Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt được TimDapAnsưu tầm, tổng hợp các dạng bài Tiếng Việt trọng tâm giúp các em học sinh ôn tập, củng cố, rèn luyện kỹ năng giải Tiếng Việt chuẩn bị tốt cho kì thi học kì 2 lớp 2.

I. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt Sách mới

1. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 Kết nối

1.1. Đề ôn tập học kì 2 lớp 2 Số 1

Những con sao biển

Một người đàn ông đang dạo bộ trên bãi biển khi chiều xuống. Biển đông người, nhưng ông lại chú ý đến một cậu bé cứ liên tục cúi xuống nhặt thứ gì đó lên rồi thả xuống biển.

Tiến lại gần hơn, ông thấy cậu bé đang nhặt những con sao biển bị thuỷ triều định dạt lên bờ và thả chúng trở về với đại dương.

- Cháu đang làm gì vậy? – Người đàn ông hỏi.

Cậu bé trả lời:

- Những con sao biển này sắp chết vì thiếu nước, cháu muốn giúp chúng.

- Có hàng ngàn con sao biển như vậy, liệu cháu có thể giúp được tất cả chúng không?

Cậu bé vẫn tiếp tục nhặt những con sao biển khác thả xuống biển và nói với người đàn ông:

- Cháu cũng biết như vậy, nhưng ít nhất thì cháu cũng cứu được những con sao biển này.

Người đàn ông trìu mến nhìn cậu bé và cùng cậu cứu những con sao biển.

(Theo Hạt giống tâm hồn – Phép màu có giá bao nhiêu?)

Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Vì sao biển đông người nhưng người đàn ông lại chú ý đến cậu bé?

A. Vì cậu bé cứ chạy nhảy trên cát.

B. Vì cậu bé có con diều rất đẹp.

C. Vì cậu bé cứ liên tục cúi người nhặt thứ gì đó rồi thả xuống biển.

D. Vì cậu bé ra biển chơi và đi dạo cùng bố mẹ.

Câu 2: Khi đến gần, ông thấy cậu bé đang làm gì? Vì sao cậu bé làm như vậy?

A. Cậu bé đang xả rác xuống biển. Vì cậu bé rất thích nghịch.

B. Cậu bé đang ăn hải sản cùng với gia đình. Vì cậu bé và gia đình đang đi dã ngoại.

C. Cậu bé đang xây lâu đài cát cùng chị gái. Vì cậu bé rất thích chơi cát

D. Cậu bé đang nhặt những con sao biển bị thủy triều đánh dạt lên bờ và thả chúng trở về đại dương. Vì những con sao biển sắp chết do thiếu nước, cậu bé muốn giúp chúng.

Câu 3: Người đàn ông nói gì về việc làm của cậu bé?

A. Người đàn ông đã nói rằng: Có hàng ngàn con sao biển như vậy, liệu cháu có thể giúp được tất cả chúng không?

B. Người đàn ông đã nói rằng: Tại sao cậu bé lại vứt rác xuống đất?

C. Người đàn ông đã nói rằng: Cháu là con của ai tại sao ở đây một mình?

D. Người đàn ông đã nói rằng: Cháu có muốn ăn kẹo không ?

Câu 4: Những từ ngữ sau đây (Cúi xuống, dạo bộ , biển, thả, người đàn ông, cậu bé, nhặt, sao biển, tiến lại) từ ngữ nào dưới đây chỉ hoạt động?

A. cúi xuống, thả, nhặt, dạo bộ, tiến lại.

B. cúi xuống, thả, nhặt, dạo bộ, người đàn ông.

C. cúi xuống, thả, biển, dạo bộ, tiến lại.

D. sao biển, thả, biển, dạo bộ, tiến lại.

Câu 5: Em hãy tìm và viết lại câu văn cho biết cậu bé nghĩ việc mình làm là có ích.

.......................................................................................................................................

Câu 6: Điền dấu chấm, dấu phẩy hoặc dấu chấm hỏi thích hợp vào chỗ chấm trong những câu sau:

Ngày xưa, Kiến Vàng và Kiến Đen là đôi bạn thân. Chúng thường cùng nhau kiếm mồi.... cùng ăn và cùng nhau vui chơi .... Hai bạn gắn bó với nhau như hình với bóng. Một hôm .... Kiến Vàng hỏi Kiến Đen:

- Kiến Đen này bạn có muốn cùng đi ngao du thiên hạ không.....

Câu 7: Kết hợp từ ngữ ở cột A với từ ngữ ở cột B đề tạo thành câu giới thiệu:

Tiếng Việt lớp 2 Kết nối

Câu 8: Tìm các từ ngữ chỉ nghề nghiệp rồi viết vào chỗ trống:

M: Giáo viên

(1).................................................. (2).......................................................

(3).................................................. (4).......................................................

1.2. Đề ôn tập học kì 2 lớp 2 Số 2

Chiếc ba lô

Trong những ngày sống ở Việt Bắc, một lần đi công tác, Bác đi với hai đồng chí. Mỗi người mang một chiếc ba lô. Qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.

- Tại sao ba lô của chú nặng mà của Bác lại nhẹ? – Bác hỏi.

Sau đó, Bác mở cả ba chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:

- Chỉ có lao động thực sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào ba chiếc ba lô.

Theo 117 CHUYỆN KỂ VỀ TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

* Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1. Khi mọi người dừng chân, Bác đã làm gì?

A. Mở ba lô của mình ra xem.

B. Xách thử ba lô của đồng chí bên cạnh và mở cả ba chiếc ba lô ra xem.

C. Mở ba lô của hai đồng chí đi cùng ra xem.

Câu 2. Bác nhận thấy ba lô của Bác có gì khác so với ba lô của hai đồng chí kia?

A. Ba lô của Bác chỉ có chăn, màn nên nhẹ nhất.

B. Ba lô của Bác có thêm chăn, màn nên nặng hơn.

C. Ba lô của Bác không có chăn, màn như ba lô của hai đồng chí đi cùng.

Câu 3. Vì sao Bác lại muốn hai đồng chí san đều các thứ vào ba chiếc ba lô ?

A. Vì như thế sẽ tiện hơn cho mỗi người khi dùng.

B. Vì bác sợ hai đồng chí đi cùng không mang nổi ba lô.

C. Vì Bác muốn mình cũng lao động thực sự như những đồng chí khác.

Câu 4. Tìm và viết lại câu trong bài có dùng dấu chấm hỏi.

.......................................................................................................................................

Câu 5. Xếp các từ dưới đây vào nhóm thích hợp

Tiếng Việt lớp 2 Kết nối tri thức

  • Từ chỉ hoạt động
  • Từ chỉ sự vật

Câu 6. Chọn từ ngữ trong ngoặc vào chỗ chấm trong các câu văn sau:

(đi xa, kính yêu, quan tâm)

Bác Hồ là vị lãnh tụ vô cùng …………………… của nhân dân Việt Nam. Sinh thời, Bác rất …………………..… đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ngày nay, tuy Bác đã ……………… nhưng hình ảnh Bác vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Câu 7. Gạch chân dưới từ chỉ đặc điểm trong câu dưới đây:

Chỉ có lao động thực sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Câu 8. Em đặt dấu phẩy vào chỗ nào trong câu sau?

Trên bầu trời cao rộng mây đen mây trắng đang rong ruổi theo gió.

Mời thầy cô và các bạn học sinh tiếp tục xem đề cương trọn bộ tại đây:

2. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 Cánh Diều

A. ĐỌC - HIỂU

Đề 1: Đọc thầm bài Bồ câu tung cánh (TV2 tập 2 tr 6). Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Bồ câu được con người đưa về nuôi từ khi nào?

a) Từ cách đây năm nghìn năm.

b) Từ cách đây hai trăn năm.

c) Từ cách đây mười năm.

Câu 2: Chim bồ câu ấp trứng, nuôi con mới nở như thế nào?

a. Bồ câu mẹ ấp trứng, nuôi con bằng mồi.

b. Bồ câu bố mẹ thay phiên nhau ấp trứng. Khi chim non mới ra đời, bố mẹ không mớm mồ mà mớm sữa trong diều cho con.

c. Bồ câu bố ấp trứng, cho chim non mới ra đời ăn lá cây non.

Câu 3: Vì sao người ta dùng bồ câu để đưa thư?

a) Vì bồ câu rất thông minh, bay xa đến đâu cũng nhớ đường về.

b) Vì bồ câu có khả năng bay cao, không bỏ nhiệm vụ

c) Vì bồ câu trung thành, tận tụy, bay không biết mệt

Đề 2: Đọc thầm bài Chim Sơn Ca và Bông cúc trắng (TV2 tập 2 tr 49).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Đoạn 1 giới thiệu những nhân vật nào của câu chuyện.

a. Đám cỏ dại, cây hoa cúc trắng

b. Chim sơn ca, bông cúc trắng

c. Hai cậu bé.

Câu 2: Vì sao tiếng hót của chim sơn ca trở nên buồn thảm?

a. Vì chim sơn ca phải xa bạn.

b. Vì chim sơn ca bị thương.

c. Vì chim sơn ca đã bị nhốt trong lồng.

Câu 3: Hành động của hai cậu bé đã gây ra chuyện gì đau lòng?

a) Sơn ca lìa đời, bông cúc tắm nắng mặt trời.

b) Sơn ca lìa đời, bông cúc cũng héo lả đi vì thương sót.

c) Sơn ca bị cầm tù, cúc bị cắt đi.

Câu 4: Qua câu chuyện Chim sơn ca và bông cúc trắng, em hiểu điều gì?

a. Các loài chim đều bị nhốt trong lồng, bông hoa bị cắt đi.

b. Bảo vệ chim chóc, bảo vệ các loài hoa vì chúng làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp

c. Biết được thế giới thiên nhiên thật đẹp

Đề 3: Đọc thầm bài Chiếc rễ đa tròn (TV2 tập 2 tr 33).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Khi thấy chiếc rễ đa nằm trên mặt đất, Bắc hồ nói gì với chú cần vụ?

a. Cuốn rễ này lại, rồi trồng cho nó mọc tiếp.

b. Xới đất, vùi chiếc rễ xuống.

c. Buộc nó tựa vào hai cái cọc.

Câu 2: Về sau, chiếc rễ đa ấy trở thành một cây đa như thế nào?

a. Chiếc rễ đa trở thành một cây đa con thân thẳng.

b. Chiếc rễ đa trở thành một cây đa con có vòng lá tròn.

c. Chiếc rễ đa trở thành một cây đa có vòm lá xum xuê.

Câu 3: Các bạn nhỏ vào thăm vườn Bác Thích chơi trò chơi gì bên cây đa ấy?

a. Thích chơi trò trốn tìm

b. Thích chơi trò bán đồ hàng dưới gốc cây đa

c. Thích chơi trò chui qua chui lại vòng lá ấy.

Đề 4: Đọc thầm bài Chim rừng Tây Nguyên (TV2 tập 2 tr 42).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Tìm những từ ngữ tả vẻ đẹp của mặt hồ Y-rơ-pao?

a. Nơi đây cất lên những tiếng chim ríu rít.

b. Chim đại bàng chân vàng mỏ đỏ.

c. Mặt nước hồ Y-rơ-pao chao mình rung động, trong xanh,xanh thêm, rộng ra mênh mông.

Câu 2: Quanh hồ nước Y-rơ-pao có những loài chim nào?

a. Chim sâu, chim vành khuyên và nhiều loài chim khác

b. Chim đại bàng, chim thiên nga, chim kơ púc và nhiều loại chim khác.

c. Chim đại bàng chân vàng mỏ đỏ, chim chào mào.

Câu 3: Những từ ngữ “mình đỏ chót và nhỏ như quả ớt”, “mỏ thanh mảnh”, “hót lên lanh lảnh nghe như tiếng sáo” được dùng miêu tả loài chim nào?

a) Chim đại bàng

b) Chim kơ púc.

c) Chim sáo.

Đề 5: Đọc thầm bài Động vật “bế” con thế nào? (TV2 tập 2 tr 59).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Những con vật nào có cách tha con giống như cách tha mồi?

a. Mèo, hổ, báo, sư tử

b. Chó, heo, trâu, khỉ

c. Gấu, mèo, heo

Câu 2: Những con vật nào “cõng” hoặc “địu” con bằng lưng, bằng chiếc túi da ở bụng?

a. Chuột túi, gấu túi, thiên nga

b. Vịt, gà, ngan

c. Chó, mèo, gà

Câu 3: Những con vật nhỏ nào không được tha, “địu” hay “cõng” mà phải tự đi theo mẹ?

a. Thiên nga, mèo, gấu túi

b. Ngựa con, hươu con, voi con, tê giác con

c. Mèo con, gấu con, thiên nga

Đề 6: Đọc thầm bài Mùa nước nổi (TV2 tập 2 tr 92).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Bài văn tả mùa nước nổi ở vùng nào?

a. Vùng đồng bằng sông Hồng

b. Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c. Vùng đồng bằng sông Hương

Câu 2: Vì sao người ta gọi đó là mùa nước nổi?

a. Vì nước dâng lên hiền hòa.

b. Vì nước lũ đổ về dữ dội.

c. Vì mưa dầm dề.

Câu 3: Trong câu: “Rằm tháng bảy nước nhảy lên bờ” rằm tháng bảy là thời gian nào?

a. Ngày 1 tháng 7 âm lịch

b. Ngày 15 tháng 7 âm lịch

c. Ngày 30 tháng 7 âm lịch

Đề 7: Đọc thầm bài Rơm tháng mười (TV2 tập 2 tr 102 ).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Tác giả bài đọc viết về kỉ niệm gì?

a. Những con đường rơm.

b. Chiếc lều bằng rơm.

c. Những mùa gặt tuổi thơ.

Câu 2: Câu văn tả vẻ đẹp của nắng tháng Mười?

a. Nhớ cái nắng hanh tháng Mười trong như hổ phách.

b. Những con đường làng đầy rơm vàng óng.

c. Bầu trời xanh.

Câu 3: Trẻ con trong làng chơi những trò chơi gì trên những con đường sân, ngõ đầy rơm?

a. Nằm lăn ra để sưởi nắng hoặc lăn lộn, vật nhau, chơi trò đi lộn đầu xuống đất.

b. Ăn, ngủ cả đêm trên những con đường làng đầy rơm.

c. Trẻ con không thích chơi với rơm

Đề 8: Đọc thầm bài Con Rồng cháu Tiên (TV2 tập 2 tr 115 ).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1. Ở miền Lạc Việt có một vị thần tên là?

a. Lạc Long Quân

b. Thánh Gióng

c. Thạch Sanh

Câu 2: Bà Âu Cơ sinh con kì lạ như thế nào?

a. Bà sinh ra một người con lớn nhanh như thổi.

b. Bà sinh ra hàng chục người con lơn nhanh như thổi.

c. Bà sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con lớn nhanh như thổi.

Câu 3: Vị Vua đầu tiên lập ra nước ta là ai?

a. Hùng Vương

b. Lê Hoàn

c. Nguyễn Huệ

Câu 4: Theo truyện này thì người Việt Nam ta là con cháu của ai?

a. Con cháu của Rồng Tiên.

b. Con cháu của vua.

c. Con cháu anh hùng.

Đề 9: Đọc thầm bài Người làm đồ chơi (TV2 tập 2 tr 126 ).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Bác Nhân làm nghề gì?

a. Làm đồ chơi

b. Buôn bán đồ chơi

c. Làm ruộng

Câu 2: Bác Nhân làm đồ chơi bằng gì?

a. Bằng bột màu

b. Bằng nhựa

c. Bằng đất sét

Câu 3: Vì sao bác Nhân đinh chuyển về quê?

a. Vì bác không thích ở thành phố.

b. Vì dạo này bác không bán được hàng.

c. Vì bác không thích làm đồ chơi bằng bột.

Câu 4: Bạn nhỏ đã làm gì để bác Nhân vui trong buổi bán hàng cuối cùng?

a. Bạn xin tiền bố mẹ, mua hết đồ chơi của bác.

b. Bạn vận động các bạn nhỏ mua hết đồ chơi của bác.

c. Bạn đập lợn đất lấy tiền, nhờ các bạn mua đồ chơi của bác.

Đề 10: Đọc thầm bài Bóp náp quả cam (TV2 tập 2 tr 131).Chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh tròn.

Câu 1: Giặc Nguyên có âm mưu gì đối với nước ta?

a. Giả cầu hòa xâm chiếm nước ta.

b. Giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta.

c. Cho sứ giả làm nhiều điều ngang ngược.

Câu 2: Quốc Toản quyết gặp vua để nói gì?

a. Để xin vua cho đánh, vì cho giặc mượn đường là mất nước.

b. Để xin vua trừng trị sứ giả ngang ngược.

c. Để xin vua cho đi đánh giặc.

Câu 3: Chi tiết Quốc Toản vô tình Bóp náp quả cam nói lên điều gì?

a. Nói lên lòng căm giận quân giặc của Quốc Toản.

b. Nói lên Quốc Toản buồn không được gặp vua.

c. Nói lên Quốc Toản khỏe mạnh bóp nát được quả cam.

Câu 4: Qua câu chuyện em hiểu gì về Trần Quốc Toản?

a. Trần Quốc Toản là một thiếu niên yêu nước.

b. Trần Quốc Toản là một người anh hùng.

c. Trần Quốc Toản là một người lính quân đội.

Mời thầy cô và các bạn học sinh tiếp tục xem đề cương trọn bộ tại đây:

3. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 Chân trời

A. Phần đọc

Học sinh tập đọc lại các bài đọc đã được học trong học kì 2, cụ thể:

  • Khu vườn tuổi thơ
  • Con suối bản tôi
  • Con đường làng
  • Bên cửa sổ
  • Chuyện bốn mùa
  • Đầm sen
  • Dàn nhạc mùa hè
  • Mùa đông ở vùng cao
  • Chuyện của vàng anh
  • Ong xây tổ
  • Trái chín
  • Hoa mai vàng
  • Quê mình đẹp nhất
  • Rừng ngập mặn Cà Mau
  • Mùa lúa chín
  • Sông Hương
  • Ai ngoan sẽ được thưởng
  • Thư Trung thu
  • Cháu thăm nhà bác
  • Cây và hoa bên lăng bác
  • Chuyện quả bầu
  • Sóng và cát ở Trường Sa
  • Cây dừa
  • Tôi yêu Sài Gòn
  • Cây nhút nhát
  • Bạn có biết?
  • Trái Đất xanh của em
  • Hừng đông mặt biển
  • Bạn biết phân loại rác không?
  • Cuộc giải cứu bên bờ biển

B. Luyện từ và câu

Các nội dung cần ôn tập gồm:

- Các từ chỉ người, chỉ hoạt động, chỉ sự vật, chỉ đặc điểm

- Dấu câu: dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than

- Kiểu câu: Ai thế nào?, Ai làm gì?

- Viết hoa các tên địa lý

- Viết câu nói và đáp:

  • Lời mời, lời khen ngợi, lời an ủi
  • Lời đồng ý, lời không đồng ý
  • Bày tỏ sự ngạc nhiên, vui mừng

- Mở rộng vốn từ về: nơi thân quen, bốn mùa, thiên nhiên, quê hương, Bác Hồ kính yêu, đất nước, Trái Đất

C. Tập làm văn

Luyện tập viết các đoạn văn về các chủ đề:

  • Kể về công việc hằng ngày của một người thân của em
  • Kể về một việc làm hằng ngày của thầy cô
  • Nói 4-5 câu về việc làm tốt của một người bạn
  • Viết 4-5 câu về việc dọn dẹp nhà cửa để đón Tết của gia đình em
  • Viết 4-5 câu về một việc làm mà em thích
  • Viết 4-5 câu thuật lại việc trồng cây
  • Viết 4-5 câu thuật lại việc làm bưu thiếp
  • Viết 4-5 câu về một chuyến tham quan của em
  • Viết về tình cảm của em với thầy cô lớp 2
  • Viết 4-5 câu về tình cảm của em với một người bạn
  • Viết 4-5 câu về tình cảm của em với anh (chị hoặc em) của em
  • Viết 4-5 câu về tình cảm của em với một người thân trong gia đình
  • Viết 4-5 câu về một giờ học mà em thích
  • Viết về tình cảm của em khi được tham gia một ngày hội ở trường
  • Thuật lại một việc làm góp phần giữ gìn trường lớp xanh sạch đẹp

II. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt Sách cũ

1. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 1

NỘI DUNG ÔN TẬP TIẾNG VIỆT ĐỌC HIỂU

A. Phần đọc thầm và làm bài trắc nghiệm:

Bài đọc thầm: Ông và cháu

Ông vật thi với cháu

Keo nào ông cũng thua

Cháu vỗ tay hoan hô:

“Ông thua cháu,ông nhỉ!”

Bế cháu ông thủ thỉ:

“Cháu khỏe hơn ông nhiều!

Ông là buổi trời chiều

Cháu là ngày rạng sáng.”

Phạm Cúc

Câu 1: Người ông trong bài chơi trò gì với cháu:

A. Đánh cờ

B. Vật tay

C. Kéo co

Câu 2: Câu “Ông là buổi trời chiều.” được viết theo mẫu câu nào trong các câu sau đây?

A. Ai thế nào?

B. Ai làm gì?

C. Ai là gì?

Câu 3: Vì sao ông vật tay thua cháu?

A. Ông yếu hơn cháu.

B. Ông giả thua cho cháu vui.

C. Ông chơi kém hơn.

Câu 4:

Điền ng hay ngh

- con …..é, …ủ gật, ….i ngờ, cá …ừ

Câu 5: Khoanh vào nhóm từ chỉ hoạt động?

A. ăn, chạy, nhà.

B. Chạy, nói, mèo

C. Viết, đi, chạy.

Câu 6: Đặt dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong mỗi câu sau:

a/ Cò ngoan ngoãn chăm chỉ học tập.

b/ Quanh ta, mọi vật mọi người đều làm việc.

NỘI DUNG ÔN TẬP TIẾNG VIỆT VIẾT

B. Phần Tiếng Việt (viết)

I/CHÍNH TẢ:

Cha mẹ đọc bài chính tả (nghe viết) cho học sinh viết trong thời gian 15 phút:

Bài viết : Buổi biểu diễn văn nghệ

Hôm nay nhà trường tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Các lớp trình diễn những tiết mục hay nhất của lớp. Các em lớp Một múa điệu vui đển trường. Các bạn lớp em hát bản đồng ca chúc mừng các thầy cô.

II. TẬP LÀM VĂN:

(Thời gian làm bài 35 phút). Viết vào vở bài tập.

Đề bài: Dựa vào các câu hỏi gợi ý dưới đây, em hãy viết một đoạn văn ngắn (3- 5 câu) kể về ông (bà, cha hoặc mẹ) của em.

Câu hỏi gợi ý

1. Ông( bà, cha hoặc mẹ) của em bao nhiêu tuổi?

2. Ông (bà, cha hoặc mẹ) của em làm nghề gì?

3. Ông (bà, cha hoặc mẹ) cuả em yêu quý, chăm sóc em như thế nào?

4. Tình cảm của em đối với ông (bà, cha hoặc mẹ) như thế nào?

2. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 2

ÔN TẬP TIẾNG VIỆT ĐỌC HIỂU

A. Phần đọc thầm và làm bài tập trắc nghiệm:

Bài đọc thầm: Cha tôi

Mẹ tôi mất từ lúc tôi lên hai. Cha nuôi tôi từ thuở ấy. Người dùng xe xích lô để kiếm sống. Đấy cũng là chiếc nôi đưa tôi đi khắp nẻo đường thành phố. Tôi lớn lên trong sự nhọc nhằn thức khuya dậy sớm, nai lưng đạp xích lô của cha.

Hằng ngày, cha phải thay phần việc của mẹ: lo từng mớ rau, quả cà và cả việc vá may.

Sáng nào cũng vậy, cha dậy rất sớm để đưa, đón khách. Nhiều hôm hàng phố đã cơm nước xong, ngồi xem ti vi, cha mới đạp xe về nhà.

Cha rất quý chiếc xích lô. Cha bảo nó đã nuôi sống cả nhà mình.

Theo Từ Nguyên Tĩnh

* Học sinh đọc thầm bài: “Cha tôi” sau đó chọn và khoanh vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng nhất của mỗi câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Để nuôi sống gia đình, người bố đã làm gì?

A. Buôn bán rau, may vá

B. Làm công nhân

C. Đạp xe xích lô chở người, hàng hóa

Câu 2: Người bố rất quý chiếc xích lô vì:

A. Chiếc xe này là kỉ vật vợ để lại

B. Chiếc xe này giúp ông nuôi sống cả nhà

C. Chiếc xe này đẹp

Câu 3: Câu: “Nhiều hôm hàng phố đã cơm nước xong, ngồi xem ti vi, cha mới đạp xe về nhà.” ý muốn nói:

A. Cha đi làm về sớm

B. Cha đi làm về muộn

C. Cha không muốn về nhà

Câu 4: Cha làm thay mẹ những việc gì?

A. Lo vá quần áo

B. Lo từng mớ rau, quả cà

C. Lo từng mớ rau, quả cà và cả việc vá may.

Câu 5: Để bố mẹ vui lòng, quên hết mệt nhọc, các em cần làm gì?

……………………………………………………………………………………………

Câu 6: Em thấy người cha trong bài này là người như thế nào?

……………………………………………………………………………………………

Câu 7: Điền dấu phẩy vào chỗ thích hợp:

Bạn Hà là học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn.

Câu 8: Ghép các tiếng sau: “yêu, quý, mến”, thành 4 từ có hai tiếng:

……………………………………………………………………………………………

Câu 9: Hãy sắp xếp các từ sau và viết lại thành một câu có nghĩa: chị em, nhau, giúp đỡ

……………………………………………………………………………………………

Câu 10: Đặt 1 câu theo kiểu Ai là gì?

……………………………………………………………………………………………

ÔN TẬP TIẾNG VIỆT VIẾT

A. Chính tả (Nghe – viết)

B. Tập làm văn

Đề: Hãy viết từ 3 đến 5 câu kể về anh, chị, em ruột (hoặc anh, chị, em họ) của em. Viết vào vở bài tập.

Gợi ý:

- Anh (chị, em) của em tên gì?

- Anh (chị, em) của em bao nhiêu tuổi và đang làm gì?

- Hình dáng, tính tình anh (chị, em) của em như thế nào?

- Tình cảm của em đối với anh (chị, em) của em?

3. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 3

CHỦ ĐỀ 3:

DẤU CHẤM, DẤU PHẨY, DẤU CHẤM HỎI, DẤU CHẤM THAN

I. Kiến thức cần nhớ

1. Dấu chấm được dùng khi diễn đạt hết một ý trọn vẹn. Dấu chấm thường đứng ở cuối câu. Chữ cái đứng sau dấu chấm phải viết hoa

2. Dấu phẩy (đối với lớp 2) được dùng để tách các ý nhỏ trong câu. Chữ cái đứng sau dấu phẩy không viết hoa.

3. Dấu chấm hỏi dùng tong câu để hỏi, thường đứng ở cuối câu hỏi

4. Dấu chấm than dùng trong câu để bày tỏ cảm xúc, thái độ, nó thường đứng ở cuối câu

II. Bài tập

Bài 1: Điền dấu chấm hoặc dấu phẩy vào chỗ chấm trong các câu sau:

a. Cây gạo như một cây nến khổng lồ....

b. Lớp em chăm học.... chăm làm....

Bài 2: Điền dấu chấm hỏi hoặc dấu chấm than vào chỗ ba chấm?

- Ông chủ ơi....Chúng tôi nghe nói bãi tắm này có cá sấu. Có phải vậy không....

- Không .... Ở đây làm gì có cá sấu

- Vì sao vậy.....

- Vì những vùng biển như này thường có cá mập, mà cá sấu thì sợ cá mập.

Bài 3: Chép lại đoạn văn sau đây cho đúng chính tả sau khi đã thay ô trống bằng dấu chấm hoặc dấu phẩy

Ngày xưa có đôi bạn là Diệc và Cò .... Chúng thường cùng ở ....  cùng ăn .... cùng làm việc và đi chơi cùng nhau ... .Hai bạn gắn bó với nhau như hình với bóng.

4. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 4

I, Cho văn bản sau:

Chim sẻ

Trong khu vườn nọ có các bạn Kiến, Ong, Bướm, Chuồn Chuồn, Chim Sâu chơi với nhau rất thân. Sẻ cũng sống ở đó nhưng nó tự cho mình là thông minh, tài giỏi, hiểu biết hơn cả nên không muốn làm bạn với ai trong vườn mà chỉ kết bạn với Quạ.

Một hôm, đôi bạn đang đứng ở cây đa đầu làng thì bỗng một viên đạn bay trúng đầu Sẻ. Sẻ hoảng hốt kêu la đau đớn. Sợ quá, Quạ vội bay đi mất. Cố gắng lắm Sẻ mới bay về đến nhà. Chuồn Chuồn bay qua nhìn thấy Sẻ bị thương nằm bất tỉnh. Chuồn Chuồn gọi Ong, Bướm bay đi tìm thuốc chữa vết thương còn Kiến và Chim Sâu đi tìm thức ăn cho Sẻ.

Khi tỉnh dậy, Sẻ ngạc nhiên thấy bên cạnh mình không phải là Quạ mà là các bạn quen thuộc trong vườn. Sẻ xấu hổ nói lời xin lỗi và cảm ơn các bạn.

Theo: Nguyễn Tấn Phát

II. Dựa vào nội dung bài đọc “Chim sẻ” em hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng hoặc trả lời cho mỗi câu hỏi sau:

Câu 1: Sẻ đã kết bạn với ai?

a. Sẻ kết bạn với Ong.

b. Sẻ kết bạn với Quạ.

c. Sẻ kết bạn với Chuồn Chuồn.

Câu 2: Vì sao Sẻ không muốn kết bạn với ai trong vườn mà chỉ làm bạn với Quạ?

a.Vì Sẻ đã có quá nhiều bạn.

b. Vì Sẻ thích sống một mình.

c. Vì Sẻ tự cho mình là thông minh, tài giỏi, hiểu biết nên không có ai trong vườn xứng đáng làm bạn với mình.

Câu 3: Khi Sẻ bị thương, ai đã giúp đỡ Sẻ?

a. Quạ giúp đỡ Sẻ.

b. Một mình Chuồn Chuồn giúp đỡ Sẻ.

c. Các bạn quen thuộc trong vườn giúp đỡ Sẻ.

Câu 4: Theo em, vì sao Sẻ thấy xấu hổ?

a. Vì Sẻ không cẩn thận nên bị trúng đạn.

b. Vì Sẻ đã kết bạn với Quạ.

c. Vì Sẻ đã coi thường, không chịu kết bạn với các bạn trong vườn, những người đã hết lòng giúp đỡ Sẻ.

Câu 5: Câu “Quạ vội bay đi mất.” thuộc kiểu câu nào đã học?

a. Ai làm gì?

b. Ai là gì?

c. Ai thế nào?

Câu 6: chim sẻ, chim sâu, quạ, ong, bướm, kiến, chuồn chuồn là các từ chỉ gì?

a. Chỉ cây cối.

b. Chỉ con vật.

c. Chỉ đồ vật.

Câu 7: Bộ phận in đậm trong câu “Kiến và Chim Sâu đi tìm thức ăn cho Sẻ.” trả lời cho câu hỏi nào?

a. Là gì?

b. Làm gì?

c. Thế nào?

Câu 8: Từ nào trái nghĩa với từ buồn bã?

a. vui vẻ

b. tưng bừng

c. buồn tủi

Câu 9: Đặt câu hỏi cho bộ phận được in đậm trong câu sau:

“Ong và Bướm bay đi tìm thuốc chữa vết thương cho Sẻ.”

........................................................................................................................................

III. Tập làm văn:

1. Em hãy viết lời xin lỗi cho các trường hợp sau:

a. Em lỡ giẫm vào chân bạn.

………………………………………………………………………………………

b. Em mãi chơi, quên làm việc mẹ đã dặn.

………………………………………………………………………………………

2. Em hãy viết lời cảm ơn của em trong những trường hợp sau:

a. Bạn cùng lớp cho em đi chung áo mưa.

5. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 5

Bài tập trắc nghiệm:

1. Khoanh tròn vào chữ cái trước thành ngữ, tục ngữ chỉ thời tiết:

a. Non xanh nước biếc.

b. Mưa thuận gió hòa.

c. Chớp bể mưa nguồn.

d. Thẳng cánh cò bay.

e. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.

g. Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa.

2. Khoanh tròn vào chữ cái trước câu hỏi đặt đúng:

a. Khi nào lớp bạn đi cắm trại?

b. Lúc nào lớp tớ cũng sẵn sàng đi cắm trại?

c. Bao giờ bạn về quê?

d. Bao giờ mình cũng mong được bố mẹ cho về quê?

3. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn chỉnh các thành ngữ sau:

– Thương con quý ….

– Trên … dưới nhường.

– Chị ngã em ….

– Con … cháu thảo.

(Từ cần điền: nâng, cháu, hiền, kính)

4. Em chọn dấu chấm hay dấu chấm hỏi để điền vào ô trống?

Cô Mây suốt ngày bay nhởn nhơ, rong chơi [__] Gặp chị Gió, cô gọi:

Chị Gió đi đâu mà vội thế [__]

– Tôi đang đi rủ các bạn Mây ở khắp nơi về làm mưa đây [__] Cô có muốn làm mưa không [__]

– Làm mưa để làm gì hả chị [__]

– Làm mưa cho cây cối tốt tươi, cho lúa to bông, cho khoai to củ

(Theo Nhược Thuỷ)

5. Đặt 1 câu có sử dụng dấu chấm, 1 câu có sử dụng dấu chấm than.

............................................................................................................................

............................................................................................................................

6. Vật nuôi gồm gia súc (thú nuôi trong gia đình) như trâu, … và gia cầm (chim nuôi trong gia đình) như gà, vịt, …

Em hãy kể thêm một số vật nuôi khác.

............................................................................................................................

............................................................................................................................

7/ Chính tả: (Các em nhờ PH đọc cho mình viết nhé)

Rừng Tây Nguyên

Rừng Tây Nguyên đẹp lắm! Vào mùa xuân và mùa thu, trời mát dịu và thoang thoảng hương rừng. Bên bờ suối, những khóm hoa đủ màu sắc đua nở. Nhiều giống thú quý rất ưa sống trong rừng Tây Nguyên.

6. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 6

1/ Rèn đọc lưu loát bài: - Chuyện bốn mùa, Thư Trung thu, Ông Mạnh thắng Thần Gió, Mùa xuân đến, Chim sơn ca và bông cúc trắng, Vè chim, Một trí khôn hơn trăm trí khôn, Cò và Cuốc.

2/ Tập trả lời câu hỏi cuối bài

3/ Viết từ khó có trong bài (PH chọn những từ bé hay viết sai đọc cho con rèn)

Bài 4: Với từ “hoa hồng” hãy đặt 3 câu theo mẫu:

  • Ai là gì?.................................
  • Ai làm gì?...........................…
  • Ai thế nào?.........................…

Bài 5: Sắp xếp để tạo thành 2 câu có nghĩa: mây trắng, trên bầu trời, bồng bềnh trôi, mây xanh.

  • Câu 1:.................................................................…
  • Câu 2:....................................................................

Bài 6: Đặt câu theo mẫu ai là gì?

Để giới thiệu:

a, Về người mà em yêu quý nhất:....................................

b, Về một đồ chơi mà em yêu thích:..............................…

c, Về một loài hoa mà em yêu thích:....................….........

7. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 7

I) Đọc thầm: Món quà hạnh phúc

Trong khu vườn kia có những chú thỏ con với cặp mắt hồng lóng lánh như hai viên ngọc, đôi tai dài và cái đuôi cộc quây quầy bên Thỏ Mẹ.

Thỏ Mẹ làm lụng quần quật suốt ngày để nuôi đàn con. Bầy thỏ con ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết vâng lời mẹ. Tết sắp đến, chúng bàn nhau chuẩn bị quà tặng mẹ. Sau khi bàn bạc, chúng thống nhất: món quà tặng mẹ mà chúng sẽ cùng làm là một chiếc khăn trải bàn trắng tinh được tô điểm bằng những bông hoa đủ màu sắc mà lộng lẫy. Góc khăn là dòng chữ “Kính chúc mẹ vui, khỏe” được thêu nắn nót bằng những sợi chỉ vàng.

Tết đến, nhận được món quà của đàn con hiếu thảo, Thỏ Mẹ rất cảm động. Nó cảm thấy mình thật hạnh phúc, những mệt nhọc như bay biến đâu mất.

Theo Chuyện của mùa hạ

Khoanh tròn chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

1) Đàn thỏ con sống với:

A) Ông bà ngoại

B) Ông bà nội

C) Thỏ Mẹ

2) Nhân dịp Tết đến, đàn thỏ con bàn với nhau điều:

A) Đi mua quần áo mới tặng mẹ

B) Tự tay làm khăn trải bàn thật đẹp để tặng mẹ

C) Đi mua khăn trải bàn có thêu hoa lộng lẫy để tặng mẹ

3) Trước món quà của đàn con yêu, Thỏ Mẹ cảm thấy:

A) Rất vui sướng

B) Rất vui, thích món quà

C) Rất hạnh phúc, mệt nhọc bay biến

4) Dòng có hình ảnh so sánh là:

A) Những bông hoa đủ màu sắc lộng lẫy.

B) Cặp mắt hồng lóng lánh như hai viên ngọc.

C) Dòng chữ được thêu nắn nót bằng những sợi chỉ vàng.

5) Những từ ngữ trong câu “Những chú thỏ con với cặp mắt hồng lóng lánh như hai viên ngọc, đôi tai dài và cái đuôi cộc đã quây quầy bên Thỏ Mẹ” là từ chỉ đặc điểm:

A) Hồng, lóng lánh, ngọc, dài

B) Hồng, dài, cộc, quây quầy

C) Hồng, lóng lánh, dài cộc

6) Câu được viết theo mẫu “Ai thế nào?” là:

A) Nó cảm thấy mình thật hạnh phúc.

B) Chúng bàn nhau chuẩn bị quà tặng mẹ.

C) Góc khăn là dòng chữ “Kính chúc mẹ vui, khỏe”

II) Chính tả:

Cây bàng

Cây bàng là chiếc nhà con

Bàng thương lũ trẻ, bóng tròn che chung

Cây là cột, cành là khung

Lá xòe bên lá lợp cùng trời xanh

Không tường gió thổi xung quanh

Có bàng, bãi cỏ biến thành sân chơi

Bàng vui mỗi buổi em vui

Hoa vàng quả, quả cũng vàng ơi là vàng.

Hữu Thỉnh

III) Tập làm văn:

1) Em sẽ nói gì khi:

– Bạn bị ốm phải nghỉ học, em chép bài giúp. Bố mẹ bạn cảm ơn em.

.......................................................................................................................

– Em nhường quà và đồ chơi cho em bé, bố mẹ khen em.

.........................................................................................................................

2) Hãy viết một đoạn văn ngắn tả cây hoa mà em thích.

.........................................................................................................................

8. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 8

A/ Kiểm tra đọc (10 điểm)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Kho báu (Trang 83- TV2/ Tập 2)

2. Những quả đào (Trang 91 - TV2/ Tập 2)

3. Cây đa quê hương (Trang 93 - TV2/ Tập 2)

4. Ai ngoan sẽ được thưởng (Trang 100 - TV2/ Tập 2)

5. Chuyện quả bầu (Trang 107 - TV2/ Tập 2)

6. Bóp nát quả (Trang 124 - TV2/ Tập 2)

7. Người làm đồ chơi (Trang 133 - TV2/ Tập 2)

8. Đàn Bê của anh Hồ Giáo (Trang 136 - TV2/ Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm) (35 phút)

Đọc thầm bài sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

Cô gái đẹp và hạt gạo

Ngày xưa, ở một làng Ê - đê có cô Hơ - bia xinh đẹp nhưng rất lười biếng. Cô lại không biết yêu quý cơm gạo. Một hôm, Hơ - bia ăn cơm để cơm đổ vãi lung tung. Thấy vậy, cơm hỏi:

- Cô đẹp là nhờ cơm gạo, sao cô khinh rẻ chúng tôi thế?

Hơ - bia giận dữ quát :

- Tôi đẹp là nhờ công mẹ công cha chớ đâu thèm nhờ đến các người.

Nghe nói vậy, thóc gạo tức lắm. Đêm khuya, chúng rủ nhau bỏ cả vào rừng. Hôm sau, biết thóc gạo giận mình bỏ đi, Hơ - bia ân hận lắm. Không có cái ăn, Hơ - bia phải đi đào củ, trồng bắp từ mùa này sang mùa khác, da đen xạm.

Thấy Hơ - bia đã nhận ra lỗi của mình và biết chăm làm, thóc gạo lại rủ nhau kéo về. Từ đó, Hơ - bia càng biết quý thóc gạo, càng chăm làm và xinh đẹp hơn xưa.

Theo Truyện cổ Ê - đê

1. Hơ-bia là một cô gái như thế nào?

A. Xinh đẹp, chăm chỉ

B. Xấu xí, lười biếng

C. Nhút nhát, tự ti

D. Xinh đẹp nhưng lười biếng

2. Vì sao thóc gạo bỏ Hơ-bia đi vào rừng? (0.5 điểm)

A. Vì thóc gạo thích đi chơi.

B. Vì Hơ-bia khinh rẻ thóc gạo.

C. Vì Hơ-bia đuổi thóc gạo đi

D. Vì Hơ-bia không chơi với thóc gạo

3. Thóc gạo bỏ đi vào lúc nào? (0.5 điểm)

A. Sáng sớm

B. Buổi trưa

C. Chiều tối

D. Đêm khuya

4. Sau khi thóc gạo bỏ đi, Hơ-bia sống như thế nào? (0.5 điểm)

A. Hơ-bia tự mình ra chợ mua thêm thóc gạo về ăn

B. Hơ-bia khóc òa òa đòi cha mẹ đi tìm thóc gạo về

C. Hơ-bia ân hận, phải đào củ trồng bắp nên da đen xạm.

D. Hơ-bia chạy vào rừng bắt thóc gạo trở về

5. Sau khi thóc gạo trở về, Hơ-bia thay đổi như thế nào? (0.5 điểm)

A. Hơ-bia càng biết quý thóc gạo, càng chăm làm và càng xinh đẹp hơn xưa.

B. Hơ-bia lại tiếp tục khinh thường thóc gạo và vung vãi cơm gạo.

C. Hơ-bia ngày càng giàu có vì có nhiều thóc gạo trong nhà.

D. Hơ-bia đón cha mẹ đến nhà sống để cùng ăn cơm gạo với mình

6. Các từ chỉ đặc điểm trong câu “Ngày xưa, ở một làng Ê-đê có cô Hơ-bia xinh đẹp nhưg rất lười biếng.” là: (0.5 điểm)

A. Xinh đẹp

B. Xinh đẹp, lười biếng

C. Lười biếng

D. Hơ-bia

7. Em rút ra bài học gì từ câu chuyện trên? (0.5 điểm)

8. Đặt câu hỏi cho bộ phận gạch dưới trong câu: (1 điểm)

Đêm khuya, chúng rủ nhau bỏ cả vào rừng.

9. Tìm từ thích hợp chỉ muông thú điền vào chỗ trống: (1 điểm)

- Đầu .... đuôi chuột.

- Mặt nhăn như ... ăn ớt.

- Nói như ....

- Nhát như ....

B/ Kiểm tra viết (10 điểm)

1/ Chính tả: Nghe - viết (4 điểm - 15phút)

Chuyện quả bầu

Từ trong quả bầu, những con người bé nhỏ nhảy ra. Người Khơ-mú nhanh nhảu ra trước. Tiếp đến, người Thái, người Tày, người Nùng, người Mường, người Dao, người Hmông, người Ê-đê, người Ba-na, người Kinh,… lần lượt ra theo.

Đó là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước ta ngày nay.

2/ Tập làm văn ( 6 điểm - 25 phút)

Viết một đoạn văn (4 – 5 câu) kể về nghề nghiệp của người thân trong gia đình em.

Gợi ý:

- Người thân của em làm nghề gì?

- Người thân của em làm việc đó như thế nào?

- Nghề đó có ích lợi như thế nào?

Đáp án

A/Kiểm tra đọc (10 điểm)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

2/Đọc hiểu: (6 điểm)

1. (0.5 điểm) D. Xinh đẹp nhưng lười biếng

2. (0.5 điểm) B. Vì Hơ-bia khinh rẻ thóc gạo.

3. (0.5 điểm) D. Đêm khuya

4. (0.5 điểm) C. Hơ-bia ân hận, phải đào củ trồng bắp nên da đen xạm.

5. (0.5 điểm) A. Hơ-bia càng biết quý thóc gạo, càng chăm làm và càng xinh đẹp hơn xưa.

6. (0.5 điểm) B. Xinh đẹp, lười biếng

7. (1 điểm) Trả lời đúng ý một trong các ý sau:

- Cần phải quý trọng hạt gạo và chăm chỉ làm việc.

- Cần biết nhận lỗi và sửa lỗi.

- Cần chăm chỉ học hành và yêu quý mọi người xung quanh.

8. (1 điểm)

Chúng rủ nhau bỏ cả vào rừng khi nào?

9. (1 điểm)

- Đầu voi đuôi chuột.

- Mặt nhăn như khỉ ăn ớt.

- Nói như vượn

- Nhát như cáy

B/ Kiểm tra viết (10 điểm)

1/Chính tả: (nghe viết) (4 điểm )

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng,viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi ): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch , đẹp: 1 điểm

2/ Tập làm văn: (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau: (4 điểm)

+ Người thân của em làm nghề gì?

+ Người thân của em làm việc đó như thế nào?

+ Nghề đó có ích lợi như thế nào?

+ Suy nghĩ của em về công việc của người đó

- Hình thức: (2đ)

+ Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5đ

+ Dùng từ, đặt câu tốt: 1 đ

+ Bài viết có sáng tạo: 0.5 đ

Bài làm tham khảo :

Dì Ngân của em là cô giáo vùng cao. Mỗi sáng dì phải thức dậy từ rất sớm, vượt qua con đường nhiều dốc đèo mới tới được ngôi trường nhỏ. Dì yêu thương học sinh của mình như con vì hoàn cảnh của các bạn ấy rất khó khăn. Mỗi mùa đông tới, dì Ngân lại kêu gọi mọi người dưới xuôi ủng hộ áo quần để giúp đỡ các bạn nhỏ. Em rất khâm phục dì. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo giống như dì.

Ngoài Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 2 trên. Các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi hay và chất lượng, các dạng toán nâng cao hay và khó dành cho các em lớp 2 hoặc các bài tập nâng cao Tiếng Việt 2 và bài tập nâng cao Toán 2 mà Tìm Đáp Án đã đăng tải. Chúc các em học tốt môn Tiếng Việt 2.

III. Đề thi học kì 2 lớp 2 Các môn




Xem thêm