Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa
Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa.
Thành ngữ chỉ những người tham ăn tục uống, ăn đâu hết đến đấy, nhưng lại rất lười biếng, làm việc ít, làm không đến nơi đến chốn.
-
Rồng: con vật do con người tưởng tượng, mình dài, có vảy, có sức mạnh vượt trội.
-
Cuốn: kéo theo và mang đi một cách nhanh, mạnh.
-
Leo: đi lên vị trí cao hơn; ở đây có thể hiểu là sự di chuyển nhanh, mạnh của rồng.
-
Mửa: nôn ra.
-
Thành ngữ có nguồn gốc từ một truyện truyền thuyết: Một hôm, ở trên biển bỗng xuất hiện một cột nước cao hung dữ, cuồn cuộn di chuyển. Từ cột nước cao ấy xuất hiện một con vật đầu to, mình dài như rắn. Trên đường đi, nó cuốn hết tất cả những gì nó muốn, làm cho dân chúng hoảng loạn. Ngư dân lập đàn, nhờ một con rùa xuống Long Hải Vương để hỏi tại sao cho con vật hung tợn lên đất liền phá hoại. Long Hải cho rằng con vật đó trước kia là con có chép, thuộc quyền quản lý của mình; nhưng giờ nó đã hóa rồng nên Thiên Vương quản lý. Ngư dân lại phải nhờ sư tử lên thiên đình thưa chuyện. Khi ấy, nhà trời bảo: “Nó cũng giống lân, cùng họ với nhà ngươi, ăn như hùm, kém gì thuồng luồng, trời sinh ra nó thế, thế gian chịu vậy, biết làm sao. Thôi ngươi về đi, nói với mọi người là khi thấy nó xuất hiện thì liệu mà tránh”. Từ đó, mỗi khi rồng xuất hiện, mọi người đều cất giữ lương thực, chằng chống nhà cửa.
-
Dân gian ta đã mượn sức mạnh tàn phá khủng khiếp của rồng để chỉ những người ham ăn và lấy hình ảnh con mèo nôn ra để chỉ những người làm không cẩn thận, để lại hậu quả nhơ nhớp như bãi mửa của con mèo.
Đặt câu với thành ngữ:
-
Anh ấy ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa, khiến ai cũng thấy ghét.
-
Tên tham quan nổi tiếng trong vùng là người ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa.
Thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa:
-
Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng.
-
Khi làm thì tay đau, khi ăn thì tau đây.
-
Ăn như xáng xúc, làm như lục bình trôi