Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Ninh Hòa, Khánh Hòa năm học 2016 - 2017. Đề gồm có 3 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 90 phút. Ở câu làm văn đề thi yêu cầu thí sinh kể về một người thầy giáo (cô giáo) mà em yêu quý.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỊ XÃ NINH HÒA ĐỀ KIỂM TRA HKI NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: NGỮ VĂN lớp 6
Thời gian làm bài: 90 phút

Câu 1: (3,0 điểm)

a)

- Nêu định nghĩa về thể loại truyện ngụ ngôn?

- Kể tên những văn bản thuộc thể loại truyện ngụ ngôn mà em đã được học trong sách Ngữ văn 6, tập một.

b)

- Tóm tắt cốt truyện "Ếch ngồi đáy giếng". (Không quá 5 dòng)

- Truyện nêu lên bài học gì?

Câu 2: (2,0 điểm)

Một bạn học sinh đã mắc nhiều lỗi chính tả khi chép lại một đoạn văn trong truyện "Bánh chưng, bánh giầy" như sau:

''... Vua cha sem qua một lược rồi dừng lại chước chồng bánh của Lang liêu, rất vừa ý, bèn gọi lên hỏi. Lang liêu đem giấc mơ gặp thần ra kể lại. Vua cha ngẫm nghỉ rất lâu rồi trọn hai thứ bánh ấy đem tế trời, đất cùng Tiên Vươn''.

a) Em hãy viết lại đoạn văn trên cho đúng.

b) Chỉ từ là gì? Tìm chỉ từ trong những câu văn trên? Xác định ý nghĩa và chức vụ của chỉ từ ấy.

Câu 3: (5,0 điểm)

Kể về một người thầy giáo (cô giáo) mà em yêu quý.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 6

Câu 1

a)

* Nêu được định nghĩa về thể loại truyện ngụ ngôn: Loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người; nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống. 1,0 đ

  • Mức tối đa: Nêu đúng nội dung trên 1,0 đ
  • Mức chưa tối đa: Thiếu hoặc sai nội dung trên 0,25 đ - 0,75 đ
  • Không đạt: Nêu nhầm lẫn, không trình bày. 0 đ

* Kể tên những văn bản thuộc thể loại truyện ngụ ngôn đã được học trong sách Ngữ văn 6, tập một: Ếch ngồi đáy giếng; Thầy bói xem voi; Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng; Đeo nhạc cho mèo (không bắt buộc phải kể) 0,5 đ

  • Mức tối đa: Kể đúng 3 văn bản trên 0,5 đ
  • Mức chưa tối đa: Kể đúng 2/3 văn bản. 0,25 đ
  • Không đạt: Kể không đúng hoặc chỉ đúng 1 văn bản. 0 đ

b)

* Tóm tắt cốt truyện "Ếch ngồi đáy giếng": Gợi ý: Một con ếch sống trong đáy giếng đã lâu ngày. Nó cứ nghĩ mình là chúa tể, còn bầu trời chỉ là chiếc vung. Đến khi mưa to, nước dâng lên, ếch ra khỏi giếng và đi lại nghênh ngang, không để ý đến xung quanh, nên cuối cùng bị một con trâu đi qua giẫm bẹp. 0,75 đ

  • Mức tối đa: Thực hiện đủ nội dung trên (không quá 5 dòng) 0,75 đ
  • Mức chưa tối đa: Chưa đầy đủ nội dung trên 0,25 đ - 0,5 đ
  • Không đạt: Nhầm lẫn, không trình bày 0 đ

* Từ câu chuyện về cách nhìn thế giới bên ngoài, chỉ qua miệng giếng nhỏ hẹp của chú ếch, truyện nêu lên bài học: 0,75 đ

- Phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang.

- Khuyên nhủ người ta phải mở rộng tầm hiểu biết của mình.

- Không được chủ quan, kiêu ngạo coi thường những đối tượng chung quanh.

  • Mức tối đa: Nêu đủ, đúng 3 ý trên 0,75 đ
  • Mức chưa tối đa: Sai, thiếu mỗi ý: - 0,25 điểm 0,25 đ - 0,5 đ
  • Không đạt: Nhầm lẫn, không trình bày 0 đ

Câu 2

a) Viết lại đoạn văn cho đúng:

''... Vua cha xem qua một lượt rồi dừng lại trước chồng bánh của Lang Liêu, rất vừa ý, bèn gọi lên hỏi. Lang Liêu đem giấc mơ gặp thần ra kể lại. Vua cha ngẫm nghĩ rất lâu rồi chọn hai thứ bánh ấy đem tế Trời, Đất cùng Tiên vương''. 1,0 đ

  • Mức tối đa: Đúng như đoạn văn trên hoặc chỉ sót 1 lỗi 1,0 đ
  • Mức chưa tối đa: Chữa sai, thiếu: - 0,25 điểm/2 lỗi (bất cứ dạng nào)
  • (Chú ý: Chữ "Liêu" chỉ tính 1 lỗi) 0,25 đ - 0,75 đ
  • Không đạt: Không làm, làm sai. 0 đ

b)

* Chỉ từ là những từ dùng để trỏ vào sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong không gian hoặc thời gian.

* Tìm chỉ từ trong những câu văn trên: "ấy" 0,5 đ

  • Mức tối đa: Nêu đúng, đủ 2 ý trên. 0,5 đ
  • Mức chưa tối đa: Sai, thiếu 1 ý. 0,25 đ
  • Không đạt: Không làm, làm sai. 0 đ

* Xác định ý nghĩa và chức vụ của chỉ từ "ấy": 0,5 đ

- Xác định vị trí của sự vật trong không gian.

- (Thay thế cho "của Lang Liêu") làm phụ ngữ cho cụm danh từ "hai thứ bánh".

  • Mức tối đa: Nêu đúng, đủ 2 ý trên. 0,5 đ
  • Mức chưa tối đa: Sai, thiếu 1 ý. 0,25 đ
  • Không đạt: Không làm, làm sai. 0 đ

Câu 3

1. Yêu cầu chung:

  • Dạng đề: Kể chuyện.
  • Nội dung:
    • Một thầy giáo hoặc cô giáo luôn tận tâm, hết lòng đối với việc dạy dỗ em.
    • Những bài học em rút ra được từ nhân cách người thầy (cô) giáo đó.
    • Những suy nghĩ về tình cảm thầy trò.
  • Kỹ năng:
    • Ngôi kể: ngôi thứ nhất.
    • Trình tự kể: nên từ hiện tại hồi tưởng về quá khứ.
    • Bố cục bài kể chuyện đầy đủ, rõ ràng; diễn đạt chính xác, mạch lạc; trình bày sạch sẽ, cẩn thận;

2. Đáp án và biểu điểm: (Dàn bài gợi ý)

a) Mở bài: 0,5 đ

- Vai trò của những người thầy, người cô đối với học trò: (mang đến tri thức, dạy dỗ em nên người).

- Giới thiệu khái quát về người thầy (cô) mà em sắp kể: Đó là thầy (cô) nào, dạy em lớp mấy?

  • Mức tối đa: Thực hiện đúng yêu cầu, biết cách dẫn dắt, giới thiệu. 0,5 đ
  • Mức chưa tối đa: Nêu chung chung. 0,25 đ
  • Không đạt: Nhầm lẫn, không trình bày. 0 đ

b) Thân bài:

* Miêu tả một vài nét nổi bật về ngoại hình của thầy giáo (cô giáo) đó: Vóc dáng, phong thái, giọng nói, cử chỉ, ... (có thể viết riêng hoặc đan xen vào những phần dưới) 1,0 đ

  • Mức tối đa: Biết cách miêu tả hợp lí, chân thật, vừa phải; kĩ năng tả tốt. 1,0 đ
  • Mức chưa tối đa: Chưa đạt yêu cầu trên, tả chung chung, sơ sài. 0,5 đ
  • Không đạt: Nhầm lẫn, không trình bày. 0 đ

* Kể chuyện về thầy giáo (cô giáo) ấy: Khái quát về lối sống, tác phong sư phạm của người thầy (cô) đó: Mẫu mực, quan tâm thương yêu học sinh... 2,0 đ

- Đối với riêng em, thầy (cô) đã hết lòng với việc học tập của em ra sao? (nhắc nhở, động viên em học tập: Gặp riêng để trò chuyện; đến nhà để thăm hỏi, tìm hiểu...). Giúp đỡ về tinh thần, vật chất (nếu có): Hướng dẫn cách học, tặng sách vở, đồ dùng học tập...

- Kỷ niệm sâu sắc nhất của em đối với thầy giáo (cô giáo) ấy.

  • Mức tối đa: Biết cách kể chuyện hợp lí, sáng tạo; Có kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm tốt trong quá trình kể. 2,0 đ
  • Mức chưa tối đa: Chưa đạt yêu cầu trên, kể chung chung. 1,0 đ - 1,5 đ
  • Kể sơ sài (kể ít, tả nhiều) 0,5 đ
  • Không đạt: Nhầm lẫn, không trình bày. 0 đ

* Nêu tình cảm của em đối với thầy giáo (cô giáo) ấy ra sao: Yêu mến, cảm phục, tri ân... (có thể ban đầu thấy khó chịu nhưng sau này có sự biến đổi rõ rệt...) Bài học về cách sống mà thầy cô đã mang lại cho em. 1,0 đ

  • Mức tối đa: Trình bày tốt, chân thành các ý trên. 1,0 đ
  • Mức chưa tối đa: Chưa đạt yêu cầu trên; tả chung chung, sơ sài. 0,5 đ
  • Không đạt: Nhầm lẫn, không trình bày. 0 đ

c) Kết bài: 0,5 đ

- Khẳng định tình cảm yêu quí, trân trọng của bản thân đối với thầy giáo (cô giáo) đó.

- Những suy nghĩ khái quát, sâu sắc về tình cảm thầy trò.

  • Mức tối đa: Đạt các yêu cầu trên, cảm xúc chân thật. 0,5 đ
  • Mức chưa tối đa: Nêu chung chung, sơ sài. 0,25 đ
  • Không đạt: Nhầm lẫn, không trình bày. 0 đ

* Lưu ý: Nếu diễn đạt chưa tốt, bài viết chỉ đạt một nửa số điểm của từng phần. Đây chỉ là gợi ý, tùy theo bài làm của HS mà giáo viên linh hoạt, định điểm nhưng không vượt khung quy định.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!