Hoạt động của hệ mạch

Cấu trúc của hệ mạch, huyết áp, vận tốc máu


HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ MẠCH

1. Cấu trúc của hệ mạch

- Hệ mạch gồm hệ thống động mạch, hệ thống mao mạch và hệ thống tĩnh mạch.

   + Hệ thống động mạch : động mạch chủ, tiếp đến là các động mạch có đường kính nhỏ dần và cuối cùng là tiểu động mạch.

   + Hệ thống tĩnh mạch bắt đầu từ tiểu tĩnh mạch, tiếp đến là các tĩnh mạch có đường kính lớn dần và cuối cùng là tĩnh mạch chủ.

   + Hệ thống mao mạch nối giữa tiểu động mạch với tiểu tĩnh mạch.

2. Huyết áp

- Tim co bóp đẩy máu vào động mạch, đồng thời cũng tạo nên một áp lực tác dụng lên thành mạch và đẩy máu chảy trong hệ mạch. Huyết áp là áp lực máu tác dụng lên thành mạch.

- Do tim bơm máu vào động mạch từng đợt nên tạo ra huyết áp tâm thu (ứng với lúc tim co) và huyết áp tâm trương (ứng với lúc tim dãn). Ở người, huyết áp tâm thu bằng khoảng 110 – 120mmHg và huyết áp tâm trương bằng khoảng 70 – 80mmHg.

- Huyết áp động mạch của người được đo ở cánh tay; huyết áp của trâu, bò, ngựa được đo ở đuôi.

- Những tác nhân làm thay đổi lực co tim, nhịp tim, khối lượng máu, độ quánh của máu, sự đàn hồi của mạch máu đều có thể làm thay đổi huyết áp.

- Trong suốt chiều dài của hệ mạch (từ động mạch đến mao mạch và tĩnh mạch) có sự biến động về huyết áp.

3. Vận tốc máu

- Vận tốc máu là tốc độ máu chảy trong một giây. Ví dụ, tốc độ máu chảy trong động mạch chủ bằng khoảng 500mm/s, trong mao mạch bằng khoảng 0,5mm/s, trong tĩnh mạch chủ bằng khoảng 200mm/s.

- Vận tốc máu trong các đoạn mạch của hệ mạch liên quan chủ yếu đến tổng tiết diện của mạch và chênh lệch huyết áp giữa hai đầu đoạn mạch.

Ở người, tiết diện của động mạch chủ bằng khoảng 5 – 6cm2, tốc độ máu ở đây bằng khoảng 500mm/s. Tổng tiết diện của mao mạch bằng khoảng 6000cm2 nên tốc độ máu giảm chỉ còn khoảng 0,5mm/s.

 

Bài giải tiếp theo

Video liên quan



Từ khóa