Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP. Hồ Chí Minh năm học 2015 - 2016 được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải, là đề luyện tập và củng cố kiến thức môn Văn hiệu quả. Đây là tài liệu ôn thi cuối học kì II, luyện thi THPT Quốc gia môn Văn hữu ích. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Hà Tĩnh năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị năm học 2015 - 2016
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN CHÍ THANH |
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2 - NĂM HỌC 2015-2016 Môn: Ngữ văn – Khối: 12 Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề) |
Phần I. Đọc-hiểu (2 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện theo yêu cầu:
Theo tin tức từ India Today, một ngày, sau cả ngày họp hành, anh Kumar - một kỹ sư Ấn Độ bước vào khách sạn Sabrina, thành phố Malappuram, bang Kerala, Ấn Độ ăn tối.
Khi phần ăn của anh được dọn ra, anh thấy hai đứa trẻ tội nghiệp suy dinh dưỡng đi lang thang nhặt rác để kiếm sống ở bên ngoài cửa đang đưa những ánh mắt thèm khát nhìn về phía mình. Anh đã quay về phía hai đứa trẻ vẫy tay để chúng lại gần mình. Thấy vậy, cậu bé liền nắm tay em gái mình đi tới. Kumar hỏi hai anh em: "Các cháu muốn ăn gì nào?". Hai đứa trẻ không nói gì, cậu bé chỉ vào đồ ăn của anh đang để trên bàn ăn, còn cô bé thì chỉ mở to đôi mắt nhìn anh, ngạc nhiên như không thể tin vào tai mình. Kumar đã gọi cho hai anh em cậu bé hai phần cơm giống hệt của anh.
Lúc thức ăn được đặt trước mặt hai đứa trẻ, cậu bé đã rất đói và muốn ăn luôn nhưng bé gái nắm lấy tay anh trai mình và nhắc anh là hai anh em nên đi rửa tay trước khi ăn. Rửa tay xong, hai anh em cậu bé nhanh chóng ăn hết phần thức ăn của mình. Chàng kỹ sư ngồi nhìn hai đứa trẻ ăn với ánh mắt rất ấm áp. Đợi cho hai anh em cậu bé ăn xong, cúi chào bước đi rồi, Kumar mới ăn phần cơm của mình.
Sau đó, Kumar yêu cầu được thanh toán tiền. Khi đi rửa tay rồi quay lại bàn ăn của mình để nhận hóa đơn, anh đã rất bất ngờ vì trong hóa đơn không có số tiền anh cần trả mà là một dòng chữ: "Chúng tôi không có máy để tính toán được giá trị của con người. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với anh!"
(Theo India Today- Khánh Vy )
- Câu chuyện đã cung cấp cho người đọc những thông tin cá nhân gì về anh Kumar và hai đứa trẻ? (0.5 đ)
- Chi tiết anh Kumar ngồi nhìn hai đứa trẻ ăn với ánh mắt rất ấm áp cho thấy tình cảm gì của anh dành cho chúng? (0.5 đ)
- Anh/ chị hãy đặt nhan đề cho câu chuyện. (0.5đ)
- Dòng chữ trên hóa đơn gợi cho anh/chị nghĩ gì về giá trị của con người? Hãy viết đoạn văn 5-7 dòng trình bày suy nghĩ của anh/chị. (0.5đ)
Phần II. Làm văn (8,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi 2015, toàn quốc xảy ra 536 vụ tai nạn làm chết 317 người và bị thương 509 người. So với cùng kì 2014, con số này tăng 35 người chết. Những con số khiến người ta nhớ đến số người chết trong các cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là thống kê số người tử vong tại chỗ xảy ra tai nạn, chưa tính đến số người chở đi nhà thương và chết sau đó. Con số thực tế phải lớn hơn nhiều.
Thử lấy một con số thống kê khác để so sánh:
- Cuộc chiến U-crai-na chống quân li khai kể từ đầu năm ngoái đến nay cướp đi sinh mạng của khoảng 5.000 binh lính và thường dân.
- Thương vong từ cuộc chiến chống lực lượng hồi giáo IS tính đến nay là khoảng 11.000 người.
- Việt Nam trong thời bình, một năm có khoảng 9.000 người chết vì tai nạn giao thông.
(Theo Internet)
Anh /chị suy nghĩ gì về những thông tin trên? Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400-600 chữ) bàn về vấn đề: Mỗi người cần suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông?
Câu 2. (5,0 điểm)
Anh/chị hãy phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân.
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân
Phần I. Đọc-hiểu (2 điểm)
1. Thông tin cá nhân
- Anh Kumar: một kỹ sư Ấn Độ
- Hai đứa trẻ: suy dinh dưỡng đi lang thang nhặt rác để kiếm sống
2. Chi tiết anh Kumar ngồi nhìn hai đứa trẻ ăn với ánh mắt rất ấm áp cho thấy tình cảm yêu thương (hoặc từ có nghĩa tương tự) của anh dành cho chúng.
3. Nhan đề: Giá trị của con người, Lòng tốt vẫn còn, Một tấm lòng, Tờ hóa đơn bất ngờ,...
- Nhan đề phải ngắn, rõ, hay.
- Phải phù hợp với nội dung, ý nghĩa của văn bản.
- Không chấp nhận những nhan đề chung chung, không nêu được tư tưởng cụ thể của văn bản, kiểu như : Bài học cuộc sống, Bài học ý nghĩa,...
4. Từ dòng chữ trên hóa đơn nghĩ về giá trị của con người (khoảng 5-7 dòng).
- Diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ; đảm bảo về dung lượng.
- Gợi ý về nội dung
- Giá trị của con người không phải là phạm trù vật chất, có thể cân đo, đong đếm được.
- Làm nên giá trị của con người chính là lòng tốt, trái tim nhân ái , tình yêu thương dành cho người khác,đặc biệt là những người khốn khó,...
- Giá trị của con người chính là cách chúng ta sống, ứng xử đầy vị tha.
- ...
Phần II. Làm văn (8,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm) Trình bày suy nghĩ về bản tin từ Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí; cần làm rõ được các ý chính sau:
1. Nêu vấn đề nghị luận
Bản tin từ Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an về tai nạn giao thông trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi 2015.
2. Suy nghĩ về bản tin
Những số liệu trong bản tin thực sự làm người đọc bàng hoàng xót xa. Bởi lẽ, những cuộc chiến tranh khủng khiếp đang xảy ra trong đời sống nhân loại cũng không cướp đi nhiều sinh mạng bằng tai nạn giao thông...
3. Suy nghĩ và hành động để giảm thiểu tai nạn giao thông
a. Suy nghĩ
- Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề cho cá nhân gia đình và xã hội: dẫn chứng
- Nguyên nhân của tai nạn giao thông: ý thức tuân thủ Luật giao thông còn kém, chiếm dụng lòng lề đường, quy mô chất lượng hạ tầng giao thông chưa cao,..
b. Hành động
Mỗi người chúng ta cần có những hành động cụ thể thiết thực góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông: Học luật giao thông, chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông, tuyên truyền luật giao thông với mọi người,..
4. Bài học nhận thức của bản thân
Chấp hành đúng luật giao thông: không vượt đèn đỏ, không lấn tuyến, đội mũ bảo hiểm; có giấp phép lái xe thì mới được cầm tay lái;...
Lưu ý:
- Học sinh viết chỉ có một đoạn nhưng đủ ý, diễn đạt tốt điểm tối đa là 1,5.
- Bài viết sai nhiều lỗi chính tả, lỗi diễn đạt trừ tối đa 0,75 điểm cả bài.
- Chỉ cho điểm tối đa những bài đạt cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
Câu 2. (5,0 điểm) Phân tích nhân vật bà cụ Tứ (trích Vợ nhặt – Kim Lân)
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận văn học phân tích tác phẩm văn xuôi, biết cách phân tích một hình tượng nhân vật. Kết cấu bài viết chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về nhà văn Kim Lân, truyện ngắn "Vợ nhặt" và nghệ thuật xây dựng nhân vật, thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được vấn đề cơ bản sau:
1. Nêu được vấn đề cần nghị luận
2. Tâm trạng của bà cụ Tứ
- Bà ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ ngồi trong nhà.
- Khi hiểu ra, bà hờn tủi, xót thương cho số kiếp con trai nhờ cái đói mà mới có được vợ; buồn tủi vì chưa làm tròn trách nhiệm của người mẹ.
- Bà vui mừng vì con có vợ, lo âu vì con lấy vợ trong cảnh đói.
- Bằng sự từng trải, tình thương con, lòng nhân hậu, bà đón nhận nàng dâu; truyền cho con niềm tin vào cuộc sống qua việc cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa, nói toàn chuyện vui.
3. Nghệ thuật
Cách kể chuyện hấp dẫn, nghệ thuât tạo dựng tình huống độc đáo, ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, đặc biệt là ngôn ngữ độc thoại đã khắc họa thành công chân dung của bà mẹ nghèo trước Cách mạng tháng Tám.
4. Đánh giá chung về nhân vật
Lưu ý:
- Cho điểm tối đa khi học sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
- Học sinh kể lại những nét chính trong diễn biến tâm trạng nhưng không nêu được dẫn chứng trực tiếp, bố cục rõ ràng cho 2 điểm.
- Kể lan man, có vài chi tiết không chính xác: 0,5-1.0đ;
- Bài viết sai hai lỗi chính tả hoặc lỗi diễn đạt trừ 0,25đ, quá nhiều lỗi trừ tối đa 0,75đ cho cả bài; bố cục 3 phần không rõ hoặc thân bài không chia nhiều đoạn: trừ 0.5đ