Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 12

Nhằm giúp các bạn học sinh thử sức trước kì thi Quốc gia 2016, Tìm Đáp Án xin giới thiệu đề thi thử THPT Quốc gia lần 1 năm 2016 môn Ngữ Văn trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc có đáp án kèm theo. Hi vọng tài liệu này giúp các bạn ôn thi tốt nghiệp môn Văn, luyện thi đại học môn Văn tốt hơn. Mời các bạn tham khảo.

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc

Đề khảo sát chất lượng ôn thi THPT Quốc gia lần 1 môn Hóa học năm 2016 trường THPT Đồng Đậu

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 1

NĂM HỌC 2015 - 2016

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề.

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão.
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ.

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em.

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.

(Trích Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 2. Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ: Tình ta như hàng cây / Đã qua mùa gió bão / Tình ta như dòng sông / Đã yên ngày thác lũ.

Câu 3. Điệp khúc "Chỉ còn anh và em" được tác giả lặp lại hai lần trong đoạn thơ mang ý nghĩa gì?

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét quan niệm về tình yêu của tác giả qua những dòng thơ: Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi/Chỉ còn anh và em .../Cùng tình yêu ở lại. (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

" [...] Đất nước vốn là khái niệm trừu tượng, mà thoạt đầu con người khó có thể cắt nghĩa cho thật gãy gọn, rõ ràng. Nhưng những người thân như ông bà, cha mẹ, anh em... thì lại vô cùng cụ thể và được mỗi người cảm nhận trong những mối quan hệ cũng vô cùng cụ thể. Đó là mối quan hệ gắn bó máu thịt hình thành ngay từ khi ta cất tiếng khóc chào đời và sẽ đi theo ta suốt cuộc đời với biết bao biến cố, thăng trầm, buồn vui, hi vọng... Từ cái nôi gia đình, mỗi người đều có một tuổi thơ gắn liền với kỉ niệm về cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre, mái trường, thầy cô, bè bạn. Theo thời gian, những kỉ niệm ấy dần dần trở thành sợi dây tình cảm neo giữ tình yêu của mỗi con người với gia đình, quê hương... Và có thể nói, chính tình yêu đối với gia đình, quê hương sẽ khơi nguồn cho tình yêu đất nước."

Câu 5. Nêu nội dung và xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên ?

Câu 6. Hãy tìm câu chủ đề của đoạn văn. Từ đó, cho biết đoạn văn được triển khai theo phương pháp nào?

Câu 7. Phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu sau: Từ cái nôi gia đình, mỗi người đều có một tuổi thơ gắn liền với kỉ niệm về cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre, mái trường, thầy cô, bè bạn.

Câu 8. Từ văn bản trên, anh/chị hãy nêu suy nghĩ về trách nhiệm của thanh niên với đất nước. (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Hiện nay, một số dòng sông của nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Nhận xét về giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: "Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá". Ý kiến khác lại nhấn mạnh: "Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực".

Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập, anh/ chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Đáp án đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 12

Phần I: Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Câu 1: Trả lời đúng theo một trong các cách: thơ ngũ ngôn/ thơ tự do (0,25đ)

Câu 2: Các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ là: (0,25đ)

  • So sánh: Tình ta như hàng cây / Tình ta như dòng sông
  • Ẩn dụ: mùa gió bão/ ngày thác lũ
  • Điệp cấu trúc: Tình ta như.../ Đã qua... Đã yên...

Câu 3: Điệp khúc "Chỉ còn anh và em" lặp lại hai lần trong đoạn thơ có ý nghĩa: khẳng định tình yêu thủy chung, bền chặt, không thay đổi. (0,25đ)

Câu 4: (90,25Đ)

  • Quan niệm về tình yêu của tác giả: Dù vạn vật có vận động, biến thiên nhưng có một thứ bất biến, vĩnh hằng, đó chính là tình yêu. Tình yêu đích thực vượt qua thời gian và mọi biến cải của cuộc đời. (Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục).
  • Từ đó, nhận xét về quan niệm của tác giả: (đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp,.. như thế nào?).

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

Câu 5: (0,25đ)

  • Nội dung chính: bàn về vấn đề tình yêu đất nước được bắt nguồn từ tình yêu gia đình, yêu quê hương.
  • Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận

Câu 6: (0,25đ)

  • Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn
  • Đoạn văn triển khai theo phương pháp quy nạp.

Câu 7: Phân tích cấu trúc ngữ pháp (0,25đ)

  • Từ cái nôi gia đình: trạng ngữ
  • Mỗi người: chủ ngữ
  • Đều có........ bè bạn: vị ngữ

Câu 8: Học sinh có thể trình bày suy nghĩ riêng của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với đất nước viết đoạn văn đảm bảo các ý: (1,0đ)

  • Vì sao thế hệ trẻ lại cần phải có trách nhiệm với đất nước?
  • Trách nhiệm đó là gì?
  • Để thực hiện trách nhiệm đó cần phải làm gì?

Phần II. Làm văn

Câu 1: Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng một số dòng sông của nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

* Yêu cầu kĩ năng: Thí sinh biết cách viết bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống. Bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.

* Yêu cầu kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cơ bản, giám khảo cần cân nhắc thực tế bài làm của thí sinh để vận dụng cách cho điểm hợp lí, chính xác.

Nêu được vấn đề cần nghị luận: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. (0,5đ)

Giải thích: Dòng sông bị ô nhiễm: Dòng sông bị chất thải, chất độc hại xâm nhập, không còn sự trong xanh tự nhiên vốn có. (0,25đ)

Phân tích, bình luận

* Thực trạng: (0,5đ)

  • Hiện nay, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm sông ngòi là một bài toán chưa có lời giải đáp cuối cùng, đặc biệt là đối với một đất nước đang phát triển như nước ta.
  • Một số con sông chịu sự ô nhiễm nặng nề như: Lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ, lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền Giang.

* Tác hại: Thực trạng trên ảnh hưởng đến môi trường sinh thái..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt là vấn đề sức khoẻ. (0,5đ)

* Nguyên nhân (0,5đ)

Khách quan: Do mưa, bão, lũ lụt, làm mất sự trong sạch, khuấy động những chất bẩn trong hệ thống cống rãnh. Do các sản phẩm hoạt động sống của sinh vật, kể cả xác chết của chúng.

Chủ quan: Do con người và những hoạt động sống của con người. Đây là nguyên nhân chính.

  • Chất thải từ sinh hoạt của những khu dân cư...
  • Từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp...
  • Từ các bệnh viện...

=>Tất cả đều xả ra sông. Có thể chưa qua xử lí, hoặc xử lí chưa đảm bảo, khiến nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng nề.

* Bàn luận mở rộng, nâng cao vấn đề: Có thể đưa ra lời cảnh báo, kêu cứu của môi trường. (0,25đ)

Bài học nhận thức, hành động của bản thân (0,5đ)

  • Đây là vấn đề bức xúc, có tính thời sự thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ cộng đồng. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng.
  • Các cơ quan chức năng cần kiểm soát kịp thời và xử lí nghiêm những nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, khu dân cư... chưa xử lí chất thải đúng tiêu chuẩn đã xả ra sông, ngòi...
  • Đặc biệt, thế hệ trẻ hãy tình nguyện là những tuyên truyền viên đi đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường.

Câu 2: Bình luận về giá trị bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.

* Yêu cầu kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học. Giải thích được ý kiến, phân tích được nhân vật trong tác phẩm văn xuôi. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ.

* Yêu cầu kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:

a. Vài nét về tác giả, tác phẩm và trích dẫn ý kiến (0,5đ)

  • Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh.
  • Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt sau khi Cách mạng tháng Tám, năm 1945 thành công.
  • Về giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập có hai ý kiến:
    • "là văn kiện lịch sử vô giá"
    • "là áng văn chính luận mẫu mực"

b. Giải thích ý kiến:

  • Văn kiện lịch sử: là văn bản ghi lại những sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc.
  • Văn kiện lịch sử vô giá: vai trò, tầm quan trọng có liên quan đến việc quyết định vận mệnh của một dân tộc.
  • Văn chính luận: là những tác phẩm văn chương sử dụng lập luận, dẫn chứng, lí lẽ để khẳng định một tư tưởng nào đó khiến độc giả tin vào điều được khẳng định là đúng sự thật.
  • Những áng văn chính luận mẫu mực: là những áng văn đạt chuẩn mực cao về nội dung và nghệ thuật có sức thuyết phục, quy tụ lòng người.

=> Hai ý kiến đều đánh giá cao tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Bác xét trên hai góc độ chính trị lịch sử và văn chương nghệ thuật. 0,5

c. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá:

  • Là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta. (0,25đ)
  • Là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới. (0,25đ)
  • Là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta. (0,25đ)

d. Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực:

Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc...Thể hiện:

* Lập luận chặt chẽ

Tác phẩm có bố cục ngắn gọn, súc tích gồm 3 phần liên kết chặt chẽ với nhau trong hệ thống lập luận: (0,25đ)

  • Phần mở đầu: Nêu cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản "Tuyên ngôn".
  • Phần thứ hai: Cơ sở thực tế của bản "Tuyên ngôn Độc lập".
  • Phần kết luận: Lời tuyên bố của bản "Tuyên ngôn".

* Lí lẽ sắc bén (0,25đ)

  • Sức mạnh của lí lẽ chính là sự thật. Tác giả đã dùng hàng loạt thực tế lịch sử để chứng minh: Thực dân Pháp đã không "bảo hộ" được Việt Nam. Thực dân Pháp đã phản bội Việt Nam, thực dân Pháp đã gieo rắc nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam.
  • Dùng thực tế để khẳng định công lao của Việt Minh - đại diện duy nhất của nhân dân Việt Nam.
  • Sự độc lập của Việt Nam phù hợp với lẽ phải, công lí và đạo lí.

* Bằng chứng xác thực: Bản Tuyên ngôn đưa ra những bằng chứng hoàn toàn xác thực, không thể chối cãi được (dẫn chứng). (0,25đ)

* Ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc (0,25đ)

  • Từ ngữ hết sức chọn lọc, súc tích
  • Dùng hàng loạt động từ, tính từ, quán từ... chính xác, giàu sắc thái biểu cảm.
  • Cần chú ý thêm cách sử dụng hàng loạt điệp từ, điệp ngữ (có tính khẳng định và nhấn mạnh).

e. Bình luận hai ý kiến: (0,5đ)

Cả hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau tưởng như đối lập nhưng là bổ sung cho nhau cùng khẳng định giá trị to lớn của bản tuyên ngôn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử chính trị và văn chương nghệ thuật.

=> "Tuyên ngôn Độc lập" là một văn kiện lịch sử vô giá, là áng văn chính luận mẫu mực; là văn bản pháp lý, văn hoá của muôn đời; là hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh cũng như của toàn dân tộc Việt Nam – Bản Tuyên ngôn xứng đáng là áng văn lưu truyền muôn thuở.

g. Đánh giá chung về tác phẩm (0,5đ)

  • Đánh giá về giá trị của tác phẩm và những đóng góp to lớn của tác giả trong nền văn học dân tộc.
  • Suy nghĩ của người viết.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm