Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp (Lần 1) gồm 8 câu đọc hiểu và 2 câu làm văn có đáp án đi kèm. Đây là đề luyện thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học, Cao đẳng 2016 hữu ích dành cho các bạn thí sinh, mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Ngọc Tảo, Hà Nội

Sở GD&ĐT Đồng Tháp

Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu

ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC NĂM HỌC 2015 – 2016 LẦN I

MÔN: NGỮ VĂN – khối 12

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm có 02 trang)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Ở nhiều điểm đến tham quan, du lịch khác cũng từng diễn ra các hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiếu ý thức. Ngay cả những nơi linh thiêng như khu tượng đài danh nhân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và di tích văn hóa - lịch sử mang tính biểu tượng, họ cũng không tha khi trèo bám, đánh đu, phô diễn hình thể, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa Văn Miếu, hôn môi tượng danh nhân, leo lên hiện vật trong bảo tàng để chụp ảnh. Điều đáng buồn là số đông trong các vị khách du lịch, tham quan ấy lại là giới trẻ và có cả một vài diễn viên hài vốn được coi là "người của công chúng". Các hình ảnh phản cảm được họ hả hê, khoái chí tung khoe trên facebook hoặc các diễn đàn mạng, coi đó như một kỷ niệm của mình trong chuyến đi. Tại nhiều điểm đến đáng lẽ cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thì sự vô ý thức của một bộ phận du khách cũng hủy hoại và làm hoen ố vẻ đẹp của các di tích, danh thắng bởi những hành vi như dùng dao, dùng bút, than, phấn để khắc hình, ký tên, vẽ nhăng cuội, chi chít trên di tích. Có những hang động với hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp hình thành từ hàng nghìn năm, vậy mà sau vài mùa đón khách tham quan đã bị rơi, rụng hay vỡ nát do các du khách đua nhau lén lấy đá đập để nghe âm thanh hoặc tìm kiếm một mẩu nhũ mang về. Tình trạng rác rưởi do khách vô ý thức vứt ra bừa bãi cũng làm đau đầu ban quản lý các khu di tích, danh thắng trong công tác xử lý. Ngay cả di sản và kì quan thế giới Vịnh Hạ Long cũng bị du khách vô tư xả rác xuống mặt biển, mặc dù ban quản lí tăng cường nhắc nhở, xử phạt. Không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu các cơ quan chức năng địa phương, bởi có những lúc số lượng khách đổ về quá đông mà lực lượng bảo vệ, thu gom rác lại mỏng, có làm việc hết công xuất cũng không xuể.

(Theo nhandan.com.vn)

Câu 1: Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25đ)

Câu 2: Thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản? (0,25đ)

Câu 3: Chỉ ra hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiếu ý thức? (0,5đ)

Câu 4: Theo anh/chị, cần làm gì đề hạn chế các hành vi thiếu ý thức của khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh? (Viết một đoạn văn ngắn khoảng 8 đến 10 câu) (0,5đ)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ 5 - 8:

Hạnh phúc bình thường và giản dị lắm em ơi!
Là chiếc xe về mỗi chiều của bố
Cả nhà quây quần bên căn gác nhỏ
Chị xới cơm đầy bắt phải ăn no
Hạnh phúc là khi đêm về không có tiếng mẹ ho
Là ngọn đèn khuya soi tương lai con sáng
Là điểm mười đỏ tươi mỗi khi lên bảng
Là ánh mắt một người như lạ như quen
Hạnh phúc là khi mình có một cái tên
Vậy đừng nói cuộc đời này tẻ nhạt nhé em
Tuổi mười tám em còn khờ khạo lắm
Đừng cố vẽ tô một chân trời xa đầy màu hồng thắm
Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường.

(Hạnh phúc - Thanh Huyền)

Câu 5: Xác định giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ? (0.25đ)

Câu 6: Nội dung chính của đoạn thơ (0.5đ)

Câu 7: Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ chủ yếu trong đoạn thơ? (0,5đ)

Câu 8: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 8 đến 10 câu) trình bày quan niệm của anh/chị về hạnh phúc. (0.25đ)

Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Trong bức thư của một du học sinh Nhật bàn về "văn hóa Việt" có đoạn:

"Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hỗ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường".

Là người Việt trẻ tuổi, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

Câu 2: (4,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp của hai đoạn thơ dưới đây:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

(Trích "Việt Bắc"- Tố Hữu)

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

(Trích "Sóng" - Xuân Quỳnh)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 3

Câu 1. (0,25đ): Phong cách ngôn ngữ báo chí / báo chí

Câu 2. (0,25đ): Thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản: Thao tác chứng minh/ chứng minh

Câu 3. (0,5đ): Hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiếu ý thức:

  • Trèo bám, đánh đu, phô diễn hình thể, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa Văn Miếu, hôn môi tượng danh nhân, leo lên hiện vật trong bảo tàng để chụp ảnh.
  • Hủy hoại và làm hoen ố vẻ đẹp của các di tích, danh thắng bởi những hành vi như dùng dao, dùng bút, than, phấn để khắc hình, ký tên, vẽ nhăng cuội, chi chít trên di tích.
  • Đua nhau lén lấy đá đập nhũ đá tuyệt đẹp hình thành từ hàng nghìn năm để nghe âm thanh hoặc tìm kiếm một mẩu nhũ mang về.
  • Vô tư xả rác....

Câu 4. (0,5đ):

  • Đoạn văn phải viết gọn, không quá số dòng qui định, các câu phải đúng ngữ pháp.
  • Đoạn văn nêu lên một số biện pháp hạn chế các hành vi thiếu ý thức của khách du lịch tại các khu di tích lịch sừ, danh lam thắng cảnh: Tăng cường hoạt động quan lí tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh; treo những bản hiệu nhắc nhở hành vi của khách du lịch; phạt hành chính một cách nghiêm khắc các hành vi xâm phạm vẻ đẹp các di tích, danh lam thắng cảnh của khách du lịch...

Câu 5. (0,25đ): giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ: giọng ngọt ngào, tâm tình, thủ thỉ.

Câu 6. (0,5đ): Nội dung chính của đoạn thơ

  • Hạnh phúc là những điều hết sức bình thường, giản dị trong cuộc sống đời thường: gia đình đầm ấm, hi vọng tương lai tươi sáng, ánh mắt một người vừa lạ vừa quen....
  • Tình cảm yêu thương, trân trọng của người viết đối với hạnh phúc bình dị của cuộc sống đời thường.

Câu 7. (0,5đ): Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ chủ yếu trong đoạn thơ

  • Biện pháp tu từ: liệt kê
  • Hiệu quả nghệ thuật:: Bằng phép liệt kê, người viết đã thể hiện quan niệm hạnh phúc một cách ấn tượng, chân thật, xúc động qua những hình ảnh hết sức cụ thế, gần gũi, bình dị, đời thường trong cuộc sống: tiếng xe về mỗi chiều của bố, cả nhà quây quần bên căn gác nhỏ, đêm về không có tiếng mẹ ho....

Câu 8. (0,25đ):

  • Đoạn văn phải viết gọn, không quá số dòng qui định, các câu phải đúng ngữ pháp
  • Đoạn văn phải trình bày được quan niệm của cá nhân về hạnh phúc. (Ví dụ: Giá trị của hạnh phúc; Cách giữ hạnh phúc...).

II/ Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Lời cảnh tỉnh: không nên ngủ quên trong quá khứ và hãnh diện về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc mà cần để truyền thống văn hoá tốt đẹp đó thể hiện trong thực tế cuộc sống hàng ngày

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
  • Ý 1. Giải thích
    • Tự hào: là sự hãnh diện, tự tin về điều gì đó.
    • 4000 năm văn hiến: là quá trình lịch sử dài lâu. gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp của dân tộc.
    • Xấu hổ: càm giác hổ thẹn vì lỗi lầm hoặc sự kém cỏi, không xứng đáng 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện í rong cách hành xứ đời thường.
    • Ý cả câu là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi người Việt Nam: không nên ngủ quên trong quá khứ và chỉ biết hãnh diện về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc mà cần để truyền thống văn hoá tốt đẹp đó thể hiện trong thực tế cuộc sống hằng ngày.
  • Ý 2. Bàn luận:
    • Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến:
      • Trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy.
      • Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.
    • Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chi là một chương trong sách lịch sử chứ không được thế hiện trong cách hành xứ đời thường:
      • 4000 năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu, nhưng nó hoàn toàn là thành tựu của quá khứ. Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách, vì văn hoá của một dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại.
      • Thực tế hiện nay đáng cảnh báo vì sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong lối sống, VD: truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái ngàn xưa đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lùi bởi thói vô cảm và chủ nghĩa cá nhân; truyền thống trọng tình nghĩa mai một trước chủ nghĩa thực dụng và toan tính....
    • Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không ghi nhận những tấm gương nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống.
  • Ý 3. Bài học nhận thức, hành động:
    • Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người Việt Nam nhìn lại chính mình để biết trân trọng quá khứ của cha ông và biểu hiện bằng những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại
    • Lao động, học tập, bồi dưỡng nhân cách, có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

*Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.

Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Cảm nhận vẻ đẹp của hai đoạn thơ về nội dung và nghệ thuật.

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa khai thác nghệ thuật để làm rõ nội dung (2,0 điểm):

Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

  • Ý 1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
  • Ý 2. Cảm nhận vẻ đẹp từng đoạn thơ
    • Đoạn thơ Việt Bắc:
      • Nội dung
      • Nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho quê hương Việt Bắc, con người Việt Bắc.
      • Hiện lên trong nỗi nhớ ấy là hình ảnh Việt Bắc thân thương, với cảnh đẹp bình dị mà thơ mộng, cảnh ở nhiều không gian và thời gian, với nhịp sống đơn sơ mà êm đềm, đằm thắm, là hình ảnh con người Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó. Con người và thiên nhiên hài hòa gắn bó trong nỗi nhớ người về xuôi.
    • Nghệ thuật.

Thể thơ lục bát nhuần nhuyễn; âm hưởng ngọt ngào, tha thiết, sâu lắng; hình ảnh thơ giản dị mà gợi cảm, cách ví von quen thuộc mà vẫn độc đáo, cách tổ chức lời thơ với phép tiểu đối, phép đối.

    • Đoạn thơ Sóng
      • Nội dung
        • Nỗi nhớ của sóng choáng ngợp cả không gian " dưới lòng sâu – trên mặt nước", trải dài theo thời gian " ngày đêm không ngủ được". Dù ở bất kì đâu, sóng cũng chỉ có một nơi để nhớ, để thương đó là bờ.
        • Mượn hình tượng sóng nhớ bờ để diễn tả nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thoả, người con gái khi yêu còn bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của mình một cách chân thành, bạo dạn "Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức". Nỗi nhớ tràn cả vào trong ý thức, tiềm thức và cõi vô thức.
      • Nghệ thuật
        • Lối điệp cú pháp kết hợp với hình thức đối lập: trên - dưới; ngày – đêm; thức - ngủ...đã góp phần thể hiện một nỗi nhớ cháy bỏng, da diết của sóng với bờ hay cũng chính là nỗi nhớ của người con gái khi yêu.
        • Sóng là hình ảnh ẩn dụ. Đến khổ thơ này, em đã tách ra khỏi sóng để diễn tả chân thực nỗi nhớ khắc khoải, triền miên biểu hiện tấm lòng chung thuỷ của người con gái trong tình yêu.
  • Ý 3. Đánh giá điểm tương đồng và khác biệt.
    • Điểm tương đồng.
      • Cả hai đoạn thơ điều thể hiện nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình. Nỗi nhớ không chỉ là xúc cảm, là biểu hiện thường nhật trong tình yêu mà đó còn là vẻ đẹp của nhân tính, là thước đo của một tình yêu sâu nặng.
      • Mỗi đoạn thơ đều gồm 6 câu, thể hiện cảm hứng lãng mạn, một trong những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.
    • Điểm khác biệt
      • Nội dung.Đoạn thơ của Tố Hữu dùng nỗi nhớ tình yêu để khẳng định nỗi nhớ Việt Bắc của người cán bộ về xuôi. Tình cảm Cách mạng qua cảm nhận của nhà thơ gắn bó, hòa nhập với truyền thống yêu nước, đạo lí sống ân nghĩa thủy chung của dân tộc. Sóng diễn tả trực tiếp tình cảm lứa đôi, thông qua nỗi nhớ của người con gái vừa nồng nàn vừa mãnh liệt. Sóng là tiếng lòng chân thành, đắm say của người phụ nữ trong tình yêu đôi lứa.
      • Nghệ thuật: Hai bài thơ sử dụng hai hình thức khác nhau để bộc lộ cảm xúc: Việt Bắc sử dụng hình thức thơ lục bát, Sóng sử dụng hình thức thơ ngũ ngôn truyền thống.
    • Lí giải:
      • Điểm giống nhau: Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Phải chăng vì thế mà khi viết về tình yêu (tình yêu riêng hay tình yêu chung) cả Tố Hữu và Xuân Quỳnh đều diễn tả nỗi nhớ da diết, khắc khoải ở mọi không gian, thời gian.
      • Điểm khác nhau: Sự khác nhau giữa hai đoạn thơ còn có thể lí giải bởi sự khác nhau về phong cách thơ của hai tác giả. Thơ Tố Hữu mang màu sắc trữ tình- chính trị. Nội dung đặc sắc của thơ Tố Hữu là tình cảm lớn, niềm vui lớn, lẽ sống lớn. Hồn thơ Xuân Quỳnh là một hồn thơ giàu nữ tính, chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.

(Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.)

  • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 - 1,25: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!