Đề cương ôn tập học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2022 - 2023 đầy đủ các phần học và bám sát chương trình học. Nội dung ôn tập hệ thống lại các kiến thức trọng tâm bao gồm các đề ôn tập kèm theo đáp án cho các em học sinh ôn tập, củng cố kiến thức chuẩn bị cho bài thi cuối học kì 1 lớp 4 đạt kết quả cao.
Ôn tập Tiếng Việt lớp 4 kì 1 năm 2022 - 2023
1. Nội dung ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4
Nội dung ôn tập môn Tiếng Việt toàn bộ kiến thức Từ tuần 10 đến tuần 18. Các kỹ năng Đọc hiểu trả lời câu hỏi, Đọc thành tiếng, Chính tả, Tập làm văn
1.1. Kiến thức về Tiếng Việt, văn học
a. Mở rộng vốn từ: Nhân hậu - đoàn kết; Trung thực - tự trọng; Ước mơ; Ý chí - Nghị lực; Đồ chơi - Trò chơi
b. Ngữ pháp:
- Cấu tạo của tiếng
- Dấu hai chấm
- Loại từ: từ đơn – từ phức, từ ghép – từ láy
- Từ loại: danh từ , động từ, tính từ
- Cách viết tên người tên địa lí Việt Nam và nước ngoài
- Các loại câu:Câu hỏi, dấu chấm hỏi. Dùng câu hỏi vào mục đích khác. Câu kể: Ai – là gì? Ai – làm gì ? Ai – thế nào ?
1.2. Đọc:
a. Đọc thành tiếng: đọc bài có độ dài khoảng 230 chữ, biết ngắt nghỉ hơi, biết đọc diễn cảm các bài tập đọc từ tuần 10 - tuần 16 và TLCH về nội dung, ý nghĩa của bài.
b. Đọc hiểu: đọc thầm và tìm hiểu nghĩa các từ, các chi tiết, nhân vật, nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, bước đầu biết liên hệ, vận dụng vào thực tế.
1.3. Viết:
a. Chính tả:
- Nghe viết một bài chính tả dài khoảng 80 – 90 chữ trong khoảng thời gian 15 phút, biết trình bày sạch đẹp, đúng quy định.
b. Tập làm văn:
Văn viết thư
Cách làm bài văn viết thư như sau: Lập dàn ý cho bài văn viết thư
Tả đồ vật
Cách làm bài văn tả đồ vật như sau:
1. Mở bài
Có thể mở bài theo một trong những cách sau:
a. Giới thiệu ngay đồ vật định tả (mở bài trực tiếp).
b. Nói chuyện khác có liên quan để dẫn vào việc giới thiệu đồ vật định tả (mở bài gián tiếp).
2. Thân bài
- Tả bao quát toàn bộ đồ vật (hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu,..)
- Tả những bộ phận đặc điểm nổi bật:
Lần lượt tả từng bộ phận của đồ vật theo trình tự từ trước ra sau, từ trên xuống dưới hoặc từ ngoài vào trong…
- Nêu rõ công dụng của đồ vật hay của từng bộ phận.
3. Kết bài
Có thể kết bài theo một trong những cách sau:
a. Nêu cảm nghĩ với đồ vật định tả (kết bài không mở rộng).
b. Từ công cụ của đồ vật, nêu thêm mối quan hệ giữa con người với đồ vật đó, bàn luận dẫn dắt người đọc liên tưởng hoặc suy nghĩ thêm về những vấn đề có liên quan (kết bài mở rộng).
>> Chi tiết: Hướng dẫn làm bài văn miêu tả đồ vật lớp 4
2. Mức độ nhận thức môn Tiếng Việt lớp 4 học kì 1
- Hình thức TNKQ chiếm 50%; Tự luận chiếm 50% Được chia thành 4 mức độ sau:
+ Mức 1: (20%) Nhận biết nhắc lại được kiến thức, kỹ năng đã học.
+ Mức 2: (40%) Hiểu KT, KN đã học, trình bày, giải thích được theo cách hiểu cả nhân.
+ Mức 3: (30%) Biết vận dụng kiến thức kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập và cuộc sống
+ Mức 4: (10%) Vận dụng các kiến thức kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.
- Thời gian thi : 40 phút
Có phần kiểm tra sự phát triển phẩm chất, năng lực, KNS theo TT22.
3. Đề thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 1
3.1. Đề thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 1
Phần 1. Kiểm tra đọc hiểu (3 điểm)
I. Đọc thầm
Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xoá. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.
Sớm. Chúng tôi tụ hội ở góc sân. Toàn chuyện trẻ em. Râm ran. Các... Các... Các… Một con bồ các kêu váng lên. Cái con này bao giờ cũng vừa bay vừa kêu cứ như bị ai đuổi đánh. Chị Điệp nhanh nhảu:
- Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú lại là chú bồ các…
(Lao xao - Nguyễn Duy)
II. Dựa trên nội dung bài đọc, trả lời các câu hỏi sau:
1. (0,5 điểm) Bài văn trên miêu tả mùa nào ở trong năm?
A. Mùa xuân
B. Mùa hè
C. Mùa thu
2. (0,5 điểm) Những loài hoa nào được miêu tả trong bài văn trên?
A. Hoa lan, hoa dẻ, hoa móng rồng
B. Hoa lan, hoa giẻ, hoa xương rồng
C. Hoa lan, hoa giẻ, hoa móng rồng
3. (0,5 điểm) Vì sao đàn bướm lại rủ nhau bay đi?
A. Vì đàn bướm ghét bầy ong
B. Vì đàn bướm không thích phấn hoa
C. Vì đàn bướm hiền lành bị bầy ông đuổi đi
4. (0,5 điểm) Từ cái con này trong câu Cái con này bao giờ cũng vừa bay vừa kêu cứ như bị ai đuổi đánh chỉ loài vật nào?
A. Con bồ các
B. Con chim ri
C. Con chim cắt
5. (0,5 điểm) Trong bài văn trên có sử dụng 6 từ láy, đó là:
A. um tùm, bụ bẫm, lao xao, vò vẽ, lặng lẽ, râm ran
B. um tùm, bụ bẫm, lao xao, lặng lẽ, râm ran, nhanh nhảu
C. um tùm, bụ bẫm, lao xao, lặng lẽ, râm ran, vò vẽ
6. (0,5 điểm) Trong bài văn trên có sử dụng bao nhiêu hình ảnh so sánh? Hãy liệt kê.
A. 1 hình ảnh so sánh
B. 2 hình ảnh so sánh
C. 3 hình ảnh so sánh
(Đó là …………………………………………………………………………)
Phần 2. Kiểm tra viết (7 điểm)
I. Chính tả: Nghe viết (3 điểm)
Bồ các là bác chim ri.
Chim ri là dì sáo sậu.
Sáo sậu là cậu sáo đen.
Sáo đen là em tu hú.
Tu hú lại là chú bồ các…
II. Tập làm văn (4 điểm)
Em hãy viết đoạn văn từ 7 đến 10 câu miêu tả quả bóng chuyền (hoặc bóng đá).
….…………………………………………………………
….…………………………………………………………
….…………………………………………………………
….…………………………………………………………
….…………………………………………………………
Đáp án đề thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt
Phần 1. Kiểm tra đọc hiểu
A. Đọc thầm
B. Trắc nghiệm: Khoanh đúng mỗi câu được 0,5 điểm
1. B
2. C
3. C
4. A
5. B
6. B (Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên ; Cái con này bao giờ cũng vừa bay vừa kêu cứ như bị ai đuổi đánh)
Phần 2. Kiểm tra viết
A. Chính tả
- Tốc độ đạt yêu cầu: 0,5 điểm
- Chữ viết rõ ràng,viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi ): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch , đẹp: 0,5 điểm
B. Tập làm văn
1. Nội dung: 2 điểm
- HS viết đoạn văn đảm bảo về mặt nội dung:
- Quả bóng có hình dáng gì? Chất liệu gì?
- Bên ngoài quả bóng được trang trí như thế nào? Có những màu sắc gì?
- Quả bóng đó được dùng để vui chơi môn thể thao nào?
- Khi chơi đùa cùng quả bóng thì em có những cảm xúc như thế nào?
2. Kỹ năng: 2 điểm
- Điểm tối đa cho kỹ năng viết chữ, viết đúng chính tả: 0,5 điểm
- Điểm tối đa cho kỹ năng dùng từ, đặt câu: 1 điểm
- Điểm tối đa cho phần sáng tạo: 0,5 điểm.
3.2. Đề thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 2
A. KIỂM TRA ĐỌC
I. Đọc thành tiếng (5 điểm): GV kiểm tra đọc từng em.
II. Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm): Thời gian: 30 phút
VÌ SAO DẾ MÁI KHÔNG BIẾT GÁY?
Ngày xưa, dế mái và dế trống đều gáy to và khỏe như nhau. Cứ chiều chiểu là cả họ hàng nhà dế lại rủ nhau ra bãi cỏ hóng mát và thi gáy suốt đêm. Dế phồng hai cánh bên ngoài lên, rồi ra sức cọ cánh vào nhau phát ra tiếng kêu réc réc re.
Có một cô dế mái đang nuôi bầy con nhỏ. Những chú dế con còn bé tí như hạt gạo. Một hôm, trong lúc mẹ con dế đang kiếm ăn ngoài bãi cỏ, một cơn mưa lớn ập đến. Dế mẹ chỉ kịp giương cánh ra, gáy ầm lên gọi đàn con: “Mau lên! Mau lên!” Đàn con vội chui vào núp dưới cánh mẹ. Mặc cho những giọt mưa to bằng cái đầu dế liên tục rơi xuống, đàn dế con vẫn thấy ấm áp vô cùng. Mưa tạnh, dế mẹ ê ẩm hết cả đôi cánh. Tối hôm ấy, đàn dế con đòi rúc vào cánh mẹ ngủ cho ấm. Dế mẹ lại phồng cánh lên che kín hết mấy chục dế con.
Khi mấy cô dế mái hàng xóm sang rủ dế mẹ đi thi gáy, dế mẹ khẽ khàng ra dấu giữ yên lặng rồi thì thào:
- Nếu bây giờ tôi hát thì dế con sẽ thức mất thôi.
Từ đấy, các bà mẹ dế cũng bắt chước phồng cánh lên ủ ấm cho đàn con khi chúng ngủ. Lâu dần thành thói quen. Thế là các thế hệ dế mái về sau truyền bảo nhau hãy hi sinh tiếng gáy của mình để dế con được yên giấc.
(Theo Báo Nhi Đồng, số 34/2007, Lưu Thị Lương)
Dựa vào nội dung bài đọc, con hãy khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu của bài.
Câu 1: Ngày xưa, loại dế nào biết gáy?
A. Dế trống
B. Dế mái
C. Dế trống và dế mái
Câu 2: Khi cơn mưa ập xuống, dế mẹ làm gì?
A. Gáy ầm lên gọi đàn con
B. Giương cánh ra che mưa, ủ ấm cho dế con
C. Cả 2 ý trên
Câu 3: Vì sao dế mẹ không đi thi gáy?
A. Vì bị trúng mưa nên khản tiếng
B. Vì sợ con thức giấc
C. Vì không biết gáy
Câu 4: Câu chuyện ca ngợi điều gì?
A. Những chú dế trống có giọng gáy to và khỏe.
B. Tình yêu thương to lớn của dế mẹ dành cho dế con.
C. Sự hi sinh và tình yêu thương to lớn của dế mẹ dành cho dế con.
Câu 5: Trong các dòng dưới đây, dòng nào có 3 tính từ?
A. Dế, to, khỏe
B. Bé tí, mát, gáy
C. Khỏe, ấm, nhỏ
Câu 6: Dấu ngoặc kép (“ ”) trong bài dùng để là gì?
A. Đánh dấu lời nói của nhân vật
B. Đánh dấu từ được dùng với ý nghĩa đặc biệt
C. Cả hai ý trên
Câu 7: Chủ ngữ của câu “Đàn dế con vội chui vào núp dưới cánh mẹ.” là:
A. Đàn dế
B. Đàn dế con
C. Đàn dế con vội
Câu 8: Tiếng “dế” có mấy bộ phận?
A. 1 bộ phận: vần
B. 2 bộ phận: vần và thanh
C. 3 bộ phận: âm đầu, vần và thanh
Câu 9: Tìm, gạch chân, điền DT dưới danh từ, ĐT dưới động từ, TT dưới tính từ trong câu sau:
Có một cô dế mái đang nuôi bầy con nhỏ.
Câu 10: Viết một câu hỏi để khen dế mẹ.
B. KIỂM TRA VIẾT
I. Chính tả (5 điểm – 15 phút):
GV đọc cho HS viết bài
VÌ SAO DẾ MÁI KHÔNG BIẾT GÁY?
Khi mấy cô dế mái hàng xóm sang rủ dế mẹ đi thi gáy, dế mẹ khẽ khàng ra dấu giữ yên lặng rồi thì thào:
- Nếu bây giờ tôi hát thì dế con sẽ thức mất thôi.
Từ đấy, các bà mẹ dế cũng bắt chước phồng cánh lên ủ ấm cho đàn con khi chúng ngủ. Lâu dần thành thói quen. Thế là các thế hệ dế mái về sau truyền bảo nhau hãy hi sinh tiếng gáy của mình để dế con được yên giấc.
II. Tập làm văn (5 điểm)
Đề bài: Con hãy tả một đồ dùng học tập mà em yêu quý.
Đáp án đề thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt
A. PHẦN ĐỌC
I. Đọc thành tiếng (5 điểm)
- GV kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng HS.
- Nội dung kiểm tra: HS đọc đoạn văn trong các bài tập đọc đã học ở lớp 4 từ tuần 10 đến tuần 17 khoảng 95 tiếng/ phút; sau đó trả lời 1 câu hỏi về nội dung bài đọc do GV nêu.
- GV đánh giá cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:
+ Đọc đúng tiếng, đúng từ (1 điểm).
. Đọc sai 2- 4 tiếng (0,5 điểm).
. Đọc sai 5 tiếng trở nên (0 điểm).
+ Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa (1 điểm).
. Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 - 3 chỗ cho (0,5 điểm).
. Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên cho (0 điểm).
+ Giọng đọc có biểu cảm cho (1 điểm).
. Giọng đọc chưa thể hiện rõ tính biểu cảm cho (0,5 điểm).
. Giọng đọc không thể hiện tính biểu cảm cho (0 điểm).
+ Tốc độ đạt yêu cầu (không quá 1 phút) (1 điểm).
. Đọc quá 1- 2 phút cho (0,5 điểm).
. Đọc trên 2 phút cho (0 điểm).
+ Trả lời đúng ý câu hỏi do GV nêu ra (1 điểm).
. Trả lời chưa đủ ý hoặc diễn đạt chưa rõ ràng (0,5 điểm).
. Trả lời sai hoặc không trả lời được (0 điểm).
II. Đọc hiểu (5 điểm): Gợi ý đánh giá, cho điểm
CÂU HỎI | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
ĐÁP ÁN | C | C | B | C | C | A | B | C |
ĐIỂM | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 |
Câu 9: Tìm danh từ (DT), động từ (ĐT), tính từ (TT) trong câu sau:
Có một cô dế mái đang nuôi bầy con nhỏ.
Các danh từ: cô, dế mái, bầy
Động từ: nuôi
Tính từ: nhỏ
Câu 10: Viết một câu hỏi để khen dế mẹ:
- HS viết đúng về nội dung: 0,5 điểm
- Trình bày câu đúng: 0,5 điểm
B. PHẦN VIẾT
I. Chính tả (5 điểm):
- Viết đúng cỡ chữ, đều nét, rõ ràng không sai lỗi chính tả, trình bày đúng đoạn văn : 5 điểm
- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh không viết hoa đúng qui định...) trừ 0,5 điểm. Lỗi sai giống nhau chỉ trừ 1 lần điểm.
- Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao - khoảng cách - kiểu chữ hoặc trình bày bài bẩn ..... trừ 1 điểm toàn bài chính tả (Toàn bài trừ không quá 3 điểm)
II. Tập làm văn (5 điểm):
Đảm bảo các yêu cầu sau được 5 điểm:
- Viết được một bài văn tả đồ vật theo đúng yêu cầu của đề. Bài văn có đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài theo yêu cầu đã học. (2 đ)
- Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả. (1 đ)
- Diễn đạt mạch lạc, sử dụng từ ngữ hay, câu văn giàu hình ảnh, liên kết câu hợp lí.(1đ)
- Chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ...(1đ)
- Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, có thể cho các mức điểm từ 4,5 ; 4 ; 3,5 ; 3; 2,5; 2; 1,5; 1.
(Nếu bài viết mắc từ 4 lỗi chính tả trở lên, không ghi điểm giỏi)
3.3. Đề thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Số 3
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng: (5 điểm)
Bài đọc: Thưa chuyện với mẹ
(SGK Tiếng Việt 4, tập 1, trang 85)
Đọc diễn cảm toàn bài.
Trả lời câu hỏi sách giáo khoa trang 86.
II. Đọc hiểu: (5 điểm)
Bài đọc: Điều ước của vua Mi-đát
(SGK Tiếng Việt 4, tập 1, trang 90)
Chọn câu trả lời đúng nhất bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu.
Câu 1: Vua Mi-đát xin thần Đi-ô-ni-dốt điều gì?
A. Xin được hạnh phúc.
B. Xin được sức khỏe.
C. Xin mọi vật vua chạm đến đều hóa thành vàng.
D. Các ý trên đều sai.
Câu 2: Thoạt đầu, điều ước được thực hiện tốt đẹp như thế nào?
A. Vua bẻ cành sồi thì cành sồi đó biến thành vàng; vua ngắt một quả táo thì quả táo đó biến thành vàng.
B. Vua rất giàu sang, phú quý.
C. Vua rất vui sướng, hạnh phúc.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 3: Tại sao vua Mi-đát phải xin thần lấy lại điều ước?
A. Vua đã quá giàu sang.
B. Vua đã được hạnh phúc.
C. Vua rất đói khát vì biết mình đã xin một điều ước khủng khiếp: các thức ăn, thức uống khi vua chạm tay vào đều biến thành vàng.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 4: Vua Mi-đát đã hiểu ra được điều gì?
A. Hạnh phúc không thể xây dựng bằng ước muốn tham lam.
B. Hạnh phúc không thể xây dựng bằng điều ước.
C. Hạnh phúc không thể xây dựng bằng tiền của.
D. Các ý trên đều sai.
Câu 5: Từ nào không thể thay thế cho từ “ước muốn”?
A. Ước mơ.
B. Mơ màng.
C. Mong ước.
D. Mơ tưởng.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (Nghe – viết): (5 điểm)
Sau trận mưa rào
(trích)
Một giờ sau cơn dông, người ta hầu như không nhận thấy trời hè vừa ủ dột. Mùa hè, mặt đất cũng chóng khô như đôi má em bé.
Không gì đẹp bằng cây lá vừa tắm mưa xong, đang được mặt trời lau ráo, lúc ấy trông nó vừa tươi mát, vừa ấm áp. Khóm cây, luống cành trao đổi hương thơm và tia sáng. Trong tán lá mấy cây sung, chích chòe huyên náo, chim sẻ tung hoành, gõ kiến leo dọc thân cây dẻ, mổ lách cách trên vỏ …
V. Huy Gô
(trích Những người khốn khổ)
II. Tập làm văn: (5 điểm)
Tả chiếc áo sơ mi của em.
Đáp án:
A. Kiểm tra đọc: (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng: (5 điểm)
- Đọc đúng tiếng, từ: 2 điểm (Đọc sai dưới 3 tiếng: 1,5 điểm; đọc sai từ 3 đến 5 tiếng: 1 điểm; đọc sai từ 6 đến 10 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai trên 10 tiếng: không cho điểm).
- Ngắt nghỉ hơi đúng dấu câu (có thể mắc lỗi về ngắt nghỉ hơi ở 1 hoặc 2 dấu câu): 1 điểm; (không ngắt nghỉ hơi đúng ở 3 đến 4 dấu câu: 0,5 điểm; không ngắt nghỉ hơi đúng ở 5 dấu câu trở lên: không có điểm).
- Tốc độ đọc đạt yêu cầu: 1 điểm (đọc quá 1 phút đến 2 phút: 0,5 điểm; đọc quá 2 phút, phải đánh vần nhẩm: không có điểm).
- Trả lời đúng ý câu hỏi: 1 điểm (trả lời chưa đủ ý hoặc hiểu câu hỏi nhưng diễn đạt còn lúng túng, chưa rõ ràng: 0,5 điểm; không trả lời được hoặc trả lời sai ý: không có điểm).
II. Đọc hiểu: (5 điểm). Học sinh thực hiện đúng mỗi câu được 1 điểm.
Câu 1: C
Câu 2: A
Câu 3: C
Câu 4: A
Câu 5: B
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả: (5 điểm)
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn (thơ): 5 điểm. Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai phụ âm đầu, vần, thanh hoặc viết hoa không đúng quy định): trừ 0,5 điểm.
- Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, trình bày bẩn,…. thì bị trừ 1 điểm toàn bài.
Lưu ý: Tất cả các đề còn lại cũng chấm theo thang điểm trên.
II. Tập làm văn: (5 điểm)
- Viết đủ ý, diễn đạt mạch lạc, viết câu đúng ngữ pháp: 5 điểm
Bài mẫu:
Em có rất nhiều chiếc áo khác nhau nhưng không hiểu sao em yêu thích nhất vẫn là chiếc áo sơ mi trắng. Đây là chiếc áo mà em vẫn mặc đến trường vào mỗi buổi sáng thứ hai.
Chiếc áo sơ mi trắng của em chính là chiếc áo đồng phục dành cho toàn bộ học sinh trong trường. Đây là chiếc áo cộc tay vì vậy chỉ dành cho khoảng thời gian mới bắt đầu khai giảng và khi trời chuyển từ xuân sang hè. Áo được thiết kế với cái cổ lá sen rất mềm mại. Viền cổ và viên tay áo làm bằng vải màu xanh tím than rất giống với vải may váy của các bạn nữ và vải may quần của các bạn nam. Ở cổ áo có một chiếc nơ làm bằng vải kẻ ca rô rất đẹp mắt.
Điều khiến em thấy thích thú ở chiếc áo sơ mi này là chạy dọc hai bên hàng cúc áo là phần bèo nhúm điệu đà. Đây chính là điểm khác biệt giữa áo của bạn nam và áo của bạn nữ chúng em. Trên vai áo phía bên trái có in hình phù hiệu của trường. Phía trước ngực áo được may một chiếc túi nhỏ nhưng em chưa bao giờ đựng món đồ gì trong chiếc túi ấy cả.
Em rất thích chiếc áo này bởi nó được may vừa vặn với cơ thể em. Hơn nữa khi em mặc chiếc áo nào vào, em có cảm giác như giữa em và các bạn không còn có khoảng cách nào nữa
>> Xem thêm: Tả chiếc áo sơ mi trắng lớp 4
4. Đề cương ôn tập học kì 1 lớp 4 Môn khác
- Đề cương ôn tập học kì 1 lớp 4 năm đầy đủ các môn
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Toán lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Khoa học lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Địa lý lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử lớp 4
- Đề cương ôn thi học kì 1 môn Lịch sử - Địa lý lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tin học lớp 4
5. Đề thi học kì 1 lớp 4 Các môn
- 120 Đề thi Toán lớp 4 học kì 1 năm 2022 - 2023 Tải nhiều
- Đề thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2022 - 2023
- Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 Tải nhiều
- 8 Đề thi học kì 1 môn tiếng Anh lớp 4 có file nghe năm 2022
- Bộ đề thi học kì 1 lớp 4 năm 2022 - 2023 Có đáp án
- Đề thi Tin học lớp 4 kì 1 năm 2022 - 2023 Tải nhiều
- Bộ đề thi học kì 1 môn Lịch sử - Địa lý lớp 4 năm 2022 Tải nhiều
- Đề thi học kì 1 lớp 4 môn Khoa học năm 2022 - 2023 Tải nhiều
Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 bao gồm toàn bộ nội dung chương trình học Tiếng Việt 4 học kì 1 kèm theo đề thi tham khảo và đáp án chi tiết cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức chuẩn bị cho các bài thi sắp tới.
Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 4 và đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa, Sử, Địa theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục. Những đề thi này được Tìm Đáp Án sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 4 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 4, TimDapAnmời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 4 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 4. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.