Đề thi thử Ngữ văn năm 2019

TimDapAnxin giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Bỉm Sơn - Thanh Hóa lần 1. Tài liệu kèm theo đáp án sẽ giúp các bạn học tốt Ngữ văn 12 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Có những thứ bạn tìm trên Google không thấy

Đối với nhiều người, cuộc cách mạng kĩ thuật số đã trao cho máy vi tính - máy tính bàn, máy tính xách tay và các thiết bị cầm tay - quyền kiểm soát. Con chíp silicon trở thành bá chủ, không phải vì các phương tiện truyền thông không buông tha ta mà vì chúng ta không thể dời xa nó. Tôi chẳng khác gì các bạn. Tôi cũng làm việc online. Tôi dùng trình duyệt để đặt chuyến bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán hóa đơn, lên lịch cuộc hẹn, theo dõi chứng khoán và xem tin tức. Nhưng tôi không ngại chuyện phải ngắt liên kết. Điện thoại di động của tôi thường xuyên tắt. Ngoại trừ những chuyến công tác, bình thường tôi bỏ máy tính xách tay ở nhà. Thỉnh thoảng mấy ngày tôi mới kiểm tra e-mail một lần, đặc biệt vào cuối tuần. Đồng nghiệp nghĩ tôi là người cổ lỗ sĩ, nhưng tôi thấy vậy thật tuyệt.

Có hôm khi đang rảo bộ trong khuôn viên trường đại học Virginia, tôi vô cùng thích thú với tiết trời khô lạnh và những chiếc lá đang chuyển vàng, cam rồi sang đỏ. Nhưng tôi tự hỏi liệu các bạn sinh viên của trường có nhận thấy điều đó hay không. Mắt dán chặt vào màn hình, tay dính trên bàn phím, họ mê mẩn khám phá những chân trời vô hình, hoàn toàn quên lãng mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Tôi biết một số người có công việc hoặc hoàn cảnh đặc biệt buộc phải kết nối mạng 24/7. Nhưng với hàng triệu người khác thì không cần như vậy. Chúng ta có vẻ ngày càng lo lắng mỗi khi không kết nối được internet. Chúng ta sợ nếu không kiểm tra e-mail, không lướt web, không viết gì đó lên trang cá nhân thì bạn sẽ biến mất.

Những người bị ám ảnh bởi các thiết bị điện tử quên rằng họ có toàn quyền lựa chọn. Họ có thể dứt khỏi sự cám dỗ đó và tập trung vào sự vật/sự việc khác. Vậy bạn hãy làm một cuộc cách mạng quyết liệt đi. Tắt ti-vi. Tắt điện thoại. Và bước ra ngoài trời.

Các nghiên cứu tâm lí suốt hai mươi năm qua cho thấy nếu bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên, bạn sẽ tập trung tốt hơn, nhớ lâu hơn và nhìn chung nâng cao khả năng nhận thức hơn. Tại sao ư? Tôi không biết. Có lẽ như vậy là bình thường… hoặc thư giãn, cũng có thể trong gen con người đã quy định thế. Rõ ràng khi được kết nối lại với mọi người và vạn vật quanh ta, cảm giác thật là tuyệt! Mách nhỏ nhé, bạn không thể tìm thấy điều này trên Google đâu.

(Trên cả giàu có - Julia Guth - Giám đốc điều hành The Oxford Club)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã chỉ ra những lợi ích nào khi “bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên”?

Câu 3: Anh (chị) có đồng tình với giải pháp của tác giả những người bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử được nêu trong đoạn trích: “Bạn hãy làm một cuộc cách mạng quyết liệt đi. Tắt ti-vi. Tắt điện thoại. Và bước ra ngoài trời”.

Câu 4: Theo anh (chị) để trở thành người sử dụng kết nối mạng thông minh chúng ta cần phải làm gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh.

Câu 2: (5.0 điểm)

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Trích Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ văn 12 tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 69-70)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ trên. Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để nhận xét về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền.

Đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Phần Câu Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 3.0
1

Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính: nghị luận

0.5
2 - Những lợi ích khi “bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên”: tập trung tốt hơn, nhớ lâu hơn và nâng cao khả năng nhận thức hơn. 0.5
3

Thí sinh có thể trả lời: đồng tình hay không đồng tình với quan điểm của tác giả nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục. Có thể lựa chọn quan điểm đồng tình với giải pháp của tác giả vì:

- Đó là giải pháp đúng đắn, cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với những người bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử.

- Chúng ta luôn lệ thuộc và bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử sẽ không cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống thực, dần dần sẽ trở nên vô cảm với thế giới xung quanh.

Nghiêm trọng hơn nhiều người có thể mắc chứng bệnh tự kỉ, cuồng online…

1.0
4

Thí sinh có thể trả lời theo quan điểm riêng nhưng phải có lí giải phù hợp. Có thể lựa chọn quan điểm:

- Cần phải biết sử dụng kết nối mạng để phục vụ cho cuộc sống và công việc bởi vì kết nối mạng là công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Bởi, kết nối mạng đem đến cho chúng ta những lợi ích không nhỏ. Như: tìm được những thông tin hữu ích cho công việc và cuộc sống; thư giãn, giải trí; giao lưu, kết nối bạn bè…

Tuy nhiên, đừng để kết nối mạng ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, đừng quá chú tâm, lệ thuộc vào thế giới ảo, cần chú ý đến các mối quan hệ trong đời sống thực, cần có những trải nghiệm thực tế và biết quan tâm đến những người xung quanh.

1.0
II Làm văn 7.0
1 Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh. 2.0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ con người cần kết nối với thế giới xung quanh để thấy được sự phong phú và giàu có cho cuộc sống. Có thể theo hướng sau:

- Xuất phát từ thực tế thế giới ảo đang lấn át cuộc sống của mỗi con người. Nhiều người đã và đang lệ thuộc vào các thiết bị điện tử mà quên đi cuộc sống thực. Dẫn đến, con người thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế; tâm hồn trở nên chai cứng, vô cảm, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm…

- Chỉ khi biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh thì con người mới tìm được ý nghĩa của cuộc sống đích thực; tâm hồn trở nên phong phú và giàu có; biết trân quý cuộc sống… Vì vậy, mỗi cá nhân cần ý thức được sự cần thiết của việc kết nối với thế giới xung quanh; cần có những việc làm cụ thể để kết nối với mọi người và vạn vật xung quanh.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.25

0.25

1.0

0.25

0.25

2

Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ. Từ đó liên hệ với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để nhận xét về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ được trích dẫn; liên hệ với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy; nhận xét về vẻ đẹp của con người Việt Nam.

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

3.5

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ:

- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Đặc điểm hồn thơ: phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa.

- Tây Tiến tiêu biểu cho đời thơ, cho phong cách thơ Quang Dũng; một trong số tác phẩm thành công nhất viết về người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được viết vào cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh. Cảm hứng thơ bắt nguồn từ nỗi nhớ da diết về đơn vị cũ (Tây Tiến).

- Đoạn thơ thứ 3 tập trung khắc hoa hình tượng người lính Tây Tiến.

0.5
2. Cảm nhận về đoạn thơ:

2.1. Cảm nhận chung: Đoạn thơ tập trung khắc tạc bức tượng đài nghệ thuật về người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng - một vẻ đẹp mang đặc trưng riêng của người lính trong thơ Quang Dũng.

Tác giả không miêu tả một gương mặt cụ thể mà khái quát chân dung cả một đoàn binh.

2.2. Cảm nhận cụ thể:

- Dáng vẻ, ngoại hình: kì dị, độc đáo, khác thường (kết hợp bút pháp hiện thực với lãng mạn để khắc họa: thủ pháp tương phản, ẩn dụ, lối nói tếu táo, trẻ trung đậm chất lính...). Nhà thơ không hề né tránh hiện thực chiến đấu gian khổ của đoàn binh nhưng đã lãng mạn hóa hiện thực. Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên ốm mà không yếu, tiều tụy nhưng vẫn toát lên khí chất hùng dũng, oai phong lẫm liệt.

- Thế giới nội tâm: sử dụng bút pháp tương phản trong ngôn ngữ và hình 0.5 ảnh thơ... làm nổi bật vẻ đẹp hào hùng, hào hoa của người lính Tây Tiến: Những anh hùng mạnh mẽ, dữ dội trong giấc mộng diệt thù, lập công cũng là những chàng trai với tâm hồn lãng mạn, đầy mộng mơ trong nỗi nhớ về Hà Nội, về một dáng kiều thơm.

- Sự hy sinh cao cả, bi tráng: Bút pháp hiện thực kết hợp với cảm hứng 0.5 lãng mạn khi nói về sự hy sinh của những chiến binh Tây Tiến khiến cho hình ảnh thơ bi mà không hề lụy, bi mà vẫn hùng tráng:

+ Hiện thực khốc liệt: không ít người đã nằm xuống nơi biên cương (Rải rác ... xứ; Áo bào ... về đất) nhưng nhờ việc sử dụng những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng; cách nói giảm, nói tránh; biện pháp nhân hóa (Sông Mã gầm lên...) khiến đoạn thơ mang âm hưởng bi tráng.

+ Đồng thời, vẻ đẹp của lý tưởng sống cao cả: sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước khiến cho cảm giác bi thương mờ đi nhường chỗ cho cảm hứng ngưỡng mộ, ngợi ca, tôn vinh những người lính Tây Tiến anh hùng.

→ Viết về sự hy sinh mà Quang Dũng vẫn đem đến vẻ đẹp lẫm liệt, hào hùng và sang trọng cho những người lính Tây Tiến.

2.3. Đánh giá:

- Âm hưởng cổ kính, trang trọng; hình ảnh thơ vừa lãng mạn vừa hùng tráng; những biện pháp nói giảm, nói tránh, nhân hóa; ngôn ngữ đậm chất họa, chất nhạc, chất thơ... đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng

2.0

3. Liên hệ với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu:

- Khi được ánh sáng của Đảng chiếu rọi, người chiến sĩ cách mạng say mê, hân hoan, vui sướng.

- Tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người lao khổ, đoàn kết, đấu tranh giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

0.5

4. Nhận xét về vẻ đẹp của con người Việt Nam

- Tương đồng: Cả 2 bài thơ đều thể hiện lẽ sống cao đẹp của con người VN trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền: sẵn sàng, tự nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.

- Khác biệt:

+ Từ ấy: Lẽ sống cao đẹp của cái tôi trữ tình nhà thơ - người thanh niên yêu nước: tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản, tranh đấu giảnh độc lập, tự do cho dân tộc.

+ Tây Tiến: Lẽ sống cao đẹp của cả một thế hệ, một thời đại: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

0.5

d. Chính tả, ngữ pháp:

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0.5
TỔNG ĐIỂM 10.0

Để có kết quả học thi THPT quốc gia tốt nhất, mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây TimDapAnđã giới thiệu tới các bạn Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Bỉm Sơn - Thanh Hóa lần 1. Để có kết quả cao hơn trong học tập, TimDapAnxin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà TimDapAntổng hợp và đăng tải.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!