Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc (Lần 3) gồm 4 đề thi thử đại học môn Văn năm 2017 có nội dung khác nhau, được các thầy cô trường THPT Đồng Đậu ra đề nhằm khảo sát chất lượng ôn thi THPT Quốc gia của học sinh. Mời quý thầy cố và các bạn cùng tham khảo.

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1)

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn (Số 1)

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

MÃ ĐỀ: 105

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THPT QUỐC GIA LẦN 3

NĂM HỌC 2016-2017 – MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng. Nếu chúng ta không lười biếng thì mọi cái mà chúng ta chông thấy đều là các cơ hội, bởi vì càng khó khăn cơ hội càng lớn. Tôi có một lý thuyết cho cá nhân tôi. Gọi là lý thuyết bên bờ vực. Tôi không bao giờ làm việc gì rễ và không làm việc gì mà người khác có thể ngay lập tức làm giống tôi được. Tôi gọi là lý thuyết bên bờ vực bởi vì kẻ định cạnh tranh với mình không dám theo gia mép vực để cạnh tranh và kẻ thù cũng không dám theo mình ra mép vực. Tôi nghĩ rằng không lười biếng và phải dũng cảm, hai cái đấy tạo ra cơ hội. Các bạn đừng sợ. Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người dũng cảm, sáng suốt và sống có lý tưởng. Mọi khó khăn là điềm báo tạo cơ hội.

(Ông Nguyễn Trần Bạt đối thoại với sinh viên Học viện Ngoại giao, nguồn chungta.com)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2: Trong đoạn trích trên, có một số lỗi sai về chính tả và một lỗi ngữ pháp câu. Hãy chỉ ra lỗi và sửa lại cho đúng. (1,0 điểm)

Câu 3: Lý thuyết bên bờ vực được nhắc tới ở trên có những đặc điểm gì? (0,5 điểm)

Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói sau: Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người dũng cảm, sáng suốt và sống có lý tưởng? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

(Đất Nước – trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

----------- HẾT ----------

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

MÃ ĐỀ: 256

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THPT QUỐC GIA LẦN 3

NĂM HỌC 2016 - 2017 – MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Vụ chiếc tàu Titanic bị chìm ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương đêm 15-4-1912 làm hơn 1500 người thiệt mạng đã không ngừng làm đề tài cho bao tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Titanic có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào thời bấy giờ. Nhưng cái vĩ đại mà con người tưởng mình có thể đạt được trong tiến bộ khoa học kĩ thuật ấy không là gì trước sức mạnh thiên nhiên.

(2) Sau khi chiếc tàu vĩ đại ấy bị đắm, một tờ báo xuất bản ở Anh đã đăng kề nhau hai bức ảnh minh họa có nội dung như sau: Trong bức ảnh thứ nhất, người ta thấy chiếc tàu chạm vào tảng băng, bên dưới có dòng chữ: "Sự yếu đuối của con người và sức mạnh của thiên nhiên". Còn bức ảnh thứ hai, người ta lại thấy một người đàn ông nhường chiếc phao cấp cứu của mình cho người dàn bà đang bế con trên tay. Lần này, bức ảnh được chú thích bằng dòng chữ: "Sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người".

(3) Sức mạnh, sự vĩ đại đích thực của con người hẳn không nằm trong khả năng chinh phục hay chế ngự thiên nhiên, mà chính là trong khả năng chế ngự được bản thân, vượt thắng sự ích kỉ. Mahatma Gandhi, người giành độc lập cho Ấn Độ bằng cuộc đấu tranh bất bạo động, đã nói: "Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu"

(Tương Quan, Phép màu nhiệm của đời, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr.72-73)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.(0,5 điểm)

Câu 2: Văn bản trên có ba đoạn văn, anh/chị hãy nêu nội dung của từng đoạn. (0,75 điểm)

Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về "sức mạnh của con người" trong dòng chữ chú thích dưới bức ảnh thứ hai? (0,75 điểm)
Câu 4: Theo anh/chị, thông điệp sâu sắc nhất của văn bản trên là gì? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Mahatma Gandhi được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: "Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu".

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân tự coi mình là người "đi tìm cái thứ vàng của màu sắc núi sông Tây Bắc..."

Anh/Chị hãy cảm nhận về thứ vàng của màu sắc núi sông Tây Bắc qua hình tượng con Sông Đà.

----------- HẾT ----------

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

MÃ ĐỀ: 358

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THPT QUỐC GIA LẦN 3

NĂM HỌC 2016-2017 – MÔN NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi từ 1 đến 4:

Trong xã hội ta, từ ngàn năm nay, tồn tại một tình trạng nước đôi dang dở. Chữ Hán vẫn là công cụ giao tiếp giữa nhà nước và người dân (...) Còn chữ Nôm chỉ để ghi cái đời sống tình cảm hàng ngày, hoặc kêu than, hoặc đùa bỡn... Nó khó học do đó không phổ biến. Tình trạng chữ viết Việt Nam như trên níu kéo văn hóa đọc với hai nghĩa:

Thứ nhất, ở dạng trực tiếp, nó làm cho sách khó viết, viết xong khó xuất bản, xuất bản xong khó đến với người đọc;

Thứ hai, ở dạng gián tiếp, nó ảnh hưởng tới tư duy con người. Với một thứ chữ thuận tiện, người ta có thể ghi chép, hoàn thiện dần những suy nghĩ của mình và giao lưu với nhau làm cho tri thức ngày càng phong phú. Ngược lại, như ở ta, do thiếu phương tiện (chữ và sách) hợp lý để ghi lại những vận động trong đầu óc, sự suy nghĩ của người ta dễ dừng lại ở tình trạng manh mún rời rạc. Gần đây nhiều người đã công nhận là dân ta làm việc gì thường theo lối chụp giật, mà thiếu thói quen nghiên cứu sự vật; sự nghĩ ngợi hay chắp vá nửa vời, đầu óc người ta không chăm chú theo đuổi cái gì tới cùng (...) Tất cả những bệnh trạng đó trong tư duy bắt nguồn một phần từ một văn hóa đọc lom đom, một đời sống tinh thần thiếu sách. Đến lượt mình, kiểu tư duy này lại quay trở lại, cản trở người Việt đọc sách.

....

Ca dao tục ngữ truyện cười ở ta thường có thái độ chế giễu với người đọc sách. Dưới những con mắt thế tục, việc đọc sách có vẻ như là một cái gì vô bổ của loại người "dài lưng tốn vải ăn no lại nằm" (...). Cố nhiên trong thực tế, lại có một tình trạng tế nhị khác, là các làng xã thường đánh giá nhau bằng số lượng kẻ cắm đầu vào sách. Có gì mâu thuẫn ở đây chăng? Không. Học trò xưa ham học để có ngày lều chõng đi thi và trở thành quan chức (từ đây khái quát lên, người ta vẫn tự hào người Việt ham học). Nhưng không thể bảo họ - đám người "nghiền" sách cốt đi thi kia - là những người đọc sách với đúng nghĩa của nó. Người học để đi thi tự giới hạn trong kiến thức của người chấm cho họ đỗ. Ngược lại đặc trưng chủ yếu của người đọc sách là một tư duy độc lập và một khao khát bất tận với sự hiểu biết. Loại sau ở xã hội ta quá hiếm, lại còm cõi ít ỏi và chưa thành một lớp người ổn định. Giải thích sao về hiện tượng này? Suy cho cùng ở xã hội nghèo, mọi việc vẫn do miếng cơm manh áo quyết định. Khi có thể dùng sách để lập thân thì người ta đọc sách. Khi có nhiều con đường khác lập thân mà ít tốn sức lực hơn – kể cả lối giả vờ đọc sách, gian lận thi cử - thì người ta bỏ sách khá dễ dàng. Và đó chính là tình trạng của xã hội hôm nay.

(Vương Trí Nhàn, Vì sao người Việt không mê đọc sách?, chungta.com)

Câu 1. Đoạn trích trên bàn về vấn đề gì? (0.5 điểm).

Câu 2. Tình trạng "nước đôi" của chữ viết nước ta thời trung đại dẫn đến những hệ quả nào? (0.5 điểm).

Câu 3. Theo tác giả, đặc trưng chủ yếu của người đọc sách là gì? Thực trạng của lớp người này trong xã hội ta ra sao? (1.0 điểm).

Câu 4. Theo anh/chị, làm thế nào để việc đọc sách trở thành một thói quen phổ biến? (1.0 điểm).

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của thói quen đọc sách đối với mỗi người.

Câu 2 (5.0 điểm)

Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường (sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Dựa vào bài kí, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

-------------------------- Hết ------------------------

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

MÃ ĐỀ: 493

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THPT QUỐC GIA LẦN 3

NĂM HỌC 2016-2017 – MÔN NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và thưc hiện các yêu cầu:

Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ về robot sinh học (cảm biến và giác quan của robot) Nguyễn Bá Hải từ chối công việc bên Hàn với mức lương khổng lồ mà trở về Việt Nam giảng dạy tại trường đại học Sư phạm Kỹ thuật với dự án làm "mắt thần", đó chính là chiếc kính điện tử kỳ diệu dành cho người mù. "Mắt thần" là thiết bị đầu tiên ở Việt Nam hỗ trợ người khiếm thị nhận biết được vật cản trước mặt trong khoảng 1m. Thiết bị sẽ rung khi người người ta gặp vật cản. Thiết bị này sau 4 năm trải qua nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm thực tế và thành công ở phiên bản thứ 9 vừa ra mắt gần đây. Và phiên bản thứ 9 này nhẹ bằng 1/10 và giá thành giảm 10 lần so với phiên bản đầu tiên.

Đã có người mua bản quyền nghiên cứu "mắt thần" với giá 2,3 tỉ đồng để sản xuất bán ra thị trường. Nhưng anh nhất định không bán mặc dù vợ chồng anh vẫn ở trọ trong thời gian giảng dạy nghiên cứu. Anh cho rằng thật vô nhân đạo nếu thương mại hóa sản phẩm này. Chính vì vậy, anh đồng ý hợp tác với công ty phi lợi nhuận sản xuất chiếc kính này với giá thành rẻ nhất với mong muốn năm 1000 người khiếm thị ở Việt Nam có" mắt thần" và không dừng lại ở "mắt thần", chàng trai trẻ tuổi nhiều hoài bão của mình muốn cải tiến thiết bị này nữa, có thể chiếc kính giúp người khiếm thị đọc sách, nhận biết được mệnh giá tiền, xác định được họ đang đứng ở đâu, nhận biết được đồ ăn.... Và xa hơn là trung tâm chăm sóc người khiếm thị, một địa chỉ giống "1080 " cho người mù sẵn sàng giúp đỡ họ bất cứ lúc nào. Anh quan điểm quan niệm: mình không giầu có bằng ai nhưng cứ cho đi bất cứ khi nào trong khả năng của mình. Vì thực sự cho đi giúp cho cuộc sống nhân văn hơn và mình hạnh phúc hơn.

(Đi tìm "mắt thần" cho người khiếm thị - Lê Tuyết)

Câu 1: Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2: Vì sao có thể coi "mắt thần" là trung tâm chăm sóc người khiếm thị?

Câu 3: Tác giả đã thể hiện tình cảm, thái độ gì đối với tiến sĩ Nguyễn Bá Hải?

Câu 4: Thông điệp rút ra từ văn bản?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết một đoạn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: "....cho đi giúp cho cuộc sống nhân văn hơn và mình hạnh phúc hơn."

Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài.

----------- HẾT ----------

Mời các bạn tải tài liệu về để xem đáp án chi tiết của Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc (Lần 3).

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!