Nghị luận xã hội: Học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng để đi đến thành công là tài liệu văn mẫu lớp 12 hay, hướng dẫn các em nêu suy nghĩ về ý kiến: “Một thực tế phổ biến hiện nay là với đa phần giới trẻ các trường nghề chỉ được coi là lựa chọn cuối cùng khi giấc mơ gõ cửa các trường đại học của họ không đạt được”. Hi vọng qua việc đọc các bài văn mẫu hay về quan điểm lựa chọn nghề nghiệp, các bạn đã có những cái nhìn đúng đắn cũng như có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình được phong phú và có sức thuyết phục hơn.

Nghị luận bàn về việc lựa chọn nghề trong tương lai của giới trẻ hiện nay

  • 1. Bài văn nghị luận hay về ý kiến: Học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng để đi đến thành công mẫu 1
  • 2. Bài văn nghị luận suy nghĩ về việc chọn nghề của thanh niên hiện nay mẫu 2
  • 3. Bài văn nghị luận hay về quan điểm: Học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng sau giấc mơ đại học mẫu 3

Đề bài: “Một thực tế phổ biến hiện nay là với đa phần giới trẻ các trường nghề chỉ được coi là lựa chọn cuối cùng khi giấc mơ gõ cửa các trường đại học của họ không đạt được”. (Trích Không thể hội nhập chỉ với kĩ sư, tiến sĩ – Nguyễn Công Thảo, báo Vietnamnet)

Hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên bằng một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ).

1. Bài văn nghị luận hay về ý kiến: Học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng để đi đến thành công mẫu 1

Với mỗi chúng ta, sau khi kết thúc những năm tháng trên ghế nhà trường, mỗi người lại lựa chọn cho mình một con đường riêng để đi tới thành công. Nhưng “Một thực tế phổ biến hiện nay là với đa phần giới trẻ các trường nghề chỉ được coi là lựa chọn cuối cùng khi giấc mơ gõ cửa các trường đại học của họ không đạt được”. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp phải trải qua rất nhiều vất vả, khó nhọc, lao động mệt mỏi mới mong có được cuộc sống đầy đủ. Do đó, suy nghĩ và quan điểm cho rằng: chỉ HỌC, HỌC và HỌC mới có thể giúp mình phát triển, thoát khỏi sự nghèo khó sau lũy tre làng đã trở thành quan niệm ăn sâu vào tiềm thức và suy nghĩ của mỗi người. Vì vậy, đại học luôn là mục tiêu cao nhất và là nơi duy nhất được mọi người theo đuổi, cố gắng mọi giá để đạt được. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện hay may mắn để bước vào cánh cửa đó. Và khi niềm hy vọng bị dập tắt thì nhiều bạn trẻ mang theo sự chán nản, buông xuôi, thất vọng để lựa chọn theo học những trường nghề. Nếu các trường đại học tập trung đào tạo về tri thức nghiên cứu thì kĩ năng là mục tiêu đào tạo của các trường dạy nghề. Nếu xét trên các phương diện thì đây là hai yếu tố chủ đạo để phát triển kinh tế và đều được đề cao như nhau. Nhưng ở Việt Nam thì nghề chỉ được coi là “Chiếu dưới”. Đây không phải một hiện tượng đơn lẻ mà phổ biến trong cả nước. Nói cách khác, nhiều suy nghĩ tiêu cực còn nghĩ rằng vào trường nghề là một thất bại cực kì nặng nề. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết đó là nhận thức. Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi được quan niệm học nghề chỉ dành cho những công việc chân tay vất vả, phục vụ những công việc thiên về thể lực, ít cần đến nghiên cứu hay sáng tạo. Chưa tính đến thực tế hay hiệu quả công việc, trong các cuộc thi quốc tế, Việt Nam chỉ luôn đạt giải và thành tích cao ở những môn thi về lý thuyết còn những bộ môn yêu cầu kĩ năng thì nước ta vẫn rất hiếm khi được vinh danh. Thiết nghĩ, chúng ta cần thay đổi về cả nhận thức và hành động để xóa bỏ ranh giới giữa học đại học và học nghề. Chính sách phát triển nên chú trọng đầu tư thêm cho các trường đào tạo nghề để tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, thực hành của học viên, giúp đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề cao. Mỗi người cũng cần thay đổi nhận thức của mình. Dù là phát triển, đóng góp về tri thức hay lao động để tạo ra những sản phẩm hữu hình, có giá trị và thiết thực thì đều được trân trọng và có một vị trí như nhau. Đã đến lúc loại bỏ quan niệm chỉ đại học mới mang lại hạnh phúc và thành công. Hãy cùng thay đổi để các trường nghề trở thành một trong những lựa chọn tích cực của thế hệ trẻ thay vì con đường tạm thời, mang tính giải pháp khi cánh cửa đại học khép lại.

2. Bài văn nghị luận suy nghĩ về việc chọn nghề của thanh niên hiện nay mẫu 2

Nghề nghiệp là một vấn đề quan trọng đối với mỗi con người khi đủ tuổi trưởng thành biết suy nghĩ. Bởi nghề nghiệp không những đem lại của cải vật chất mà nó còn mang lại cho ta một chỗ dựa vững chắc, giúp cuộc sống của ta được phù hợp hơn với xã hội trong mọi thời đại.

Hiện nay rất nhiều các bạn thanh niên trẻ đang rất băn khoăn về việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân mình. Đặc biệt đối với những bạn vừa học xong cấp ba. Có những bạn muốn bước tiếp vào đại học, học một chuyên ngành mình yêu thích rồi mới xác định đi làm. Còn một số bạn khác lại muốn đi làm để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống dù ít hay nhiều.

Mỗi một con người sinh ra đã khác nhau thì năng lực và trí tuệ cũng khác nhau dẫn đến cách lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người mỗi khác. Có những người muốn lựa chọn cho mình các công việc mà có mức lương cao làm nhanh có nhiều tiền và có những người muốn chọn cho mình một công việc mà mình thích không quan tâm lương ra sao. Có những người ngay từ nhỏ đã muốn trở thành giáo viên, bác sĩ, công an, kĩ sư…và họ đã ra sức học tập rèn luyện để làm được công việc đó.

Dù là lựa chọn công việc gì đi chăng nữa cũng không quan trọng mà quan trọng hơn cả là lương tâm và đạo đức nghề nghiệp phải phù hợp và đúng đắn với xã hội. Mỗi một công việc lại có một khía cạnh, tầm quan trọng khác nhau do vậy mồ hôi công sức và mức thu nhập khác nhau. Có nghề làm ra được nhiều tiền, có nghề làm được ít tiền nhưng những nghề đó sẽ là nền tảng sự nghiệp cho tương lai về sau. Khi con người ta đã có một công việc ổn định trong xã hội cũng đồng nghĩa với việc họ có một vị trí và một tương lai tốt đẹp trong xã hội và người ta gọi đó là thành công. Mà thành công thì rất quan trọng với mỗi người khiến con người ta ai cũng muốn với tới.

Khi ngày nay xã hội ngày càng hiện đại, mở cửa hội nhập với thế giới thì việc lựa chọn nghề nghiệp cho đúng đắn là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không xác định từ trước có khi bạn sẽ trở thành một người thất nghiệp. Để đảm bảo được sự lựa chọn của mình các thanh niên trẻ hiện nay cần xem xét kĩ lưỡng xem xã hội cần gì, đang thiếu và năng lực của mình ra sao có đáp ứng được không thì cơ hội việc làm của bạn chọn là rất dễ.

Hiện nay tình trạng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp nhiều là do mọi người đua nhau học một ngành mà xã hội đã đủ khiến nhiều bạn không xin được việc hay đi làm trái ngành. Điều này làm chúng ta mất rất nhiều thời gian của bản thân. Nếu bạn lựa chọn được và kiên nhẫn thực hiện nó thì bạn sẽ thấy rằng công việc của bạn chọn là không có gì đáng tiếc.

Dù xã hội có ra sao có phát triển đến mấy thì nghề nghiệp là một yếu tố rất quan trọng đối với mỗi người. Nó sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều thứ có thêm thu nhập phụ giúp cho bản thân, gia đình và tạo cho bạn một chỗ dựa ổn định để bạn duy trì trong tương lai.

Như vậy ngay khi còn là một học sinh chúng ta hãy vạch ra cho mình những ước mơ, mục đích rõ ràng rồi cố gắng học tập rèn luyện mình thật tốt để mai sau có một nghề nghiệp ổn định, một chỗ dựa địa vị trong xã hội để trở thành một con người có ích cho đất nước góp phần làm cho xã hội phát triển đi lên giàu mạnh. Và mỗi người cần ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Đây là một vấn đề khó mà ít người có thể xác định đúng ngay từ đầu mà có những người phải trải qua rất nhiều khó khăn thất bại và rút ra được nhiều bài học cho bản thân thì mới xác định được đúng. Vậy nếu chúng ta chọn sai đồng nghĩa chúng ta đang đi trên một con đường khác không phải là thành công làm cho chúng ta bị tụt lùi so với xã hội và dần lâu ngày chúng ta sẽ thấy cuộc sống thật là tẻ nhạt chỉ toàn một màu đen và làm cho cuộc sống không có ý nghĩa.

Nhưng một bộ phận thanh niên nhỏ trong xã hội lại buông thả mình theo những cuộc chơi để rồi xa lánh vào những tệ nạn xã hội. Dẫn đến chọn cho mình những công việc vi phạm pháp luật như buôn bán tàng trữ các chất kích thích như ma túy, buôn bán hàng giả, hàng không có nguồn gốc,…gây ra nhiều hậu quả xấu cho cuộc sống của con người. Những công việc này không chỉ có hại đối với bản thân mà nó còn có hại tới cả gia đình và xã hội. Nó sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước làm cho đất nước không thể phát triển để sánh vai với các cường quốc khác trên thế giới được.

Chính vì thế mà các bạn thanh niên trẻ hiện nay cần cân nhắc thật kĩ trước khi chọn cho mình một công việc nào đó vì những công việc ấy sẽ đi theo bạn, trang trải cho bạn cả về vật chất và tinh thần trong suốt cuộc đời. Và điều đó góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn con người có một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

3. Bài văn nghị luận hay về quan điểm: Học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng sau giấc mơ đại học mẫu 3

Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn, dù thuộc tầng lớp trí thức hay quần chúng bình dân, ai ai cũng coi trọng việc học. Xã hội đặc biệt tôn vinh những người học cao hiểu rộng và trân trọng dành cho họ những chức danh cao đẹp như trạng nguyên, tiến sĩ… và thực sự coi những bậc hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Trước ngưỡng cửa vào đời, thế hệ trẻ ngày nay hầu như ai cũng muốn chọn cho mình con đường vào Đại học và quyết tâm theo đuổi ước mơ ấy đến cùng, dù cánh cửa các trường Đại học có hẹp, dù mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Thậm chí có người còn coi vào Đại học là vấn đề sinh tử. Hiện tượng có tính chất xã hội đó xuất phát từ quan niệm: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai. Phải chăng đó là quan niệm phổ biến và thức thời nhất hiện nay?

Luận điểm này không hoàn toàn đúng vì nó còn có điểm phiến diện, cực đoan. Bởi vì thực tế đã chứng minh không nhất thiết phải tốt nghiệp Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong cuộc sống.

Đại học là bậc học cao nhất của một nền học vấn. Ở Việt Nam cách đây khoảng 800 năm đã xuất hiện trường Đại học đầu tiên đặt tại kinh thành Thăng Long, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm nhưng Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn tồn tại và đã đào tạo cho nước nhà hàng ngàn hiền tài danh tiếng, tiêu biểu như Nguyễn Hiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi… Đó là những nhân vật kiệt xuất đã đem tâm huyết và tài năng phò vua giúp nước, làm vẻ vang, rạng rỡ non sông.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển bậc Đại học. Mấy chục trường Đại học ở miền Bắc đã góp phần đào tạo ra hàng triệu kĩ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo viên, các nhà khoa học, các sĩ quan cao cấp… đóng góp đáng kể vào thắng lợi rực rỡ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

Ngày nay, trong sự nghiệp phát triển đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò của các trường Đại học lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bậc Đại học không chỉ đào tạo trình độ cử nhân mà còn đào tạo trình độ sau Đại học như thạc sĩ, tiến sĩ – những người am hiểu lí thuyết và giỏi thực hành để họ trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau mười hai năm đèn sách, vượt qua bao vất vả gian nan, trên vai mang nặng công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, trước ngưỡng cửa cuộc đời ai cũng mong ước mình sẽ có một tương lai rạng rỡ. Tương lai ấy là gì? Đó là cuộc sống ổn định, có việc làm phù hợp với sở thích, khả năng và ngành nghề mà mình đã được đào tạo, có thu nhập cao, có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Tương lai ấy tạo ra cho bản thân cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, có thể phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà quản lí giỏi, hoặc một nhà khoa học nổi tiếng, nhà doanh nghiệp tài ba, thành đạt…

Để có được cơ sở vững chắc cho việc tạo dựng tương lai thì việc các bạn trẻ chọn cho mình con đường vào Đại học là chính đáng. Bởi vì vào Đại học, chúng ta sẽ được tiếp cận và tiếp thu những tri thức cơ bản về ngành nghề mà ta theo học từ các thầy cô, các giáo sư có trình độ học vấn và chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện phương pháp học tập, phương pháp tư duy và làm việc, phương pháp nghiên cứu khoa học… một cách có bài bản và hệ thống. Vào Đại học, chúng ta sẽ được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực qua những bài tập thực hành trong phòng thí nghiệm, qua việc tiếp xúc với thực tế… Từ nền tảng kiến thức cơ bản đó kết hợp với trái tim tràn đầy nhiệt huyết và óc sáng tạo cùng khao khát khẳng định mình, chúng ta sẽ cống hiến tài năng cho xã hội một cách hiệu quả nhất bằng những sản phẩm, những công trình nghiên cứu thiết thực và hữu ích. Như thế tức là tương lai đang rộng mở trước mắt chúng ta. Từ trước tới nay đã có nhiều thiên tài trên thế giới trưởng thành từ môi trường Đại học như nhà sinh vật học Đác-uyn, nhà vật lí học Xi-ôn-cốp-xki, nhà hóa học Ma-ri-quy-ri, Men-đê-lê-ép, nhà bác học Anh-xtanh…

Trong thời buổi hội nhập toàn cầu như hiện nay, với những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về học vấn, trí tuệ, về năng lực sáng tạo… thì không ai có thể phủ nhận việc mỗi người phải trang bị cho mình ít nhất một tấm bằng Đại học. Được học Đại học, nhất là được vào những trường Đại học danh tiếng trên thế giới và trong nước vẫn là khát khao, mơ ước của rất nhiều người, vì đó là con đường ngắn nhất để đi đến tương lai.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê sơ bộ của một nhà xã hội học thì ở nước ta, mỗi năm chỉ có 20% học sinh thi đậu Đại học và chưa đến 50% sinh viên tốt nghiệp Đại học kiếm được việc làm. Số còn lại hoặc thất nghiệp, hoặc phải làm nghề trái tay, có khi chẳng liên quan gì tới lĩnh vực chuyên môn đã được đào tạo. Vì thế nên trước thực tế đa dạng và phức tạp của cuộc sống có khoảng cách khá xa với những gì đã được học, họ trở nên bị động, lúng túng, không đủ khả năng làm việc. Một số khác phải bỏ học giữa chừng vì năng lực kém hoặc điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là khi học xong Đại học, bước vào đời ta còn phải được bạn, được thầy giúp đỡ. Bên cạnh đó, yếu tố may mắn cũng rất đáng kể trên con đường dẫn tới thành công trong sự nghiệp. Những điều đó cho thấy con đường vào đại học không phải là lựa chọn duy nhất, tốt nhất để con người có được tương lai tốt đẹp.

Vì vậy, ngưỡng cửa cuộc đời của mỗi thanh niên không chỉ giới hạn ở cổng trường Đại học mà còn rộng mở với biết bao cơ hội ở các trung tâm, các trường trung cấp hay cao đẳng dạy nghề. Nhu cầu cuộc sống phát triển ngày càng cao đòi hỏi xã hội phải có một đội ngũ lao động đông đảo, đa nghề và đa trình độ. Bên cạnh các trường Đại học còn có các trường đào tạo thợ cho các ngành nghề. Ví dụ: Cùng làm việc với bác sĩ cần có y tá, y sĩ, diều dưỡng viên. Cùng làm việc với kĩ sư cần có kĩ thuật viên, thợ lành nghề… Những ê-kíp lao động ăn ý và có trình độ sẽ bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác cao. Thu nhập từ công việc đang làm sẽ giúp những ai vẫn theo đuổi ước mơ vào Đại học có điều kiện biến ước mơ thành hiện thực.

Ước mơ vào Đại học là chính đáng và cao đẹp, nhưng không nhất thiết chỉ có vào Đại học thì thanh niên mới thực hiện được mơ ước của mình. Chúng ta có thể vươn lên trình độ Đại học bằng nhiều con đường khác nhau. Thực tế chứng minh rằng không phải cứ tốt nghiệp Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong sự nghiệp. Nhiều công nhân, nông dân tuy ít học nhưng qua quá trình làm việc, tự học, tự tìm tòi đã sáng chế ra máy cấy, máy gặt, máy hút bùn, máy nghiền xơ dừa, thậm chí cả… máy bay. Nhiều học sinh nghèo chưa có điều kiện thi vào Đại học đã chọn con đường vừa học vừa làm, phấn đấu từ trung cấp, cao đẳng lên Đại học và họ đã trở thành những kĩ sư, bác sĩ, giảng viên, giám đốc doanh nghiệp, doanh nhân giỏi… Con đường tuy xa nhưng cuối cùng họ vẫn đến đích, vẫn thực hiện được ước mơ của đời mình. Vì vậy, không nhất thiết sau khi học xong bậc Trung học phổ thông, học sinh nào cũng phải vào Đại học. Điều quan trọng hơn cả là mỗi người cần xác định cho mình một hướng đi đúng đắn, thích hợp; có quyết tâm, ý chí tự học để không ngừng vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận.

Thomas Edison, người đã có hàng ngàn phát minh quan trọng làm thay đổi bộ mặt thế giới như bóng đèn diện, máy chiếu phim, máy quay phim… nhưng mới chỉ học hết bậc Tiểu học. Henry Ford học xong Trung học vì gia đình khó khăn nên phải vào làm thợ trong một xưởng máy, nhưng ông đã trở thành nhà chế tạo xe hơi nổi tiếng. Quyền lực tài chính của ông bao trùm và ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới trong suốt một thời gian dài. Những trường Đại học của Chủ tịch Hội nhà văn Xô-viết Macxim Gorki chính là những năm tháng dằng dặc lăn lộn kiếm sống trong cuộc đời và mày mò tự học. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải rời ghế nhà trường sớm để ra đi tìm đường cách mạng cứu nước. Nhưng với quyết tâm tự học, Bác đã có trình độ học vấn uyên thâm, nói và viết thông thạo nhiều thứ tiếng và trở thành lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của thế kỉ XX, được tổ chức UNESCO suy tôn tà Danh nhân văn hóa thế giới. Đến nay, nhiều trường Đại học trong và ngoài nước vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một điển hình của thời đại ngày nay mà nhiều người đều biết và hâm mộ là Bill Gates – “ông trùm” của lĩnh vực phần mềm vi tính, người đã tạo nên thương hiệu Microsoft nổi tiếng toàn cầu. Đang là sinh viên trường Đại học Harvard danh tiếng, ông bỏ dở việc học hành để theo đuổi dam mê việc lập trình máy tính và giờ đây, ở tuổi năm mươi, ông đã trở thành một trong những người tài giỏi và giàu có nhất hành tinh.

Con đường dẫn đến thành công của những thiên tài ấy là gì? Đúng như Thomas Edison đã khẳng định: Thiên tài được hình thành là nhờ 1% trí thông minh, còn 99% là do sự siêng năng, cần cù. Muốn có được thành công và vinh quang thì trước tiên, chúng ta phải có quyết tâm tự học, tự nghiên cứu, có suy nghĩ sâu sắc, nghị lực mạnh mẽ và niềm khao khát, đam mê cháy bỏng. Bên cạnh đó là tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, sẵn sàng chấp nhận thất bại để rút ra kinh nghiệm đi tới thành công.

Vậy nếu tốt nghiệp Trung học phổ thông mà không thi vào được Đại học thì chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta phải kiên định giữ vững lập trường trong việc lựa chọn cho mình một hướng đi. Có như vậy thì mới có thể an tâm đầu tư cho tương lai. Không nên chạy theo quan điểm cứng nhắc: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai vì thực tế cho thấy cánh cửa Đại học không phải mở rộng với bất cứ ai mà chỉ dành cho những người vừa có năng lực thực sự, vừa có điều kiện vật chất bảo đảm theo học được. Chúng ta nên hiểu rằng học vấn, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, còn sự nỗ lực không ngừng của bản thân mới là điều kiện bảo đảm cho sự thành đạt trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Như vậy, không thi đậu vào Đại học không có nghĩa là cánh cửa tương lai đã đóng lại trước mắt chúng ta.

Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải có lí tưởng, mục đích sống đúng đắn, rõ ràng thì mới tự tin hướng tới tương lai. Thử ngẫm xem nếu ai cũng vào Đại học thì xã hội sẽ ra sao? Cho nên mỗi người cần xem xét kĩ năng lực, năng khiếu, sự hiểu biết, niềm đam mê, khát vọng của bản thân. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rõ và tự tin, tự hào về công việc mình đang làm. Đồng thời, chúng ta cần phải có sự say mê tìm tòi, nghiên cứu, phải năng động, sáng tạo và có phương pháp làm việc khoa học thì mới sáng tạo ra những công trình nghiên cứu, những sản phẩm mới phục vụ hữu ích cho cuộc sống con người. Nếu hăng say, toàn tâm toàn ý với công việc và luôn phấn đấu vươn lên thì dù ở bất cứ vị trí nào, tài năng của chúng ta sẽ được khẳng định. Thanh niên là lứa tuổi có khả năng và sức mạnh dời non lấp bể là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên không chỉ tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mà còn phải góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

Học hành là sự nghiệp của cả đời người chứ không chỉ dừng lại ở tuổi trẻ. Biển học không bờ (Khổng Tử). Lê-nin đã khuyên thanh niên: Học, học nữa, học mãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rất nhiều cách học có ích: Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân. Chúng ta phải học thường xuyên, học ở mọi nơi mọi lúc… để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ chuyên môn. Ông cha ta đã dạy: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Trong xã hội thường có rất nhiều nghề, nghề nào cũng quý, cũng đẹp. Người xưa đã khẳng định: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Hoặc: Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu. Cho nên chúng ta không nên quan trọng hóa việc bắt buộc phải vào Đại học. Nền công nghiệp tiên tiến, nền kinh tế trí thức đang mở ra muôn nghìn cơ hội cho tuổi trẻ. Xã hội Việt Nam đang dần dần trở thành một xã hội coi trọng chất xám. Chúng ta hãy làm giàu trí tuệ, năng lực của mình bằng con đường tự học. Như vậy thì mỗi người mới khẳng định được mình là một công dân có ích, có vị trí xứng đáng trong xã hội, không tụt hậu so với bạn bè và thời đại.

----------------------

Ngoài các bài văn mẫu Nghị luận xã hội: Học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng để đi đến thành công, các bạn đừng quên tham khảo thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà TimDapAnđã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 hiệu quả.

Các tài liệu liên quan:

  • Nghị luận xã hội về câu nói: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới
  • Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Nhân bất học bất tri lý
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Cái gì cũng nhàm chán cả trừ học hỏi
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!