Đề kiểm tra học kì 2 Ngữ văn lớp 12

TimDapAnxin giới thiệu tới bạn đọc Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2018 - 2019 Sở GD&ĐT Bình Thuận. Tài liệu gồm 6 câu hỏi bài tập, thời gian làm bài 120 phút. Mời các bạn tham khảo.

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

"Khi bạn tức giận, bản lĩnh thể hiện khi chúng ta biết kiềm chế cảm xúc chứ không phải là hành động nông nổi. Bản lĩnh không kiểm soát được thì chỉ là sự liều lĩnh. Bên cạnh đó, nếu bản lĩnh của chúng ta làm người khác phải khó chịu thì chúng ta đã thất bại. Vì bản lĩnh đó chỉ phục vụ cá nhân ta mà không hướng đến mọi người.

Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn".

(Trích Xây dựng bản tính cá nhân Nguyên Hữu Lang https://tuoitre.vn. Ngày 14/05/2012

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Theo anh/chị, bản lĩnh của con người phụ thuộc vào những yếu tố nào? (1,0 điểm)

Câu 4. Anh chi có đồng tình với quan điểm của tác giả "Bản lĩnh không kiểm soát được thì chỉ là sự liều lĩnh" không? Vì sao? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN 7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về văn đề: Tuổi trẻ cần sống bản lĩnh để đương đầu với khó khăn, thử thách.

Câu 2 (5,0 điểm)

Anh/chị hãy cảm nhận đoạn trích sau:

Ngày tết, Mỵ cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mỵ lịm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mỵ đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mỵ thổi sáo giỏi. Mùa xuân đến, Mỵ uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mỵ uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ hết núi này sang núi khác.

Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mỵ không biết. Mỵ vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mỵ mới đứng dậy. Nhưng Mỵ không bước ra đường. Mỵ từ từ vào buồng.

Chẳng năm nào A Sử cho Mỵ đi chơi Tết.

Bấy giờ Mỵ ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Từ nãy Mỵ thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mỵ trẻ. Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mỵ, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra.

Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

"Anh ném pao

Em không bắt

Em không yêu

Quả pao rơi rồi...".

A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn đương rình bắt nhiều người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mỵ nói.

Bây giờ Mỵ cũng không nói. Mỵ đến góc nhà, lấy ống mỡ, sắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng.

Trong đầu Mỵ đang rập rờn tiếng sáo. Mỵ muốn đi chơi. Mỵ cũng sắp đi chơi. Mỵ quấn lại tóc. Mỵ với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách. A Sử sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. A Sử nhìn quanh thấy Mỵ rút thêm cái áo.

A Sử hỏi:

- Mày muốn đi chơi à?

Mỵ không nói. A Sử cũng không hỏi thêm. A Sử bước lại, nắm Mỵ, lấy thắt lưng trói hai tay Mỵ. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mỵ vào cột nhà. Tóc Mỵ xõa xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột, Mỵ không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong, A Sử thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi phẩy tay tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại.

Trong bóng tối, Mỵ đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mỵ vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mỵ đi theo những cuộc chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mỵ vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mỵ không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mỵ thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

(Trích “Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài, SGK Ngữ văn 12,

tập 2 - Nxb Giáo dục Việt Nam 2018-tr 7, 8)

Gợi ý đáp án

II. Phần làm văn

Câu 1:

Mẫu 1

Khi bước ra khỏi vòng tay của bố mẹ, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống không hề đơn giản như những gì chúng ta nghĩ. Ngoài những khó khăn, chông gai mà bản thân phải vượt qua, thì cuộc sống còn chứa đựng đầy những cám dỗ nguy hiểm. Nếu bản thân không có một bản lĩnh vững vàng, sẽ rất khó để đạt được điều mình mong muốn.

Mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau về bản lĩnh. Có người cho rằng bản lĩnh là khi bản thân làm những điều mà người bình thường không dám. Có người lại nghĩ chỉ khi làm được những điều lớn lao, to tát trong cuộc đời mới thể hiện là một con người bản lĩnh. Thực chất, bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng. Trong cuộc sống, sự bản lĩnh làm nên cá tính riêng của mỗi người, từ đó họ có thể tự do bày tỏ những suy nghĩ của bản thân mà không câu nệ, nề hà. Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay. Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

Là học sinh, bản ĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.

Đồng thời, có nhiều người lại sống một cách thiếu bản lĩnh. Họ bị lệ thuộc vào suy nghĩ và chính kiến của người khác. Từ đó, họ tự làm hạn hẹp kiến thức của chính bản thân, thu nhỏ mình lại. Họ sợ bị phản đối nếu nói lên những điều mình nghĩ, sợ bị chê bai. Không có bản lĩnh, họ không dám nghĩ nhưng lại không dám làm vì sợ vấp ngã, sợ thất bại. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong công việc cũng có thể làm cho họ cảm thấy chán nản, buông xuôi.

Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã, … mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.

Mẫu 2

Không phải bất cứ ai khi sinh ra thì cuộc đời đã được trải hoa hồng. Sẽ có lúc có những khó khăn, thử thách cần phải vượt qua. Những lúc đó, điều quan trọng nhất chính là việc bản thân có dám đương đầu với nó không, vì “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”.

Chiến thắng là kết quả tốt đẹp mà ta đạt được sau một thời gian đấu tranh, khắc phục những khó khăn, thử thách. Vậy nên, chiến thắng bản thân là tự đấu tranh với chính bản thân mình, vượt lên sự tự ti, kém cỏi, cái xấu, cái không tốt, … trong chính con người mình. Tóm lại, “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất” – câu nói nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc mỗi người thoát ra khỏi vỏ bọc của chính mình để vượt qua chông gai cuộc sống.

Thực sự, ngay từ khi có sự xuất hiện của loài người, chúng ta đã phải đối diện với nhiều hiểm họa từ thiên nhiên, thiên tai, … Nếu không có sự đấu tranh quyết liệt để giành lại sự sống, thì làm sao con người có thể tồn tại được đến ngày hôm nay? Cho đến tận bây giờ, con người từng ngày vẫn phải đấu tranh với chính mình để chống lại bệnh tật, đói nghèo, … Đứng trước những cám dỗ, con người càng phải đấu tranh quyết liệt hơn để bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Hẳn mọi người còn nhớ Nguyễn Ngọc Kí – một người mất cả hai tay từ bé, nhưng bằng cả nỗ lực bản thân, giờ đây ông đã có thể viết bằng chân và trở thành một người thầy giáo tận tụy, hết lòng với công việc.

Hiện nay còn có quá nhiều bạn trẻ do được bố mẹ nuông chiều, sống tiện nghi, đầy đủ nên buông thả, dễ dãi với bản thân. Như vậy, các bạn sẽ dễ bị sa đà vào lối sống ăn chơi hưởng thụ, không có chí tiến thủ trong tương lai. Chính vì thế, câu nói vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Xã hội đang ngày một phát triển và kèm theo đó là những thử thách và cám dỗ, cho nên chúng ta cần có sự bản lĩnh- trước hết là chiến thắng chính mình.

Đấu tranh với chính mình sẽ giúp cho bản thân hoàn thiện nhân cách, có được bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Là học sinh, chiến thắng bản thân chính là việc chúng ta nỗ lực học tập, loại bỏ những thói hư tật xấu, tệ nan xã hội, tệ nạn học đường … vốn hiển hiện xung quanh và thường trực trong cuộc sống.

Câu 2:

Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài sau Cách mạng tháng Tám. Hiện thực và nhân đạo là nội dung nổi bật của thiên truyện này. Nội dung ấy lại được thể hiện bằng giọng văn trần thuật, miêu tả và thể hiện tâm trạng, tính cách nhân vật hết sức tinh vi và sâu sắc. Đoạn vân trên thể hiện rất rõ tài năng của Tô Hoài trong việc mô tả và khắc họa tâm trạng nhân vật Mị, một nhân vật trung tâm của thiên truyện Vợ chồng A Phủ.

Đoạn văn chủ yếu nhằm diễn tả tâm trạng của Mị trong một đêm sau bữa cơm Tết cúng ma ở nhà thống lý Pá Tra. Một tâm trạng hỗn hợp: vui sướng và đau khổ, ham sống và tủi nhục muốn chết. Và chủ yếu là thể hiện nội tâm nhân vật, ta thấy ít lời thoại. Mị không nói câu nào. Chỉ một câu hỏi duy nhất của A Sử: “Mày muốn đi chơi à? Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa”. Tất cả chìm đi trong im lặng, lầm lũi. Mị như chiếc bóng câm lặng, vật vờ trong bóng đêm nhà A Sử. Đọc đoạn văn, người đọc thấy thời khắc trôi đi với Mi thực chậm chạp và nặng nổ làm sao. Trong bóng tối nặng nề, mòn mỏi ấy, hành động của MỊ cũng rất ít. Tô Hoài chỉ để vài dòng miêu tả vài ba hành động “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát… MỊ đứng dậy… từ từ bước vào buồng. Mị quấn lại tóc… Với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách…”, Chỉ có thế, phần lớn đoạn văn còn lại là những dòng nội tâm đang trỗi dậy, tuôn trào lòng MỊ. Cũng vì để thể hiện nội tâm nhân vật rất đặc biệt này, không có cách nào hơn là trần thuật theo con mắt của chính người trong cuộc, con mắt và tấm lòng của Mi Một người con gái tràn đầy sức sống nhưng bị đè nén đầy đoạ trong đau khổ và tủi nhục. Một số phận bi thảm. Và chính vì giàu sức sống nên bị kịch càng trở nên sâu đậm. Giá như tâm hồn Mi đã khô cạn, đã chết hẳn; giá như Mị quên hết được những kỉ niệm ngày trước… thì chắc MỊ sẽ bớt đi được nhiều đau khổ’, dằn vặt. Tô Hoài đã rất thành công trong việc diễn tả bi kịch tinh thần này. Rõ ràng là ban đầu Mị chỉ hành động theo thói quen một cách vô thức “Ngày Tết Mị cũng uống rượu, Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát rồi say’.

“Cũng uống” tức là chỉ làm theo người xung quanh. Ngày tết người ta uống, Mị cũng uống. Tuy nhiên “uống ực từng bát”, là hành vi bước đầu thể hiện một cái gì khác thường trong tâm lý người con gái rồi đây. Bi kịch bắt đầu nổi lên khi ý thức Mị bắt đầu hoạt động thật sự. Mở đầu là nỗi nhớ “Lòng Mi thỉ dang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Rồi MỊ nhớ lại những ngày xuân trước, Mị thổi sáo giỏi ‘Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm dã thổi sáo đi theo Mị”… Chính vì sống quá sâu sắc với quá khứ mà Mị quên tất cả hiện tại ”Rượu đã tan lúc nào. Người về, kẻ đi chơi đã văn cả. Mị không biết”. Cũng chính vì sống lại với quá khứ, quên hiện tại mà “Đá từ này, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước’ và cô thấy mình còn trẻ “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Giá như đừng nhớ lại, không nhớ lại được những ngày ấy thì Mị không rơi vào tâm trạng ”Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Đấy chính là tâm trạng khi Mị bừng tỉnh lại sống trong hiện tại. Quá khứ và hiện tại dằng xé trong tâm hồn Mị. Hiện tại tăm tối, ngột ngạt “Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẩn lơ lửng bay ngoài dường” thức dậy quá khứ đẹp đẽ đang náo nức trong lòng Mị. Để làm nổi bật sức sống nội tâm vẫn mãnh liệt, nồng nàn trong tâm hồn Mị, như trên đã nói (đoạn văn ít hành động và chỉ duy nhất có một câu hỏi của A Sử mà Mị không trả lời), Tô Hoài đã tạo ra một cô Mị bên trong đang rạo rực, náo nức và quằn quại niềm ham sống và một cô Mị bên ngoài như cái bóng lầm lũi, như đã chết. Bên ngoài một cô Mị không nói, không hề phản ứng gì trước những việc A Sử làm, A Sử nổi. Ngay cả việc A Sử “‘Còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì”. A Sử hỏi, MỊ không trả lời. A Sử bắt đầu trói Mị bằng cả một thúng sợi đay, quấn tóc lên cột ”làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”. Không có một dòng hay một chữ nào mô tả lại hành động phản kháng của Mị. Suốt từ đầu đến cuối, chỉ thấy cô im lặng, âm thầm cam chịu. Ẩn chứa bên trong lại là một cô Mị khác, một cô Mị đang náo nức, say sưa với những kỷ niệm tình yêu. Say sưa đến nỗi “như không biết mình đang bị trói… Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Nhưng rồi “tay chân đau không cựa được” lại đưa Mị trở về với hiện thực cay đắng “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

Kết thúc đoạn trích ta lại thấy con người bên trong của Mị xuất hiện. “Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi”. Đấy chính là lúc Mị quên đi thực tại, nhớ về thời điểm trai làng “đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi.” Cố thể thấy rõ thực tại và kỷ niệm cứ đan xen nhau, giằng xé tâm hồn MỊ. Càng nhớ tới kỷ niệm Mị càng xót xa, đau khổ với thực tại phũ phàng. Đoạn văn cho ta thấy trong con người lầm lũi, khốn khổ đó, vẫn tiềm tàng một sức sống âm thầm nhưng mãnh liệt. Người đọc không mấy khó khăn khi muốn phân tích giá trị phản ánh hiện thực xã hội một cách sâu sắc ở đoạn văn. Chỉ cần dẫn ra chi tiết tác giả mô tả thái độ của A Sử khi trói Mị một cách lạnh lùng, tàn nhẫn cũng đủ thấy bộ mặt thật ghê tởm của lũ chúa đất và số phận khốn khổ, tủi nhục của người dân miền núi, đặc biệt là người phụ nữ dưới ách thực dân phong kiến. Bên cạnh giá trị hiện thực ấy, đoạn văn tuy được trần thuật bằng một chất giọng có vẻ rất khách quan, người đọc vẫn nhận ra thái độ đồng cảm, xót thương của Tô Hoài đối với nhân vật Mị. Không thấu hiểu và thông cảm với những người bị chà đạp như Mị, nhà văn không thể hoá thân và diễn tả được thành công đời sống nội tâm phức tạp và phong phú của Mị trong cái đêm mùa xuân ấy. Cũng qua đoạn văn này, người ta còn thấy được thái độ căm phẫn của tác giả đối với loại người như A Sử. Không một lời bình phẩm, bình luận, chỉ qua vài nét phác họạ hành động của A Sử hoặc tác giả chỉ cần hạ vài chữ như “trói vợ xong” cũng đủ thấy thái độ căm phẫn của tác giả… Đó chính là ý nghĩa nhân đạo của đoạn văn.

Đoạn văn trên là một trong những đoạn văn hay nhất của truyện Vợ chồng A Phủ. Tuy rất ngắn ngủi so với toàn bộ thiên truyện nó đã thể hiện được rõ nét tài năng miêu tả diễn biến nội tâm của nhân vật một cách chân thật, sinh động trên tinh thần hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây TimDapAnđã giới thiệu tới các bạn Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2018 - 2019 Sở GD&ĐT Bình Thuận. Để có kết quả cao hơn trong học tập, TimDapAnxin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Học tốt Ngữ văn 12, Tài liệu học tập lớp 12, Soạn bài lớp 12 mà TimDapAntổng hợp và đăng tải.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!