Mời các bạn học sinh tham khảo Đáp án đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2019, nội dung đề thi gồm phần đọc hiểu (4 câu), phần làm văn (2 câu), thời gian làm bài 120 phút, đề thi kèm theo gợi ý đáp án chính thức từ Bộ GD&ĐT. Mời thầy cô và các bạn học sinh cùng tham khảo.
Đáp án đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2019
- Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn 2019
- Đáp án môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2019 chính thức từ Bộ GD&ĐT
- Đề thi dự bị môn Ngữ văn kì thi THPT Quốc gia 2019
- Đáp án đề thi THPT Quốc gia Ngữ văn 2019 - Đề dự bị
- Gợi ý Đáp án môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019
- Tham khảo văn mẫu về ý chí của con người trong cuộc sống
- Văn mẫu Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương
- Đáp án, Đề thi THPT Quốc gia 2019 các môn
Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn 2019
I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích:
Biết nói gì trước biển em ơi!
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
Chân trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi
(Trước biển - Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Văn học, 1985)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Đoạn trích trên được biết theo thể thơ nào?
Câu 2: Anh/Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm
Câu 3: Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
Câu 4: Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1 (2 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ)... ý chí của con người trong cuộc sống.
Câu 2 (5 điểm)
Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa dòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình đầy gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.
(Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ảnh đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2019 chính thức
Đáp án môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2019 chính thức từ Bộ GD&ĐT
Đề thi dự bị môn Ngữ văn kì thi THPT Quốc gia 2019
Đáp án đề thi THPT Quốc gia Ngữ văn 2019 - Đề dự bị
Gợi ý Đáp án môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019
I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Câu 1: Thể thơ Tự do
Câu 2: Nội dung của hai dòng thơ:
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng: Những vất vả, nhọc nhằn của con người trong cuộc mưu sinh cũng như công cuộc bảo vệ tổ quốc trên biển khơi.
Bao kiếp người vùi trong đáy lạnh mù tăm: Những con người đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển lạnh lẽo, tối tăm.
- Câu thơ nói lên nỗi khó khăn cực nhọc của bao kiếp người.
- Ca ngợi những phẩm chất cần cù, chịu khó hi sinh của con người.
- Thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa, trân trọng, yêu mến của tác giả với những con người gắn bó cả cuộc đời với biển cả.
Câu 3:
Điệp từ “cái” kết hợp với cấu trúc liệt kê được điệp lại có tác dụng:
- Phép điệp giúp nhấn mạnh, tô đậm vẻ đẹp của biển cả: hào hiệp, kiên nhẫn, nghiêm trang… ngợi ca vẻ đẹp, tầm vóc của biển cả quê hương.
- Từ đó, tác giả thể hiện tình yêu của mình với biển cả; khẳng định, ca ngợi phẩm chất của con người lao động; bộc lộ cái nhìn tinh tế, sự chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về mối quan hệ giữa biển cả và con người.
- Tạo nhịp điệu cho câu thơ: nhanh, gấp gáp như lời kể về câu chuyện của biển cả muôn đời, thể hiện sự tự hào, kiêu hãnh.
Câu 4:
Học sinh đưa ra những suy nghĩ của bản thân về hành trình theo đuổi khát vọng của con người.
Gợi ý:
- Khát vọng là những ước mơ, mong muốn của con người trong cuộc sống, trên con đường chinh phục những chân trời mới.
- Hành trình theo đuổi khát vọng không bao giờ là đơn giản, thuận lợi, có những hi sinh, những mất mát.
- Nhưng trên tất cả là sự hiên ngang, ý chí nghị lực phi thường luôn sẵn sàng tiến về phía trước. Để thực hiện được khát vọng, con người phải kiên trì, dù gặp khó khăn cũng không nản chí, không biết mệt.
- Khi đủ đam mê để theo đuổi tận cùng khát vọng, bạn sẽ gặt hái những thành công, những kinh nghiệm hay bài học quý giá, đến được những chân trời mới, khám phá những điều giản dị nhưng sâu sắc, ý nghĩa.
II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1:
I. Dẫn dắt vấn đề
- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Ý chí là một trong những phẩm chất đáng quý quan trọng của con người trong xã hội hiện nay, phẩm chất đó được rất nhiều người theo đuổi và cố gắng duy trì mỗi ngày.
II. Bàn luận vấn đề
- Ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có sự nỗ lực khắc phục khó khăn bên ngoài và bên trong. Năng lực này không phải tự nhiên ai cũng có như nhau - nói cách khác, ý chí là một phẩm chất tâm lí của cá nhân, một thuộc tính tâm lí của nhân cách.
+ Nguồn gốc: Ý chí từ xưa đến nay vẫn luôn được mỗi chúng ta coi trọng bởi nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cuộc sống cũng như con người trong xã hội, mỗi chúng ta cần phải duy trì và rèn luyện cho mình phẩm chất đạo đức và rèn luyện đức tính kiên trì, những ý chí sống mạnh mẽ.
+ Vai trò của ý chí của con người trong cuộc sống hiện nay: Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng phải trải qua những khó khăn, thử thách trong xã hội, chính vì thế việc rèn luyện cho mình ý chí sống là một trong những việc làm quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
+ Ý chí của con người giúp ta có thêm nhiều niềm tin, sức mạnh để vượt qua những khó khăn, gian nan vất vả trước cuộc sống của mình.
+ Ý chí của con người trong cuộc sống là phẩm chất quan trọng để giúp chúng ta có được nhiều giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống của mình, ý chí giúp chúng ta có thêm nhiều sức mạnh để vượt qua những khó khăn, giúp chúng ta có thêm nhiều động lực, vượt qua được những khó khăn thử thách của cuộc sống.
+ Trong xã hội chúng ta gặp rất nhiều người có phẩm chất kiên trì, có ý chí sống, đó là những con người kiên trì không ngại khó, ngại khó dám đối đầu và vượt qua những thử thách, không ngại khó, ngại khổ, mà cố gắng kiên trì, bươn trải vượt qua những gian nan vất vả của cuộc sống.
+ Trong cuộc sống chúng ta cũng gặp rất nhiều tấm gương quan trọng trong xã hội họ cũng luôn kiên trì vượt qua những gian nan vất vả của cuộc sống, họ phải cố gắng tạo nên những giá trị ý nghĩa cho cuộc sống của mình, từ đó tạo nên được những ý nghĩa, mục đích sống trong cuộc sống của mình.
+ Ví dụ về ý chí và nghị lực sống có thể lấy ví dụ thầy Nguyễn Ngọc Ký, người luôn kiên trì, bền bỉ, vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống, mặc dù không được chọn vẹn về hình thể nhưng thầy vẫn luôn kiên trì vượt qua những khó khăn đó.
III. Kết bài:
- Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải rèn luyện cho mình sự kiên trì, ý chí của con người trong cuộc sống vì đó là việc làm cần thiết và mang lại những ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống của mỗi con người.
Tham khảo văn mẫu về ý chí của con người trong cuộc sống
Có người đã từng nói: "Giữa lớp sỏi đá khô cằn cây hoa dại vẫn tốt lên và nở những chùm hoa thật đẹp". Vậy điều gì đã khiến cho cây hoa dại giữa một vùng sỏi đá khô cằn thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng ấy vẫn xanh tốt và hiến dâng cho đời những chùm hoa tuyệt đẹp? Đó chính là nhờ vào nghị lực sống, nó như một điểm tựa vững chắc giúp mỗi người chúng ta vượt qua khó khăn để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Vậy nghị lực sống là gì? Đó là những cố gắng quyết tâm vượt qua thử thách cho dù những thử thách đó có khó khăn, gian khổ đến đâu. Cuộc sống là như vậy, có ai thành công mà không phải nếm trải sự cay đắng, khổ cực, có ai bước đến đỉnh vinh quang mà không phải bước chân trên con đường đầy chông gai, nguy hiểm. Con đường nào cũng có những tảng đá dù lớn hay nhỏ cản trở những bước chân của chúng ta, con đường đi ấy chính là con đường đời của mỗi người còn tảng đá chính là những thử thách mà ta gặp phải trên con đường ấy, tảng đá nhỏ tượng trưng cho những sóng gió nhỏ mà ta có thể dễ dàng vượt qua, còn những tảng đá lớn là những thử thách khó mà đòi hỏi ta phải cố gắng, kiên trì mới có thể vượt qua được. Những lúc gặp khó khăn ấy, bạn sẽ làm gì? Kiên quyết cố gắng hay đi giật lùi những bước chân để về vạch xuất phát. Một số người họ sẽ dồn hết ý chí, nghị lực để vượt qua khó khăn ấy vì họ cho rằng sự thành công nào cũng phải trả giá bằng sức lực và ý chí. Như chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã nói:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Hay như Nguyễn Bá Học cũng từng khẳng định: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Anonymous cũng nêu lên quan điểm của mình về giá trị của ý chí và nghị lực như sau:
Khi của cải mất, chẳng cái gì mất cả
Khi sức khỏe mất, chỉ mất một vài thứ
Khi ý chí mất, chẳng còn gì nữa
Từ những câu nói bất hủ được coi là chân lí trên chúng ta có thể khẳng định được tầm quan trọng của nghị lực trong cuộc sống mỗi con người. Như đã nói ở trên, nó như một điểm tựa vững chắc để ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Trong thực tế cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương sáng mà nhờ có ý chí nghị lực và niềm tin vào cuộc sống mà họ đã thành công. Tiêu biểu đó là tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Ký, mặc dù bị liệt cả hai tay nhưng điều đó không có nghĩa là anh chấp nhận đầu hàng số phận. Anh vẫn thích đi học nhưng vì tay bị liệt nên điều này rất khó khăn, thế rồi anh tập viết bằng chân. Điều này tưởng như không tưởng nhưng lại trở thành hiện thực với anh.
Những ngày đầu tập viết bằng chân của anh vô cùng khó khăn, những nét chữ nó không theo ý muốn của anh cứ nguệch ngoạc không thành chữ. Nhưng rồi với sự kiên trì cùng với ý chí nghị lực của mình anh đã thành công. Năm học nào anh cũng đạt thành tích cao trong học tập, các bạn bè trong lớp trước đây từ thái độ xem thường, miệt thị anh bao nhiêu thì giờ đây lại khâm phục anh bấy nhiêu. Để rồi sau này anh trở thành một thầy giáo giỏi tâm huyết với sự nghiệp trồng người của mình. Hay như thi sĩ Hàn Mặc Tử, mặc dù bị bệnh tật giày vò nhưng thi sĩ vẫn đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp văn thơ nước nhà những tác phẩm tuyệt tác. Vươn ra khỏi Việt Nam chúng ta đến với nước Úc với tấm gương sáng ngời về nghị lực sống, đó chính là Nick Vuijicic. Đó là một số phận bất hạnh khi sinh ra đã không có tay, chân như người bình thường mà chỉ có hai chân rất nhỏ. Anh đã từng rất tuyệt vọng với số phận nghiệt ngã của mình nhưng rồi với nghị lực và niềm tin vào cuộc sống vô bờ bến anh đã cho mọi người thấy sự thành công bằng chính khả năng của mình. Hiện tại anh đã có một công việc ổn định, là chủ tịch của một tổ chức quốc tế nổi tiếng và một gia đình hạnh phúc cùng vợ và con trai. Đặc biệt anh là một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới về động lực cuộc sống, những bài diễn thuyết của anh đã làm lay động hàng triệu trái tim độc giả trên thế giới, chúng đã mang tới cho các bạn trẻ niềm hi vọng vào cuộc sống và nghị lực vươn qua nghịch cảnh khó khăn. Năm 1990, anh vinh dự được nhận giải thưởng "Công dân trẻ nước Úc" cho những nỗ lực của mình. Đây chính là những tấm gương sáng để cho chúng ta học tập và noi theo.
Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó, có những người khi gặp khó khăn thử thách họ chỉ biết chạy trốn thay vì là tìm cách vượt qua, đây là những người không có nghị lực sống, điều này tương đương với việc họ đã tự đánh mất đi chiếc chìa khóa quan trọng có thể mở mọi cánh cửa trong cuộc đời họ – chiếc chìa khóa mà do chính họ nắm giữ.
Trong cuộc sống còn nhiều gian nan, thử thách thì nghị lực sống là rất quan trọng, có nghị lực, có niềm tin thì ta có thể vượt qua mọi khó khăn để đưa những bước chân gần hơn với thành công và hạnh phúc. Chúng ta nên nhớ rằng đừng bao giờ từ bỏ khi bạn vẫn còn ước mơ, và nghị lực sẽ giúp bạn thực hiện ước mơ đó.
Câu 2:
Dàn ý về hình tượng sông Hương
+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn vừa cầm bút vừa cầm súng, có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể văn bút kí, tùy bút. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,…
- Ai đã đặt tên cho dòng sông? được viết ở Huế ngày 4 - 1 - 1981, in trong tập sách cùng tên. Tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi chất trữ tình rất đậm, lối hành văn phóng túng và “cái tôi” của tác giả - một cái tôi tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, say mê cái đẹp của cảnh và người xứ Huế.
+ Phân tích đoạn trích
1. Vẻ đẹp sông Hương qua đoạn trích được cảm nhận từ góc nhìn địa lí - cảnh sắc thiên nhiên đa dạng và quyến rũ:
a) Sông Hương trong không gian núi rừng Trường Sơn:
Khái quát: Nói tới sông Hương người ta thường có ấn tượng về sự bằng phẳng, êm đềm trong khung cảnh yên ả thanh bình của Huế. Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường thì có cái nhìn khác, nhà văn không chỉ ngắm nhìn “khuôn mặt kinh thành” với vẻ đẹp sang trọng, cổ kính của sông Hương mà còn ngược dòng không gian, tìm về những cảnh rừng đại ngàn, khám phá vẻ đẹp bí ẩn, sức mạnh tiềm tàng được đóng kín trong tâm hồn sâu thẩm. Không chỉ phát hiện “sông Hương dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất” Hoàng Phủ Ngọc Tường còn đi sâu khám phá sông Hương ở cội nguồn. Nhà văn đặt sông Hương trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn:
- Là bản trường ca của rừng già:
+ Ở nơi khởi nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp vừa hùng vừa trữ tình, mang một sức sống mãnh liệt. Qua đó nhà văn thể hiện cảm hứng cùng cái nhìn sâu sắc về cội nguồn.
+ Hình ảnh so sánh ấy được đặt trong một câu văn dài, được chia làm nhiều vế, có sử dụng thủ pháp điệp cấu trúc (rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn/ mãnh liệt qua những ghềnh thác/ cuộn xoáy như những cơn lốc…) vừa để gợi dậy cái dư vang của trường ca, vừa tạo nên âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ của con sông giữa rừng già.
- Như cô gái Di- gan phóng khoáng và man dại:
Biện pháp nhân hóa đã gợi ra vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của dòng sông. Tính cách mạnh mẽ, phóng túng của những cô gái Digan ưa thích cuộc sống tự do, nay đây mai đó, xinh đẹp và bí ẩn, yêu thích nhảy múa, ca hát được gắn cho dòng sống hoang dã, khiến sông Hương khúc thượng nguồn càng trở nên quyến rũ say đắm.
- Chính rừng già đã hun đúc cho sông Hương bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng ấy. Rừng già là hình ảnh của những cánh rừng đại ngàn hoang sơ, bí ẩn, mênh mông. Hình ảnh đem đến sắc thái hoang dại cho dòng sông nơi thượng nguồn. Dòng sông khi trôi chảy trong lòng dãy Trường Sơn đã nhận vào nó tất cả những sắc thái phong phú đa dạng.
- Nhưng cũng chính rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của sông Hương - một sức mạnh hoang sơ, man dại, vừa sáng ngời rực rỡ, vừa khơi gợi quyến rũ, bí ẩn của người con gái trẻ còn năng động, hoạt bát. Nhà văn sử dụng những hình ảnh phong phú, ấn tượng làm hiện lên dòng sông Hương ở giữa lòng Trường Sơn với vẻ đẹp đầy nữa tính, đáng yêu, vừa hoang dại vừa tự do và tràn trề sức sống.
b) Sông Hương trên thủy trình trở về với vùng châu thổ êm đềm
+ Khi ra đi khỏi rừng già, sông Hương cũng nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ của một vùng xử sở. Khi về với Huế - sự dịu dàng như cái bến bình yên sau những gian truân, vất vả của vùng thượng nguồn. Đến đây, sông Hương như người mẹ hiền từ, nhân hậu của những con người và vùng đất nơi đây. Nó mang vẻ đẹp bình lặng nhưng không nhạt nhẽo hời hợt; thâm trầm và sâu sắc
+ Với biện pháp nhân hóa này, người con xứ Huế đã xem sông Hương như một đấng sáng tạo góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên, xứ sở. Đây là một phát hiện độc đáo về sông Hương chỉ có thể có ở một người gắn bó và am tường về mảnh đất cố đô.
+ Bằng tình yêu và niềm tự hào với dòng sông quê hương, với trí tưởng tượng phong phú và khả năng khám phá tài tình, độc đáo, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương trong vẻ đẹp nguyên sơ và đầy cá tính.
Với một lối hành văn uyển chuyển, ngôn ngữ đa dạng và giàu hình ảnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả một cách sinh động và hấp dẫn từng bước đi của sông Hương. Mỗi đường đi nước bước của nó gắn với những địa danh khác nhau của xứ Huế đã được nhà văn giành cho một cách diễn đạt riêng. Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ tái hiện lại một cách chân thực dòng chảy tự nhiên trên bản đồ địa lí của dòng sông Hương mà quan trọng hơn là đã biến thủy trình ấy thành một hành trình của người con gái đẹp. Nhờ đó mà cùng với hành trình về xuôi của sông Hương, người đọc được đi từ hết phát hiện này sang ngạc nhiên khác.
c) Nhận xét của tác giả
- Nhà văn nhận xét dòng chảy của sông Hương ở thượng nguồn là “cuộc hành trình gian truân" không kém phần kì lạ và bí mật, vì nó đã đọng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khó trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”.
Hành trình khám phá sông Hương là hành trình kì bí, thú vị. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thật tài hoa khi ông đã sang tạo nên những liên tưởng, những so ánh, ẩn dụ và nhân hóa miêu tả vẻ đẹp mang tính lưỡng thể đầy tính nhân văn của dòng sông Hương giữa đại ngàn Trường Sơn. Tác giả đã nhắc khẽ mọi người “nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó... sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua. .”. Suy tưởng ấy đã làm cho liên tưởng mà tác giả nêu lên thêm phần rung động thấm thía.
2. Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện của nhà văn về dòng sông
+ Nhà văn phát hiện dòng sông giống như một người con gái mang trong mình nhiều phẩm chất và vẻ đẹp tâm hồn: vừa mạnh mẽ sôi nổi, vừa đằm thắm, dịu dàng. Nhà văn phát hiện dòng sông giống như một cô gái Di – gan, một bà mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.
+ Hoàng Phủ Ngọc Tường: khám phá ra “phần đời” mà dòng sông không muốn bộc lộ: vẻ đẹp ở thượng nguồn với cảnh sắc thiên nhiên phong phú và đa dạng.
+ Dòng sông được miêu tả với nhiều góc nhìn từ góc nhìn địa lí đến góc nhìn văn hóa. Gắn thủy trình của dòng sông với lịch sử hình thành của nền văn hóa xứ sở. Phải là một con người có vốn tri thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là phải có một tình yêu thiết tha, mãnh liệt với dòng sông Hương, với thành phố Huế, với quê hương xứ sở, nhà văn mới có được góc nhìn mới mẻ, độc đáo đến vậy.
Văn mẫu Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương
“Ai đã đặt tên cho dòng sông này” là bài bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về dòng sông trữ tĩnh, thơ mộng của Huế. Mạch cảm xúc của bài kí chính là vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt của con sông duy nhất chảy qua dòng thành phố Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất tài tình khi lột tả được hết vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông mang đặc trưng của Huế này.
Có lẽ vì đặc trung của thể loại bút kí nên lời văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường rất phóng khoáng, điêu luyện, nhẹ nhàng và mềm mại. Với một tấm lòng yêu Huế, yêu cảnh sắc thiên nhiên, yêu sông Hương nên Hoàng Phủ Ngọc tường đã khoác lên bài kí một màu sắc, âm hưởng riêng có của Huế.
Dòng sông Hương được tác giả ngợi ca “dòng sông duy nhất chảy qua thành phố Huế”, dòng sông vắt mình qua thành phố, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của mảnh đất này.
Cái nhìn đầu tiên của tác giả khi viết về sông Hương là cái nhìn từ vùng thượng nguồn. Vẻ đẹp của dòng sông lúc này khiến tác giả liên tưởng đến cô gái Di gan phóng khoáng, mê dại, đầy sức hút. Qua ngòi bút của tác giả, sông Hương hiện lên thật kì vĩ “sông Hương tựa như một bản trường ca của rừng già, khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua nhiều ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu, lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu hoa đỗ quyên rừng”. Chỉ với một vài chi tiết và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lột tả được vẻ đẹp lúc mãnh liệt, lúc dịu êm của sông Hương. Có lẽ đây chính là đặc trưng của sông hương khi ở thượng nguồn, hứng chịu nhiều biến đổi của thời tiết.
Thật độc đáo khi dưới con mắt của tác giả, sông hương tựa như “Cô gái di gan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng”. Có lẽ đây là phép nhân hóa đầy ẩn ý nhằm gợi lên nét đẹp hoang sơ nhưng hấp dẫn của con sông này. Như vậy có thể thấy được qua ngòi bút phóng khoáng của tác giả, sông Hương vùng thượng nguồn toát lên vẻ đẹp kì bí, hùng vĩ và đầy cá tính.
Tuy nhiên đây mới chỉ là ở thượng nguồn, cùng Hoàng Phủ Ngọc tường khám phá vẻ đẹp của dòng sông này khi chảy về thành phố Huế. Có lẽ người đọc sẽ bất ngờ với vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại và uyển chuyển của nó. Tác giả đã ví sông Hương như “người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô”. Không phải vô duyên vô cớ mà tác giả lại đi ví von so sánh đầy tính nghệ thuật như vậy.
Sông Hương khi chảy về thành phố có sức hấp dẫn tuyệt vời đối với người đọc. Ở đây chúng ta nhận ra một lối viết nhẹ nhàng, tinh tế, rất mực tài hoa của tác giả. Ông vẽ lên vẻ đẹp của sông hương không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn bằng cả trái tim đầy tình yêu thương. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương như “cô gái đẹp ngủ mơ màng” – một vẻ đẹp màu màu sắc của câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Và sông hương bỗng “chuyển dòng liên tục” “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ”, “trôi giữa hai dãy đồi sững sững như thành quách”. Một sự diễn tả quá trữ tình, quá độc đáo khiên ngưỡng đọc khó cưỡng lại được vẻ đẹp tuyệt vời này.
Sông hương vừa mềm mại, vừa dịu dàng “mềm như tấm lụa”, có khi ánh lên những phản quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Sự chuyển đổi màu sắc theo mùa, theo thời gian như thế này đã làm nên một nét đặc trưng cho những ai muốn ngắm nhìn sông hương thật lâu.
Hoàng Phủ Ngọc Tường tả sông hương như vẽ, vẽ lên một bức tranh hoàn mĩ và tuyệt vời nhất về dòng sông huyền thoại này. Sông Hương tạo nên nét đẹp của đất cố đô Huế, ẩn mình trong trầm tích của nét văn hóa hàng nghìn năm lịch sử.
Thú vị nhất là đoạn sông hương chảy trong lòng Huế, tác giả cứ ngỡ rằng sông Hương tìm thấy chính mình khi gặp thành phố thân yêu nên tươi vui hẳn lên.
Vẻ đẹp của dòng sông này được cảm nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhìn bằng con mắt của hội họa, sông Hương và những chi lưu của nó tạo những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô; qua cách cảm nhận âm nhạc, sông hương như điệu slow chậm rãi sâu lắng, trữ tình…Một vẻ đẹp khiến người khác phải ngỡ ngàng và đắm say chẳng thể dứt ra.
Sông hương còn là chứng nhân lịch sử, là “người” chứng kiến sự đổi thay của cố đô Huế từng ngày. Trong sách Dư địa chí “dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của tổ quốc đại việt qua những thế kỉ trung đại, vẻ vang soi bóng kinh thành phú xuân của anh hùng nguyễn huệ…”
Có thể nói rằng để cảm nhận sông hương với nhiều góc độ, nhiều vẻ đẹp khác nhau, Hoàng Phủ Ngọc tường phải có trái tim nhạy cảm, yêu và thương tha thiết dòng sông thơ mộng này. Một lối viết giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy lôi cuốn đã khiến độc giả không thể để dứt mạch cảm xúc. Tác giả đã phát huy được đặc trưng của thể loại bút kì đầy sắc bén và tình cảm này.
“Ai đã đặt tên cho dòng sông này” thực sự là bài bút kí độc đáo. Sông Hương hiện lên với tất cả vẻ đẹp mà nó mang.
Tham khảo:
- Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" và "Người lái đò sông Đà"
- Vẻ đẹp của sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Phân tích bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua tác phẩm "Người lái đò sông Đà" - Nguyễn Tuân và "Ai đã đặt tên cho dòng sông" - Hoàng Phủ Ngọc Tường
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
Đáp án, Đề thi THPT Quốc gia 2019 các môn
- Đáp án Đề thi THPT quốc gia môn Toán năm 2019
- Đáp án Đề thi môn Tiếng Anh THPT Quốc gia năm 2019
- Đáp án đề thi THPT Quốc gia môn Hóa học năm 2019
- Đáp án Đề thi THPT quốc gia môn Vật lý năm 2019
- Đáp án Đề thi THPT Quốc gia môn Sinh học năm 2019
- Đáp án Đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2019
- Đáp án đề thi THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2019
- Đáp án Đề thi THPT Quốc gia môn Giáo dục công dân năm 2019
Mời các bạn tham khảo Đáp án đề thi THPT Quốc gia 2019 tất cả các môn:
Cập nhật đáp án đề thi THPT Quốc Gia 2019 các môn ngay sau khi thi
Trên đây Tìm Đáp Án đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Đáp án đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2019. TimDapAnxin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà TimDapAntổng hợp và đăng tải.
Lịch thi THPT quốc gia năm 2019