Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 4 được Tìm Đáp Án tổng hợp và đăng tải, gồm 5 đề thi thử đại học môn Văn có đáp án đi kèm. Đây sẽ là tài liệu học tập hữu ích, giúp các bạn thí sinh ôn thi đại học môn Văn, luyện thi THPT Quốc gia môn Văn hiệu quả, sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng sắp diễn ra.

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 3

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 5

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2016 tỉnh Thanh Hóa

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THANH HÓA

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu đến câu 4:

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

(Chiều xuân - Anh Thơ, Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2008, tr. 51 - 52)

Câu 1. Các từ êm êm, im lìm, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả, chốc chốc thuộc loại từ gì? (0,25 điểm).

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi? Tác dụng của biện pháp tu từ đó? (0,5 điểm)

Câu 3. Tìm những câu thơ có sử dụng từ chỉ màu sắc. (0,25 điểm)

Câu 4. Viết một đoạn văn (7 - 10 dòng) thể hiện cảm nhận của anh/chị về bức tranh quê buổi chiều xuân được tác giả phác họa trong bài thơ. (0,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi đã ca ngợi Nguyễn Trãi như sau: "Gió thanh hây hẩy dát vàng, người như một ông tiên ở trong tòa ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ..." Nguyễn Trãi không phải là ông tiên, Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho lý tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta. Ca ngợi người anh hùng của dân tộc, chúng ta đã rửa mối "hận nghìn năm" của Nguyễn Trãi.

(Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc - Phạm Văn Đồng,
dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục 2008, tr. 72)

Câu 5. Trong câu "Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi đã ca ngợi Nguyễn Trãi như sau...", cụm từ "một người bạn của Nguyễn Trãi" là thành phần gì? (0,25 điểm)

Câu 6. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? Tác dụng của thao tác lập luận ấy? (0,5 điểm)

Câu 7. Phép liên kết chủ yếu được tác giả sử dụng trong đoạn trích là gì? (0,25 điểm)

Câu 8. Nêu nội dung chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Máu của những con người đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội. Trong lời kêu gọi ủng hộ chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" của đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có đoạn viết:

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" để tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên, tôn vinh những người con của đất Việt đã anh dũng hi sinh bảo vệ Tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ việc hiểu ý nghĩa của lời kêu gọi trên, anh/chị hãy viết một bài văn thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của mình về vấn đề chủ quyền dân tộc.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...

(Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr. 118 - 122)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 tỉnh Bắc Ninh

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 tỉnh Hưng Yên

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HƯNG YÊN

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2016

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4

Cả đời ra bể vào ngòi
Mẹ như cây lá giữa trời gió rung
Cả đời buộc bụng thắt lưng
Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng
Đường đời còn rộng thênh thang
Mà tóc mẹ đã bạc sang trắng trời
Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười
Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương
Bát cơm và nắng chan sương
Đói no con mẹ xẻ nhường cho nhau
Mẹ ra bới gió chân cầu
Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi...

(Trích Trở về với mẹ ta thôi – Đồng Đức Bốn)

Câu 1. Nỗi vất vả, nhọc nhằn của người mẹ được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 2. Tìm câu thành ngữ được sử dụng trong câu thơ Cả đời buộc bụng thắt lưng.

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng.

Câu 4. Đoạn thơ gợi cho anh/chị cảm xúc, suy nghĩ gì về mẹ? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8

Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành về ung thư, hiện nay tỉ lệ người mắc mới và tử vong do bệnh ung thư ngày càng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này chủ yếu là do hút thuốc lá, nghiện rượu bia và chế độ dinh dưỡng.

Trong số các nguyên nhân trên, nguyên nhân về chế độ dinh dưỡng đang là vấn đề nhức nhối và được nhiều người quan tâm nhất hiện nay. Nếu như đối với thuốc lá và rượu bia thì những tác hại là dễ dàng nhìn thấy trước mắt và có thể từ bỏ được, thì đối với chế độ dinh dưỡng lại hoàn toàn ngược lại.

Chế độ dinh dưỡng được bàn đến là tác nhân gây bệnh ung thư, đó chính là sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm với những loại thực phẩm được bảo quản bằng các chất kích thích, thuốc tăng trọng vượt quá hàm lượng quy định, hay chế độ ăn uống không hợp lí với nhiều chất béo, ăn nhiều đồ chiên rán ...

(Trích Chuyên gia giật mình vì thực phẩm bẩn gây ung thư, http://vietbao, 16 /12/ 2015)

Câu 5. Đoạn trích sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu?

Câu 6. Theo tác giả, những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh ung thư là gì?

Câu 7. Theo tác giả, thế nào thì được coi là mất an toàn thực phẩm? Anh/chị hãy lấy ít nhất hai dẫn chứng về thực phẩm không an toàn trên thị trường mà anh/chị biết.

Câu 8. Theo anh/chị, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Trong bài hát Đôi bàn tay, cố nhạc sĩ Trần Lập viết: Biết đâu một ngày phận người que diêm trước gió, lụi tàn trong một sớm không ngoài ai. Nhưng với muôn triệu người, hơi ấm sẻ chia từng người, nắm đôi tay trần, dìu nhau qua cơn sóng gió.

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về lời bài hát trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

...Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò [...]. Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò vẫn cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy cái luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác....

(Trích Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr 189-190)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó bình luận ngắn gọn về suy nghĩ, tình cảm của nhà văn Nguyễn Tuân đối với con người lao động Việt Nam trong tùy bút Người lái đò sông Đà.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 tỉnh Bình Thuận

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BÌNH THUẬN

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề này gồm có 2 trang)

KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2016

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút

(Không kể thời gian giao đề)

Câu 1: 3 điểm.

Đọc hai đoạn trích (văn, thơ) sau và trả lời câu hỏi:

Trích 1: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở."

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường)

  1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,25 điểm) Biện pháp tu từ nào được cảm nhận qua hình ảnh dòng sông? (0,25 điểm) Tác dụng của biện pháp tu từ đó? (0,25 điểm)
  2. Chỉ ra yếu tố tình thái trong câu: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất" (0,25 điểm), nêu ý nghĩa về cách biểu đạt tình thái đó? (0,25 điểm)
  3. Anh – chị hãy phân tích giá trị về ý nghĩa "cấu trúc rừng già" khi tác giả viết: "Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ..."? (0,5 điểm)

Trích 2:

"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về"

(Trích Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

4. Tóm tắt nội dung đoạn thơ trên. (0,25 điểm)
5. Chỉ ra những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm) Tác dụng của các biện pháp tu từ đó? (0,25 điểm)
6. Viết một đoạn văn ngắn (không quá 10 dòng) nêu cảm nhận về nội dung 4 câu thơ cuối của đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 2: 3 điểm.

Trước hiện tượng cá chết dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung (trong tháng 4 năm 2016), từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, hãy phát biểu suy nghĩ của anh – chị về những tác hại của hiện tượng ấy đến đời sống hiện nay và ý thức bảo vệ môi trường.

(Bài viết không quá 1 trang giấy thi).

Câu 3: 4 điểm.

Cảm nhận của anh – chị về hai đoạn thơ của hai tác giả sau:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
(Trích Tây Tiến – Quang Dũng)
"Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. "

(Trích Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 tỉnh Bắc Giang

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BẮC GIANG
(Đề thi có 02 trang)

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2016
MÔN: NGỮ VĂN
Ngày thi: 09/4/2016
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể phát đề

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời những câu hỏi từ 1 đến 4:

Rễ sâu ai biết là hoa
Xoắn đau núm ruột làm ra nụ cười.
Im trong lòng đất rối bời
Chắt chiu từng giọt, từng lời lặng im.
Uống từng giọt nước đời quên
Ăn từng thớ đá dựng nên sắc hồng
Nở rồi, trông dễ như không
Một vùng sáng đọng, một vùng hương bay.
Tụ, tan màu sắc một ngày
Mặt trời hôm, mặt trời mai ngoảnh cười
Bắt đầu từ rễ em ơi!

(Chế Lan Viên, Rễ ... hoa)

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0.25 điểm).

Câu 2. Để tạo nên hoa, hình tượng rễ trong bài thơ đã phải trải qua những gì? (0.5 điểm).

Câu 3. Qua sự nhọc nhằn của rễ, bài thơ gợi nhớ tình cảm đạo lí gì? (0.25 điểm)

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về lời khuyên nhủ "Bắt đầu từ rễ em ơi!"? (Trả lời bằng một đoạn văn từ 5 – 10 câu) (0.5 điểm).

Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi từ 5 đến 8:

Trong xã hội ta, từ ngàn năm nay, tồn tại một tình trạng nước đôi dang dở. Chữ Hán vẫn là công cụ giao tiếp giữa nhà nước và người dân (. .. ) Còn chữ Nôm chỉ để ghi cái đời sống tình cảm hàng ngày, hoặc kêu than, hoặc đùa bỡn... Nó khó học do đó
không phổ biến. Tình trạng chữ viết Việt Nam như trên níu kéo văn hóa đọc với hai nghĩa:

Thứ nhất, ở dạng trực tiếp, nó làm cho sách khó viết, viết xong khó xuất bản, xuất bản xong khó đến với người đọc;

Thứ hai, ở dạng gián tiếp, nó ảnh hưởng tới tư duy con người. Với một thứ chữ thuận tiện, người ta có thể ghi chép, hoàn thiện dần những suy nghĩ của mình và giao lưu với nhau làm cho tri thức ngày càng phong phú. Ngược lại, như ở ta, do thiếu phương tiện (chữ và sách) hợp lý để ghi lại những vận động trong đầu óc, sự suy nghĩ của người ta dễ dừng lại ở tình trạng manh mún rời rạc. Gần đây nhiều người đã công nhận là dân ta làm việc gì thường theo lối chụp giật, mà thiếu thói quen nghiên cứu sự vật; sự nghĩ ngợi hay chắp vá nửa vời, đầu óc người ta không chăm chú theo đuổi cái gì tới cùng (...)

Tất cả những bệnh trạng đó trong tư duy bắt nguồn một phần từ một văn hóa đọc lom đom, một đời sống tinh thần thiếu sách. Đến lượt mình, kiểu tư duy này lại quay trở lại, cản trở người Việt đọc sách.

....

Ca dao tục ngữ truyện cười ở ta thường có thái độ chế giễu với người đọc sách. Dưới những con mắt thế tục, việc đọc sách có vẻ như là một cái gì vô bổ của loại người "dài lưng tốn vải ăn no lại nằm" (...). Cố nhiên trong thực tế, lại có một tình trạng tế nhị khác, là các làng xã thường đánh giá nhau bằng số lượng kẻ cắm đầu vào sách. Có gì mâu thuẫn ở đây chăng? Không. Học trò xưa ham học để có ngày lều chõng đi thi và trở thành quan chức (từ đây khái quát lên, người ta vẫn tự hào người Việt ham học). Nhưng không thể bảo họ, - đám người "nghiền" sách cốt đi thi kia - là những người đọc sách với đúng nghĩa của nó. Người học để đi thi tự giới hạn trong kiến thức của người chấm cho họ đỗ. Ngược lại đặc trưng chủ yếu của người đọc sách là một tư duy độc lập và một khao khát bất tận với sự hiểu biết. Loại sau ở xã hội ta quá hiếm, lại còm cõi ít ỏi và chưa thành một lớp người ổn định. Giải thích sao về hiện tượng này? Suy cho cùng ở xã hội nghèo, mọi việc vẫn do miếng cơm manh áo quyết định. Khi có thể dùng sách để lập thân thì người ta đọc sách. Khi có nhiều con đường khác lập thân mà ít tốn sức lực hơn – kể cả lối giả vờ đọc sách, gian lận thi cử - thì người ta bỏ sách khá dễ dàng. Và đó chính là tình trạng của xã hội hôm nay.

(Vương Trí Nhàn, Vì sao người Việt không mê đọc sách?, chungta.com)

Câu 5. Đoạn trích trên bàn về vấn đề gì? (0.25 điểm).

Câu 6. Tình trạng "nước đôi" của chữ viết nước ta thời trung đại dẫn đến những hệ quả nào? (0.5 điểm).

Câu 7. Theo tác giả, đặc trưng chủ yếu của người đọc sách là gì? Thực trạng của lớp người này trong xã hội ta ra sao? (0.5 điểm).

Câu 8. Theo anh/chị, làm thế nào để việc đọc sách trở thành một thói quen phổ biến? (trình bày bằng một đoạn văn khoảng 5 – 10 câu) (0.25 điểm).

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Lấy bờ vai và đôi chân làm hình ảnh biểu tượng, anh/chị hãy viết một bài luận với nhan đề:

BỜ VAI VÀ ĐÔI CHÂN

Câu 2 (4.0 điểm)

Cho đoạn trích sau:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

(Xuân Quỳnh, Sóng, SGK Ngữ văn, Tập 1, NXBGD 2009)

Cảm nhận của anh/chị về những dự cảm và khát vọng tình yêu trong đoạn thơ trên.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!