Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thủy Nguyên, Hải Phòng năm học 2015 - 2016. Đề thi gồm có 2 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 120 phút. Ở câu hỏi làm văn đề thi yêu cầu thí sinh tả cảnh mưa trên sông qua bài Mưa sông của nhà thơ Nguyễn Bính.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2013 - 2014 huyện Lâm Thao, Phú Thọ

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 6 trường THCS Sông Lô, Vĩnh Phúc năm 2014- 2015

Đề thi học sinh giỏi Ngữ Văn lớp 6 THCS Bình Minh năm 2013 - 2014

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HUYỆN THỦY NGUYÊN
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 6
Thời gian làm bài: 120 phút

Câu 1: (3,0 điểm)

"Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ: hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều long lanh, lung linh trong nắng".

(Vũ Tú Nam)

Xác định và nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong đoạn văn.

Câu 2. (7,0 điểm)

Mưa sông
Gió bỗng thổi ào, mây thấp lối
Buồm căng muốn rách, nước trôi nhanh
Trên đường cát bụi vùng theo gió
Nón mới cô kia lật nửa vành
Ếch gọi nhau hoài tự mấy ao
Trên bờ, cây hoảng hốt lao xao
Đò ngang vội vã chèo vô bến
Lớp lớp tràn sông đợt sóng trào
Buồm rơi trơ lại cột tre gầy
Loang loáng chân trời chớp xé mây
Chim lẻ vội vàng bay nhớn nhác
Mưa gieo nặng hột xuống sông đầy

(Nguyễn Bính)

Từ nội dung bài thơ trên và qua thực tế. Em hãy viết bài văn miêu tả cảnh mưa trên sông.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 6

Câu 1 (3,0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Hiểu và thể hiện tốt phương pháp làm một bài văn phân tích những giá trị về mặt nghệ thuật trong một đoạn văn mà đề đã cho trước.
  • Hành văn mạch lạc, trình bày sạch đẹp, không mắc các lỗi dùng từ, ngữ pháp.

b. Yêu cầu về kiến thức: Đảm bảo các ý cơ bản sau:

  • Học sinh chỉ ra được các biện pháp nghệ thuật: phép tu từ nhân hóa, so sánh; dùng từ đặc tả, từ láy, trình tự quan sát miêu tả từ xa đến gần vừa khái quát vừa cụ thể sinh động. 0,5 điểm
  • Phép nhân hóa: Cây gạo được nhân hóa bằng từ dùng để chỉ hành động của con người qua từ nhân hóa là từ "gọi" có tác dụng làm cho cây gạo trở nên gần gũi có tình cảm thân thiết yêu quý bạn bè chia sẻ niềm vui như con người. 0,5 điểm
  • Phép so sánh 1: Cây gạo với hình ảnh "tháp đèn khổng lồ" phương diện so sánh là "sừng sững" gọi cho người đọc thấy sự lớn lao hoành tráng và đẹp dẽ của cây gạo với nhiều màu sắc hoa lá rực rỡ và tươi xanh. 0,5 điểm
  • Phép so sánh 2: hàng ngàn bông hoa với hình ảnh "hàng ngàn ngọn lửa hồng" giúp ta liên tưởng cây gạo nở hoa đỏ rực như một cây đèn khổng lồ với những đốm lửa hồng rung rinh trong gió. 0,5 điểm
  • Phép so sánh 3: Hàng ngàn búp nõn với hình ảnh "hàng ngàn ánh nến trong xanh" gợi cho người đọc cảm nhận được độ xanh non mỡ hàng trong trẻo tràn đầy nhựa sống của búp nõn cùng với màu hông của hoa rực rỡ. 0,5 điểm
  • Sự kết hợp khéo léo tự nhiên của các phép tu từ với việc sử dụng các từ đặc tả: "khổng lồ", "lửa hồng", "trong xanh" đã tả được hình ảnh đẹp đẽ, rực rỡ, sống động và gần gũi thân thiết của cây gạo vào mùa xuân ở mọi miền quê hương đất nước Việt Nam, giúp người đọc thêm yêu quê hương đất nước mình trong đó có hoa gạo nở vào mùa xuân thật tươi đẹp. 0,5 điểm

Câu 2 (7,0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng: 0,5 điểm

  • Hiểu và thể hiện tốt phương pháp làm một bài văn miêu tả có sự kết hợp yếu tố biểu cảm, tự sự.
  • Bố cục bài viết chặt chẽ. Văn phong giàu hình ảnh, cảm xúc chân thành, trong sáng. Biết sử dụng đủ các chi tiết trong bài thơ, nhưng biết lựa chọn một vài chi tiết tiêu biểu để tả kỹ.
  • Trình bày sạch đẹp, không mắc các lỗi dùng từ, ngữ pháp.

b. Yêu cầu về kiến thức.

  • Bài viết giới thiệu về hoàn cảnh diễn ra (địa điểm, thời gian...) cơn mưa mà thực tế HS đã được quan sát... 0,5 điểm
  • Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách hoặc có bố cục lại các chi tiết theo một trình tự nhất định mà không theo trình tự của bài thơ song bài viết đảm bảo các chi tiết sau: 5,5 điểm
    • Gió nổi lên.
    • Mây đen sà thấp xuống sát mặt sông.
    • Cánh buồm căng phồng như muốn rách toang.
    • Nước sông trôi nhanh...
    • Trên đường: Cát bụi vùng lên, chạy theo gió làm cô gái bị lật nửa vành nón...
    • Từ mấy bờ ao, ếch gọi nhau mê mải...
    • Trên bờ ao, cây hoảng hốt lao xao.
    • Dưới sông: Đò ngang vội vã chèo vào bến. Sóng tràn dào dạt trên mặt sông. Chiếc buồm của con thuyền rách tan, trơ lại cột buồm tre gầy chọc vào bầu trời tối sẫm nước mưa.
    • Chân trời, chớp xé loang loáng; một con chim lẻ đàn bay nhớn nhác...
    • Trên mặt sông: mưa gieo nặng hột chi chít, đầy mặt sông...
  • Bộc lộ cảm xúc sau cơn mưa. 0,5 điểm

c. Biểu điểm

  • Điểm 7: Đáp ứng xuất sắc các yêu cầu trên. Bài miêu tả hay, đặc sắc; kết hợp có hiệu quả với yếu tố tự sự và biểu cảm. Sử dụng được những hình ảnh so sánh, liên tưởng,... cùng những suy ngẫm độc đáo, thú vị nhưng cũng hết sức hồn nhiên, trong sáng. Diễn đạt mạch lạc, tự nhiên. Bài viết sạch đẹp, không mắc các lỗi về diễn đạt, chính tả.
  • Điểm 6: Đáp ứng tốt các yêu cầu của điểm 7 song còn hạn chế ở bố cục, cách trình bài và lỗi văn phạm.
  • Điểm 5 - 4: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên. Bố cục bài văn chặt chẽ, lời văn miêu tả có sáng tạo, sử dụng được nhiều hình ảnh so sánh, tưởng tượng độc đáo, thú vị. Bộc lộ cảm xúc tốt. Trình bày khá sạch đẹp. Mắc 2 - 3 lỗi diễn đạt hoặc chính tả.
  • Điểm 3: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên. Song sức viết chưa tốt, miêu tả còn hời hợt, cảm xúc sáo mòn. Còn mắc nhiều lỗi về văn phạm và lỗi chính tả.
  • Điểm 2: Đơn thuần là tả cảnh mùa xuân mà chưa gắn với chủ thể và hoàn cảnh của thể thể như đề yêu cầu (chưa hiểu đề); chưa đáp ứng được các yêu cầu trên
  • Điểm 1: Lạc sang kiểu bài văn tự sự hoặc một dạng bài khác mà không phải là miêu tả. Trình bày quá cẩu thả, sai quá nhiều lỗi chính tả.
  • Điểm 0: Không làm bài.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!