Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 1) là đề thi thử đại học môn Văn năm 2016 được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải, giúp các bạn tự luyện tập và kiểm tra lại dễ dàng hơn. Đây là tài liệu ôn thi, hệ thống lại kiến thức hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12. Mời các bạn cùng tham khảo.
Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Toán lần 3 năm 2015 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương
SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG | ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM 2016 MÔN: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 180 phút) |
Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
"Tuy nhiên, thực tế là việc đổ xô đến các điểm thờ tự đang mang tính phong trào và bị "thực dụng hoá" khiến cho các điểm tâm linh bị quá tải. Và hệ quả là hàng loạt các vấn nạn xảy ra làm cho nét văn hoá đáng tự hào bỗng trở nên đáng sợ. Cụ thể, đó là chuyện chen lấn xô đẩy để được vào nội cung lễ bái, chuyện mất cắp do đội quân đạo chích lợi dụng đông người trà trộn, chuyện hương khói nghi ngút cửa đền dẫn đến nguy cơ hoả hoạn luôn rình rập, nạn chặt chém ở các quán hàng, nạn khấn thuê kêu mướn lấy giá cắt cổ, đốt hàng tấn vàng mã gây lãng phí, nạn vứt rác bừa bãi khắp khu di tích... chỉ mới kể ra ngần đó thôi đã đủ thấy được "bức tranh" lễ chùa đầu năm không sáng sủa chút nào."
(Dẫn theo http://dantri.com.vn - Thứ Sáu, 19/02/2016 - 07:11)
Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)
Câu 2. Đặt tiêu đề cho đoạn văn trên. (0,25 điểm)
Câu 3. Theo anh/chị, đoạn văn này có phải là đoạn mở đầu của bài viết không? Vì sao? (0,5 điểm)
Câu 4. Từ nội dung được đề cập đến trong đoạn trích, anh/chị hãy đề ra hai giải pháp nhằm khắc phục hiện tượng trên, trả lại cho truyền thống nét đẹp vốn có. (0,5 điểm)
Đọc hai đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
(Trích từ bài thơ Mẹ và quả – Nguyễn Khoa Điềm)
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.
(Trích từ bài thơ Trong lời mẹ hát – Trương Nam Hương)
Câu 5. Nêu hai phương thức biểu đạt chính được sử dụng ở cả hai đoạn thơ trên. (0,25 điểm)
Câu 6. Xác định nghệ thuật tương phản trong từng đoạn thơ. (0,25 điểm)
Câu 7. Tìm và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ "Thời gian chạy qua tóc mẹ". (0,5 điểm)
Câu 8. Từ nội dung của hai đoạn thơ trên, hãy phát biểu suy nghĩ của anh/chị về tình mẹ và bổn phận của những người làm con. Trả lời trong khoảng 6-8 dòng. (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm):
Bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về lời tâm sự giữa con mèo với con chim hải âu trong truyện ngắn "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" của Luis Sepulveda:
"...Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương một ai đó khác mình thực sự rất khó khăn."
Câu 2 (4,0 điểm):
Kết thúc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, nhân vật trữ tình đã bộc lộ niềm khao khát:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Trên cơ sở phân tích những điều đã được bộc bạch trong bài thơ, anh/chị hãy làm sáng tỏ cội nguồn của niềm khát khao đó.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm).
Câu 1. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ báo chí.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng như trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2. Đặt tiêu đề phù hợp với nội dung đoạn trích. Ví dụ Lòng tham của người Việt khiến đền, chùa quá tải vào đầu năm.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo cách trên (Hoặc có câu trả lời khác nhưng phải phù hợp)
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 3. Đoạn văn này không phải là đoạn mở đầu của bài viết. Vì đầu đoạn văn có từ nối "Tuy nhiên", thể hiện sự liên kết hồi hướng với ý đoạn ở trên.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng theo cách trên
- Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 4. HS có thể có những suy nghĩ và đề xuất những giải pháp khác nhau, nhưng cần nêu tập trung vào các giải pháp như: Tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng; Quản lí chặt chẽ hơn nữa để không xảy ra một số hiện tượng thiếu văn hóa chốn tâm linh; Xử phạt nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm...
- Điểm 0,5: HS đề xuất được 2 giải pháp đúng.
- Điểm 0,25: Chỉ đề xuất được 1 giải pháp đúng, hoặc đề xuất được 2 giải pháp nhưng cả 2 đều còn chung chung.
- Điểm 0: Nêu các giải pháp không chính xác hoặc không có câu trả lời.
Câu 5. Hai phương thức biểu đạt chính: Miêu tả, biểu cảm.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng như trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 6. Trong đoạn thơ thứ nhất: "Lũ chúng tôi... lớn lên" tương phản với "bí và bầu lớn xuống"; Trong đoạn thơ thứ hai: "Lưng mẹ... còng dần xuống" tương phản với "con ngày một thêm cao".
- Điểm 0,25: Trả lời đúng như trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 7. Biện pháp tu từ nhân hóa: Thời gian chạy...
Tác dụng: cho thấy thời gian trôi nhanh khiến mẹ già nua và người con xót xa thương mẹ.
- Điểm 0,5: Xác định đúng biện pháp tu từ và phân tích được tác dụng như trên.
- Điểm 0,25: Tìm đúng biện pháp tu từ nhưng không nêu được tác dụng (hoặc nêu sai)
- Điểm 0: Trả lời sai hoàn toàn hoặc không trả lời
Câu 8. Mỗi HS có thể có những suy nghĩ khác nhau, cần nêu bật được các ý: Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, cao quý; Mẹ đã dành cả đời thầm lặng hi sinh, chăm chút, vun trồng cho con lớn khôn. Bổn phận của những người con là phải biết chăm sóc, báo hiếu, đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ.
- Điểm 0,5: Trình bày được suy nghĩ cá nhân hợp lí, thuyết phục
- Điểm 0,25: Câu trả lời còn chung chung, chưa rõ ý
- Điểm 0: Không có câu trả lời
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm):
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; điễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lòng nhân hậu, sự bao dung của con người trong cuộc sống.
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giải thích ý kiến:
- Dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nghĩa là: những người có cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng; cùng sở thích, cùng quan điểm sống,...thường dễ hòa hợp, dễ kết thân với nhau.
- Yêu thương một ai đó khác mình... rất khó khăn nghĩa là: những người không cùng hoàn cảnh, không cùng sở thích, quan điểm sống... thường rất khó hòa hợp hay kết thân với nhau.
- Lời tâm sự đưa đến một bài học: Trong cuộc sống có nhiều điều, nhiều người không đúng theo ý muốn, sở thích của ta nhưng mỗi người phải biết vượt lên cái tôi cá nhân để hòa nhập, tạo một môi trường tập thể trong sáng, lành mạnh. Đó là lối sống đẹp, là kĩ năng sống cần phải rèn luyện trong cuộc đời.
- Phân tích – lí giải:
- Tại sao con người lại dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình?
- Trước hết, đây là một hiện tượng tâm lý phổ biến trong cuộc sống, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính.
- Những người có cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng; cùng sở thích, cùng quan điểm sống,... thường dễ đồng cảm với nhau, dễ chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cùng nhau. Trong công việc, dễ thống nhất trong suy nghĩ và hành động nên công việc sẽ được giải quyết 1 cách thuận lợi.
- Tại sao yêu thương một ai đó khác mình thực sự rất khó khăn?
- Vì những người không cùng hoàn cảnh, không cùng sở thích, quan điểm sống... khó có khả năng đồng cảm với nhau. Do đó cũng khó để chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
- Trong công việc, dễ nảy sinh mâu thuẫn hoặc những ý kiến trái chiều, gây khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả công việc.
- Bàn luận:
- Khẳng định lối sống hòa hợp ngay cả với người khác mình là lối sống tích cực, cần phải vươn đến, nhất là trong thời kì hội nhập như ngày nay.
- Chỉ yêu thương người giống mình mà không yêu thương người khác mình sẽ khiến cho con người rơi vào lối sống thiên vị, hẹp hòi, không công bằng, thậm chí là ích kỉ. Con người cũng sẽ không phát huy được hết khả năng, bởi có mâu thuẫn, có giải quyết mâu thuẫn mới thúc đẩy được sự phát triển.
- Ngợi ca những con người có lối sống bao dung, vị tha, biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ trong cuộc sống. Đồng thời, phê phán những lối sống quá đề cao cái tôi, hẹp hòi, vị kỉ...
- Bài học nhận thức và hành động:
- Cần biết khẳng định cá tính nhưng đồng thời cũng biết tôn trọng những cá tính khác mình.
- Rèn tính kiên trì, nhẫn nại để lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm. Sống chan hòa, bao dung với mọi người.
- Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, phân tích, bình luận) còn chưa được đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 0,5: Đáp ứng được 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
4. Sáng tạo (0,5 điểm).
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2 (4,0 điểm):
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; điễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cội nguồn của niềm khát khao được tan vào sóng để dâng hiến và bất tử trong tình yêu của nhân vật trữ tình trong bài thơ Sóng.
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):
- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giới thiệu về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm Sóng và vấn đề nghị luận
- Những nỗi niềm bộc bạch của nhân vật trữ tình trong bài thơ – cội nguồn của niềm khao khát được tan vào sóng để dâng hiến và bất tử trong tình yêu:
- Ban đầu, nhân vật trữ tình soi vào sóng để tự nhận thức tất cả những trạng thái riêng tư, bí ẩn...:
- Trạng thái phức tạp của sóng (dữ dội – dịu êm; ồn ào – lặng lẽ) cũng chính là những biểu hiện thất thường của người phụ nữ khi yêu. Tình yêu cũng như con sóng, luôn khát khao vươn tới cái lớn lao, cao cả, không cùng ("Sóng tìm ra tận bể").
- Cũng như sóng biển, tình yêu là vĩnh hằng và đầy bí ẩn, không thể cắt nghĩa.
- Tiếp đến, nhân vật trữ tình thông qua sóng để tự biểu hiện những nỗi niềm tâm trạng, những xúc cảm trong tình yêu:
- Tình yêu đi liền với nỗi nhớ "Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức"
- Tình yêu luôn sắt son thủy chung "Hướng về anh một phương"
- Tình yêu làm cho nhân vật trữ tình có được niềm tin nồng nàn tha thiết, như con sóng "con nào chẳng tới bờ"
- Nhưng tình yêu cũng làm cho nhân vật trữ tình ý thức đuợc sự hữu hạn của đời người, sự mong manh của hạnh phúc.
- Tất cả những nỗi niềm và xúc cảm trên đã đưa nhân vật trữ tình tìm đến một giải pháp: tan vào sóng để dâng hiến và bất tử "Làm sao được tan ra...."
- Về nghệ thuật thể hiện
- Bài thơ có âm hưởng vừa dạt dào sôi nổi vừa êm dịu, lắng sâu. Kết cấu song trùng hai hình tượng sóng và em giúp nhân vật trữ tình biểu hiện được tất cả những trạng thái tâm lí, những xúc cảm trong tình yêu và vẻ đẹp tâm hồn.
- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, cách ngắt nhịp linh hoạt, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng sáng tạo, tài hoa.
- (HS có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác, nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục).
- Điểm 1,5 – 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, bình luận) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 1,0 - 1,25: Đáp ứng được 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,5 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
4. Sáng tạo (0,5 điểm).
- Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện sự tinh tế, khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.