Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của hai nhân vật Chí Phèo và Tràng qua hai trích đoạn trong tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt

Nam Cao và Kim Lân đều nói về những chuyển biến mới mẻ của con người khi đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời mà điều làm nên sự thay đổi kì diệu ấy đó là sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc, sự sẻ chia của con người với con người.


Đề bài

    Trong tác phẩm Chí Phèo ( Nam Cao), sau khi đến với thị Nở; sáng mai ra, Chí Phèo nghe thấy: “ Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc  ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!”

(Trích Chí Phèo của Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 149)

    Trong tác phầm Vợ nhặt ( Kim Lân), sau khi có vợ, sáng hôm sau, Tràng:

“ ... Bỗng vừa chợt nhận ra, xụng quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. […]. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.”

(Trích Vợ nhặt cùa Kim Lân,Ngữ văn 12,Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 30)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của hai nhân vật qua hai đoạn văn trên.

Lời giải chi tiết

I. Giới thiệu chung:

- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc tràn đầy tinh thần nhân đạo. Sáng tác trước cách mạng của ông xoay quanh hai đề tài chính là nông dân nghèo và trí thức nghèo. Truyện ngắn “Chí Phèo” là kiệt tác của Nam Cao, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của ông.

- Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”

II. Phân tích:

1. Đoạn văn trong “Chí Phèo” – Nam Cao:

- Tình huống:

+ Sau cuộc gặp gỡ tình cờ của Chí Phèo với thị Nở, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu. Chí đã tỉnh rượu sau một cơn say rất dài.

+ Trước đó Chí đã là tay sai cho kẻ thống trị nham hiểm – Bá Kiến. Bá Kiến lợi dụng Chí Phèo để trừ khử những phe cánh đối nghịch, gây ra bao tội ác với dân làng mà yếu tố hỗ trợ cho Chí là rượu. Vì thế đời Chí là một cơn say dài mênh mông. Cơn say đã lấy mất của hắn già nửa cuộc đời, đẩy hắn vào kiếp sống thú vật tăm tối.

- Tâm trạng Chí khi tỉnh rượu:

+ Tỉnh rượu, ý thức bắt đầu trở về, Chí thấy lòng mơ hồ buồn, nỗi buồn đã đến nhưng còn mơ hồ chưa rõ rệt.

+ Khi ý thức đã trở về, Chí cảm nhận được sự tồn tại của mình, biết đến không gian, thời gian. Đó là lần đầu tiên Chí nghe được những âm thanh đời thường của cuộc sống bình dị: “ Tiếng chim hót…, tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá…”.

⟶ Những âm thanh ấy đánh thức trong Chí cái ước mơ giản dị của một thời lương thiện. Hắn đã từng ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Nhưng chính bàn tay tội ác của những kẻ thống trị đã phá nát những giấc mơ, đã hủy hoại tan hoang cả một đời lương thiện. phút lóe sáng trong tâm hồn đã kéo nhân vật trở về thực tại, nhận ra hiện thực đáng buồn: “Những tiếng quen thuộc  ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!”. Lần đầu tiên Chí Phèo tỉnh rượu cũng là lần đầu tiên hắn đối diện với cuộc đời của mình.

2. Đoạn văn trong “Vợ nhặt” – Kim Lân:

- Tình huống:

Tràng đã lớn tuổi mà vẫn chưa có vợ và nạn đói khủng khiếp lại đem đến cơ may để Tràng có gia đình. Hạnh phúc đến với người nông dân nghèo khổ ấy quá bất ngờ, thấy mình như vừa từ giấc mơ đi ra.

- Tâm trạng của Tràng vào buổi sáng đầu tiên khi có gia đình:

+ Tràng trông thấy những thay đổi khác lạ ở ngôi nhà của mình, thay đổi ở người mẹ và cả người vợ. Nạn đói khủng khiếp khiến Tràng quên mất những viêc anh ta phải làm và khiến cuộc sống của anh trở nên tạm bợ, ngôi nhà trở nên trống trải. Nay Tràng đã có một gia đình và tổ ấm. Mẹ và vợ Tràng đang dọn dẹp, sửa sang lại ngôi nhà. Với người khác, cảnh tượng ấy không có gì đặc biệt nhưng với Tràng đó là hình ảnh của cuộc sống gia đình, là thứu là anh ta tưởng chẳng bao giờ có được.

+ Từ khi có gia đình là từ khi Tràng được sống trong những cảm xúc rất con người, ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình. Hắn nghĩ đến tương lai sáng sủa, không còn bế tắc.

3. Điểm tương đồng và khác biệt:

a. Điểm tương đồng:

Cả hai đều nói về những chuyển biến mới mẻ của con người khi đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời mà điều làm nên sự thay đổi kì diệu ấy đó là sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc, sự sẻ chia của con người với con người.

b. Nét khác biệt:

- Nam Cao phát hiện ra những đốm sáng nhân bản còn le lói trong con quỷ dữ Chí Phèo. Tuy nhiên Chí Phèo vẫn rơi vào tình cảnh bế tắc, không lối thoát.

- Kim Lân đã phát hiện ra vẻ đẹp trong tâm hồn con người lao động, dù ở bờ vực của cái chết nhưng họ vẫn khao khát hạnh phúc gia đình, vẫn muốn sống cuộc đời của một con người. Ông mở cho nhân vật của mình một tương lai sáng lạng, đầy hi vọng. Qua đó, Kim Lân gửi vào trong đoạn văn của mình tiếng nói mang ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc: Hạnh phúc đã cứu con người thoát khỏi cái chết và có khả năng đưa con người thoát khỏi tình trạng phi nhân tính.

III. Đánh giá:

- Hai đoạn văn đều cho thấy cái nhìn đầy tính nhân đạo của người viết. Qua đây thấy được tài năng, tấm lòng của hai tác giả

Bài giải tiếp theo
Cùng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời nhưng nếu ở bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan thì ở người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục. Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà và hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Từ đó, trình bày suy nghĩ của mình về việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương đất nước
Cảm nhận nhân vật Mai (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Chiến (Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)
Phân tích sức mạnh của tình thương yêu con người qua đoạn Mị cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và Tràng đối với cô vợ theo (Vợ nhặt – Kim Lân)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ trong Tây Tiến (Quang Dũng) và Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm)

Video liên quan



Bài giải liên quan