Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Sông Lô, Vĩnh Phúc (Lần 2) là đề luyện thi đại học môn Văn, thi thử đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn học sinh và thầy cô giáo tham khảo, nghiên cứu chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia 2016 được tốt nhất.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2)
Nghị luận xã hội: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc
TRƯỜNG THPT SÔNG LÔ
| ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂM 2016 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề (Đề thi có 01 trang) |
Câu 1 (2,0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Thời gian
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.
(Văn Cao)
a. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
b. Bài thơ được chia làm mấy phần? Nội dung chính của từng phần?
c. Cụm từ "những câu thơ", "những bài hát" trong hai câu thơ 5 và 6 có ý nghĩa gì?
d. Từ "còn xanh" trong hai câu thơ 5 và 6 diễn tả điều gì?
Câu 2 (3,0 điểm):
Nhà bác học L. Pasteur từng nói:
"Học vấn không có quê hương nhưng người có học vấn phải có Tổ quốc"
Câu nói trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Câu 3 (5,0 điểm):
Cảm nhận của anh/chị về chất dân gian trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
Câu 1 (2,0 điểm):
a. Văn bản thuộc PCNN nghệ thuật. (0,5đ)
b. Phần 1 (4 câu thơ đầu): Sức tàn phá của thời gian. (0,25đ)
Phần 2 (3 câu cuối): những điều có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian. (0,25đ)
c. Cụm từ "những câu thơ", "những bài hát" trong hai câu thơ 5 và 6 có ý nghĩa: Biểu tượng cho nghệ thuật. (0,5đ)
d. Từ "còn xanh" trong hai câu thơ 5 và 6 diễn tả Sự tồn tại mãi mãi với thời gian. (0,5đ)
Câu 2 (3,0 điểm):
1. Giải thích: (0,5đ)
- "Học vấn không có quê hương": nghĩa là tri thức, thành tựu khoa học...là của chung nhân loại, con người có thể học tập, lĩnh hội mà không cần phân biệt nó là của quốc gia nào.
- "Nhưng người học phải có Tổ quốc": nghĩa là người có học, có tri thức phải biết yêu và có trách nhiệm với Tổ quốc của mình.
- Như vậy, câu nói trên của L. Pasteur khẳng định: mỗi người đều có thể học tập và tiếp thu tri thức của nhân loại ở bất cứ nơi đâu; nhưng trong lòng phải có Tổ quốc, biết yêu và cống hiến cho Tổ quốc.
2. Bình luận, chứng minh:
- Con người cần học tập và tiếp thu tri thức mà không cần phân biệt nguồn gốc của tri thức đó: (0,75đ)
- Tri thức là sản phẩm tinh thần kì diệu của nhân loại, bao gồm tri thức thuộc tất cả các lĩnh vực: tự nhiên, xã hội và con người.
- Tri thức có vai trò quan trọng với đời sống tinh thần của con người: Cơ sở để nhận thức, giúp con người hiểu biết về cuộc sống và chính bản thân.
=> Tri thức cần thiết cho cuộc sống của con người bởi vậy chúng ta cần học tập và tiếp thu tri thức ở bất cứ nơi nào, không cần phân biệt nguồn gốc.
- Người có học vấn phải có Tổ quốc trong lòng, vì: (1,0đ)
- Tổ quốc là một phần máu thịt của con người, Tổ quốc đã bao bọc, che chở mỗi con người. Bởi vậy, học tập, có tri thức, mỗi người phải biết cống hiến cho đất nước.
- Cống hiến cho đất nước cũng chính là một cách thể hiện lòng yêu nước của mỗi cá nhân.
- Sự cống hiến của mỗi cá nhân cho đất nước sẽ giúp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, đặc biệt với những nước kém phát triển hoặc đang phát triển.
- Không phải chỉ có những người có học vấn mới cần có tình yêu Tổ quốc. Đây là tình cảm cao quý cần có ở tất cả mọi người, bất cứ ai cũng phải có ý thức giữ gìn, cống hiến và xây dựng đất nước.(0,25đ)
3. Bài học nhận thức và hành động.
- Nhận thức: Câu nói của L. Parteur đã để lại cho mỗi người bài học về tình yêu Tổ quốc. Dù có tiếp thu tri thức ở bất cứ nơi đâu thì trong lòng cũng cần có Tổ quốc, biết yêu và cống hiến cho đất nước. (0,25đ)
- Hành động: (0,25đ)
- Cần thể hiện thái độ yêu quí và thái độ trân trọng với những người có học vấn.
- Mỗi công dân cần tích cực trau dồi đạo đức và tri thức, tích cực học tập và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để cống hiến cho Tổ quốc. Sự cống hiến của con người chính là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của đất nước.
- Đất nước cần tạo điều kiện và cơ hội cho người có học vấn cống hiến.
Câu 3 (5,0 điểm):
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích: (0,5đ)
- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén thể hiện tâm tư người trí thức.
- Trường ca Mặt đường khát vọng được sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị- Thiên, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị miền Nam vùng tạm chiếm về non sông đất nước và ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Đoạn trích Đất Nước (thuộc phần đầu của chương V) thể hiện một cách cảm nhận mới về Đất Nước. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tác giả đã sử dụng nhuần nhị, sáng tạo chất dân gian để đem lại sức hấp dẫn riêng cho đoạn trích.
2. Chất dân gian được sử dụng đa dạng và sáng tạo trong đoạn thơ
a. Chất dân gian biểu hiện ở phương diện nội dung: (2,0đ)
- Về phong tục, tập (tục ăn trầu, bới tóc, đặt tên con bằng những hình ảnh quen thuộc như cái kèo, cái cột...).
- Lối sống cần cù, chịu thương, chịu khó (hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng...).
- Lối sống nhân nghĩa, lạc quan tin tưởng (Dạy anh biết yêu em từ thủa trong nôi, biết quí công cầm vàng những ngày lặn lội...)
- Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm (Biết trồng tre đợi ngày thành gậy. Đi trả thù mà không sợ dài lâu....)
b. Chất dân gian biểu hiện ở phương diện nghệ thuật: (1,5đ)
- Sử dụng cụm từ "ngày xửa ngày xưa" bắt nguồn từ truyện cổ tích.
- Hình ảnh thơ gần gũi với ca dao (gừng cay muối mặn, chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm....)
- Hình ảnh thơ bắt nguồn từ truyền thuyết (Thánh Gióng, Lac Long Quân và Âu Cơ...)
- Sử dụng những chất liệu của văn hóa dân gian (Cách sử dụng từ ngữ "ăn trầu", "tóc mẹ thì bới sau đầu, "cái kèo, cái cột thành tên"...
3. Đánh giá (1,0đ)
- Thơ Nguyễn Khoa Điềm vốn giàu chất suy tưởng và triết lí, được thể hiện qua câu thơ tự do, nhịp điệu linh hoạt nên đoạn thơ còn có sự kết hợp hài hòa giữa chất dân gian và chất hiện đại.
- Việc vận dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng.