Đề thi Olympic Ngữ văn lớp 7
Đề thi Olympic môn Ngữ văn lớp 7 THCS Bình Minh, Hà Nội năm 2014 - 2015 có đáp án đi kèm, giúp học sinh ôn tập môn Văn hiệu quả. Đề thi Olympic là tài liệu hữu ích, các em học sinh lớp 7 có thể tự làm trên lớp hoặc ôn tập tại nhà, giúp các em ôn thi học sinh giỏi tốt hơn. Mời các em tham khảo.
Đề thi Olympic môn Văn lớp 7 năm 2013 - 2014, Phòng GD-ĐT Thanh Oai
Đề thi Olympic lớp 7 năm 2014 huyện Thanh Oai
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI |
ĐỀ THI OLYMPIC |
Câu 1: (4 điểm)
Cho đoạn văn:
Mưa xuân. Không phải mưa. Đó là sự bâng khuâng gieo hạt xuống mặt đất nồng ấm, mặt đất lúc nào cũng phập phồng, như muốn thở dài vì bồi hồi, xốn xang,.... Hoa xoan rắc nhớ nhung xuống cỏ non ướt đẫm. Đồi đất đỏ lấm tấm một thảm hoa trẩu trắng.
(Vũ Tú Nam)
a. Tìm các từ láy trong đoạn văn
b. Phân tích giá trị biểu cảm của các từ láy đó.
Câu 2 (6 điểm)
Trong bài thơ "Quê hương" của Đỗ Trung Quân có đoạn:
"Quê hương là cánh diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông"
Hãy nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.
Câu 3 (10 điểm)
Có ý kiến đã nhận xét rằng:
"Thơ ca dân gian là tiếng nói trái tim của người lao động. Nó thể hiện sâu sắc những tình cảm tốt đẹp của nhân dân ta."
Dựa vào những câu tục ngữ, ca dao mà em đã được học và đọc thêm, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đáp án đề thi Olympic Ngữ văn lớp 7
Câu 1 (4 điểm)
- Học sinh chỉ ra được các từ láy trong đoạn văn: Bâng khuâng, phập phồng, bồi hồi, xốn xang, nhớ nhung, lấm tấm. (1đ)
- Phân tích được những giá trị biểu cảm của những từ láy có trong đoạn văn:
- Bằng việc sử dụng hàng loạt từ láy miêu tả trạng thái cảm xúc... đoạn văn mang đến cho người đọc những cảm nhận bất ngờ thú vị về mưa xuân. Đó không còn là những hạt mưa đơn thuần mà là cả một sự bâng khuâng gieo hạt - gieo sự sống. Mỗi hạt mưa xuân bé nhỏ ấy mang hơi thở ấm áp của mùa xuân phả vào không gian trời đất làm ấm nồng đất đai, làm cây cối tốt tươi. (1đ)
- Có phải vì thế mà mặt đất hồi sinh giống như người con gái đang "phập phồng" chờ đợi "bồi hồi, xốn xang" vì nhớ, vì yêu nay được thỏa lòng mong ước? trong màn mưa xuân giăng mắc, hóa xoan tim tím rải đẩy thảm cỏ non như đang rắc nhớ nhung, nỗi nhớ mùa xuân xinh đẹp, nỗi nhớ của tình yêu chung thủy. Mưa xuân về cũng là dịp hoa trẩu trắng nở khắp vùng đất đỏ, màu trắng ấy "lấm tấm" nổi bật trên nền đất phì nhiêu.... (1đ)
- Quả thật, mưa xuân được nhà văn Vũ Tú Nam cảm nhận hết sức tinh tế: mưa xuân nhẹ, mỏng đáng yêu và dạt dào sức sống - sức sống tươi non, rạo rực, sức sống mùa xuân. Qua đó bạn đọc thấy được cách dùng từ chính xác, sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc, tâm hồn yêu cái đẹp, yêu mùa xuân của nhà văn Vũ Tú Nam. (1đ)
Câu 2 (6 điểm)
a) Hình thức: (2đ)
- Học sinh tự do lựa chọn kiểu văn bản, có thể là biểu cảm hoặc nghị luận.
- Diễn đạt lưu loát, mạch lạc.
- Trình bày sạch, đẹp.
b) Nội dung
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những phát hiện và cảm thụ riêng nhưng cần nêu được một số ý cơ bản:
- Đoạn thơ cho ta thấy tác giả đã bộc lộ những suy nghĩ về quê hương thông qua những hình ảnh rất cụ thể. Quê hương yêu dấu gắn liền với những hoài niệm của tuổi thơ. "Cánh diều biếc" thả trên cánh đồng từng mang dấu ấn của tuổi thơ đẹp. Đó là cánh diều thả sau mùa gặt. Chữ "biếc" gợi tả cánh diều tuyệt đẹp. (1đ)
- Âm thanh của "con đò nhỏ" khua nước trên dòng sông quê hương êm đềm mà lắng đọng. Âm thanh mộc mạc, giản dị nhưng rất đỗi thân thiết không thể nào quên. Tiếng mái chèo khua nước ấy là kỷ niệm của tuổi thơ với quê hương yêu dấu. (1đ)
- Có thể nói những kỷ niệm đơn sơ, giản dị của quê hương luôn có sự gắn bó bằng tình cảm của con người gần như là máu thịt. Nghĩ về quê hương như vậy, ta thấy tình cảm của nhà thơ đối với quê hương thật đẹp đẽ và sâu sắc. (1đ)
- Nghệ thuật so sánh tạo nên hình ảnh đẹp, đầy sáng tạo, đặc sắc và độc đáo đã gợi tả một không gian nghệ thuật có chiều cao, sắc biếc của bầu trời, có chiều dậu của cánh đồng quê, có chiều dài của năm tháng, có âm thanh thân thuộc của mái chèo trên dòng sông quên. Nhà thơ đã nói lên một cách đằm thắm, thiết tha một tình yêu quê hương. (1đ)
Câu 3 (10 điểm)
a) Hình thức: (3đ)
- Xác định đúng kiểu bài chứng minh nhận định về văn học dân gian (tục ngữ, ca dao) (1đ)
- Viết bài phải có bố cục rõ ràng, có luận điểm, luận cữ, luận chứng. (1đ)
- Trình bày sạch đẹp, câu chữ rõ ràng, hành văn giàu cảm xúc và trôi chảy (1đ)
b) Nội dung (7đ)
- Mở bài: (0,5đ)
- Dẫn dắt được vào vấn đề hợp lý
- Trích dẫn được nội dung cần chứng minh ở đề bài, đánh giá khái quát vấn đề.
- Thân bài:
- Thơ ca dân gian là gì? (thuộc phương thức biểu đạt trữ tình của văn học dân gian gồm tục ngữ, dân ca, ca dao....; thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, đa dạng và phong phú xuất phát từ những trái tim lao động của nhân dân; là cách nói giản dị, mộc mạc, chân thành nhưng thể hiện những tình cảm to lớn, cụ thể: "ca dao là thơ của vạn nhà" - Xuân Diệu; là suối nguồn của tình yêu thương, là bến bờ của những trái tim biết chia sẻ). (1,5đ)
- Tại sao thơ ca dân gian là tiếng nói trái tim của người lao động (lập luận): Thể hiện những tư tưởng, tình cảm, khát vọng, ước mơ....của người lao động (1đ)
- Thơ ca dân gian "thể hiện sâu sắc những tình cảm tốt đẹp của nhân dân ta":
- Tình yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên (dẫn chứng) (0,5đ)
- Tình cảm cộng đồng (dẫn chứng: "Dù ai đi.....mùng mười tháng ba; Bầu ơi thương....một giàn; Nhiễu điều phủ lấy....nhau cùng; máu chảy ruột mềm. Môi hở răng lạnh....) (0,5đ)
- Tình cảm gia đình (1đ)
- Tình cảm của con cháu đối với tổ tiên, ông bà (dẫn chứng: Con người có tổ.... có nguồn;Ngó lên nuột lạt ... bấy nhiêu;...)
- Tình cảm của con cái đối với cha mẹ (dẫn chứng: Công nhà như ....là đạo con; Ơn cha ....cưu mang; Chiều chiều ra đứng.... chín chiều; Mẹ già như....đường mía lau...)
- Tình cảm anh em huynh đệ ruột thịt (dẫn chứng: Anh em như chân ...đỡ đần; Anh thuận em hòa là nhà có phúc; Chị ngã em nâng.....)
- Tình cảm vợ chồng (dẫn chứng: Râu tôm...khen ngon; Lấy anh thì sướng hơn vua...càng hơn vua; Thuận vợ thuận.....cạn).
- Tình bằng hữu bạn bè thân thiết, tình làng xóm thân thương (dẫn chứng: Bạn về có nhớ...nhớ trời; Cái cò cái vạc....giăng ca;...) (0,5đ)
- Tình thầy trò (dẫn chứng: Muốn sang thì bắc....lấy thầy...) (0,5đ)
- Tình yêu đôi lứa (dẫn chứng: Qua đình....bấy nhiêu; Yêu nhau cởi....gió bay; Gần nhà mà...làm cầu; Ước gì sông.....sang chơi....) (0,5đ)
- Kết bài: (0,5đ)
- Đánh giá khái quát lại vấn đề
- Bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của bản thân về vấn đề vừa làm sáng tỏ.