Đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2015 môn Văn

Đề thi minh họa và đáp án kỳ thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không được phát hành, thay vào đó, thí sinh sẽ lấy đề thi minh họa kì thi THPT Quốc gia môn Văn năm 2015 làm mẫu. Tìm Đáp Án mời các bạn tham khảo đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia môn Văn năm 2015 cùng đáp án đi kèm dưới đây.

Phân tích tác phẩm môn Văn

  • Mở bài và kết bài Tây tiến của Quang Dũng
  • Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
  • Mở bài và kết bài Việt Bắc của Tố Hữu
  • Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
  • Mở bài và kết bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
  • Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
  • Mở bài và kết bài Sóng Xuân Quỳnh
  • Phân tích bài thơ Sóng hay và Chất
  • Mở bài và kết bài tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
  • Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà
  • Mở bài và kết bài Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
  • Phân tích truyện Vợ chồng A Phủ
  • Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ
  • Phân tích nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ
  • Mở bài và kết bài Vợ nhặt của Kim Lân
  • Phân tích truyện Vợ nhặt
  • Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
  • Phân tích nhân vật vợ Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân
  • Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

Mời các bạn tham khảo: Đề thi minh hoạ THPT Quốc gia năm 2019 môn Ngữ văn

Đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ Văn

Đề thi đáp án chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 3

Tuyển tập 20 đề thi đọc hiểu luyện thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn 2016

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

ĐỀ THI MINH HỌA - KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút.

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

… (1) Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở?

(2) Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đâu thì ngừng. Bạn thích cái xã hội ở thời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên “Dạ minh châu” của Đường Minh Hoàng, khúc “Nghê thường vũ y” của Dương Quý Phi cho bạn biết. Tôi thích nghiên cứu đời con kiến, con sâu – mỗi vật là cả một thế giới huyền bí đấy, bạn ạ - thì đã có J.H.Pha-brow và hàng chục nhà sinh vật học khác sẵn sàng kể chuyện cho tôi nghe một cách hóm hỉnh hoặc thi vị.

(3) Đương học về kinh tế, thấy chán những con số ư? Thì ta bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai. Hoặc không muốn học nữa thì ta gấp sách lại, chẳng ai ngăn cản ta cả.”

(Trích Tự học - một nhu cầu thời đại - Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003)

Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Trong đoạn (1), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điểm)

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng khi “thấy chán những con số” thì “bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai”? (0,5 điểm)

Câu 4. Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của mình. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm).

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

... Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Theo Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 2010)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. (0,25 điểm)

Câu 6. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng đầu của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 7. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 8. Anh/chị hãy nhận xét quan niệm của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Mẹ ru cái lẽ ở đời – sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi.

(Nhiều tác giả, Hạt giống tâm hồn, Tập 1, NXB Tổng hợp TP HCM, 2013)

Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012).

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

(Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012).

Đáp án đề minh họa THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề thi minh họa và đáp án kỳ thi THPT Quốc gia môn Toán

Đề thi minh họa và đáp án kỳ thi THPT Quốc gia môn Địa lý

Đề thi minh họa và đáp án kỳ thi THPT quốc gia môn Lịch Sử

Đề thi minh họa và đáp án kỳ thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh năm 2016

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐÁP ÁN - THANG ĐIỂM ĐỀ THI MINH HỌA - KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015

Môn: Ngữ văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy.

  • Điểm 0,5: Ghi lại đúng câu văn trên
  • Điểm 0: Ghi câu khác hoặc không trả lời

Câu 2. Thao tác lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ lập luận so sánh/ so sánh.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Tác giả cho rằng khi“thấy chán những con số” thì “bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai”, bởi vì “coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai” sẽ giúp ta thư giãn đầu óc, tâm hồn cởi mở, phóng khoáng hơn, làm cho đời sống đỡ nhàm chán, trở nên thú vị hơn.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo hướng trên
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Nêu 02 tác dụng của việc tự học nhưng không phải là quan điểm riêng của bản thân mà nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho;
    • Nêu 02 tác dụng của việc tự học nhưng không hợp lí;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không có sức thuyết phục;
    • Không có câu trả lời.

Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo 1 trong 2 cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6. Hai biện pháp tu từ: lặp cấu trúc (ở hai dòng thơ bao giờ cho tới…), nhân hóa (trong câu trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm).

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 7. Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ thể hiện hồi tưởng của tác giả về thời ấu thơ bên mẹ với những náo nức, khát khao và niềm vui bé nhỏ, giản dị; đồng thời, cho thấy công lao của mẹ, ý nghĩa lời ru của mẹ và nhắn nhủ thế hệ sau phải ghi nhớ công lao ấy.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên; trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.

Câu 8. Nêu quan niệm của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Lời ru của mẹ chứa đựng những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm, bài học về cách ứng xử, cách sống đẹp ở đời; sữa mẹ nuôi dưỡng thể xác, lời ru của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Đó là ơn nghĩa, là tình cảm, là công lao to lớn của mẹ.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

Từ đó, nhận xét về quan niệm của tác giả (đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp…).

Câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: Nêu đầy đủ quan niệm của tác giả và nhận xét theo hướng trên; hoặc nêu chưa đầy đủ quan niệm của tác giả theo hướng trên nhưng nhận xét có sức thuyết phục.
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Chỉ nêu được quan niệm của tác giả nhưng không nhận xét hoặc ngược lại;
    • Nêu không đúng quan niệm của tác giả và không nhận xét hoặc nhận xét không có sức thuyết phục;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý;
    • Không có câu trả lời.

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với công việc của bản thân và những người xung quanh.
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích ý kiến để thấy được: trong cuộc sống không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém để chúng ta coi thường hoặc từ bỏ; công việc nào cũng có ý nghĩa và giá trị đối với một cá nhân hoặc cộng đồng khi nó phù hợp với sở thích, năng lực của cá nhân hay cộng đồng đó; vấn đề là ở chỗ chúng ta có nhận ra được ý nghĩa trong công việc mà mình đã, đang và sẽ làm để làm tốt và thành công trong công việc đó hay không.
    • Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
    • Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về vấn đề lựa chọn việc làm và thái độ/quan điểm/cách đánh giá công việc…
    • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ trích từ bài “Tây Tiến” - Quang Dũng và “Việt Bắc” - Tố Hữu.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

  • Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
    • Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ:

++ Đoạn thơ trong bài “Tây Tiến”:

Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được khung cảnh thiên nhiên sông nước miền Tây thơ mộng, huyền ảo qua khung cảnh chiều sương hư ảo (chiều sương, hồn lau, bến bờ, hoa đong đưa, ... ); con người miền Tây khỏe khoắn mà duyên dáng (dáng người trên độc mộc, trôi dòng nước lũ hoa đong đưa… ); ngòi bút tài hoa của Quang Dũng tả ít gợi nhiều, khắc họa được thần thái của cảnh vật và con người miền Tây.

++ Đoạn thơ trong bài “Việt Bắc”:

Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được khung cảnh thiên nhiên Việt Bắc quen thuộc, bình dị, gần gũi mà thơ mộng, trữ tình (trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương...); cuộc sống và con người Việt Bắc gian khổ mà thủy chung, son sắt (nhớ gì như nhớ người yêu, sớm khuya bếp lửa người thương đi về, ...); mượn lời đáp của người về xuôi, nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ da diết đối với Việt Bắc, qua đó, dựng lên hình ảnh Việt Bắc trong kháng chiến anh hùng, tình nghĩa, thủy chung.

+ Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗi đoạn: Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:

++ Sự tương đồng:

Hai đoạn thơ tiêu biểu cho thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc, Tây Bắc và tình cảm gắn bó của tác giả đối với con người và miền đất xa xôi của Tổ quốc.

++ Sự khác biệt:

+++ Thiên nhiên miền Tây trong thơ Quang Dũng hoang vu nhưng đậm màu sắc lãng mạn, hư ảo; con người miền Tây hiện lên trong vẻ đẹp khỏe khoắn mà duyên dáng; thể thơ thất ngôn mang âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại.

+++ Thiên nhiên Việt Bắc trong thơ Tố Hữu gần gũi, quen thuộc mà trữ tình; con người Việt Bắc hiện lên trong tình nghĩa cách mạng thủy chung; thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao dân ca.

Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!