Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Sau khi tổ chức thành công 2 lần thi thử THPT Quốc gia cho học sinh lớp 12, trong 2 ngày 22 và 23/4 trường THPT chuyên Đại học Vinh tiếp tục tổ chức đợt thi thứ 3. TimDapAnđã kịp thời sưu tầm được đề thi và đáp án do phía trường Đại học Vinh cung cấp để gửi tới các bạn học sinh. Mời các bạn cùng tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Hóa học trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 3)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Sinh học trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 3)
Mời làm: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 3) Online
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN III NĂM 2017 Bài thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Rất nhiều người đều đã từng xem múa rối. Mỗi con rối đóng một vai trò khác nhau, gương mặt biểu cảm, cử chỉ sống động như thật. Nếu nhìn kĩ sẽ thấy những con rối bị những sợi dây mảnh điều khiển. Mỗi biểu cảm, mỗi động tác của nó đều bị đôi tay mà chúng ta không nhìn thấy khống chế. Trên sân khấu cuộc đời, chẳng phải rất nhiều người cũng giống chúng sao? Chúng ta không biết mình đang làm những gì, không biết vì sao làm như vậy, nhưng không dừng lại được, giống như để mặc cho đôi bàn tay vô hình sắp đặt. Tôi nghĩ trong lòng mỗi người đều có bóng dáng lí tưởng của mình, nhưng vì sao chúng ta cứ làm những chuyện không thể khiến bản thân vui vẻ, bản thân không muốn làm nhưng lại không thể không làm? Bạn biết vì sao không? Bạn đã từng hỏi vì sao mình lại làm như vậy không?
(...) Trong cuộc đời, chúng ta luôn chạy về hướng đám đông chứ không phải là hướng của mình. Chúng ta cứ đi theo bước chân của người khác như thế, chạy ngược chạy xuôi về phía đám đông. Cuối cùng, tiền không kiếm được mà việc mình muốn làm cũng không làm được. Nếu chúng ta có thể chú tâm vào việc mình muốn làm, cộng với tinh thần và sức lực chúng ta dùng để chạy theo người khác thì chúng ta cũng có thể có được thành công.
Liệu chúng ta đã từng nghĩ vì sao mình lại bị nhấn chìm trong đám đông không thể thoát ra được chưa? Lẽ nào chúng ta thật sự không biết mình muốn gì, muốn làm cái gì sao? Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có thứ mình muốn và việc mình thích làm.
(Trích Tìm lại cái tôi đã mất cứu vãn cuộc đời không vui vẻ - Trình Chí Lương, Nxb. Văn học, tr. 160 - 161)
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Dựa vào văn bản trên, anh/chị hãy nêu những đặc điểm của con rối trong bộ môn nghệ thuật múa rối. Vì sao tác giả cho rằng: Trên sân khấu cuộc đời, có rất nhiều người cũng giống những con rối? (0,5 điểm)
Câu 3. Gọi tên và nêu tác dụng của những kiểu câu phân loại theo mục đích nói mà tác giả sử dụng trong văn bản. (1,0 điểm)
Câu 4. Anh/chị hãy đánh giá thái độ, quan điểm của tác giả trước hiện tượng được đề cập trong văn bản. (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề được đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Hiệu ứng đám đông.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích trong cảnh VII, trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ (Ngữ văn 12, Tập hai, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó, anh/chị hãy nhận xét về chiều sâu triết lý được tác giả chuyển tải qua đoạn trích.
---------------Hết---------------
Ghi chú: Kỳ thi thử THPTQG lần chót năm 2017 sẽ được tổ chức vào chiều ngày 27 và ngày 28/5/2017. Đăng ký dự thi tại Văn phòng Trường THPT Chuyên từ ngày 29/4/2017.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Thao tác lập luận chính: Bình luận
Câu 2.
* Đặc điểm của con rối trong bộ môn nghệ thuật múa rối:
- Mỗi con rối đóng một vai trò khác nhau, gương mặt biểu cảm, cử chỉ sống động như thật.
- Mỗi biểu cảm, mỗi động tác của nó đều bị đôi tay mà chúng ta không nhìn thấy khống chế.
* Tác giả cho rằng: Trên sân khấu cuộc đời, có rất nhiều người cũng giống những con rối. Vì: họ không biết mình đang làm gì, không biết vì sao lại như vậy, nhưng không dừng lại được, giống như để mặc cho bàn tay vô hình sắp đặt.
Câu 3. Gọi tên, nêu tác dụng của những kiểu câu phân loại theo mục đích nói mà tác giả sử dụng trong văn bản:
* Câu trần thuật: dùng để kể, tả, nhận định, thông báo, bộc lộ cảm xúc ...
Trong văn bản, tác giả dùng câu trần thuật để nêu lên một hiện tượng phổ biến của đời sống con người; cũng như thể hiện quan điểm, sự đánh giá của mình trước hiện tượng đó.
* Câu nghi vấn ngoài chức năng hỏi, còn thực hiện các chức năng: cầu khiến, khẳng định, phủ định, bộc lộ cảm xúc...
Trong văn bản, tác giả sử dụng nhiều câu nghi vấn chủ yếu nhằm bộc lộ thái độ, cảm xúc của mình trước hiện tượng đời sống tiêu cực. Đồng thời, việc sử dụng các câu nghi vấn này còn nhằm tác động vào nhận thức, suy nghĩ của mỗi người để hướng tới lối sống, hành động đúng.
Câu 4. Đánh giá về thái độ, quan điểm của tác giả trước hiện tượng được đề cập tới trong văn bản:
- Hiện tượng được đề cập tới trong văn bản là hiện tượng tâm lý đám đông theo chiều hướng tiêu cực. Cụ thể, con người hành động thiếu bản lĩnh, không có chính kiến, a dua, bị giật dây...
- Thái độ, quan điểm của tác giả: không đồng tình, phê phán; trăn trở, day dứt trước những hiện tượng không tích cực của con người.
- Thái độ, quan điểm của tác giả rất đúng đắn, có tác động sâu sắc tới nhận thức của mỗi người, đem lại bài học cần thiết, từ đó nhằm định hướng lối sống, cách hành động đúng.
(Lưu ý: Thí sinh có thể có một số cách đánh giá khác, nhưng phải phù hợp với nội dung văn bản, có tính hợp lý và thuyết phục).
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về vấn đề được đề cập trong văn bản phần đọc hiểu: Hiệu ứng đám đông
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Làm rõ hiện tượng
- Hiệu ứng đám đông là những tác động của đám đông đến suy nghĩ và hành vi của con người, khiến con người phải làm theo những điều mà số đông cho là hay, là đúng và sáng suốt mà bản thân lại không có suy nghĩ, chính kiến về điều đó.
- Biểu hiện của hiệu ứng đám đông: nỗi sợ hãi bị đám đông phán xét và bị loại ra khỏi nhóm; những người không quen biết cùng hùa nhau phán xét, "ném đá" một người dẫu chưa hiểu ngọn nguồn sự việc; ăn mặc theo trào lưu, nói năng theo số đông dẫu điều đó chưa hẳn có nghĩa và chưa hẳn đúng phong cách của bản thân; những hành vi phản cảm trên mạng dễ dàng nhận hàng nghìn like và lượt share vì được đám đông cổ vũ...Đây là hiện tượng rất phổ biến, có thể thấy ở bất cứ đâu, cần cảnh báo về sự nguy hại của nó.
* Nguyên nhân của hiệu ứng đám đông
- Con người sống trong xã hội nên luôn chịu sự tác động, chi phối của quy luật chung, của số đông; do tâm lý chủ quan "số đông luôn đúng"; do đám đông có những quyền lực đáng sợ, có thể kiểm soát và định hướng hành vi con người.
- Do bản thân mỗi người thiếu thông tin, mơ hồ trong nhận thức, thiếu chính kiến, yếu đuối, không suy nghĩ chín chắn ... nên dễ bị đám đông chi phối, lôi kéo.
* Bàn luận mặt tích cực và tiêu cực của hiện tượng
- Nếu đám đông có những ảnh hưởng tích cực thì hiệu ứng đám đông sẽ giúp con người kết nối với nhau; bắt kịp trào lưu, xu hướng để tránh lạc hậu; được tham vấn và định hướng hành động đúng đắn; tập hợp đông đảo mọi người hưởng ứng các phong trào tích cực của xã hội...
- Tuy nhiên, hiện nay, hiệu ứng đám đông có nhiều tác động tiêu cực hơn:
- Làm mỗi người bị thủ tiêu chính kiến, tư duy độc lập, sự sáng tạo vì mải chạy theo điều đám đông nghĩ và làm. Điều này tất yếu sẽ khiến mỗi người trở thành cái bóng, không dám sống thật với chính mình, không làm chủ được bản thân và cuộc đời của mình, không biết mình thực sự muốn gì và cần phải làm gì.
- Khiến cho mọi người không hiểu, không nắm bắt được bản chất cốt lõi của sự việc, sự vật vì nó luôn bị che lấp bởi ý kiến của đám đông. Lúc đó lời đánh giá của số đông trở thành tiêu chuẩn của chân lý. Thực tế đã chứng minh trong nhiều trường hợp số đông chưa đã đúng.
- Gây ra những hậu quả đáng tiếc, khôn lường đối với người xung quanh và xã hội: nhiều người phải chạy trốn, trầm cảm hoặc tự sát vì bị đám đông lên án; nhiều vụ phạm tội tập thể diễn ra; tệ nạn xã hội gia tăng...
Học sinh liên hệ thực tế để làm sáng rõ hơn các vấn đề lý luận.
* Rút ra giải pháp, bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp.
c. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
2. Phân tích cuộc đối thoại thứ ba trong cảnh VII trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Từ đó, nhận xét chiều sâu triết lý mà tác giả chuyển tải trong đoạn trích
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích cuộc đối thoại thứ ba trong cảnh VII trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Từ đó, nhận xét chiều sâu triết lý mà tác giả chuyển tải trong đoạn trích
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; có sự phân tích sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung chính sau:
a. Vài nét về tác giả và tác phẩm và đoạn trích
Lưu Quang Vũ là một trong những kịch gia tài năng nhất, một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường nước nhà những năm 80 của thế kỷ XX. Kịch của ông thường sắc sảo dữ dội, đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự và ẩn chứa sau đó là những triết lí nhân sinh sâu sắc, thấm đượm chất nhân văn.
Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt được viết năm 1981, có nguồn gốc từ một truyện cổ dân gian, được công diễn lần đầu vào năm 1984, là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ.
Đoạn trích thuộc phần 3 cảnh VII, gần màn kết vở kịch, tái hiện lại cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích, tô đậm bi kịch của nhân vật chính. Qua trích đoạn này, người đọc thu nhận được nhiều thông điệp bổ ích.
b. Phân tích cuộc đối thoại
* Hoàn cảnh dẫn đến màn đối thoại:
Trương Ba là một người làm vườn lương thiện, có tài đánh cờ giỏi, không may bị chết oan bởi sự tắc trách của quan trời. Đế Thích, một ông tiên cao cờ, vì yêu quý, mến tài đánh cờ của Trương Ba đã giúp Hồn Trương Ba sống lại trong thể xác của anh hàng thịt. Hành động này vô tình đẩy Hồn Trương Ba vào một bi kịch đau đớn, nghiệt ngã: bị tha hoá, bị thể xác sai khiến trở nên tầm thường, bị người thân hắt hủi xa lánh. Đau khổ, tuyệt vọng, Trương Ba quyết định tìm một cuộc sống đích thực dù phải đánh đổi bằng cái chết. Quyết định ấy thúc đẩy nhân vật lấy hương thắp gọi để nhờ Đế Thích giúp đỡ.
* Phân tích cuộc đối thoại:
- Hồn Trương Ba quyết định rời bỏ xác Hàng Thịt, từ chối sống trong thân thể Hàng Thịt.
- Trương Ba.
- Một mặt thừa nhận sự thắng thế của thể xác, mặt khác kiên quyết đấu tranh đi đến một sự lựa chọn dứt khoát: gọi Đế Thích, bày tỏ quyết tâm chối từ cuộc sống hiện tại.
- Đưa ra những lí lẽ rất sâu sắc để giải thích cho quyết định của mình "không thể sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo. Tôi muốn là tôi toàn vẹn".
- Đế Thích.
- Đầy sốt sắng, lo lắng cho Trương Ba.
- Rất ngạc nhiên, khó hiểu trước quyết định của Trương Ba.
- Khi Trương Ba giải thích quyết định của mình, để thuyết phục Hồn Trương Ba thay đổi ý định, Đế Thích đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng về cuộc sống trái tự nhiên.
- Mặc cho Trương Ba giải thích, Đế Thích vẫn không hiểu.
- Hồn Trương Ba đề nghị Đế Thích sửa sai.
- HồnTrương Ba: Đề nghị Đế Thích làm cho linh hồn của anh hàng thịt được sống lại và nhập vào xác của anh ta, còn hồn trả lại xác hàng thịt "lành lặn, nguyên vẹn". Với thái độ rất dứt khoát, kiên quyết.
- Đế Thích.
- Không đồng tình trước quyết định của Trương Ba trả lại thân xác hàng thịt cho phần hồn của anh ta.
- Băn khoăn tìm một chỗ trú khác cho hồn Trương Ba. Thấy Trương Ba thật rắc rối.
- Khuyên Trương Ba nên nhập vào xác cu Tị và ra sức thuyết phục ông thực hiện theo lời khuyên đó. Thậm chí, vị tiên này còn viện dẫn đến cả mình để thuyết phục Trương Ba.
- HồnTrương Ba
- Trăn trở, phân vân trước lời đề nghị của Đế Thích làm cho mình sống lại và nhập vào xác của cu Tị. Lời đề nghị của Đế Thích là một thử thách lớn với nhân vật.
- Tuy nhiên cuối cùng, Hồn Trương Ba đã từ chối lời đề nghị của vị tiên trời, bởi ông hình dung ra bao nhiêu rắc rối sẽ xảy đến nếu tiếp tục duy trì sự sống trong thân thể một thằng bé lên mười.
- Đề nghị Đế Thích trả lại hồn cho cu Tị để nó được sống lại.
- Quyết định chết và không nhập vào thù của ai nữa "Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn". Đây là một sự lựa chọn đầy khó khăn với Trương Ba bởi "sau một hồi lâu nghĩ kĩ" nhân vật mới đưa ra quyết định ấy.
- Đế Thích: Đành phải chấp nhận "làm chi cu Tí sống lại".
* Đánh giá. Qua đoạn trích ta thấy được:
- Cảnh ngộ bi kịch của Hồn Trương Ba: phải hứng chịu những cái sai đáng tiếc của quan trời và phải rất khó khăn trên trên con đường sửa sai, làm lại cuộc đời.
- Vẻ đẹp tâm hồn rất đáng trân trọng của nhân vật: nhân hậu, vị tha, sẵn sàng chết để tránh đau khổ cho người khác và dành sự sống cho những người xung quanh; dũng cảm, có bản lĩnh; có những quan niệm sâu sắc, thấm đẫm chất nhân văn về ý nghĩa đích thực của sự sống.
c. Chiều sâu triết lý mà tác giả chuyển tải qua đoạn trích.
- Một cuộc sống hạnh phúc phải có sự hài hoà giữa đời sống vật chất và tinh thần, thể xác và linh hồn, phải được sống là chính mình.
- Cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người tìm được tình yêu thương, sự sẻ chia, kính trọng từ những người xung quanh, đặc biệt là từ những người thân trong gia đình.
- Được sống là một điều may mắn, nhưng sống như thế nào mới quan trọng.
- Có rất nhiều trở lực ngăn cản con người vượt lên hoàn cảnh, con người phải luôn biết đấu tranh với nghịch cảnh, với chính mình để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
d. Nghệ thuật
- Khắc họa nhân vật chân thực, sống động.
- Tác giả tạo ra xung đột kịch căng thẳng do khác nhau về quan niệm sống.
- Ngôn ngữ kịch giàu tính cá thể.
- Giọng điệu đa thanh, phức điệu, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, vừa dí dỏm, hóm hỉnh vừa giàu triết lý. Những triết lý có tính gợi mở, lột mặt nạ giải thiêng thần thánh mà mục đích cũng là tôn vinh con người với những ước mơ, những khát vọng đời thường.
- Với cuộc đối thoại này, tác giả đã cởi nút cho xung đột của tác phẩm.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Lưu ý
1. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, bài làm của thí sinh cần được đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm...
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Bài viết có thể không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng hoặc phần thân bài ở câu nghị luận văn học chỉ viết một đoạn văn.
5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.