Ơn trời mưa nắng phải thì Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
Ai ơi! chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Bài ca dao thể hiện tinh thần lạc quan của những người nông dân về công việc của mình. Đồng thời, khuyên mọi người cần phải lao động, chớ bỏ phí đất đai vì đó nơi tạo nên những thực phẩm giúp nuôi sống con người, là nguồn sống của mọi người và chỉ có lao động mới biến đất đai thành vàng, biến cuộc sống khó khăn thành hạnh phúc, an lành
Giải thích thêm
- Ơn trời: dùng để thể hiện sự biết ơn
- Phải thì: "thì" có nghĩa là thời/mùa, "phải thì" là đúng thời, đúng mùa
- Bừa (Động từ): làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ bằng cái bừa
- Cạn: ở tình trạng hết dần hoặc đã hết sạch nước
- Cày: lật, xới đất lên bằng cái cày
- Công lênh (từ cũ): công sức bỏ vào việc gì (đồng nghĩa với công lao)
- Chẳng quản: không ngại
- Nước bạc: nước ngập cả ruộng, trắng xóa, nghĩa là ruộng chưa cấy, mới chỉ có nước thôi
- Cơm vàng: ý nói có gạo thóc quý như vàng, cũng có ý nói thóc lúa chín vàng
- Ruộng hoang: đất trồng trọt ở ngoài đồng không được sử dụng đến, để không
- Tấc: đơn vị cũ, dùng để đo độ dài hoặc diện tích ruộng đất (1 tấc ở miền Bắc = 2,4m2, 1 tấc ở miền Trung = 3,3m2)
- Tấc đất tấc vàng: ý nói đất quý như vàng, ai có ruộng mà chăm chỉ làm việc thì sẽ có của cải