Đề kiểm tra học kì 1 lịch sử 12 - Đề số 2 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra học kì 1 lịch sử 12 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề bài

A. TRẮC NGHIỆM (7 điểm)

Câu 1: Tháng 11-2017, các nước thành viên đã kí bản Hiến chương ASEAN nhằm xây dựng ASEAN thành một

A. cộng đồng vững mạnh.

B. cộng đồng kinh tế.

C. trung tâm kinh tế - tài chính.

D. liên minh kinh tế - chính trị.

Câu 2: Tháng 9-1929, những người giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt tuyên bố thành lập

A. Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

B. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

C. Đông Dương Cộng sản đảng.

D. An Nam Cộng sản đảng.

Câu 3: Để giải quyết nạn đói sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có biện pháp trước mắt nào?

A. Kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân thế giới.

B. Kêu gọi nhân dân cả nước “Nhường cơm sẻ áo”.

C. Tịch thu gạo của người giàu chia cho người nghèo.

D. Tăng gia sản xuất trong cả nước.

Câu 4: Vận dụng linh hoạt và thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp quốc, Đảng ta xác định mục tiêu đối ngoại tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII là (Trích những điểm mới trong văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, trang 88)

A. “Vì lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết, mở rộng quan hệ quốc tế trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi”.

B. “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”.

C. “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, mở rộng quan hệ trên cơ sở luật pháp quốc tế và hai bên cùng có lợi”.

D. “Đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, bình đẳng, mở rộng quan hệ quốc tế và nguyên tắc các bên cùng có lợi”.

Câu 5: Yếu tố khách quan nào đã tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong những năm 1936-1939?

A. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện, chuẩn bị gây Chiến tranh thế giới thứ hai.

B. Ở Đông Dương có toàn quyền mới.

C. Chính phủ Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp.

D. Pháp cử một phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương.

Câu 6: Dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp, nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến như thế nào?

A. Phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong ngành công nghiệp.

B. Có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

C. Kinh tế phát triển đồng đều giữa các vùng miền.

D. Phát triển mất cân đối, bị kìm hãm và lệ thuộc kinh tế Pháp.

Câu 7: Nội dung nào phản ánh ý nghĩa bao quát nhất sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930?

A. Mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng.

B. Chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối của cách mạng.

C. Kết thúc sự khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc.

D. Mở ra thời kì mới, thời kì độc lập dân tộc.

Câu 8: Đâu là yếu tố khách quan giúp Nhật Bản có thêm cơ hội để phát triển đất nước trong những năm 1950-1953?

A. Nhật Bản coi trọng nhân tố con người, xem đây là nhân tố quyết định hàng đầu.

B. Chi phí cho quốc phòng thấp nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho kinh tế.

C. Nhận được đơn đặt hàng của Mĩ trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên.

D. Các công ty của Nhật Bản năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt.

Câu 9: Đâu là kinh nghiệm được Việt Nam rút ra từ sự phát triển kinh tế của các nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?

A. Khai thác triệt để nguồn tài nguyên.

B. Nhận đơn đặt hàng quân sự của các nước lớn.

C. Giảm chi phí cho quốc phòng.

D. Ứng dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật.

Câu 10: Sách lược của Đảng và Chính phủ đề ra cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 2-9-1945 đến trước ngày 6-3-1946 là gì?

A. Nhân nhượng với Trung Hoa Dân quốc để đánh Pháp.

B. Hòa với Pháp và Trung Hoa Dân quốc để chuẩn bị lực lượng.

C. Đánh cả quân Trung Hoa Dân quốc và quân Pháp.

D. Hòa với Pháp để đuổi Trung Hoa Dân quốc.

Câu 11: Ở Việt Nam, trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai, Pháp đầu tư vốn nhiều nhất vào ngành nào?

A. Thương nghiệp.

B. Nông nghiệp.

C. Giao thông vận tải.

D. Thủ công nghiệp.

Câu 12: Tình hình kinh tế Việt Nam trong những năm 1929-1933 ở vào thời kì

A. phát triển nhanh chóng.

B. ổn định, phát triển.

C. suy thoái, khủng hoảng.

D. có bước phát triển mới.

Câu 13: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô bắt tay khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh như thế nào?

A. Nhận được sự giúp đỡ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.

B. Là nước thắng trận, thu được nhiều lợi nhuận trong chiến tranh thế giới.

C. Nhận được sự viện trợ giúp đỡ của phe Đồng minh là Mĩ, Anh, Pháp.

D. Đất nước chịu nhiều tổn thất về người và của, khó khăn nhiều mặt.

Câu 14: Thời cơ “ngàn năm có một” trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được Đảng ta xác định chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ

A. sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh đến khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

B. khi Nhật đảo chính Pháp đến trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

C. trước khi Nhật đầu hàng Đồng minh đến sau khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

D. sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Câu 15: Một trong những hạn chế trong nội dung Luận cương chính trị (10-1930) của Đảng ta là chưa chỉ ra được

A. chiến lược và sách lược cho cách mạng Việt Nam.

B. mối liên hệ của cách mạng Việt Nam với thế giới.

C. khả năng lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân.

D. mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Đông Dương.

Câu 16: Lực lượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là

A. công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức.

B. công nhân, tư sản dân tộc, địa chủ.

C. công nhân và nông dân.

D. công nhân, nông dân, tiểu tư sản, địa chủ.

Câu 17: Đến nửa sau thế kỉ XX, khu vực Đông Bắc Á có ba trong bốn “con rồng” kinh tế châu Á, đó là

A. Ma Cao, Hồng Công, Đài Loan.

B. Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

C. Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan.

D. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Câu 18: Mục đích của Mĩ khi can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong những năm 1950-1954 là nhằm

A. từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.

B. biến chính phủ Bảo Đại thành bù nhìn.

C. giúp đỡ Pháp trong chiến tranh ở Đông Dương.

D. giúp chính quyền tay sai của Mĩ ở Đông Dương.

Câu 19: Mục đích lớn nhất của Mĩ khi tiến hành “Chiến tranh lạnh” là gì?

A. Buộc các nước Đồng minh lệ thuộc hoàn toàn vào Mĩ.

B. Thực hiện thành công “Chiến lược toàn cầu” làm bá chủ thế giới.

C. Ngăn chặn và tiến tới tiêu diệt các nước xã hội chủ nghĩa.

D. Đàn áp phong trào cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Câu 20: Ý nào không phản ánh đúng những thách thức khi Việt Nam gia nhập ASEAN?

A. Nền kinh tế có nhiều chuyển biến, vị trí quốc tế thay đổi.

B. Nền kinh tế bị cạnh tranh, bản sắc văn hóa có nguy cơ xói mòn.

C. Kẻ thù thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”.

D. Lệ thuộc vốn đầu tư, chịu tác động của khủng hoảng kinh tế bên ngoài.

Câu 21: Đại hội lần thứ VII (7-1935) của Quốc tế Cộng sản đã xác định kẻ thù nguy hiểm trước mắt của nhân dân thế giới là

A. chủ nghĩa đế quốc.

B. chủ nghĩa đế quốc, thực dân.

C. chủ nghĩa phát xít.

D. bọn phản động thuộc địa.

Câu 22: Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm những nước nào?

A. Liên Bang Nga, Mĩ, Anh, Đức, Trung Quốc.

B. Liên Bang Nga, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc.

C. Liên Bang Nga, Mĩ, Anh, Pháp, Đức.

D. Liên Bang Nga, Mĩ, Nhật, Pháp, Trung Quốc.

Câu 23: Nước nào khởi đầu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai?

A. Anh.                       B. Mĩ.

C. Nhật Bản.               D. Đức.

Câu 24: Có tinh thần cách mạng triệt để, có ý thức tổ chức kỉ luật cao, gắn bó với nền sản xuất hiện đại, có mối quan hệ gắn bó với nông dân. Đây là đặc điểm của giai cấp nào ở Việt Nam?

A. Tư sản.

B. Địa chủ phong kiến.

C. Công nhân.

D. Tiểu tư sản.

Câu 25: Pháp chuẩn bị tiến công lên Việt Bắc lần thứ hai để nhanh chóng kết thúc chiến tranh bằng kế hoạch

A. Rơ-ve.

B. Đờ Lát đơ Tátxinhi.

C. Nava.

D. Bôlae.

B. TỰ LUẬN (3 điểm)

Câu 1. Từ năm 1920 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập những tổ chức cách mạng nào?

Kể ra những vai trò lớn của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1920-1930 đối với cách mạng Việt Nam.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

A. TRẮC NGHIỆM

1.A

2.A

3.B

4.B

5.C

6.D

7.A

8.C

9.D

10.A

11.B

12.C

13.D

14.D

15.D

16.A

17.C

18.A

19.B

20.A

21.C

22.B

23.B

24.C

25.A

 

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 32.

Cách giải:

Tháng 11-2007, các nước thành viên đã kí bản Hiến chương ASEAN nhằm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng vừng mạnh.

Chọn đáp án: A

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 87.

Cách giải:

Tháng 9-1929, những người giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Chọn đáp án: A

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 123.

Cách giải:

Để giải quyết nạn đói, Chính phủ đề ra nhiều biện pháp cấp thời như tổ chức quyến góp, điều hòa thóc gạo giữa các địa phương trong cả nước, nghiêm trị những kẻ đầu cơ tích trữ gạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước “nhường cơm sẻ áo”.

Chọn đáp án: B

Chú ý:

Đáp án D: là biện pháp lâu dài để giải quyết nạn đói.

Câu 4.

Phương pháp: Liên hệ.

Cách giải:

So với đường lối đối ngoại được nêu trong Văn kiện Đại hội XI, đường lối đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XII có 8 điểm mới. Trong đó có điểm mới là mục tiêu đối ngoại được đề cập rõ hơn và ở mức cao nhất. Mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” được nêu lần đầu trong Văn kiện Đại hội XI. Văn kiện Đại hội XII làm rõ hơn và phát triển thành “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”.

Qua đó, Đảng ta khẳng định:

- Thứ nhất, lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là đồng nhất.

- Thứ hai, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, không phải là những lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi.

- Thứ ba, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc phải là nguyên tắc tối cao của mọi hoạt động đối ngoại.

- Thứ tư, mục tiêu của mọi hoạt động đối ngoại là phải bảo đảm một cách tối cao lợi ích quốc gia - dân tộc.

Chọn đáp án: B

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 98, suy luận.

Cách giải:

Nguyên nhân khách quan (tình hình thể giới) tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong những năm 1936 – 1939 là: Tháng 6 /1936, Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, thi hành cải cách tiến bộ ở thuộc địa. Đối với Đông Dương, Pháp cử phái đoàn sang điều tra tình hình, cử Toàn quyền mới, nới rộng quyền tự do báo chí … tạo thuận lợi cho nhân dân Việt Nam đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Chọn đáp án: C

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 77, 78.

Cách giải:

Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, nền kinh tế của tư bản Pháp ở Đông Dương có bước phát triển mới. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn mất cân đối. Sự chuyển biến ít nhiều về kinh tế chỉ có tính chất cục bộ ở một số vùng, còn lại phổ biến vẫn trong tình trạng lạc hậu, nghèo nàn. Kinh tế Đông Dương bị cột chặt vào nền kinh tế Pháp và là thị trường độc chiếm của Pháp.

Chọn đáp án: D

Câu 7.

Phương pháp: Phân tích, đánh giá.

Cách giải:

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam:

- Chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối và giai cấp của cách mạng Việt Nam.

- Đảng ra đời vạch ra phương pháp cách mạng đúng đắn, dùng phương pháp đấu tranh cách mạng bạo lực của quần chúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nhờ đó mà ta biết xây dựng và sử dụng 2 lực lượng chính trị và vũ trang tiến hành khởi nghĩa

- Đảng ra đời xây dưng lực lượng cho cách mạng mà chủ yếu là liên minh công nông.

=> Liên minh công - nông là nhân tố cơ bản cho chiến thắng cách mạng Việt Nam. 

- Đảng ra đời xây dựng được bạn đồng minh mới, đoàn kết khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Nhờ vậy đã nhận được sự ủng hộ to lớn, tạo ra được sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù. 

=> Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu có tính chất quyết định cho bước phát triển của cách mạng về sau.

Chọn đáp án: A

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 55, suy luận.

Cách giải:

- Đáp án A, B, D: là nhân tố chủ quan đưa đến sự phát triển kinh tế của Nhật Bản giai đoạn 1953 – 1973.

- Đáp án C: là một trong những nhân tố khách quan quan trọng đưa đến sự phát triển của Nhật Bản, thời gian 1950 – 1953 đang diễn ra cuộc chiến tranh Triều Tiên có sự chi phối của trật tự hai cực hai phe. Mĩ đã đặt hàng những vũ khí chiến tranh từ Nhật Bản => Trong những năm này Nhật Bản thu được nhiều nguồn lợi, đưa nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng.

Chọn đáp án: C

Câu 9.

Phương pháp: Liên hệ.

Cách giải:

Sau Chiến tranh thế giới, các nước phát triển, đặc biệt là các nước tư bản chủ nghĩa đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học – kĩ thuật hiện đại vào sản xuất giúp tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là Mĩ, Nhật Bản và các nước Tây Âu đã trở thành những trung tâm kinh tế tài chính của thế giới. Chính vì thế với Việt Nam, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần ứng dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật vào sản xuất.

Chọn đáp án: D

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 127, 128.

Cách giải:

Chính sách của Đảng ta với Trung Hoa Dân Quốc và Pháp trải qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: (2/9/1945 – 6/3/1946): Hòa hoãn với Trung Hoa Dân quốc để tập trung đánh Pháp ở miền Nam.

- Giai đoạn 2: (6/3/1946 – 19/12/1946): Hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Trung Hoa Dân quốc về nước.

Chọn đáp án: A

Câu 11.

Phương pháp: sgk trang 77, suy luận.

Cách giải:

Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, Pháp đầu tư vốn nhiều nhất vào nông nghiệp, đặc biệt là cho đồn điền cao su. Tư bản Pháp cũng rất coi trọng việc khai mỏ, trước hết là mỏ than.

Chọn đáp án: B

Câu 12.

Phương pháp: sgk trang 90.

Cách giải:

Đáp án C: Do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933, kinh tế Việt Nam bước vào thời kì suy thoái, khủng hoảng bắt đầu từ nông nghiệp.

Chọn đáp án: C

Chú ý:

Đáp án D: là tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 1936 – 1939.

Câu 13.

Phương pháp: sgk trang 10, suy luận.

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế với nhiều khó khăn:

- Chịu tổn thất nặng nề: trên 27 triệu người chết, 1710 thành phố, 70 ngàn làng mạc bị tàn phá và tiêu huỷ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đất nước bị chậm lại khoảng 10 năm trong công cuộc phát triển kinh tế

- Các nước phương Tây (do Mỹ cầm đầu) đã thực hiện chính sách thù địch với Liên Xô bao vây kinh tế, phát động “Chiến tranh lạnh” chạy đua vũ trang, chuẩn bị cuộc chiến tranh tổng lực nhằm tiêu diệt Liên Xô và các nước Chủ nghĩa xã hội

Chọn đáp án: D

Câu 14.

Phương pháp: suy luận.

Cách giải:

Thời cơ “ngàn năm có một” để nhân dân Việt Nam tổng khởi nghĩa giành chính quyền chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ khi Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật. Vì nếu như nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền khi quân Đồng minh đã vào tức là Việt Nam đang vi phạm luật pháp quốc tế và chính quyền được lập ra cũng không được coi là hợp pháp.

Chọn đáp án: D

Câu 15.

Phương pháp: sgk trang 95.

Cách giải:

Một trong những hạn chế của Luận cương chính trị (10-1930) là chưa nêu được mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Đông Dương, không đưa được ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu mà nặng về đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất.

Chọn đáp án: D

Chú ý:

- Đáp án A: Luận cương chính trị (10-1930) đã nêu được đường lối chiến lược và sách lược cho cách mạng, giống với Cương lĩnh chính trị đầu tiên. 

- Đáp án B: Luận cương chính trị (10-1930) nêu rõ mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

- Đáp án C: Luận cương chính trị (10-1930) xác định lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản.

Câu 16.

Phương pháp: sgk trang 88, suy luận.

Cách giải:

Lực lượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là công nhân nông dân, tiểu tư sản, trí thức; còn phú nông, trung và tiểu địa chủ, tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập họ.

Chọn đáp án: A

Câu 17.

Phương pháp: sgk trang 20.

Cách giải:

Trong bốn “con rồng” kinh tế ở châu Á thì Đông Bắc Á có ba: Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan còn Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chọn đáp án: C

Câu 18.

Phương pháp: phân tích, nhận xét.

Cách giải:

- Ngày 8-5-1950, Mĩ đồng ý viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp nhằm từng bước nắm quyền điều khiển trực tiếp chiến tranh Đông Dương.

- Ngày 23-12-1950, Mĩ kí với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương nhằm từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.

- Từ 1953 đến 1954, trước tình thế sa lầy của Pháp, Mĩ càng can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ép Pháp kéo dài và mở rộng chiến tranh, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp.

=> Mục đích sâu xa của Mĩ khi can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương trong những năm 1950 - 1954 là từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.

Chọn đáp án: A

Câu 19.

Phương pháp: Phân tích, đánh giá.

Cách giải:

* Bối cảnh lịch sử:

- Sau chiến tranh thế giới thứ II, phong trào cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc thế giới phát triển mạnh mẽ.

- Các nước Đông Âu và Liên Xô hợp thành hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày càng hùng mạnh ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn.

- Ngày 12/3/1947, Tổng thống Mỹ Truman chính thức phát động cuộc “chiến tranh lạnh”. Trong đó khẳng định: Sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với Mỹ… (Học thuyết Truman, SGK tr86)

- Đó là cuộc chạy đua vũ trang rất quyết liệt giữa hai khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

* Mục đích cuộc “chiến tranh lạnh”.

 Mỹ cấu kết với các nước tư bản phương Tây chống các nước xã hội chủ nghĩa, chống phong trào cách mạng thế giới để thực hiện chiến lược toàn cầu, chống Chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh lạnh là cụ thể hóa của chiến lược toàn cầu => âm mưu làm bá chủ thế giới.

=> Mục đích lớn nhất của Mĩ khi tiến hành Chiến tranh lạnh là thực hiện thành công “Chiến lược toàn cầu” làm bá chủ thế giới.

Chọn đáp án: B

Câu 20.

Phương pháp: nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

- Đáp án B, C, D: là những thách thức của Việt Nam khi gia nhập ASEAN.

- Đáp án A: là thuận lợi của Việt Nam khi gia nhập ASEAN. Gia nhập ASEAN tạo điều kiện cho Việt Nam được hòa nhập vào cộng đồng khu vực, tham gia thị trường các nước Đông Nam Á. Chúng ta có thể thu hút vốn đầu tư, mở ra cơ hội giao lưu học tập, tiếp thu trình độ khoa học kĩ thuật, công nghệ tiến tiến và văn hóa của các nước để phát triển.

Chọn đáp án: A

Câu 21.

Phương pháp: sgk trang 98.

Cách giải:

Đại hội lần thứ VII (7-1935) của Quốc tế Cộng sản đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó: xác định kẻ thù trước mắt của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít.

Chọn đáp án: C

Chú ý:

Chế độ phản động thuộc địa là một trong những mục tiêu đấu tranh trước mắt của Việt Nam giai đoạn 1936 – 1939, theo nội dung của Hội nghị tháng 7-1937 do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì.

Câu 22.

Phương pháp: sgk trang 7.

Cách giải:

Năm uy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bao gồm: Liên Bang Nga, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc.

Chọn đáp án: B

Câu 23.

Phương pháp: sgk trang 43.

Cách giải:

Mĩ là nước khởi đầu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Chọn đáp án: B

Câu 24.

Phương pháp: sgk trang 78, suy luận.

Cách giải:

Có tinh thần cách mạng triệt để, có ý thức tổ chức kỉ luật cao, gắn bó với nền sản xuất hiện đại, có mối quan hệ gắn bó với nông dân. Đây là đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam.

Chọn đáp án: C

Câu 25.

Phương pháp: sgk trang 136.

Cách giải:

Với kế hoạch Rơ-ve, Pháp chuẩn bị một kế hoạch quy mô lớn tiến công Việt Bắc lần thứ hai, mong giành thắng lợi để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Chọn đáp án: A

B. TỰ LUẬN

Câu 1

Phương pháp: Nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

* Những tổ chức cách mạng được Nguyễn Ái Quốc sáng lập từ năm 1920 đến năm 1930:

- Năm 1921, tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa, báo Người cùng khổ (1922)

- Sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925), ….

* Những vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1920 – 1930 đối với cách mạng Việt Nam:

- Tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, con đường cách mạng vô sản.

- Chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng.

- Triệu tập và chủ trì hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản và thành lập một Đảng duy nhất là: Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Soạn thảo cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến