Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Quảng Bình
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Quảng Bình năm học 2014 - 2015 gồm 3 câu hỏi có hướng dẫn đi kèm, là tài liệu ôn tập môn Văn hữu ích, dành cho các bạn học sinh lớp 12, giúp các bạn luyện tập và củng cố kiến thức môn văn, từ đó, chuẩn bị tốt nhất cho kì thi cuối năm đạt kết quả cao nhất.
Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 tỉnh Kiên Giang
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cà Mau
SỞ GD - ĐT QUẢNG BÌNH |
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II - NĂM HỌC 2014 - 2015 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 12, CHƯƠNG TRÌNH: THPT Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề) Đề có 01 trang, gồm 03 câu. |
Câu 1. (2,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:
Tiếng thơ Tố Hữu đa dạng. Nhưng trong cái đa dạng đó vẫn có một nét chính. Đó là tiếng nói yêu thương... Tiếng nói yêu thương trong thơ Tố Hữu nhiều khi đạt đến một độ chân thành, sâu sắc khiến người đọc không thể nào không bồi hồi xúc động. Một tiếng nói yêu thương luôn chan hoà ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ.
(Hoài Thanh, Một số ý kiến ngắn về thơ Tố Hữu - Chuyện thơ)
a. Đoạn trích trên thuộc thể loại văn học nào? (0,5 điểm)
b. Xác định thao tác lập luận chủ yếu của đoạn trích. (0,5 điểm)
c. Chỉ ra một biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
d. Nội dung chính của đoạn trích là gì? (0,5 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Thước đo của cuộc đời không phải thời gian mà là sự cống hiến.
(Peter Marshall)
Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu 3. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
A. HƯỚNG DẪN CHUNG
- Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng để cho từng ý điểm tối đa hoặc thấp hơn.
- Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75; ... đến tối đa là 10.
B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Câu 1. (2,0 điểm)
Nội dung yêu cầu
a. Văn nghị luận
b. Thao tác lập luận bình luận
c. Học sinh chỉ ra được một trong ba biện pháp sau: điệp ngữ (tiếng nói yêu thương); ẩn dụ (Một tiếng nói yêu thương luôn chan hoà ánh sáng; so sánh (nó cũng là ánh sáng)...
d. Nội dung chính: Khẳng định tiếng nói yêu thương là nét chính của thơ Tố Hữu, đồng thời đánh giá mức độ cảm xúc, hình thức biểu đạt của tiếng nói ấy trong thơ ông.
(Học sinh có thể diễn đạt bằng cách khác nhưng phải hướng đến những nội dung trên).
Câu 2. (3,0 điểm)
Nội dung yêu cầu
I. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết cách làm bài nghị luận xã hội; bố cục và cách trình bày hợp lí.
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về nội dung
(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách)
1. Giải thích được nội dung của lời phát biểu:
Khẳng định: Giá trị, ý nghĩa đích thực của đời người không phải là thời gian tồn tại mà chính là những đóng góp, hiến dâng tâm hồn và trí tuệ của bản thân cho cộng đồng.
2. Bàn luận về câu nói:
(Học sinh có thể có những suy nghĩ và cách trình bày khác nhau, nhưng về cơ bản cần hướng đến những nội dung chủ yếu sau):
- Lượng tháng ngày hiện hữu trên đời chỉ là biểu hiện của tuổi tác, không nói lên giá trị thực của mỗi người. Nếu cuộc sống dài lâu mà trống rỗng, mờ nhạt thì chỉ là sự tồn tại vô nghĩa. (Dẫn chứng)
- Với quỹ thời gian ngắn ngủi, nếu con người biết phấn đấu, nỗ lực, sống có khát vọng và lí tưởng thì cuộc sống sẽ trở nên đẹp đẽ, giàu giá trị. (Dẫn chứng)
- Sự cống hiến phải tự nguyện, chân thành, không giả tạo hay mưu toan danh vọng cá nhân. (Dẫn chứng)
3. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức về giá trị đích thực của bản thân, về mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ - cá nhân và cộng đồng.
- Lựa chọn tâm thế sống tích cực: Không ngừng cống hiến để khẳng định và hoàn thiện bản thân.
Câu 3. (5,0 điểm)
Nội dung yêu cầu
I. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết cách làm bài nghị luận văn học; bố cục và cách trình bày hợp lí.
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt; dẫn chứng phù hợp.
- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về nội dung
(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách)
1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm
2. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tràng
a. Số phận bất hạnh:
- Dân ngụ cư, ế vợ, gia cảnh neo đơn, khốn khó (nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại/ tấm phên rách...)
- Nạn nhân của nạn đói khủng khiếp (đặt trong bối cảnh: người sống xanh xám như bóng ma/ người chết như ngả rạ...)
b. Vẻ đẹp tâm hồn:
- Giàu tình yêu thương, đùm bọc, cưu mang người cùng cảnh: (mời thị ăn khi thị đói lả/ đồng ý cho thị theo về khi thị đang ở bờ vực cái chết...)
- Khao khát hạnh phúc gia đình:
- Khi quyết định lấy vợ: đằng sau cái tặc lưỡi (Chậc, kệ !) ẩn chứa một ước vọng sâu thẳm về tổ ấm gia đình.
- Trên đường dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: niềm vui ngập tràn (mặt phớn phở, tủm tỉm cười nụ, hai mắt sáng lấp lánh... )
- Trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ: cảm giác hạnh phúc, thấy mình nên người, ý thức về trách nhiệm với gia đình (êm ái lửng lơ như vừa trong giấc mơ đi ra, thấy thương yêu gắn bó, nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng...)
- Hi vọng vào sự đổi thay của cuộc sống: hình ảnh đám người đói đi phá kho thóc Nhật và lá cờ đỏ bay phấp phới hiện ra trong tâm trí Tràng.
c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Đặt nhân vật vào một tình huống truyện độc đáo
- Miêu tả tâm lí tinh tế, chân thực
- Đối thoại sinh động
- Ngôn ngữ nông thôn nhuần nhị, tự nhiên.
3. Nhận xét chung:
- Hình tượng nhân vật Tràng góp phần giúp nhà văn khắc hoạ chân thực tình cảnh thê thảm của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945.
- Qua đó, tư tưởng nhân đạo của tác phẩm cũng được thể hiện sâu sắc. Đó là tiếng nói ngợi ca bản chất tốt đẹp và sức sống diệu kì: ngay trên bờ vực cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khao khát tổ ấm gia đình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Lưu ý: Những phần trong dấu ngoặc đơn chỉ là những gợi ý tham khảo.