đồng viết: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây nay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta. Nhận xét này khiến ta nhớ tới tác phẩm Văn tề nghĩa sĩ cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu đã được học ở chương trình Ngữ văn 11.
Ý nghĩa: Ca ngợi tấm lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì nghĩa của những người nghĩa sĩ. Nhà thơ thể hiện lòng xót xa và thương tiếc đối với sự hy sinh anh dũng của nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc. (1,5 điểm)
II. Làm văn (7,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng: Viết đúng kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống xã hội, Có ý thức và thái độ đúng đắn trước các hiện tượng đời sống. Học sinh vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh.... Diễn đạt trong sáng, bố cục mạch lạc, rõ ràng. Ít mắc lỗi chính tả.
2. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày nhiều cách sáng tạo song cần đảm bảo được những ý cơ bản sau:
a. Mở bài:
- Nêu ý có liên quan dẫn vào hiện tượng.
- Nêu hiện tượng: Hiện nay, nhiều bạn trẻ quên nói lời xin lỗi khi mắc lỗi, quên nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ
- Nhận định: Đây là hiện tượng xấu, có nhiều tác hại, cần có biện pháp khắc phục.
b. Thân bài:
* Nêu thực trạng: Đây là hiện tượng khá phổ biến.
- Các bạn trẻ mắc nhiều lỗi: Bỏ học, trốn học, ham chơi, vô lễ, đánh nhau. Các bạn không nhận ra lỗi của mình nhưng không xin lỗi, biết lỗi nhưng vẫn tái phạm.
- Được giúp đỡ nhưng không cảm ơn.
* Bàn luận:
- Tác hại:
- Mọi người chê cười, bị đánh giá xấu về đạo đức.
- Tạo thành thói quen xấu
- Nguyên nhân:
- Do thói quen, ý thức kém
- Chơi với bạn xấu.
- Gia đình, nhà trường chưa quan tâm.
- Biện pháp khắc phục.
- Tập thói quen biết cảm ơn và xin lỗi.
- Gia đình, nhà trường kết hợp để giáo dục.
c. Kết bài:
- Khẳng định đây là hiện tượng xấu cần loại bỏ.
- Liên hệ bản thân.
* Cách chấm điểm:
- Điểm 6 - 7: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.
- Điểm 4 - 5: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
- Điểm 2 - 3: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
- Điểm 1 - 2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.
- Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.
* Lưu ý:
- Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
- Do đặc trưng của bộ môn, giáo viên cần linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; chú ý khuyến khích các bài làm có cảm xúc và sáng tạo.