Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc năm học 2014 - 2015 có đáp án là tài liệu tham khảo hữu ích cho các thầy cô cùng, các em học sinh lên kế hoạch ôn tập học kì 1 môn Văn hiệu quả. Sau đây mời các bậc phụ huynh, thầy cô cùng các em học sinh tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Toán lớp 10 trường THPT Trần Phú, Đồng Nai năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Lịch sử lớp 10 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc năm học 2014 - 2015

Đề thi học kì 1 môn Vật lý lớp 10 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc năm học 2014 - 2015

Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

SỞ GD- ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC 2

ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN THỨ HAI

NĂM HỌC 2014 - 2015

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 10 - KHỐI C, D

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2 điểm)

"Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Nhân tình nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như?"

(Kính gửi cụ Nguyễn Du - Tố Hữu)

  1. Ý thơ của Tố Hữu lấy từ câu thơ nào trong bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí" của Nguyễn Du?
  2. Nỗi niềm, tâm sự của Nguyễn Du từ hai câu thơ em đã tìm được ở phần 1.

Câu 2 (3 điểm)

Quan niệm của anh/ chị về lối sống giản dị của một con người.

Câu 3 (3 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè.

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

Câu 1 (2 điểm)

1. Câu thơ của Tố Hữu lấy ý từ hai câu cuối của bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí" của Nguyễn Du. (0,5)

2. - Từ nỗi niềm xót thương cho nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du thương mình, xót mình => biết thương thân, xót phận là biểu hiện của lòng nhân đạo cao đẹp. (0,5)

- Câu thơ thể hiện nỗi cô đơn của chính Nguyễn Du vì chưa tìm được người đồng cảm, tri âm => đây là tiếng nói chung của những con người tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến. (0,5)

- Câu thơ dưới hình thức là một câu hỏi thể hiện sự băn khoăn, nỗi mong đợi của tác giả về sự tri âm, đồng cảm của hậu thế với không chỉ riêng Nguyễn Du mà cả những kiếp tài hoa bất hạnh.=> trân trọng nâng niu cái đẹp. (0,5)

Câu 2 (3 điểm) Quan niệm của anh/ chị về lối sống giản dị của một con người.

1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận (0,25)

2. Giải thích:

  • Giản dị là sự đơn giản hoá một cách tự nhiên trong phong cách sống. Người ta hay nói ăn mặc giản dị, phong cách giản dị, lối sống giản dị... (0,25)
  • Lối sống giản dị bộc lộ ở nhiều phương diện: Giản dị, tự nhiên trong trang phục, không cầu kì, phô trương, không chạy theo mốt, không cần những đồ trang sức đắt tiền. Giản dị trong lối sống, trong thói quen ăn uống. Giản dị trong giao tiếp, nói năng, trong phong cách làm việc. (0,25)

3. Vai trò của giản dị

  • Giản dị khiến con người dễ hoà nhập với mọi người, xoá tan những khoảng cách, e ngại trong giao tiếp. (0,25)
  • Giản dị làm cho con người trở nên thân thiện với nhau, có thể bày tỏ những nỗi niềm riêng tư để chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn trong cuộc sống. (0,25)
  • Sự giản dị giúp ta có thêm bạn bè và người thân. (0,25)
  • Sự giản dị góp phần làm sáng lên nhân cách mỗi con người. (0,25)

4. Bình luận, mở rộng

  • Lối sống giản dị hoàn toàn khác với lối sống xa hoa, cẩu thả, buông xuôi. (0,25)
  • Giản dị thuộc về ý thức. Sự cẩu thả trong lối sống hiện nay của một số thanh niên là lối sống vô ý thức, qua loa cho xong chuyện. Trong khi đó giản dị là sự đơn giản thuộc về phong cách. Người giản dị, tao nhã, thanh lịch mang cốt cách văn hoá. Để đạt được sự giản dị đích thực nhiều khi phải trải qua sự rèn luyện. (0,25)
  • Giản dị cũng khác xa lối sống xa hoa, đua đòi, chạy theo mốt thời thượng. Sự xa hoa không đúng lúc, đúng chỗ chỉ bộc lộ sự thiếu hiểu biết và nhiều khi trở thành lố lăng, lố bịch. (0,25)

5. Chứng minh vẻ đẹp của lối sống giản dị trong cuộc sống và trong văn học.

  • HS có thể lấy dẫn chứng về lối sống giản dị của Bác Hồ- một tấm gương tuyệt vời về sự giản dị.
  • HS cũng cần học tập lối sống giản dị trong cách ăn mặc, nói năng, học tập và cư xử của bạn bè xung quanh mình. (0,25)

6. Bài học rút ra cho bản thân (0,25)

Câu 3 (3 điểm) Cảm nhận của em về vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ "Cảnh ngày hè".

1. Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ "Cảnh ngày hè".

  • Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại một số lượng sáng tác lớn. Thơ Nguyễn Trãi giàu tình cảm với thiên nhiên, đất nước, con người. (0,25)
  • "Cảnh ngày hè" là bài thơ số 43 thuộc chùm thơ "Bảo kính cảnh giới" trong "Quốc âm thi tập". Bài thơ đã miêu tả bức tranh thiên nhiên ngày hè giản dị, dân dã tràn đầy sức sống, qua đó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. (0,25)

2. Bức tranh phong cảnh ngày hè.

  • Câu đầu là giới thiệu tâm thế của nhà thơ: rảnh rỗi, thư thái ngắm cảnh (0,25)
  • Nguyễn Trãi đã sử dụng bút pháp tả cảnh khiến cho cảnh vật hiện lên trước mắt người đọc thật sinh động, tràn đầy sức sống: hòe lục đùn đùn, rợp mát như giương ô che rợp, thạch lựu phun trào sắc đỏ, sen hồng đang độ nức ngát mùi hương. Nhà thơ căng mở mọi giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác) để đón nhận vẻ đẹp của cảnh vật ngày hè. (0,5)
  • Từ ngữ: các động từ đùn đùn, gương, phun thể hiện sức sống mãnh liệt của cảnh vật
  • Hình ảnh: Nguyễn Trãi lựa chọn những hình ảnh rất đặc trưng cho mùa hè như: hoa thạch lựu, tán hòe xanh, hương sen thơm ngát trong ao. (0,5)

3. Bức tranh cuộc sống ngày hè.

  • Nguyễn Trãi đã đón nhận cảnh ngày hè bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác và sự liên tưởng hết sức tinh tế. (0,25)
  • Âm thanh của tiếng chợ cá làng chài hoà cùng âm thanh của tiếng ve tạo thêm hơi ấm và sức sống cho bức tranh thiên nhiên, bức tranh cuộc sống. (0,25)

4. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi.

  • Tâm thế an nhiên tự tại ngắm cảnh trong câu thơ đầu tiên. (câu 1)
  • Tâm hồn yêu thiên nhiên nồng nàn, tha thiết. (Câu 2,3,4) (0,5)
  • Tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống: (0,5)
    • Nhà thơ đã khắc họa bức tranh cuộc sống thanh bình: nơi chợ cá dân dã thì "lao xao", chốn lầu gác thì "dắng dỏi" tiếng ve như một bản đàn.
    • Qua đó ta thấy được lòng yêu đời của Nguyễn Trãi. Cảnh vật thanh bình yên vui bởi sự thanh thản đang lan tỏa trong tâm hồn thi nhân. Âm thanh lao xao của chợ cá dội lên từ phía làng chài hay chính tác giả đang rộn rã niềm vui trước cảnh cuộc sống thanh bình? Tiếng cầm ve hay chính là khúc nhạc lòng của nhà thơ được tấu lên?
  • Một tấm lòng ưu ái với dân, với nước của nhà thơ. (0,5)
    • Đắm mình trong cảnh ngày hè, nhà thơ ước có cây đàn của vua Thuấn, gảy khúc Nam Phong cầu mưa thuận gió hòa để "Dân giàu đủ khắp đòi phương".
    • Lấy Nghiêu, Thuấn làm "gương báu răn mình", Nguyễn Trãi bộc lộ chí hướng cao cả: khát khao đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.
    • Đây là tư tưởng tích cực tiến bộ của Nguyễn Trãi và lí tưởng "dân giàu đủ khắp đòi phương" của Nguyễn Trãi với ngày hôm nay vẫn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

5. Đánh giá về nghệ thuật của tác phẩm.

  • Hệ thống ngôn từ giản dị, tinh tế, xen lẫn từ Hán và điển tích. (0,25)
  • Sử dụng từ láy độc đáo: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi... (0,25)
  • Câu thơ lục ngôn, cô đọng hàm súc trong bài thất ngôn bát cú Đường luật. (0,25)

6. Cảm nhận chung về bài thơ. (0.5)

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!