Đề kiểm tra giữa học kỳ I môn Ngữ văn lớp 12

Kỳ thi giữa học kỳ I năm học 2016 - 2017 sắp diễn ra, nhằm giúp các bạn học sinh lớp 12 ôn tập và củng cố lại kiến thức để thi tốt môn Ngữ văn, Vndoc.com đã sưu tầm và gửi tới các bạn bài: Tổng hợp các đề thi giữa học kỳ I môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2015 - 2016. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kỳ I môn Ngữ văn lớp 12 trường Đông Du, TP.HCM năm học 2015 - 2016

Đề kiểm tra văn học trung đại Việt Nam lớp 12 trường Cầu Ngang A, Trà Vinh năm 2015

ĐỀ 1

Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường...

(Lưu Quang Vũ, Tiếng Việt)

a. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ? (1,0 điểm)

b. Hãy chỉ ra biện pháp tu từ câu 3,4 ở khổ thơ 1 (1,0 điểm)

c. Nêu tác dụng của tu từ hai câu thơ trên.(0,5 điểm)

d. Đặt tên nhan đề? (0,5 điểm)

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Cảm nhận đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

ĐỀ 2

Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

"Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp."

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập)

a. Đoạn trích sử dụng phương thức biểu đạt gì?

b. Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của phép tu từ đó?

c. Đặt nhan đề của đoạn trích?

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến qua đoạn thơ sau :

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Quang Dũng-Tây Tiến)

ĐỀ 3

I. Đọc hiểu: (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

"Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người."

(Vợ nhặt, Kim Lân)

1. Chỉ ra biện pháp tu từ sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng? (2,0 điểm)

2. Xác định phương thức biểu đạt và đặt nhan đề đoạn trích. (1,0 điểm)

II. Làm văn: (7,0 điểm )

Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rãi rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

(Tây Tiến, Quang Dũng)

ĐỀ 4

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi sau:

"...lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc . Trên mặt cái hút xoáy tít đáy cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt qua quãng sông , y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu ,những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều bè gỗ rừng đi nghêng ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống, có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới...".

(Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân)

Câu 1. Hãy xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn trên? (0,5 điểm)

Câu 2. Anh (chị) hãy đặt tên cho đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 3.

a.Nêu 2 biện pháp tu từ chủ yếu được tác giả dùng trong đoạn văn trên (1,0 điểm)

b. Nêu tác dụng? (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Anh (chị) hãy phân tích đoạn thơ sau trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

"Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời"

(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 119 - 120)

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!