Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn văn trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt.
Hai đoạn văn đều khắc họa những chuyển biến mới mẻ trong tâm trạng của hai nhân vật mà ngọn nguồn xuất phát từ khao khát tình yêu, khao khát cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.
Đề bài
Cảm nhận của anh/chị về 2 đoạn văn sau:
(1) Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không biết
Em không yêu, quả pao rơi rồi…
Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại đang sửa soạn đi chơi.A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.
Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo.Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị lại quấn tóc. Mị lấy cái váy hoa vắt ở trong vách.
(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
(2) Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những bụi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dư phần tu sửa lại căn nhà.
(Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
Lời giải chi tiết
I. Giới thiệu chung:
- Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật. "Vợ chồng A Phủ" là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung.
- Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”.
II. Phân tích:
1. Đoạn văn trong “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài:
- Tình huống: Trong đêm tình mùa xuân, người người nô nức đi chơi, còn Mị phải ở nhà. Tiếng sáo, hơi rượu và không khí ngày Tết ở Hồng Ngài khiến lòng Mị trẻ lại, bồi hồi, xúc động...
- Tâm trạng, hành động của Mị:
+ “Mị ngồi xuống giường. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước” ⟶ Mị không còn giống tảng đá như trước, tâm hồn Mị đã có những cảm xúc.
+ Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp và cảm thấy vui .
+ Mị ý thức mình còn trẻ cũng là cô hiểu rõ mình có quyền được hưởng hạnh phúc lứa đôi.
+ Nhưng hiện thực đen tối đối lập với quá khứ tươi đẹp, mơ ước về hạnh phúc khó trở thành sự thật. Mị lại muốn chết. “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này,Mị sẽ ăn cho chết ngay,chứ không buồn nhớ lại nữa”. Mị ý thức được quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của mình đã bị tước đoạt. Mị đang sống trong hoàn cảnh bi thảm mà cô khó có thể thoát ra được. Ý nghĩ về cái chết lúc này có thể được coi như một hành động phản kháng để lên tiếng đòi quyền được sống, được hạnh phúc.
+ “Mị đến góc nhà,lấy ống mỡ,xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng” ⟶ Hành động của sự thức tỉnh. Mị thắp đèn là thắp lên ánh sáng để xua tan bóng tối đang bao phủ căn buồng mình, cuộc đời mình, là làm cho khát vọng về hạnh phúc của mình sớm trở thành hiện thực. Có thể nói hành động Mị thắp đèn là một bước chuyển quan trọng đánh dấu sự thức tỉnh trong tâm hồn Mị. Cô đang thắp lên ánh sáng của niềm tin, hi vọng.
+ “Mị lại quấn tóc. Mị lấy cái váy hoa vắt ở trong vách” ⟶ thiên tính nữ trở về khi con người ta khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc.
⟹ Dù tuyệt vọng, dù hành động và khao khát của Mị bị chặn đứng bởi bàn tay độc ác, thô bạo của A Sử nhưng những tâm trạng, hành động đó đã cho thấy sự hồi sinh, sự thức tỉnh mạnh mẽ của Mị.
* Nghệ thuật:
- Diễn tả thành công diễn biến tâm lí phức tạp, đầy mâu thuẫn của nhân vật.
- Nghệ thuật trần thuật hấp dẫn.
- Sáng tạo được chi tiết đặc sắc: tiếng sáo.
2. Đoạn văn trong “Vợ nhặt” – Kim Lân:
* Nội dung:
- Tình huống: Tràng có vợ theo không về nhà sau mấy câu bông đùa ngoài chợ. Sáng sớm hôm sau, tỉnh dậy, hắn thấy mình đã có 1 gia đình đầm ấm.
- Tâm trạng của Tràng trong buổi sáng hôm sau:
+ Tràng trông thấy những thay đổi khác lạ ở ngôi nhà của mình, thay đổi ở người mẹ và cả người vợ. Nạn đói khủng khiếp khiến Tràng quên mất những viêc anh ta phải làm và khiến cuộc sống của anh trở nên tạm bợ, ngôi nhà trở nên trống trải. Nay Tràng đã có một gia đình và tổ ấm. Mẹ và vợ Tràng đang dọn dẹp, sửa sang lại ngôi nhà.
+ Với người khác, cảnh tượng ấy không có gì đặc biệt nhưng với Tràng đó là hình ảnh của cuộc sống gia đình, là thứ mà anh ta tưởng chẳng bao giờ có được. Bởi vậy nên tiếng chổi kêu sàn sạt trên mặt đất cũng đủ làm cho Tràng thấm thía và cảm động.
+ Từ khi có gia đình là từ khi Tràng được sống trong những cảm xúc rất con người, ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình. Hắn nghĩ đến tương lai sáng sủa, không còn bế tắc.
* Nghệ thuật:
- Am hiểu sâu sắc đời sống tâm lí nhân vật và diễn tả nó một cách sâu sắc.
- Giọng kể đậm chất trữ tình nhưng không chua xót, cay đắng mà đôn hậu, thấp thoáng đâu đó sau câu chữ là nụ cười hóm hỉnh.
3. Điểm tương đồng và khác biệt:
a. Điểm tương đồng:
- Hai đoạn văn đều khắc họa những chuyển biến mới mẻ trong tâm trạng của hai nhân vật mà ngọn nguồn xuất phát từ khao khát tình yêu, khao khát cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.
- Kết thúc hai đoạn văn là những dấu hiệu đáng mừng, mở ra tương lai tươi sáng cho nhân vật.
b. Nét khác biệt:
- Nếu Mị là người phụ nữ miền núi chịu đau khổ, bất hạnh bởi thần quyền, cường quyền thì Tràng là người đàn ông thô kệch, nghèo khổ, dân ngụ cư.
- Hạnh phúc đã đến với Tràng một cách đầy bất ngờ, Tràng đã được hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bên mẹ và người vợ nhặt nhưng Mị thì không, tất cả đối với Mị mới chỉ dừng lại ở mong muốn, khao khát.
III. Đánh giá:
- Hai đoạn văn đều cho thấy tài năng phân tích, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của hai tác giả
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn văn trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt. timdapan.com"